2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 1 năm 2019
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Kỵ sĩ bóng đêm

Dàn diễn viên và ê-kíp làm phim Kỵ sĩ bóng đêm trong một buổi ra mắt châu Âu ở Luân Đôn. Từ trái qua phải: Đạo diễn Christopher Nolan, hai nhà sản xuất Emma Thomas và Charles Roven, các diễn viên Monique Gabriela Curnen, Michael Caine, Aaron Eckhart, Maggie Gyllenhaal và Christian Bale.

Kỵ sĩ bóng đêm là phim điện ảnh siêu anh hùng năm 2008 do Christopher Nolan đạo diễn kiêm nhà đồng sản xuất và nhà đồng biên kịch. Dựa trên nhân vật truyện tranh Batman của DC Comics, tác phẩm là phần thứ hai trong loạt phim điện ảnh bộ ba The Dark Knight của Nolan cũng như phần tiếp nối của Batman Begins năm 2005. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên như Christian Bale, Michael Caine, Heath Ledger, Gary Oldman, Aaron Eckhart, Maggie GyllenhaalMorgan Freeman. Trong Kỵ sĩ bóng đêm, Bruce Wayne / Batman (Bale), James Gordon (Oldman) và công tố viên quận Harvey Dent (Eckhart) tạo thành một liên minh chống tội phạm có tổ chứcThành phố Gotham nhưng bộ ba bị đe dọa bởi một kẻ chủ mưu vô chính phủ có biệt danh Joker (Ledger), khi hắn tìm cách phá hoại ảnh hưởng của Batman và khiến thành phố trở nên hỗn loạn.

Với doanh thu hơn 1 tỷ USD trên toàn cầu, tác phẩm trở thành phim điện ảnh có doanh thu cao nhất năm 2008phim điện ảnh có doanh thu cao thứ 36 mọi thời đại nếu không tính lạm phát (đứng thứ 4 tại thời điểm phát hành); phim còn thiết lập kỷ lục phim điện ảnh có doanh thu mở màn cao nhất với 158 triệu USD và nắm giữ kỷ lục này trong ba năm. Kỵ sĩ bóng đêm đã nhận tám đề cử Oscar, trong đó giành giải biên tập âm thanh xuất sắc nhất và Ledger được trao giải nam diễn viên phụ xuất sắc nhất sau khi qua đời. [ Đọc tiếp ]

Tốc độ ánh sáng

Thiên hà Sombrero theo quang phổ hồng ngoại

Tốc độ ánh sáng trong chân không, ký hiệu là c, là một hằng số vật lý cơ bản quan trọng trong nhiều lĩnh vực vật lý học. Nó có giá trị chính xác bằng 299.792.458 mét trên giây, bởi vì đơn vị độ dài mét được định nghĩa lại dựa theo hằng số này và giây tiêu chuẩn. Theo thuyết tương đối hẹp, c là tốc độ cực đại mà mọi năng lượng, vật chất, và thông tin trong vũ trụ có thể đạt được. Nó là tốc độ cho mọi hạt phi khối lượng liên kết với các trường vật lý (bao gồm bức xạ điện từ như photon ánh sáng) lan truyền trong chân không. Nó cũng là tốc độ truyền của hấp dẫn (như sóng hấp dẫn) được tiên đoán bởi các lý thuyết hiện tại. Những hạt và sóng truyền với vận tốc c không kể chuyển động của nguồn hay của hệ quy chiếu quán tính của người quan sát. Trong thuyết tương đối, c có liên hệ với không gian và thời gian, và do vậy nó xuất hiện trong phương trình nổi tiếng sự tương đương khối lượng-năng lượng E = mc2. Vận tốc của ánh sáng khi nó lan truyền qua vật liệu trong suốt, như thủy tinh hoặc không khí, nhỏ hơn c. Tỉ số giữa c và vận tốc v của ánh sáng truyền qua vật liệu gọi là chỉ số chiết suất n của vật liệu (n = c / v). Trong thực hành hàng ngày, ánh sáng có thể coi là lan truyền "tức thì", nhưng đối với khoảng cách lớn và phép đo rất nhạy, sự hữu hạn của tốc độ ánh sáng có thể nhận biết được. Hiện tượng thời gian trễ này cũng chính là nguyên nhân trong cộng hưởng Schumann. Trong liên lạc truyền tín hiệu thông tin đến các tàu không gian, thời gian mất khoảng từ vài phút đến hàng giờ cho tín hiệu đến được Trái Đất và ngược lại. [ Đọc tiếp ]

