Vị đắng tình yêu
Vị đắng tình yêu là một bộ phim điện ảnh tâm lý tình cảm Việt Nam năm 1990, sản xuất bởi Hãng phim Giải Phóng do Lê Xuân Hoàng làm đạo diễn. Nội dung phim xoay quanh mối tình ngang trái giữa một chàng sinh viên Y trẻ và nữ nghệ sĩ piano bị phát hiện có mảnh đạn nằm trong đầu, có sự tham gia diễn xuất của Lê Công Tuấn Anh, Lê Hồng Thủy Tiên và Lê Tuấn Anh.
Vị đắng tình yêu
| |
---|---|
Tiêu đề phim | |
Đạo diễn | Lê Xuân Hoàng |
Tác giả | Lê Hoàng Việt Linh |
Sản xuất | Hãng phim Giải Phóng |
Diễn viên | Lê Công Tuấn Anh Lê Hồng Thủy Tiên Lê Tuấn Anh |
Âm nhạc | Phú Quang |
Công chiếu | 1990 |
Thời lượng | 100 phút |
Quốc gia | Việt Nam |
Ngôn ngữ | tiếng Việt |
Doanh thu | 500 triệu đồng |
Với kịch bản chắp bút bởi Lê Hoàng và Việt Linh, Lê Công Tuấn Anh đã được mời vào vai chính của bộ phim viết riêng dành cho anh. Vai nữ chính được giao cho Lê Hồng Thủy Tiên, dù khi ấy cô đang là sinh viên chưa qua đào tạo bài bản về diễn xuất. Phần nhạc phim do nhạc sĩ Phú Quang đảm nhận.
Công chiếu lần đầu vào năm 1990, Vị đắng tình yêu đã nhanh chóng tạo nên "cơn sốt" phòng vé khắp cả nước và trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất thập niên 1990, đồng thời được đánh giá là một tác phẩm "kinh điển" của điện ảnh Việt Nam. Bộ phim cũng nhận về những đánh giá tích cực từ giới chuyên môn và đem lại cho đoàn phim nhiều giải thưởng nghệ thuật danh giá.
Vị đắng tình yêu được coi là dấu mốc cho sự ra đời của trào lưu phim mì ăn liền tại Việt Nam đầu thập niên 1990. Vai diễn của Lê Công Tuấn Anh đã trở thành "bước ngoặt" trong sự nghiệp của anh khi anh trở thành "hiện tượng đặc biệt trong làng phim ảnh nước nhà" và sau này được liệt kê vào trong số những vai diễn để đời của nam diễn viên. Sau thành công trên, diễn viên Thủy Tiên cũng có được sự ưu ái đặc biệt từ các hãng phim và tiếp tục đóng vai chính trong ba phim truyện khác.
Bối cảnh
sửaCuối thập niên 1980 đầu 1990, điện ảnh Việt Nam rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, số lượng những bộ phim điện ảnh được sản xuất rất ít và không hấp dẫn được khán giả. Tuy nhiên, dòng phim thương mại khi đó lại phát triển vô cùng mạnh mẽ. Tên gọi "phim mì ăn liền" đã được dùng để mô tả dòng phim này giai đoạn thập niên 1990.[1]
Sau khi được nhận vào đoàn kịch nói Kim Cương, Lê Công Tuấn Anh chỉ chủ yếu đảm nhận các vai quần chúng, vai phụ trong những vở kịch của đoàn. Nhờ vai diễn trong hai vở kịch gây tiếng vang khi đó là Nhân danh công lý và Lôi vũ, Lê Công Tuấn Anh đã được các nhà làm phim chú ý.[2] Sau khi rời khỏi đoàn, Lê Công Tuấn Anh sớm có vai diễn nhỏ đầu tay trong bộ phim điện ảnh năm 1989 Tìm vàng của đạo diễn Lê Xuân Hoàng. Sau đó Lê Công cũng đảm nhận một vai nhỏ trong bộ phim Phạm Công – Cúc Hoa ra mắt vào cùng năm, nhưng thời điểm này anh vẫn chưa tạo được sự chú ý. Vì cho rằng bản thân không hợp với điện ảnh, sau khi đóng được vài bộ phim, nam diễn viên đã xin trở lại đoàn kịch.[3][4]
Nội dung
sửaLấy bối cảnh Sài Gòn những năm sau 1975, chuyện phim xoay quanh Lê Quang, một sinh viên trường Y, tình cờ làm quen với nữ sinh viên nhạc viện Anh Phương trong một lần can thiệp để cứu Phương khỏi sự quấy rối của đám lưu manh. Trong khi Quang là một mọt sách "chính hiệu", được bạn bè đặt biệt danh là "Đông-ki-sốt" (theo tên gọi nhân vật Don Quijote), thì Phương lại là nghệ sĩ piano ngày ngày đắm mình vào tiếng đàn và tình yêu âm nhạc. Quang sống trong ký túc xá với năm người bạn cùng lớp, lập thành nhóm bạn thân "6 người vì một người, 1 người vì 6 người". Chính nhóm bạn này đã hết lòng ủng hộ tình yêu hai người, giúp đỡ Quang đến được với Phương.
