2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 10 năm 2009
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Hệ thống bảo tàng Paris

Thành phố Paris hiện sở hữu một hệ thống gồm hơn 136 bảo tàng, trong đó có 14 bảo tàng thuộc Hiệp hội bảo tàng quốc gia và 14 bảo tàng do chính quyền thành phố quản lý. Là một trung tâm của nghệ thuật từ nhiều thế kỷ, Paris lưu giữ rất nhiều những tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng, từ Leonardo da Vinci, Raffaello, Delacroix tới Monet, Van Gogh, Matisse, Picasso. Các bảo tàng nơi đây cũng trưng bày những bộ sưu tập hiện vật giá trị về lịch sử, khoa học, khảo cổ hay các nền văn minh, đến từ khắp nơi trên thế giới. Không ít bảo tàng ở Paris còn được dành cho những lĩnh vực đa dạng và độc đáo như thời trang, sân khấu, thể thao hay mỹ phẩm, ẩm thực.

Những bảo tàng đầu tiên của Paris được thành lập vào thời kỳ Cách mạng Pháp. Trong giai đoạn này, nhiều tài sản hoàng gia trở thành tài sản quốc gia, và Louvre mở cửa ngày 10 tháng 8 năm 1793, có thể xem như bảo tàng đầu tiên của Paris, cũng là bảo tàng đầu tiên của nước Pháp. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thời kỳ Belle Époque, hàng loạt những bảo tàng mới ra đời ở Paris, trong đó không ít bảo tàng xuất phát từ những bộ sưu tập cá nhân do các nhà hảo tâm di tặng. Những thập niên gần đây, thành phố vẫn tiếp tục xây dựng thêm các bảo tàng mới. Quai Branly mở cửa từ năm 2006, là bảo tàng lớn mới nhất của Paris hiện nay. [ Đọc tiếp ]

USS Nevada (BB-36)

USS Nevada (BB-36)

USS Nevada (BB-36), chiếc tàu chiến thứ hai của Hải quân Hoa Kỳ được đặt theo tên của tiểu bang thứ 36 của Hoa Kỳ, là chiếc dẫn đầu trong số hai chiếc thiết giáp hạm thuộc lớp Nevada; chiếc tàu chị em với nó chính là chiếc Oklahoma. Được hạ thủy vào năm 1914, Nevada là một cú nhảy vọt trong kỹ thuật tàu chiến hạng nặng, với bốn trong trong số các đặc tính của nó hiện diện trên tất cả các thiết giáp hạm Mỹ sau này: tháp pháo với ba khẩu súng chính, súng phòng không, thay thế than bằng dầu làm nhiên liệu, và nguyên tắc “tất cả hoặc không có gì” khi thiết kế vỏ giáp. Các đặc tính này làm cho Nevada trở thành chiếc thiết giáp hạm “Siêu Dreadnought” đầu tiên của Hải quân Mỹ.

Nevada đã phục vụ trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới: trong những tháng cuối cùng của Thế chiến thứ nhất, Nevada đặt căn cứ tại vịnh Bantry, Ireland để bảo vệ các đoàn tàu vận tải đi và đến nước Anh. Trong Thế chiến thứ hai, nó là một trong những thiết giáp hạm bị kẹt lại bên trong vịnh khi Hải quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Nó là chiếc thiết giáp hạm duy nhất di chuyển được trong cuộc tấn công, khiến cho nó trở thành “điểm sáng duy nhất trong ngày ảm đạm và suy sụp đó” của nước Mỹ. Dù vậy, nó vẫn bị đánh trúng một quả ngư lôi và ít nhất sáu trái bom trong khi di chuyển ra khỏi nơi neo đậu hàng thiết giáp hạm, buộc nó phải tự mắc cạn gần bờ. Sau khi được trục vớt và hiện đại hóa tại xưởng hải quân Puget Sound, Nevada phục vụ trong việc hộ tống các đoàn tàu vận tải tại vùng biển Đại Tây Dương, và yểm trợ hỏa lực cho nhiều cuộc tấn công đổ bộ tại Normandie và tại miền Nam nước Pháp; trong trận Iwo Jimatrận Okinawa tại mặt trận Thái Bình Dương. [ Đọc tiếp ]

Cuộc hành quân Ten-Go

Hình ảnh thiết giáp hạm Yamato bị tấn công ngày 7 tháng 4 năm 1945

Cuộc hành quân Ten-Go là cuộc tổng phản công của Hải quân Đế quốc Nhật Bản nhằm vào lực lượng Đồng Minh tại Okinawa. Đây cũng là trận đụng độ không hải cuối cùng giữa hải quân Nhật và Mỹ tại mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai. Một số tên gọi khác được sử dụng cho cuộc hành quân này là Cuộc hành quân Heaven OneTen-ichi-gō.

