Trung đoàn Thủ Đô
Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Trung đoàn Thủ Đô, hay Trung đoàn 102, là một trung đoàn thuộc Sư đoàn 308, Quân đội nhân dân Việt Nam.[cần dẫn nguồn] Trung đoàn Thủ đô hiện nay đóng quân tại địa bàn xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam.
Trung đoàn Thủ đô Trung đoàn 102 | |
---|---|
Quân đội Nhân dân Việt Nam | |
Quốc gia | Việt Nam |
Thành lập | 7 tháng 1 năm 1947 |
Quân chủng | Lục quân |
Phân cấp | Trung đoàn |
Quy mô | 3.000 |
Bộ phận của | Sư đoàn 308 |
Bộ chỉ huy | Xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam |
Tên khác | Trung đoàn Thủ Đô |
Lịch sử
sửaTrung đoàn chính thức được thành lập ngày 6 tháng 1 năm 1947, giữa cuộc chiến kéo dài 2 tháng tại Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến, trên cơ sở Tiểu đoàn 301 cùng các đơn vị Vệ quốc đoàn và Tự vệ chiến đấu Liên khu 1 (thuộc 36 phố phường Hà Nội cũ), gồm khoảng 2.000 người. Các chỉ huy đầu tiên là: Trung đoàn trưởng Hoàng Siêu Hải (sau chuyển về Tỉnh ủy Cao Bằng), Chính uỷ Lê Trung Toản (sau làm Thứ trưởng Bộ Nội thương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), Liệt Sĩ Trần Phúc Ánh (hy sinh ngày 7 tháng 1 năm 1952), Tham mưu trưởng Hoàng Phương. Tên gọi đầu tiên là Trung đoàn Liên khu I.[cần dẫn nguồn]
Ngày 12 tháng 1 năm 1947, Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ nhất tại Chương Mỹ, Hà Đông đã quyết định tặng Trung đoàn Liên khu I danh hiệu Trung đoàn Thủ Đô.[1]
Ngày 17 tháng 2 năm 1947, sau 2 tháng chiến đấu cầm chân quân Pháp tại Hà Nội (xem bài Trận Hà Nội 1946), bảo vệ 38 nghìn người tản cư an toàn, trung đoàn đã thực hiện thành công cuộc rút lui chiến lược ra khỏi vòng vây của quân Pháp cùng với một bộ phận nhân dân Liên khu 1. Bắt đầu 17 giờ ngày 17, từ đình Phất Lộc, ra bãi cát ven sông Hồng, trung đoàn đi dưới gầm cầu Long Biên (có lính Pháp gác trên cầu), lội sang bãi giữa sông rồi vượt sông bằng thuyền, về vùng tự do thuộc huyện Đông Anh. Đến 8 giờ ngày 18 tháng 2, toàn trung đoàn đã vượt sông xong. Khi gần sáng, quân Pháp phát hiện và truy kích nhưng bị chặn đánh và phải bỏ cuộc.[cần dẫn nguồn]
Đánh giá
sửaTrong buổi mít tinh đêm 22 tháng 2 năm 1947 kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Quân đội, tại làng Thượng Hội, Đan Phượng, Hà Tây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói:
- "Trung đoàn Thủ Đô đã tượng trưng cho bộ đội của một dân tộc nhược tiểu quyết tâm không muốn làm nô lệ và đã ngang nhiên chống lại quân đội một nước lớn hùng mạnh của đế quốc chủ nghĩa. Trung đoàn Thủ Đô đã nối chí truyền thống oanh liệt của các vị anh hùng thuở trước"
Sau này, ông đã đề nghị Hà Nội nên có nơi ghi công Trung đoàn Thủ Đô, chẳng hạn như đặt tên "Trung đoàn thủ đô" cho một con đường.[2]
Trong văn hóa đại chúng
sửaNhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã viết bài hát "Người Hà Nội" để tặng các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô, ông kể:
- "Ngày ngày 19 tháng 12 năm 1946, quân dân Hà Nội đồng loạt nổ súng vào các vị trí đóng quân của thực dân pháp chống lại âm mưu gây hấn của chúng. Chiến lũy mọc ngay trên các đường phố. Với tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", quân dân Hà Nội bám giữ từng ngôi nhà, từng góc phố gây cho địch nhiều thiệt hại."
- "Xúc động trước tinh thần chiến đấu anh dũng của Trung đoàn Thủ đô (thành lập từ các đơn vị Vệ quốc và Tự vệ Liên khu 1 thuộc 36 phố phường Hà Nội cũ), tôi sáng tác bài hát Người Hà Nội để tặng các chiến sĩ trung đoàn. Báo Cứu quốc Mặt trận Hà Nội số Xuân 1947 có đăng bài hát này được các chiến sĩ giao liên vượt vòng vây dày đặc của địch mang đến anh em bộ đội của trung đoàn...".[3]
Cựu chiến binh
sửa- Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác
- Nhà thơ Chính Hữu
…
Chú thích
sửa- ^ Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập 3, TỪ NGÀY 12 ĐẾN NGÀY 16-1, truy cập ngày ngày 23 tháng 8 năm 2019.
- ^ Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tôi tin Hà Nội sẽ làm nên những "Điện Biên Phủ" trong công cuộc đổi mới Lưu trữ 2008-04-14 tại Wayback Machine, báo Hà Nội Mới, 06/05/2004
- ^ Nhạc sĩ Trương Quang Lục, Hai tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của một nhà văn, báo Sài Gòn Giải phóng, 23/02/2008
Liên kết ngoài
sửa- Quyết tử quân Hà Nội qua hai bức ảnh, báo Nhân dân, ngày 6 tháng 12 năm 2007