Một ngày nọ, Phương bị phát hiện có một mảnh đạn nằm trong đầu do ảnh hưởng bom đạn từ thời chiến tranh, khiến cô không được phép chơi nhạc và phải từ bỏ niềm đam mê của mình. Khi biết tin, Phương sống trong đau khổ, chết dần chết mòn như một con bệnh. Quang đã làm tất cả để giúp Phương lấy lại niềm vui, thậm chí tạo ra một cuộc phẫu thuật "giả" để đánh lừa Phương và người thân cô rằng đã lấy được mảnh đạn ra khỏi đầu và qua đó đưa Phương trở lại cuộc sống bình thường, trở lại với tình yêu âm nhạc. Nhưng cũng vì thế mà anh đã mất Phương vào tay tình địch Duy Bình, thầy giáo dạy nhạc của Phương. Bình dùng quyền thế gia đình để đưa Quang vào bộ đội trước khi Phương ra viện. Quang ra mặt trận chiến tranh, còn Phương ở nhà bặt tin người yêu, buộc phải lấy Bình và sinh một con gái. Hơn 10 năm sau, Phương trở thành một nghệ sĩ piano nổi tiếng, còn Quang giờ đã là bác sĩ phẫu thuật thạo nghề. Quang vẫn giữ mối tình si, ngày ngày đứng trước cửa sổ nghe Phương đàn. Nhưng rồi mảnh đạn lại khiến Phương tái phát bệnh trở lại và chính Quang đã đưa Phương vào bệnh viện. Lần này, đích thân anh và thầy giáo của mình sẽ mổ để cứu Phương. Cảnh phim kết thúc khi Quang chào bố con Bình để bước vào phòng mổ.
Diễn viên
sửa- Lê Công Tuấn Anh vai Lê Quang
- Lê Hồng Thủy Tiên vai Anh Phương
- Lê Tuấn Anh vai Duy Bình
- Kim Xuân vai Mẹ Anh Phương
- Minh Khương vai Con Anh Phương
- Hoàng Sơn vai Hải "râu"
- Phước Sang vai Thằng Khờ
- Cao Việt Hưng vai Dũng
- Nguyễn Đạt Phi vai Lương
- Lê Cung Bắc vai Giáo sư Hùng
- Nguyễn Văn Bảy vai Giáo sư Xuân
- Trần Ngọc Phong vai Tuấn Mập
- Nguyễn Đình Thơ vai Quang Phúc
- Hồ Kiểng vai Bảo vệ
- Vân Anh vai Lan
- Phương Lan vai Loan
- Đạt Phi vai Lương "kều"
Sản xuất
sửaBộ phim do Hãng phim Giải phóng sản xuất.[5][6] Đạo diễn của phim là Lê Xuân Hoàng. Đây được coi là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp của ông bởi sau thời điểm bộ phim đóng máy, đạo diễn Xuân Hoàng đã bất ngờ chết vì bị điện giật tại nhà vào năm 1990, trước thời gian công chiếu phim.[7] Kịch bản phim được viết bởi Lê Hoàng và Việt Linh;[8] đây là kịch bản đầu tay do Lê Hoàng viết,[9] với tên ban đầu là Hạnh phúc hãy chờ đến sáng.[7]
Lê Công Tuấn Anh, lúc này 23 tuổi, đã bất ngờ nhận được lời mời đóng vai bác sĩ Quang "Đông-ki-sốt" trong bộ phim; vai diễn này cũng được viết riêng dành cho anh.[10][11] Lần này, Lê Công đã xin phép rời đoàn kịch một lần nữa để thực hiện bộ phim.[10] Vai nữ chính phim được giao cho Lê Hồng Thủy Tiên, dù khi ấy cô đang là sinh viên và chưa được đào tạo bài bản về diễn xuất.[12][13] Thủy Tiên được chọn vào vai này vì nhan sắc "hồng mọng và ngọt ngào làm mềm lòng bất cứ người đàn ông nào".[13] Phần nhạc phim do nhạc sĩ Phú Quang phụ trách thực hiện.[14][15]
Công chiếu và đón nhận
