Wikipedia:Công bố thông tin đóng góp được trả thù lao

(Đổi hướng từ Wikipedia:DGTL)

Nếu bạn đang được trả thù lao để soạn thảo Wikipedia, bạn phải công bố ai là người trả thù lao cho bạn, ai là khách hàng, và bất kỳ vai trò hoặc mối quan hệ khác có liên quan.

Quy định của Wikimedia Foundation sửa

Bản Điều khoản Sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu tất cả biên tập viên công bố "người chủ [của họ], khách hàng và bất kỳ mối liên quan đến những khoản đóng góp mà qua đó [họ] được nhận, hoặc hứa hẹn được nhận, thù lao":[1]

 

Khoản đóng góp được trả thù lao nhưng bị giấu kín

Điều khoản Sử dụng cấm tham gia vào các hoạt động lừa đảo, bao gồm những giải trình sai lệch về các bên có liên quan, mạo danh và gian lận. Như một phần của nghĩa vụ, bạn phải công bố người chủ của bạn, khách hàng và bất kỳ mối liên quan đến những khoản đóng góp mà qua đó bạn được nhận, hoặc hứa hẹn được nhận, thù lao. Bạn phải công bố điều đó bằng ít nhất một trong các cách sau đây:

  • một tuyên bố trên trang thành viên của bạn,
  • một tuyên bố trên trang thảo luận kèm theo bất kỳ khoản đóng góp nào được trả thù lao, hoặc
  • một tuyên bố trong tóm lược sửa đổi kèm theo bất kỳ khoản đóng góp nào được trả thù lao.

Luật pháp hiện hành, hoặc các quy định và hướng dẫn của cộng đồng và Quỹ chẳng hạn như giải quyết những xung đột lợi ích, có thể có những giới hạn khác về những khoản đóng góp được trả thù lao hoặc yêu cầu công bố nhiều thông tin chi tiết hơn.

Một cộng đồng Dự án Wikimedia có thể áp dụng một chính sách công bố thông tin đóng góp được trả thù lao thay thế chính sách này. Nếu một Dự án thông qua một chính sách công bố thông tin thay thế, bạn có thể thực hiện theo chính sách đó thay vì các yêu cầu trong khoản mục này khi đóng góp vào dự án đó. Một chính sách về các khoản đóng góp được trả thù lao thay thế sẽ chỉ có thể thay cho các yêu cầu này nếu chính sách đó đã được chấp nhận bởi cộng đồng Dự án có liên quan và được liệt kê trong trang chính sách công bố thông tin thay thế.

Tính đến thời điểm hiện tại, chính sách trên đang được áp dụng lên Wikimedia Foundation (WMF) và Wikipedia phiên bản ngôn ngữ tiếng Việt, do cộng đồng của dự án này chưa từng có một chính sách công bố thông tin thay thế (xem bên dưới).

Hướng dẫn khi có xung đột lợi ích sửa

Các sửa đổi được trả thù lao còn được quy định thêm trong một hướng dẫn cộng đồng: Wikipedia:Xung đột lợi ích. Hướng dẫn này khuyên những người đang có xung đột về mặt lợi ích trong đời thực, bao gồm những biên tập viên được trả thù lao, không trực tiếp sửa đổi những bài viết trong vòng ảnh hưởng.

Trang các câu hỏi thường gặp về bản Điều khoản Sử dụng của Quỹ có khuyên rằng: "[M]ột số dự án có những quy định về xung đột lợi ích khác biệt (hoặc còn nhiều hơn thế) so với khoản mục này trong Điều khoản Sử dụng. Những quy định này có thể ngăn cản bạn tham gia các hình thức sửa đổi tình nguyện nhất định, ví dụ: đóng góp vào các bài viết về bản thân."[2]

Cách công bố sửa

Biên tập viên nào được nhận thù lao vì những khoản đóng góp của họ phải công bố người chủ của họ, khách hàng, và các mối liên quan đối với bất cứ khoản đóng góp nào được trả thù lao. Họ phải làm việc này trong trang thành viên của chính họ (có thể sử dụng thêm bản mẫu {{trả thù lao}}), hoặc trong các trang thảo luận kèm theo bất kỳ khoản đóng góp nào được trả thù lao, hoặc trong khung tóm lược sửa đổi.