Tháng 4 năm 1945, Đệ nhị hạm đội hải quân Nhật bao gồm thiết giáp hạm lớn nhất thế giới Yamato, cùng tuần dương hạm hạng nhẹ Yahagi và 8 khu trục hạm đã thực hiện một cuộc tổng phản công của hải quân Nhật ở Okinawa, nhưng thực chất là một chuyến đi tự sát để bảo tồn danh dự Hải quân Đế quốc Nhật Bản theo truyền thống võ sĩ đạo. Tuy nhiên, trước khi đến được Okinawa, chỉ trong 2 giờ, những máy bay Mỹ xuất phát từ các hàng không mẫu hạm đã đánh chìm Yamato, Yahagi cùng 4 khu trục hạm khác vào ngày 7 tháng 4 năm 1945. Cùng lúc đó, để phối hợp với cuộc hành quân này, người Nhật đã cho xuất phát nhiều Kamikaze từ phi trường cực nam Kyūshū tấn công hạm đội Mỹ tại Okinawa gây hư hại cho một số tàu chiến Mỹ.

Trận đánh này đã chứng tỏ sức mạnh vượt trội của không, hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương cũng như uy lực nổi trội của hàng không mẫu hạm so với thiết giáp hạm không có sự che chở của không lực. Thất bại trong cuộc hành quân này đã đánh dấu thất bại của Hải quân Nhật cũng như báo hiệu giờ tàn của Đế quốc Nhật Bản trong cuộc chiến. [ Đọc tiếp ]

P-51 Mustang

North American P-51D Mustang Tika IV thuộc Liên đội Tiêm kích 361, sơn ký hiệu tấn công trong Trận Normandie

North American P-51 Mustang là một kiểu máy bay tiêm kích Hoa Kỳ một chỗ ngồi tầm xa được đưa vào sử dụng trong không lực các nước Đồng Minh vào các năm giữa của Đệ nhị thế chiến. Chiếc P-51 trở nên một trong những kiểu máy bay nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất trong cuộc chiến tranh.

Được thiết kế, chế tạo và bay thử chỉ trong vòng 117 ngày, P-51 thoạt tiên phục vụ cho Không quân Hoàng gia Anh như một máy bay tiêm kích-ném bom và trinh sát, trước khi chuyển sang vai trò máy bay tiêm kích hộ tống ném bom bên trên lãnh thổ Đức, giúp duy trì ưu thế trên không của phe Đồng Minh từ đầu năm 1944. Nó cũng tham gia ở mức độ hạn chế chống lại Đế quốc Nhật Bản trên Mặt trận Thái Bình Dương. Mustang bắt đầu tham gia Chiến tranh Triều Tiên như là máy bay tiêm kích chủ yếu của lực lượng Liên Hợp Quốc, nhưng nhanh chóng được bố trí lại trong vai trò tấn công mặt đất sau khi bị vượt qua bởi những máy bay tiêm kích phản lực đời đầu. Tuy vậy, nó vẫn được giữ lại phục vụ trong một số lực lượng không quân cho đến đầu những năm 1980.

Sau Đệ nhị thế chiến và Chiến tranh Triều Tiên, nhiều chiếc Mustang được chuyển sang sử dụng dân sự, đặc biệt là trong các cuộc đua hàng không. Danh tiếng Mustang đạt đến mức mà, vào giữa những năm 1960, nhà thiết kế John Najjar của hãng xe Ford đã đề nghị cái tên máy bay tiêm kích đó cho mẫu xe thể thao Ford Mustang. [ Đọc tiếp ]

Lớp thiết giáp hạm Yamato

Thiết giáp hạm Yamato trong thời gian chế tạo

Lớp thiết giáp hạm Yamato là những thiết giáp hạm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản được chế tạo và hoạt động trong Thế chiến thứ hai. Với trọng lượng rẽ nước khi đầy tải lên đến 72.000 tấn, những con tàu thuộc lớp này là những chiến hạm lớn nhất, nặng nhất và trang bị vũ khí mạnh nhất từng được chế tạo. Lớp này mang hải pháo lớn nhất từng được trang bị trên một tàu chiến: chín khẩu pháo 460 mm, mỗi chiếc có thể bắn đạn pháo nặng 1.360 kg đi một khoảng cách 42 km. Hai thiết giáp hạm thuộc lớp này YamatoMusashi được hoàn tất, trong khi chiếc thứ ba Shinano được cải biến thành một tàu sân bay đang khi được chế tạo.

Do mối đe dọa của tàu ngầm và tàu sân bay Mỹ, cả Yamato lẫn Musashi đều trải qua hầu hết thời gian hoạt động của nó tại các căn cứ hải quân ở Brunei, Truk và Kure, nhiều lần được huy động để đối phó các cuộc không kích của Mỹ xuống các căn cứ Nhật Bản, trước khi tham gia Hải chiến vịnh Leyte, trong thành phần Lực lượng Trung tâm của Đô đốc Kurita. Musashi bị đánh chìm trên đường đi đến chiến trường bởi máy bay từ các tàu sân bay Mỹ. Shinano bị đánh chìm mười ngày sau khi được đưa vào hoạt động vào tháng 11 năm 1944 bởi tàu ngầm Mỹ Archer-Fish, trong khi Yamato bị đánh chìm vào tháng 4 năm 1945 trong Chiến dịch Ten-Go. [ Đọc tiếp ]