2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 7 năm 2012
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Khánh Hòa

Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, giáp với tỉnh Phú Yên về hướng bắc, tỉnh Đắk Lắk về hướng tây bắc, tỉnh Lâm Đồng về hướng tây nam, tỉnh Ninh Thuận về hướng nam, và Biển Đông về hướng đông. Khánh Hòa ngày nay là phần đất cũ của xứ Kauthara thuộc vương quốc Chăm Pa. Năm 1653, lấy cớ vua Chiêm Thành là Bà Tấm quấy nhiễu dân Việt ở Phú Yên, Chúa Nguyễn Phúc Tần sai quan cai cơ Hùng Lộc đem quân sang đánh chiếm được vùng đất Phan Rang trở ra đến Phú Yên. Năm 1831, Vua Minh Mạng thành lập tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở trấn Bình Hòa. Sau lần hợp nhất vào năm 1975, đến năm 1989, Quốc hội lại chia tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa cho đến ngày nay. Khánh Hòa hiện nay bao gồm 2 thành phố trực thuộc tỉnh (Nha TrangCam Ranh), 1 thị xã (Ninh Hòa) và 6 huyện (Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâmhuyện Trường Sa) với tổng diện tích 5.217,6 km². Một phần quần đảo Trường Sa nằm dưới sự quản lý của tỉnh Khánh Hòa, nhưng bị tranh chấp về chủ quyền bởi một số quốc gia khác. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... với khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình 26⁰C, có hơn 300 ngày nắng trong năm, và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác. Với những lợi thế đó Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. [ Đọc tiếp ]

Moltke

Lớp tàu chiến-tuần dương Moltke là một lớp gồm hai tàu chiến-tuần dươngtoàn-súng lớn” được Hải quân Đế chế Đức chế tạo trong những năm 1909–1911. Gồm hai chiếc SMS MoltkeSMS Goeben, lớp này có thiết kế tương tự như chiếc Von der Tann dẫn trước, nhưng bao gồm nhiều cải tiến lớn hơn. Những chiếc Moltke hơi lớn hơn, nhanh hơn và có vỏ giáp tốt hơn, chúng cũng được bổ sung thêm một cặp pháo 28 cm. Cả hai chiếc trong lớp đều đã tham gia Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Moltke tham gia nhiều trận chiến lớn cùng với phần còn lại của Hạm đội Biển khơi Đức, bao gồm các trận Dogger Bank và Jutland tại Bắc Hải cùng trận Riga và Chiến dịch Albion tại biển Baltic. Vào cuối chiến tranh, Moltke cùng với phần lớn tàu chiến của Hạm đội Biển khơi bị lưu giữ tại Scapa Flow trong khi các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra nhằm quyết định số phận của chúng. Moltke đã bị đánh đắm cùng với hầu hết hạm đội vào ngày 21 tháng 6 năm 1919 nhằm ngăn chúng không bị rơi vào tay người Anh. Goeben được bố trí tại Địa Trung Hải vào lúc chiến tranh nổ ra, nó thoát khỏi sự săn đuổi của hạm đội Anh để đi đến Constantinopolis. Con tàu cùng với chiếc tàu tuần dương hạng nhẹ Breslau nhanh chóng được chuyển cho Hải quân Ottoman không lâu sau đó. [ Đọc tiếp ]

When Harry Met Sally…

Tiệm bánh mì Katz’s Delicatessen, nơi thực hiện một cảnh quay trong bộ phim When Harry Met Sally…
Tiệm bánh mì Katz’s Delicatessen, nơi thực hiện một cảnh quay trong bộ phim When Harry Met Sally…

When Harry Met Sally… là một tác phẩm điện ảnh Mỹ sản xuất năm 1989 do Nora Ephron viết kịch bản và Rob Reiner đạo diễn. Đây là bộ phim tình cảm hài xoay quanh câu chuyện của hai nhân vật Harry (do Billy Crystal thủ vai) và Sally (do Meg Ryan thủ vai) từ lần gặp mặt đầu tiên của họ trong chuyến đi từ Đại học Chicago lên New York cho đến mối quan hệ tình cảm giữa hai người 12 năm sau đó ở New York. Phim được nhớ tới với nhiều câu thoại dí dỏm, sự phối hợp diễn xuất ăn ý của Crystal và Ryan cùng những cảnh quay rất đẹp về thành phố New York. Sau khi công chiếu bộ phim đã được cả công chúng và giới phê bình đánh giá khá cao, đồng thời đem lại cho tác giả kịch bản Nora Ephron một số giải thưởng và đề cử tại giải BAFTAgiải Oscar. Năm 2000 When Harry Met Sally… được bầu chọn đứng thứ 23 trong Danh sách 100 phim hài của Viện phim Mỹ, câu thoại của phim trong tiệm bánh mì – “I’ll have what she’s having” – cũng đứng trong Danh sách 100 câu thoại đáng nhớ. Năm 2004 phim đã được dựng thành tác phẩm sân khấu và Bollywood làm lại với cái tên Hum Tum. [ Đọc tiếp ]

SMS Kronprinz

Thiết giáp hạm SMS Kronprinz Wilhelm tại Scapa Flow, năm 1919

SMS Kronprinz là chiếc cuối cùng của lớp thiết giáp hạm König được Hải quân Đế quốc Đức chế tạo trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Kronprinz được đặt lườn vào ngày tháng 11 năm 1911 và được hạ thủy vào ngày 21 tháng 2 năm 1914. Nó được chính thức đưa ra hoạt động cùng Hạm đội Biển khơi Đức vào ngày 8 tháng 11 năm 1914, chỉ bốn tháng sau khi chiến tranh nổ ra tại Châu Âu. Cái tên Kronprinz (Hoàng thái tử) được đặt để ám chỉ Thái tử Wilhelm, và vào tháng 6 năm 1918, con tàu được đổi tên thành Kronprinz Wilhelm nhằm tôn vinh trực tiếp ông. Chiếc thiết giáp hạm được trang bị mười khẩu pháo SK 30,5 cm L/50 trên năm tháp pháo nòng đôi, và có thể di chuyển với tốc độ tối đa 21 hải lý trên giờ (39 km/h; 24 mph). Cùng với ba chiếc tàu chị em cùng lớp König, Grosser KurfürstMarkgraf, Kronprinz đã tham gia hầu hết các hoạt động của hạm đội trong chiến tranh, kể cả trận Jutland vào ngày 31 tháng 5–1 tháng 6 năm 1916. Mặc dù được bố trí gần phía đầu của hàng chiến trận Đức, nó đã thoát ra khỏi trận đánh mà không bị hư hại. Tuy nhiên, nó lại bị tàu ngầm Anh J1 phóng trúng ngư lôi vào ngày 5 tháng 11 năm 1916 trong một chiến dịch ngoài khơi bờ biển Đan Mạch. Sau khi được sửa chữa, nó tham gia Chiến dịch Albion, một cuộc tấn công đổ bộ lên bờ biển Baltic vào tháng 10 năm 1917, nơi nó đối đầu với thiết giáp hạm Nga Tsesarevich, buộc đối thủ phải rút lui. [ Đọc tiếp ]

Phố cổ Hội An

Những ngôi nhà cổ Hội An

Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển. Thế kỷ 19, do giao thông đường thủy ở đây không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái, nhường chỗ cho Đà Nẵng khi đó đang được người Pháp xây dựng. Hội An may mắn không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20. Bắt đầu từ thập niên 1980, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được giới học giả và cả du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.

Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, phần bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị. [ Đọc tiếp ]