sửaBộ phim công chiếu lần đầu vào năm 1990. Sau khi ra mắt, Vị đắng tình yêu đã nhanh chóng tạo nên "cơn sốt" phòng vé khắp cả nước với doanh thu hơn 500 triệu đồng,[a][12] trở thành tác phẩm có doanh thu cao nhất tại Việt Nam thập niên 1990, đồng thời cũng được đánh giá là một bộ phim "kinh điển" của điện ảnh Việt Nam.[17] Tuy thuộc dòng phim mì ăn liền, song Vị đắng tình yêu vẫn nhận về những đánh giá tích cực từ giới chuyên môn và đem về cho đoàn phim nhiều giải thưởng nghệ thuật danh giá,[12][18] thành công cả về mặt doanh thu lẫn nghệ thuật.[19][20]
Hậu thành công của bộ phim, Lê Công Tuấn Anh đã trở thành "thần tượng" giới trẻ và là đối tượng săn đón của nhiều hãng phim nhà nước lẫn tư nhân trong Nam.[21] Vai diễn của Lê Công được coi là "bước ngoặt" trong sự nghiệp của anh khi trở thành "hiện tượng đặc biệt trong làng phim ảnh nước nhà";[3] là bệ phóng biến Lê Công Tuấn Anh từ một diễn viên nghiệp dư trở thành diễn viên hạng A và vai diễn trong bộ phim là một trong những vai diễn để đời của anh.[22] Biệt danh cho nhân vật Quang "Đông-ki-sốt" nhanh chóng trở thành câu cửa miệng của giới trẻ lúc bấy giờ khi nói về một anh chàng khù khờ nhưng mang trong mình trái tim yêu say đắm.[23] Diễn viên Thủy Tiên nhờ vai diễn trong phim cũng được công chúng biết đến, đồng thời nhận được sự ưu ái đặc biệt của các hãng phim và tiếp tục đóng vai chính trong ba bộ phim khác.[13][24]
Bài viết trên báo VnExpress đã chỉ ra những lý do cho sự thành công của phim, bao gồm nội dung kịch bản cùng diễn xuất và diễn biến tâm lý của hai nhân vật chính, đồng thời dành lời khen ngợi bộ phim khi "khiến người xem phải thực sự suy nghĩ về những lựa chọn giữa tình yêu và sự hy sinh, giữa niềm tin và tuyệt vọng của tuổi trẻ" thay vì cách "làm phim dễ dãi, lối kể chuyện đơn điệu với những kết thúc có hậu". Bài báo cũng cho biết Vị đắng tình yêu và những tác phẩm cùng thể loại khác khi đó đã "thoả mãn "cơn đói" văn hoá – giải trí của người Việt Nam".[12] Trong cuốn 101 bộ phim Việt Nam hay nhất,[25] nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho điểm tác phẩm 8 đến 8,4 trên thang điểm 10,[26] nhận xét kịch bản phim "không quá mới mẻ và mang dáng dấp của một bộ phim lãng mạn dễ rơi vào khuôn sáo", nhưng ghi nhận tác phẩm "vẫn vượt lên sự tầm thường đó" nhờ việc biên kịch đã xây dựng tính cách nhân vật mới mẻ với những lời thoại sắc sảo, duyên dáng.[27] Cuốn sách Hành trình nghiên cứu điện ảnh Việt Nam thì nhận định rằng bộ phim "ít nhiều đều có động chạm đến chiến tranh theo những cách khác nhau".[28] Sách Điện ảnh và bản sắc văn hóa dân tộc xuất bản năm 1998 cũng đánh giá phim có một mô típ "bước qua lời nguyền" và nhân vật Quang là "đậm đà bản sắc dân tộc".[29] Tuy vậy, viết trong sách Văn hóa văn nghệ trong đổi mới, tác giả Nguyễn Trọng Nghĩa lại điểm ra những khiếm khuyết của phim khi "chạy theo đường mòn" và "ít thuyết phục khán giả".[30]
Di sản
