Việt bính

Phương pháp sử dụng chữ Latinh để phiên âm ngôn ngữ Quảng Châu

Việt bính (Chữ Hán: 粵拼, việt bính: jyut6 ping3, tên đầy đủ: 香港語言學學會粵語拼音方案 (hoeng1 gong2 jyu5 jin4 hok6 hok6 wui2 jyut6 jyu5 ping3 jam1 fong1 ngon3): Hương Cảng ngữ ngôn học học hội Việt ngữ bính âm phương án) là một phương pháp sử dụng chữ Latinh để phiên âm ngôn ngữ Quảng Châu (tức tiếng Quảng Đông - Cantonese, mà người Trung Quốc còn gọi là Việt ngữ. Vì tỉnh Quảng Đông 廣東, Quảng Tây 廣西 nguyên trước là đất của Bách Việt 百粵, nên gọi hai tỉnh ấy là tỉnh Việt).

Việt bính
Việt bính viết bằng Hán tự
Phồn thể粵拼
Giản thể粤拼
Việt bínhJyut6ping3
Latinh hóa Yale tiếng Quảng ChâuYuhtping
Nghĩa đenĐánh vần tiếng Quảng Đông

Được ra đời vào năm 1993[1], phương pháp phiên âm tiếng Quảng Đông của Học viện ngôn ngữ Hong Kong ( Linguistic Society of Hong Kong (LSHK))[2] gọi tắt là Việt bính là một phương pháp sử dụng chữ la tinh để phiên âm. Phương pháp này không những có thể sử dụng cho nhiều mục đích như phiên âm và đánh máy vi tính, nó còn có ưu điểm là đơn giản, dễ học và khá chuyên nghiệp.

Hệ thống phiên âm Việt bính đã kết hợp các ưu điểm của các phương pháp phiên âm khác như Yale, phiên âm quốc tế và pinyin (phiên âm hán ngữ). Phần dưới đây sẽ giới thiệu chi tiết về hệ thống này. Phần âm tương đương/gần giống bên dưới được hiểu và đọc theo tiếng Việt giọng miền Nam. Chỗ nào đọc theo giọng miền Bắc Việt Nam sẽ được ghi rõ. Nếu trong tiếng Việt không có âm tương đương thì sử dụng âm tương đương trong tiếng Anh. Nếu tiếng Anh cũng không có âm đó thì sẽ dùng âm gần giống để diễn giải.

Phụ âm

sửa

Tổng cộng có 19 phụ âm trong tiếng Quảng Đông hiện đại. Việt bính không hề dùng hai ký tự "r" và "v" vì tiếng Quảng Đông cũng không có 2 âm này. Phụ âm "zh" và “q” cũng không có trong tiếng Quảng Đông.

Vần Âm tương đương trong hoặc gần giống tiếng Việt Ví dụ
b bờ baa1 爸 (ba, bố), beng2 餅 (bính=bánh)
p bờ nhưng bật hơi peng4 平 (bình=rẻ), pang4jau5 朋友 (bằng hữu=bạn)
m mờ maai5 買 (mãi=mua), man6 問 (vấn=hỏi)
f phờ faan6 飯 (phạn=cơm), fei4 肥 (phì=mập)
d tờ daa2 打 (đả=đánh), daai6 大 (đại=lớn)
t thờ trong tiếng Việt (tờ bật hơi) tai2 睇 (đệ=xem), teng1 聽 (thính=nghe)
n nờ naam4 男 (nam), neoi5 女 (nữ)
l lờ luk6 六 (lục=sáu), lik6 力 (lực=sức)
g cờ gau2 九 (cửu=chín), gong2 講 (nói)
k k bật hơi (như âm khờ trong một số phương ngữ địa phương miền Nam) keoi5 佢 (cô ấy, anh ấy, nó), kei5 企 (đứng)
ng ngờ ngaan5 眼 (nhãn=mắt), ngaa4 牙 (nha=răng)
h hờ hau2 口 (khẩu=miệng), hou2 好 (hảo=tốt)
z 'di' răng hàm trên dưới dính nhau, như nửa "di" nửa "chờ" (như cách hát phát âm "ch" và "tr" của Phan Mạnh Quỳnh) zou6 做 (tố=làm), zi1 知 (tri=biết)
c đọc như z nhưng bật hơi, đọc gần giống thờ cat1 七 (thất=bảy), ce1 車 (xa=xe)
s xờ saam1 三 (tam=ba), sei3 四 (tứ=bốn)
gw quờ (giọng Bắc) hoặc cuờ gwai3 貴 (quý=mắc, đắt), gwaa1 瓜 (qua=dưa)
kw Đọc như gw và k nhưng bật hơi kwan4 裙 (quần=váy), kwaang1 框 (khuông=khung)
j nhờ (dờ giọng Nam) Jat1 一 (nhất=một), jiu3 要 (yếu=cần, phải)
w wờ / guờ (quờ giọng Nam) w trong water (tiếng Anh) wu4 湖 (hồ), waa6 話 (thoại=nói)