Hướng dẫn về xung đột lợi ích thêm vào đó còn khuyên các biên tập viên đặt bản mẫu {{đóng góp (trả thù lao) được liên kết}} ở ngay đầu trang thảo luận kèm theo bất kỳ khoản đóng góp nào được trả thù lao (và điền vào các thông số), và cung cấp một danh sách liệt kê rõ ràng những khoản đóng góp được trả thù lao của họ trong trang thành viên của chính mình.

Sự minh bạch này sẽ giúp cộng đồng Wikipedia nắm bắt và phân tích nguồn gốc và phạm vi của những sửa đổi có thù lao, và để đảm bảo rằng phần nội dung đóng góp bởi các biên tập viên được trả thù lao đã tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Wikipedia, trong đó bao gồm sự cảnh giác trước nguy cơ rối thịt (nhất là khi có thể không phải chỉ có một biên tập viên được trả thù lao để cùng tham gia sửa đổi trong cùng chủ đề cụ thể).

Định nghĩa "người chủ, khách hàng và mối liên quan" sửa

Người dùng phải công bố người chủ của họ, khách hàng và các mối liên quan đối với bất cứ khoản đóng góp nào được trả thù lao trong Wikipedia.

  • Người chủ: cá nhân hoặc tổ chức đã trả thù lao cho một người dùng để người đó đóng góp vào Wikipedia, cho dù người dùng đó có một hợp đồng lao động tự do với người chủ, không có hợp đồng, là một nhân viên làm việc hưởng lương của người chủ, hoặc là một nhân viên làm việc hưởng lương của một tổ chức khác.
  • Khách hàng: cá nhân hoặc tổ chức là đối tượng của những sửa đổi đó về mặt danh nghĩa; khách hàng thường là chủ thể của bài viết.
  • Mối liên quan: những mối liên kết khác có thể có liên quan.
  • Khoản đóng góp: bất kỳ văn bản nào được thêm vào Wikipedia, bao gồm đóng góp vào các trang thảo luận và trang nháp, và các tài liệu mà biên tập viên được trả thù lao bổ sung vào bài viết của những người khác theo chỉ thị.
  • Thù lao hoặc chi trả: tiền, hiện vật hoặc dịch vụ.

Ví dụ: nếu ông Smith PR trả thù lao (bằng tiền hay được hưởng ưu đãi công việc) cho một người dùng để họ viết về, hoặc cung cấp các nguồn dẫn về, Acme Pharmaceuticals, thì ông Smith PR là người chủ của người dùng đối với khoản đóng góp đó, Acme Pharmaceuticals là khách hàng, còn thù lao chính là tiền hay ưu đãi được hưởng. Nếu bạn đã được một công ty quảng cáo thuê để sửa đổi Wikipedia, bạn phải công bố cả thông tin về công ty lẫn khách hàng của công ty đó. Nếu bạn được một tổ chức, dù là của chính phủ hay phi chính phủ, thuê để sửa đổi Wikipedia, bạn phải công bố cả thông tin về tổ chức đó lẫn đối tượng mà tổ chức đó nhắm đến khi thuê bạn sửa đổi.[2]

Người đang thực tập hay thử việc, thậm chí nếu không được trả thù lao trực tiếp, cũng được xem là người đang được thuê có mục đích. Nếu họ đang trực tiếp hoặc có ý định sửa đổi Wikipedia như là một phần của quá trình thực tập hay thử việc, họ cũng phải công bố thông tin giống như những cộng tác viên được trả thù lao khác.

