Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Việt Nam)

Chức vụ lãnh đạo tư pháp Việt Nam

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là người lãnh đạo cao nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Vị trí này do Quốc hội Việt Nam bầu theo đề nghị của Chủ tịch nước[1]. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là 5 năm. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không nhất thiết phải là Đại biểu Quốc hội. Không có quy định pháp luật Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tuy nhiên trên thực tế ở Việt Nam, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thường là một Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đương nhiệm là ông Lê Minh Trí (nhậm chức từ 8 tháng 4 năm 2016), Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam
Phù hiệu ngành Kiểm sát nhân dân
Đương nhiệm
Lê Minh Trí

từ 8 tháng 4 năm 2016
Chức vụViện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Thành viên củaQuốc hội Việt Nam
Bổ nhiệm bởiQuốc hội Việt Nam (theo đề cử của Chủ tịch nước)
Nhiệm kỳ5 năm, theo nhiệm kỳ Quốc hội
Người đầu tiên nhậm chứcBùi Lâm
(từ 1958 đến 1960)
Websitehttps://kiemsat.vn/

Nhiệm vụ và quyền hạn sửa

Theo Mục 2, Điều 63 của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:[2]

  1. Lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác và xây dựng Viện kiểm sát nhân dân; quyết định các vấn đề về công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
  2. Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị, điều lệ, quy chế, chế độ công tác áp dụng đối với Viện kiểm sát nhân dân.
  3. Quy định bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn; quyết định bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới; quy định bộ máy làm việc của Viện kiểm sát quân sự sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
  4. Trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
  5. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp, Điều tra viên các ngạch, Kiểm tra viên các ngạch.
  6. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền.
  7. Kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh; chỉ đạo việc xây dựng và trình dự án luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật; đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
  8. Trình Chủ tịch nước ý kiến của mình về những trường hợp người bị kết án xin ân giảm án tử hình.
  9. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tổng kết kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân.
  10. Tham dự các phiên họp của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bàn về việc hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
  11. Kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
  12. Chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước; trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Quốc hội.
  13. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.[3]

Tiêu chuẩn chức danh sửa

Theo quy định tại Quy định 90-QĐ/TW năm 2017[4] quy định về tiêu chuẩn chức danh đối với cán bộ do thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì để được đảm nhiệm chức danh Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì cần phải bảo đảm được các tiêu chuẩn sau:

  • Tiêu chuẩn tư tưởng:

+ Phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng Cộng sản Việt Nam, của quốc gia, của dân tộc và nhân dân

+ Kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, có mục tiêu lý tưởng về độc lập của dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

+ Có quan điểm, lập trường vững vàng, bản lĩnh chính trị để bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, sẫn sàng phản bác, bác bỏ những quan điểm, lập luận, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, thành phần cơ hội, bất mãn chính trị ở cả trong và ngoài nước.

+ Có tình yêu nước nồng nàn và sâu sác.

+ Luôn đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, của dân tộc, của nhân dân lên trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, các nhân.

+ Sẵn sàng hi sinh tất cả vì sự nghiệp của Đảng, vì độc lập, vì tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

+ Luôn luôn tuyệt đối chấp hành sự phân công công tác của tổ chức, yên tâm công tác và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

+ Giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng và tổ chức.

  • Tiêu chuẩn đạo đức, lối sống:

+ Cần phải mẫu mực về phẩm chất đạo đức;

+ Có lối sống trung thực, khiêm tốn, trong sáng, chân thành, giản dị, bao dung;

+ Có lối sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư;

+ Tuyệt đối không có tham vọng chính trị, tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết, có trách nhiệm cao trong công việc;

+ Là gương sáng sáng, mẫu mực trong nhiều lĩnh vực, là trung tâm đoàn kết tại cơ quan, đơn vị công tác.