Vần

sửa

Tổng cộng có 59 vần.

Tổ hợp âm ‘aa’ (tương ứng với ‘a’ trong tiếng Việt nhưng mở miệng to hơn)

sửa
Vần Âm tương đương/ gần giống Ví dụ (trong ngoặc là nghĩa tiếng Việt)
aa a baa1 爸 (ba), waa6 話 (thoại=nói)
aai ai daai6 大 (đại=lớn), maai5 買 (mãi=mua)
aau ao paau2 跑 (bào=chạy), baau1 包 (bao)
aam am naam4 男 (nam), saam1 三 (tam)
aan an (giọng Bắc) ngaan5 眼 (nhãn=mắt), faan6 飯 (phạn=cơm)
aang ang haang4 行 (hành=đi), ngaang6 硬 (ngạnh=cứng)
aap ap kek6zaap6 劇集 (kịch tập=phim bộ)
aat at laat6 辣 (lạt=cay), waat6 滑 (hoạt=trơn)
aak ac baak6 白 (bạch=trắng), ngaak6 額 (ngạch=mức)

Tổ hợp với âm ‘a’ (tương ứng với ‘a’ trong tiếng Việt)

sửa
Vần Âm tương đương/ gần giống Ví dụ (trong ngoặc là nghĩa tiếng Việt)
ai ây tai2 睇 (xem, coi), sai2 洗 (tẩy=rửa)
au âu hau2 口 (khẩu=miệng) sau2 手 (thủ=tay)
am ăm jam2 飲 (ẩm=uống), sam1 心 (tâm=tim, lòng)
an ăn san1 新 (tân=mới), man6 問 (vấn=hỏi)
ang ăng dang2 等 (đãi=đợi), pang4jau5 朋友 (bằng hữu=bạn bè)
ap âp sap6 十 (thập=mười), jap6 入 (nhập=vào)
at ât jat1 一 (nhất=một), cat1 七 (thất=bảy)
ak ăc hak1 黑 (hắc=đen), bak1 北 (bắc)

Tổ hợp âm ‘e’ (Tương đương với ‘e’ trong tiếng Việt)

sửa
Vần Âm tương đương/ gần giống Ví dụ
e e ce1 車 (xa=xe), se2 寫 (tả=viết)
ei ây fei4 肥 (phì=mập), bei2 畀 (tý=cho)
eu eo deu6 掉 (điệu/trạo=bỏ), zeu6 (nhai)
em em lem2 舐 (liếm)
eng eng beng2 餅 (bính=bánh), teng1 聽 (thính=nghe)
ep ep gep6 夾 (hiệp=kẹp)
ek ec sek6tau4 石頭(thạch đầu=cục đá), kek6zaap6 劇集 (kịch tập=phim bộ)

Tổ hợp âm ‘eo’ (Trong tiếng Việt không có. Âm này không bao giờ đứng một mình mà phải ghép với âm khác)

sửa
Vần Âm tương đương/ gần giống Ví dụ
eoi gần như âm 'u-ơi' nhưng không tròn miệng, đọc là 'ơi' keoi5 佢 (cô ấy, anh ấy), seoi2 水 (thủy=nước)
eon gần như âm 'u-ơn' nhưng không tròn miệng, đọc là 'uân' ceon2 蠢 (xuẩn=ngu ngốc), seon4 唇 (thần=môi)
eot gần như âm 'u-ớt' nhưng không tròn miệng, đọc là 'uât' ceot1 出 (xuất=ra), seot1saam1 恤衫 (tuất sam=áo sơ mi)