Thông thường thì người chủ và khách hàng là một, ví dụ: Acme Pharmaceuticals trực tiếp trả thù lao cho người dùng để viết về công ty của họ, thì Acme Pharmaceuticals vừa là người chủ vừa là khách hàng. Cũng có những trường hợp "khách hàng" không được xác định, bởi biên tập viên được trả thù lao để sửa đổi theo chỉ thị vào những chủ đề không cụ thể, có thể vì lợi ích tư tưởng hoặc vì lý do khác, nhưng dù cho hoàn cảnh như thế nào thì miễn là biên tập viên được nhận thù lao để sửa đổi, biên tập viên đó phải công bố những thông tin cần thiết có liên quan như quy định ở trên.

Đối với mô hình "Wikipedian in Residence" sửa

Những người dùng tham gia mô hình Wikipedian in Residence đang nhận thù lao phải công bố tổ chức GLAM nào đang trả thù lao cho họ.[2]

Thay đổi chính sách này sửa

Như đã trình bày ở trên, Wikimedia Foundation không bắt buộc mọi dự án Wikimedia áp dụng đúng theo chính sách này, nhưng trong thời gian cộng đồng của một dự án Wikimedia chưa thống nhất được chính sách thay thế, thì chính sách này sẽ áp dụng mặc định lên dự án đó. Dựa trên sự khác biệt về cách hoạt động của từng dự án và những vấn đề thực tế khác có liên quan, đã có một số dự án Wikimedia sửa đổi lại các phần trong chính sách này (theo hướng mạnh hơn hoặc nhẹ hơn), trong khi số khác thậm chí đi ngược lại chính sách bằng việc tuyên bố sẽ không yêu cầu biên tập viên được trả thù lao công bố bất kỳ thông tin nào đối với những khoản đóng góp của họ.

Hiện có hai hướng thay đổi chính sách này.

  • Một chính sách khác có thể khước từ điều khoản công bố thông tin khi được áp dụng tại Wikipedia tiếng Việt và thay thế nó bằng một chính sách mới với các yêu cầu có thể nhẹ hơn hoặc mạnh tay hơn. Đề xuất một chính sách thay thế phải được xác định rõ ràng trong một cuộc thảo luận xin ý kiến công khai (tại phòng thảo luận chung, trang xin ý kiến cộng đồng hoặc tổ chức biểu quyết rộng rãi) rằng sẽ khước từ chính sách của WMF. Sau khi đề xuất được chấp nhận, chính sách mới phải được liệt kê trong trang chính sách công bố thông tin thay thếMeta-Wiki. Cuộc thảo luận xin ý kiến công khai đó phải được tiến hành một cách phù hợp bằng một quy trình dựa trên tiêu chuẩn của sự đồng thuận, được đối xử như khi thiết lập một trong những quy tắc cốt lõi.
  • Những thay đổi khác với chính sách này mà không tìm cách khước từ hoặc làm suy yếu Điều khoản Sử dụng là được phép, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của cộng đồng trong việc thêm những nội dung được trả thù lao như vậy.

Khi thảo luận về những thay đổi đối với chính sách, phải nói rõ bạn có phải là người được trả thù lao để sửa đổi Wikipedia hay không.

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa

  1. ^ Wikimedia:Terms of Use/vi#4. Tránh làm một số hành động, Wikimedia Foundation. Bản điều khoản đang sử dụng được sửa đổi vào ngày 16 tháng 6 năm 2014 bao gồm phần nội dung này, sau khi đã qua thảo luận rộng rãi. Bản dịch tiếng Việt của Điều khoản Sử dụng có thể chưa được cập nhật, nhưng bản gốc tiếng Anh mới có giá trị khi xảy ra mâu thuẫn hoặc thiếu sót.
  2. ^ a b c Điều khoản Sử dụng/Các câu hỏi thường gặp về khoản đóng góp được trả thù lao nhưng bị giấu kín, Wikimedia Foundation.