+ Không có tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tư tưởng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn, triệt tiêu những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cơ quan đơn vị đang công tác;

+ Có sự chỉ đạo quyết liệt chống lại những tệ nạn như quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và chống lại lợi ích nhóm, bè phái trong cơ quan đơn vị;

+ Không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi;

+ Nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình;

+ Phải chủ động công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ trong công tác cán bộ.

  • Tiêu chuẩn về trình độ:

+ Phải tốt nghiệp từ đại học trở lên;

+ Có trình độ lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp;

+ Quản lý nhà nước phải đạt từ ngạch chuyên viên cao cấp;

+ Phải bảo đảm được trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp với yêu cầu công tác.

  • Tiêu chuẩn về sức khỏe

+ Đủ sức khỏa để có thể thực hiện các nhiệm vụ công tác được giao

  • Tiêu chuẩn về độ tuổi:

+ Bảo đảm được tuổi bổ nhiệm, giới thiệu, ứng cử theo quy định của Đảng được đặt ra.

  • Tiêu chuẩn về kinh nghiệm:

+ Đã từng được bổ nhiệm và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp; có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

  • Tiêu chuẩn năng lực và uy tín:

+ Yêu cầu phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược tốt;

+ Có phương pháp làm việc khoa học;

+ Nhạy bén trong chính trị;

+ Yêu cầu phải có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

+ Phải có năng lực tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận;

+ Có khả năng phân tích và dự báo về tình hình thực tế tốt.

+ Nắm chắc tình hình chung và hiểu biết sâu sắc về các lĩnh vực, địa bàn, địa phương, cơ quan, đơn vị được phân công.

+ Nhanh chóng, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, thách thức, thời cơ, vận hội, vấn đề mới, vấn đề khó, nhận ra được hạn chế, yếu kém trong thực tiễn, trong công tác hàng ngày;

+ Có tính chủ động cao, chủ động đề xuất những nhiệm vụ giải pháp có tính khả thi và hiệu quả giải quyết được những khó khăn thách thức gặp phải.

+ Sáng tạo, năng động, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, cơ quan, đơn vị và nhân dân;

+ Có quyết tâm chính trị cao, dám đương đầu với khó khăn, thách thức;

+ Có tinh thần trách nhiệm cao, nói đi đôi với làm;

+ Không xa rời quần chúng nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân và vì nhân dân phục vụ.

+ Là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị;

+ Luôn gắn bó, đoàn kết, được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm cao.

  • Tiêu chuẩn cụ thể

+ Cần có trình độ cao và am hiểu sâu sắc về hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế;

+ Có đủ tiêu chuẩn chức danh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

+ Phải có năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực được phân công.

+ Đã từng có nhiều kinh nghiệm trong các công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan tư pháp và công tố.

+ Phải có sự công tâm, khách quan trong các công tác quan trọng như chỉ đạo điều tra, truy tố.

+ Đã từng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh hoặc lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Danh sách Viện trưởng sửa

Sau đây là danh sách Viện trưởng qua các thời kỳ.[5]

Tên Từ Đến Chức vụ
1 Bùi Lâm 1958 1960 Viện trưởng Viện Công tố Trung ương
2 Hoàng Quốc Việt 1960 1976 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
3 Trần Hữu Dực 1976 1981
4 Trần Lê 1981 6/1987
5 Trần Quyết 6/1987 10/1992
6 Lê Thanh Đạo 10/1992 1996
7 Hà Mạnh Trí 1996 25/7/2007
8 Trần Quốc Vượng 25/7/2007 26/7/2011
9 Nguyễn Hòa Bình 26/7/2011 8/4/2016
10 Lê Minh Trí 8/4/2016 nay

Tham khảo sửa

  1. ^ “CHƯƠNG VI: CHỦ TỊCH NƯỚC”. CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2017.
  2. ^ “Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014”. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2019.
  3. ^ “Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.
  4. ^ “Quy định 90-QĐ/TW năm 2017 tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Thư Viện Pháp Luật. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2024.
  5. ^ “Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao qua các thời kỳ”.

Liên kết ngoài sửa