sửaVị đắng tình yêu được coi là dấu mốc cho sự ra đời của trào lưu phim mì ăn liền tại Việt Nam đầu thập niên 1990.[20] Báo Dân trí đã khẳng định sức sống của phim "đo bằng cuộc sống [...] song hành cùng cuộc sống" khi cho biết bộ phim về sau này vẫn được nhiều người tìm xem.[31] Một phần phim thứ hai đã được sản xuất và phát hành sau đó vào năm 1991,[32][33] hợp tác giữa Đài Loan và Việt Nam,[34] do Lê Hoàng làm đạo diễn và Lê Công Tuấn Anh tham gia diễn xuất.[35]
Vào ngày 11 tháng 5 năm 2019, hai thập kỷ kể từ thời điểm phim ra mắt, Vị đắng tình yêu đã được chiếu lại trong một buổi chiếu tổ chức bởi Trung tâm phát triển tài năng Điện ảnh, Hội Điện ảnh Việt Nam, đi kèm là buổi trò chuyện về chủ đề dòng phim mì ăn liền.[1][36] Trước đó Vị đắng tình yêu cũng được chiếu trực tuyến trên trang Media của trang web điện tử báo Tuổi Trẻ vào ngày 25 tháng 3 năm 2008.[37] Ngày 7 tháng 3 năm 2012, tác phẩm cùng với bộ phim Anh chỉ có mình em, đều do Lê Công Tuấn Anh diễn chính, đã lên sóng trên kênh K+PC vì "[việc phát phim trên sóng truyền hình tốt] hơn việc để phim "chết" trong kho lưu trữ".[38]
Nhận xét về di sản mà cuốn phim để lại, tác giả Hoàng Hường báo VietNamNet cho rằng Vị đắng tình yêu là tác phẩm đầu tiên nổi bật và thành công trong dòng phim mì ăn liền của Việt Nam, khởi đầu cho các phim theo phong cách Hàn Quốc với những cuộc tình tay ba, tay tư.[39] Bài viết trên báo VnMedia cũng nhìn nhận bộ phim đã tạo nên "một bước ngoặt mới" về doanh thu, giải thưởng và giúp tìm ra hàng loạt các diễn viên tài năng tại thời điểm.[8] Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, trong buổi hội thảo quốc tế chủ đề "Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới" tổ chức năm 2012 tại Hà Nội, đã nhận định bộ phim là tác phẩm điện ảnh đầu tiên đáp ứng cả hai mặt nhu cầu của người xem thành thị khi "vừa có tính nhẹ nhàng vừa có sức thu hút của loại hình giải trí".[40]
Giải thưởng và đề cử
sửaNăm | Giải thưởng | Hạng mục | (Người) đề cử | Kết quả | Tham khảo |
---|---|---|---|---|---|
1993 | Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10 | Phim truyện điện ảnh | — | Bông sen vàng | [8][37][41] |
Nam diễn viên chính xuất sắc (phim truyện nhựa) | Lê Công Tuấn Anh | Đoạt giải | [23][42][43] | ||
Đạo diễn xuất sắc | Lê Xuân Hoàng | Đoạt giải | [8][37][44] | ||
Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam | — | — | Giải B | [8][12][45] |
Chú thích
sửaGhi chú
sửaTham khảo
sửa- ^ a b “Chiếu phim Vị đắng tình yêu”. tpdmovie.com.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ ngocanh (9 tháng 1 năm 2007). “Lê Công Tuấn Anh - một tài năng nghệ thuật bạc mệnh”. Cải lương Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ a b Hoàng Khôi (19 tháng 10 năm 2015). “Tuổi thơ cơ cực và cái chết gây chấn động của Lê Công Tuấn Anh”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Châu Mỹ (17 tháng 10 năm 2015). “Lê Công Tuấn Anh - một cuộc đời ngắn ngủi”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ “Giới thiệu”. Hãng phim Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Nguyễn Thị Hồng Ngát 2005, tr. 304.