Tổ hợp âm ‘oe’ (Gần như âm ‘ơ’ cong lưỡi và tròn miệng trong tiếng Việt, gần giống ur trong từ fur của tiếng Anh)

sửa
Vần Âm tương đương/gần giống Ví dụ
oe gần 'oe' nhưng không tròn miệng

(Đọc là 'ơ')

hoe1 靴 (hài=giầy)
oeng nửa 'ơng' nửa 'eng'

(Đọc là 'âng' hoặc kết hợp 'ơ' với 'ng' thành 'ơng')

soeng2 想 (tưởng=muốn), loeng5 兩 (lưỡng=hai)
oek nửa 'ươc' nửa 'ec'

(Đọc là 'ơc')

joek6 藥 (dược=thuốc), zoek3 雀 (tước=chim sẻ)

Tổ hợp âm "i" (tương đương với "i" trong tiếng Việt)

sửa
Vần Âm tương đương/gần giống Ví dụ
i i zi1 知 (tri=biết), ji6 易 (dị=dễ)
iu iu siu2 少 (thiếu=ít), ziu1zou2 朝早 (triều tảo=buổi sáng)
im im dim2 點 (điểm=chấm), tim4 甜 (điềm=ngọt)
in in (giọng Bắc) min6 面 (diện=mặt), tin1 天 (thiên=trời)
ing ing (ing trong 'sing' của tiếng Anh) ming4 明 (minh=hiểu), zing6 靜 (tĩnh=yên lặng)
ip ip jip6 葉 (diệp=lá), dip6 碟 (điệp=đĩa)
it it (giọng Bắc) jit6 熱 (nhiệt=nóng)
ik ich, 'ick' trong 'sick' của tiếng Anh sik6 食 (thực=ăn), lik6 力 (lực=sức)
  • Chú ý: Chữ 切 phiên âm là cit3, nhưng đọc là cai3

Tổ hợp âm "o" (tương đương với âm "o", "ô" trong tiếng Việt)

sửa
Vần Âm tương đương/ gần giống Ví dụ
o ô co5 坐 (tọa=ngồi), do1 多 (đa=nhiều)
oi ôi hoi1 開 (khai=mở), ngoi6min6 外面 (ngoại diện=bên ngoài)
ou âu zou6 做 (tố=làm), hou2 好 (hảo=tốt)
on ôn (giọng Bắc) gon1 乾 (can=khô), hon6 汗 (hãn=mồ hôi)
ong oong gong2 講 (giảng=nói), fong2 房 (phòng=buồng)
ot ot (giọng Bắc) hau2hot3 口渴 (khẩu khát=khát nước), got3 割 (cát=cắt)
ok ooc hok6 學 (học), lok6 落 (lạc=rớt xuống)

Tổ hợp âm "u" (tương đương âm "u" trong tiếng Việt)

sửa
Vần Âm tương đương/ gần giống Ví dụ
u u wu1zou1 污糟 (ô tao=dơ), fu2 苦 (khổ=đắng)
ui ui bui1 杯 (bôi=ly), mui5 每 (mỗi)
un un (giọng Bắc) mun4 門 (môn=cửa), wun2 碗 (oản=chén, bát)
ung ung jung6 用 (dụng=dùng, xài), tung4 同 (đồng=cùng)
ut ut (giọng Bắc) sang1wut6 生活 (sinh hoạt=lối sống)
uk uc luk6 六 (lục=sáu), juk6 肉 (nhục=thịt)

Tổ hợp âm "yu" (tương đương âm "uy" với tiếng Việt)

sửa
Vần Âm tương đương/ gần giống Ví dụ
yu uy syu1 書 (sách), zyu1 豬 (trư=heo)
yun uyn dyun2 短 (đoản=ngắn), jyun5 遠 (viễn=xa)
yut uyt jyut6 月 (nguyệt=tháng)

Âm ‘m’ và âm ‘ng’ (tiếng Việt không có)

sửa
Vần Âm tương đương/ gần giống Ví dụ
m Đọc như ‘ừm’ nhưng miệng không mở, môi chập lại (âm môi) m4goi1 唔該 (ngô cai=cám ơn)
ng Đọc như ‘ừng’ nhưng miệng không mở, răng chập lại (âm mũi) ng5 五 (ngũ=số năm)

