Vòng nguyệt quế

vòng hoa làm từ những cành và lá của cây nguyệt quế

Trong thần thoại Hy Lạp thần Apollo được thể hiện là đội vòng nguyệt quế trên đầu, và thời Hy Lạp cổ đại thì các vòng nguyệt quế được dùng để tặng thưởng cho những người chiến thắng, cả trong những cuộc thi đấu thể thao, bao gồm cả Olympic cổ đại cũng như các cuộc thi thơ dưới sự bảo trợ của vị thần này. Một số vị hoàng đế cũng đội vòng nguyệt quế. Trong khi các vòng nguyệt quế cổ đại thường được mô tả là có hình móng ngựa thì các vòng nguyệt quế ngày nay lại thường có dạng hình tròn. Từ để chỉ người được giải thưởng trong một số ngôn ngữ nước ngoài như tiếng Anhlaureate, tiếng Ngaлауреат (từ tiếng La tinh lаureatus) đều có nghĩa là đội vòng nguyệt quế

Trong thành ngữ thông dụng ngày nay, vòng nguyệt quế dùng để chỉ chiến thắng. Thành ngữ "Ngủ trên vòng nguyệt quế của mình" dùng để chỉ những người dựa vào những thành công trong quá khứ để che đậy những điều kém cỏi của họ trong thời hiện tại.

Nguồn gốc sửa

Apollo, vị thần bảo hộ của thể thao, thường được gắn với hình ảnh đội vòng nguyệt quế. Sự liên tưởng này xuất phát từ câu chuyện Apollo và Daphne trong thần thoại Hy Lạp. Apollo thường chế giễu thần tình yêu Eros (Cupid) về kĩ năng dùng cung tên vì thần chính là vị thần bảo hộ của bộ môn bắn cung. Tức giận vì bị xúc phạm, Eros đã chuẩn bị hai mũi tên, một bằng vàng một bằng bạc. Eros bắn Apollo bằng mũi tên vàng, làm cho thần yêu say đắm nữ thần nymph Daphne và bắn Daphne bằng mũi tên bạc, làm cho nàng căm hận Apollo. Apollo theo đuổi Daphne cuồng nhiệt đến mức nàng phải cầu xin sự giải thoát và rồi hóa thân thành một cây nguyệt quế.

Apollo thề sẽ tôn vinh Daphne mãi mãi và sử dụng quyền năng bất tử cũng như tuổi trẻ vĩnh hằng của mình để làm cho cây nguyệt quế không bao giờ già. Sau đó thần kết cho mình một chiếc vòng từ những nhành cây nguyệt quế và biến Daphne thành một biểu tượng văn hóa đối với những nhạc sĩ và thi sĩ khác.

Tham khảo sửa

Liên kết ngoài sửa