- ^ a b Hoàng Thủy (4 tháng 8 năm 2022). “Nhớ tài tử điện ảnh Lê Công Tuấn Anh (kỳ 2): Cột mốc 'Vị đắng tình yêu'”. Thể thao & Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ a b c d e Trần Nguyễn (1 tháng 3 năm 2012). “Phim Vị đắng tình yêu sẽ thành... "vị ngọt"?”. VnMedia. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Thanh Giang (2 tháng 9 năm 2008). “Hà Nội: Giới thiệu 4 bộ phim của đạo diễn Lê Hoàng tại Trung tâm Văn hóa Pháp”. Công an Thành phố Đà Nẵng. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ a b “Kể tiếp chuyện về Lê Công Tuấn Anh”. Dân trí. Thế giới Điện ảnh. 22 tháng 10 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Lộc Liên (17 tháng 10 năm 2018). “Cuộc đời và sự nghiệp đỉnh cao dang dở của tài tử Lê Công Tuấn Anh”. Tiền phong. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ a b c d e Anh Mai (7 tháng 6 năm 2014). “'Vị đắng tình yêu' và ký ức thời kỳ phim mỳ ăn liền”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ a b c Bích Hà (13 tháng 10 năm 2016). “Lê Hồng Thủy Tiên: Từ "ngọc nữ" màn ảnh Việt thành bà chủ quyền lực”. Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Hiền Trang (12 tháng 12 năm 2021). “Có một Phú Quang bên ngoài Hà Nội”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Phan Bích Hà 2003, tr. 268.
- ^ Hội Kỷ lục gia Việt Nam 2004, tr. 29.
- ^ Băng Châu (13 tháng 4 năm 2018). “Nhìn lại thăng trầm của dàn diễn viên "Vị đắng tình yêu" sau gần 30 năm”. Dân trí. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Nhiều tác giả 1998, tr. 365.
- ^ Khuê Tú (20 tháng 11 năm 2019). “Thời xa vắng của Diễm Hương, Lý Hùng”. Zing News. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ a b Hồng Vân (25 tháng 6 năm 2019). “Công nghiệp văn hoá: Điện ảnh - Tấm gương phản chiếu”. bvhttdl.gov.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Xem các nguồn:
- Kim Cương (6 tháng 10 năm 2019). “Giải Mai Vàng 25 năm: Kỳ nữ Kim Cương nhớ Lê Công Tuấn Anh”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- Tam Kỳ (17 tháng 10 năm 2018). “Nét lãng tử một thời của Lê Công Tuấn Anh”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- Linh Anh (24 tháng 10 năm 2016). “Lê Công Tuấn Anh: 'Bạch mã hoàng tử' khiến giới trẻ 'chao đảo'”. Tạp chí điện tử Người đưa tin Pháp luật. Đời sống và Pháp luật. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Xem các nguồn:
- Bích Hà (7 tháng 10 năm 2016). “Lê Công Tuấn Anh: Nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh”. Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- Đỗ Quyên (22 tháng 11 năm 2016). “Cuộc đời tài hoa bạc mệnh của diễn viên phim "Vị đắng tình yêu"”. Tiền phong. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- “5 phim để đời của Lê Công Tuấn Anh”. Zing News. 17 tháng 10 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ a b Miên Thảo (17 tháng 11 năm 2019). “Mãi nhớ Lê Công Tuấn Anh…”. Pháp luật Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Ý Ly (17 tháng 3 năm 2018). “Vẻ đẹp diễn viên 'Vị đắng tình yêu' qua ba thập niên”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Minh Trang (9 tháng 5 năm 2018). “Gặp lại vô số 'người quen' trong dự án 101 bộ phim Việt Nam hay nhất”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Lê Hồng Lâm 2018, tr. 16.
- ^ Lê Hồng Lâm 2018, tr. 178.
