Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2009/Tuần 37

Bài viết chọn lọc năm 2009
Tuần 36 Tuần 38
Trái Đất nhìn từ tàu Apollo 17

Trái Đất là hành tinh thứ ba tính từ Mặt Trời, đồng thời cũng là hành tinh lớn nhất trong các hành tinh đất đá của hệ Mặt Trời xét về bán kính, khối lượng và mật độ vật chất. Trái Đất, còn được biết với các tên “Thế giới”, “Hành tinh xanh” hay “Địa Cầu”, là ngôi nhà của hàng triệu loài sinh vật, trong đó có con người, và cho đến nay đây là nơi duy nhất tồn tại sự sống được biết đến trong vũ trụ. Hành tinh này được hình thành cách đây 4,55 tỷ năm và sự sống xuất hiện trên bề mặt Trái Đất trong 1 tỷ năm trước. Kể từ đó, sinh quyển của Trái Đất đã có những đóng góp quan trọng trong quá hình thành và phát triển của bầu khí quyển và các điều kiện vô cơ khác, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phổ biến của các vi sinh vật ưa khí, ví dụ như tầng ôzôn—cùng với từ trường của Trái Đất—đã ngăn chặn các tia phóng xạ có hại. Các đặc điểm vật lý của Trái Đất cũng như lịch sử địa lý hay quỹ đạo, cho phép sự sống tồn tại trong thời gian qua. Người ta hy vọng rằng Trái Đất còn có thể hỗ trợ sự sống thêm 1,5 tỷ năm nữa, sau đó kích thước của Mặt Trời sẽ tăng lên và tiêu diệt hết sự sống.

Bề mặt Trái Đất được chia thành các mảng kiến tạo. Chúng di chuyển từ từ trên bề mặt Trái Đất trong hàng triệu năm qua. Khoảng 71% bề mặt bị Trái Đất bao phủ bởi các đại dương nước mặn, phần còn lại là các lục địa và các đảo. Lõi của Trái Đất vẫn hoạt động được bao bọc bởi lớp manti rắn dày, lớp lõi ngoài lỏng tạo ra từ trường và lõi sắt trong rắn. [ Đọc tiếp ]