Thanh điệu

sửa

Tiếng Quảng Đông cũng có 6 thanh điệu như tiếng Việt. Tuy nhiên 6 thanh điệu của tiếng Quảng Đông không hoàn toàn giống với tiếng Việt. Sáu thanh trong tiếng Quảng Đông bao gồm[3]:

  • Thanh thứ nhất (được ký hiệu bằng số 1): tương đương với thanh sắc (vần kết thúc bởi 'p', 't', 'k') hoặc thanh ngang tiếng Việt nhưng tông giọng cao hơn, thanh này giống thanh ngang trong tiếng Quan Thoại
  • Thanh thứ hai (được ký hiệu bằng số 2): tương đương với thanh sắc nhưng phần lên chậm hơn một chút, cách phát âm kết hợp của một nửa thanh nặng giọng miền Nam tiếng Việt và phần đi lên đọc như thanh sắc (gần giống thanh hỏi hoặc thanh ngã), thanh này giống thanh á trong tiếng Quan Thoại
  • Thanh thứ ba (được ký hiệu bằng số 3): tương đương với thanh ngang tiếng Việt hoặc thanh nặng (vần kết thúc bởi 'p', 't', 'k').
  • Thanh thứ tư (được ký hiệu bằng số 4): tương đương với thanh huyền tiếng Việt
  • Thanh thứ năm (được ký hiệu bằng số 5): tương đương với thanh nặng trong phương ngữ miền Nam của tiếng Việt
  • Thanh thứ sáu (được ký hiệu bằng số 6): tương đương với thanh huyền nhưng trầm hơn, hoặc thanh nặng nhưng trầm hơn (vần kết thúc bởi 'p', 't', 'k').

Đối với Việt bính, thanh điệu được ký hiệu bằng số như trên sẽ được ghi ngay sau chữ Latinh. Ví dụ: ngo5, sik1, leng3. Một số trường hợp các số thanh điệu này được ghi lên phía trên một tí (superscript) nhằm mục đích thẩm mỹ trong phiên âm.

Như vậy trong tiếng Việt có hai thanh hỏi và ngã là khá gần nhau (nhất là người miền Nam không phân biệt 2 thanh này) thì trong tiếng Quảng Đông có 2 thanh thứ tư và thanh thứ sáu mà đối với người Việt khá giống nhau (đều là thanh huyền, chỉ khác là một thấp và một cao hơn tí). Đối với người Quảng Châu và người Hong Kong thì họ phân biệt khá rõ hai thanh này.

Bảng dưới đây thể hiện ký hiệu, sự biến hóa cũng như vị trí của 6 thanh trong tiếng Quảng Đông.

Ký hiệu Thay đổi Ví trí thanh điệu Fu Si
1 ngang cao nhất (5-5) fu1 夫 (phu), fuk1 福 (phúc) si1 詩 (thi=thơ), sik1 識 (thức=biết)
2 lên từ giữa lên cao (3-5) fu2 苦 (khổ) si2 史 (sử)
3 ngang ở giữa (3-3) fu3 富 (phú), fut3 闊 (khoát=rộng) si3 試 (thử), sit3 舌(thiệt=lưỡi)
4 xuống từ giữa xuống thấp (3-1) fu4 扶 (phù=vịn) si4 時 (thời)
5 lên dưới lên giữa (1-3) fu5 婦 (phụ=vợ) si5 市 (thị=chợ)
6 ngang dưới (2-2) fu6 父 (phụ=cha),fuk6 服 (phục) si6 事 (sự=việc), sik6 食 (thực=ăn)

Ghi chú: một số tài liệu còn phân biệt hai loại thanh thứ 1 là (5-3) và (5-5) cũng như có tài liệu ghi thanh thứ 4 là (2-1) thay vì (1-1). Trong tài liệu này, với mục đích giới thiệu cơ bản ngữ âm trong tiếng Quảng Đông, sẽ không đi sâu vào vấn đề này.

Xem thêm

sửa

Tham khảo

sửa
  1. ^ “Jyutping”. lshk (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2023.
  2. ^ “Jyutping : History, Initials, Finals, Tones Wikipedia, the free encyclopedia » svhérald.vn”. en.xn--svhrald-dya.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2023.
  3. ^ “Cantonese: Tones 聲調”. cantonese.ca. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2023.