- ^ Nhiều tác giả 2007, tr. 424.
- ^ Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam 1994b, tr. 427.
- ^ Nguyễn Trọng Nghĩa 2003, tr. 144.
- ^ H.H (11 tháng 4 năm 2008). “Gặp lại Thủy Tiên của "Vị đắng tình yêu"”. Dân trí. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Hồ Sĩ Vĩnh 1993, tr. 159.
- ^ Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam 1994a, tr. 26.
- ^ Nhiều tác giả 2004, tr. 210.
- ^ Xem các nguồn:
- ANHTHU. “Khi nhà phát hành góp tiền làm phim”. Hànộimới. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- Thoại Hà (24 tháng 3 năm 2012). “Lê Hoàng: 'Tôi chưa làm phim nào ngu'”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- “"Vị đắng" cuộc đời Lê Công Tuấn Anh”. Dân trí. Dòng Đời. 12 tháng 10 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Tiểu Phong (29 tháng 5 năm 2019). “Nhìn lại dòng phim 'mì ăn liền': Hãy bớt khắt khe”. Thể thao & Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ a b c T.Huệ (24 tháng 3 năm 2008). “Xem trực tuyến phim Vị đắng tình yêu”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Hà Chi (29 tháng 2 năm 2012). “Lê Công Tuấn Anh "tái ngộ" qua sóng K+”. Thể thao & Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Hoàng Hường (27 tháng 1 năm 2008). “Điện ảnh Việt: từ "hở hang", sang "ma", lại về "khóc lóc"”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Khánh Huyền (26 tháng 11 năm 2012). “Hội thảo quốc tế chủ đề "Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới": Cần sự bứt phá”. Quân đội nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ PV (26 tháng 10 năm 2019). “Liên hoan phim Việt Nam lần thứ X - Năm 1993”. lienhoanphim.bvhttdl.gov.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Lộc Liên (9 tháng 3 năm 2019). “Những hình ảnh 'một thời để nhớ' của Lê Công Tuấn Anh”. Tiền phong. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam 1994a, tr. 23.
- ^ Ngô Huyền (21 tháng 11 năm 2017). “Danh sách phim truyện đạt giải cao tại các kỳ Liên hoan Phim”. Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- ^ HK (16 tháng 12 năm 2013). “Vị ngọt và trái đắng của dàn diễn viên "Vị đắng tình yêu"”. Dân trí. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
Nguồn
sửa- Nguyễn Thị Hồng Ngát (2005). Lịch sử điện ảnh Việt Nam, Tập 2. Cục Điện ảnh. OCLC 53129383. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam (1994a). Diễn viên điện ảnh Việt Nam. Nhà xuất bản Văn hoá-Thông tin. OCLC 33133770. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- Nhiều tác giả (2007). Hành trình nghiên cứu điện ảnh Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa thông tin. OCLC 989966481. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- Phan Bích Hà (2003). Hiện thực thứ hai. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa thông tin. OCLC 62394229. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- Hồ Sĩ Vĩnh (1993). Văn hóa vì con người. Nhà xuất bản Văn hóa và Tạp chí văn hóa nghệ thuật. OCLC 32346498. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- Nhiều tác giả (2004). Kỷ yếu các tọa đàm tổ chức tại Việt Nam trong khuôn khổ dự án JICA, 2000-2003, Tập 3. Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. OCLC 836105329. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam (1994b). Điện ảnh và bản sắc văn hóa dân tộc: mấy vấn đề lý luận và thực tiễn. Hà Nội: Nhà Xuất bản Văn hóa thông tin. OCLC 33133769. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- Nhiều tác giả (1998). Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Tập 3. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. OCLC 248320863. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- Nguyễn Trọng Nghĩa (2003). Văn hóa văn nghệ trong đổi mới: những vấn đề lý luận và thực tiễn. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. OCLC 604594635. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- Hội Kỷ lục gia Việt Nam (2004). Bộ sách những kỷ lục Việt Nam, Tập 1. Nhà xuất bản Thông tấn. OCLC 690072357. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.
- Lê Hồng Lâm (2018). 101 bộ phim Việt Nam hay nhất. Hà Nội: Nhà xuất bản Thế giới. OCLC 1061850954. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2022.