Người đẹp và quái vật (phim 1991)

Người đẹp và quái vật là phim điện ảnh hoạt hình mang yếu tố nhạc kịchkỳ ảo lãng mạn của Mỹ năm 1991 do xưởng phim Walt Disney Animation Studios sản xuất và hãng Walt Disney Pictures chịu trách nhiệm phát hành. Tác phẩm là phim điện ảnh hoạt hình thứ 30 của Disney và bộ phim thứ ba phát hành trong thời kì Phục hưng của Disney, dựa trên câu chuyện cổ tích cùng tên của nữ nhà văn người Pháp Jeanne-Marie Leprince de Beaumont và những ý tưởng từ phim điện ảnh cùng tên của Pháp năm 1946 do Jean Cocteau đạo diễn. Nội dung phim kể về mối tình lãng mạn giữa Quái thú (Robby Benson lồng tiếng), chàng hoàng tử bị biến thành một con quái thú gớm ghiếc, còn những người hầu của chàng bị biến thành các vật dụng gia đình—một sự trừng phạt vì sự độc ác và ích kỷ của chàng và Belle (Paige O'Hara lồng tiếng), cô gái trẻ xinh đẹp bị Quái thú giam giữ trong lâu đài của mình. Để có thể trở lại thành người, Quái thú phải học cách yêu Belle và chiếm được tình yêu của nàng, trước khi cánh hoa cuối cùng từ bông hoa hồng phép thuật mà một bà phù thủy gieo lời nguyền lên Quái thú rụng xuống, hoặc Quái thú sẽ vẫn ở trong hình hài này vĩnh viễn. Phim còn có sự tham gia lồng tiếng của Richard White, Jerry Orbach, David Ogden StiersAngela Lansbury.

Tác phẩm gặt hái thành công lớn về doanh thu phòng vé khi thu về 425 triệu USD trên toàn cầu so với kinh phí sản xuất là 25 triệu USD. Bộ phim đã chiến thắng giải Quả cầu vàng cho phim ca nhạc hoặc phim hài hay nhất, qua đó trở thành phim hoạt hình đầu tiên chiến thắng hạng mục này. Người đẹp và quái vật cũng là tác phẩm điện ảnh hoạt hình đầu tiên nhận đề cử giải Oscar cho phim hay nhất tại lễ trao giải lần thứ 64, bên cạnh đó phim còn đoạt giải Oscar cho nhạc phim hay nhấtca khúc trong phim hay nhất (cho bài hát chủ đề), đồng thời nhận thêm các đề cử khác cho ca khúc trong phim ("Be Our Guest") hay nhất và hòa âm hay nhất. [ Đọc tiếp ]

Trận Trân Châu Cảng

Trận Trân Châu Cảng (hay Chiến dịch Hawaii theo cách gọi của Bộ Tổng tư lệnh Đế quốc Nhật Bản) là một đòn tấn công quân sự bất ngờ được Hải quân Nhật Bản thực hiện nhằm vào căn cứ hải quân của Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng thuộc tiểu bang Hawaii vào sáng Chủ Nhật, ngày 7 tháng 12 năm 1941, dẫn đến việc Hoa Kỳ sau đó quyết định tham gia vào hoạt động quân sự trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trận đánh này được trù tính sẽ ngăn ngừa và giữ chân Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ không can thiệp đến cuộc chiến mà Nhật Bản đang hoạch định nhằm xâm chiếm Đông Nam Á, chống lại Anh Quốc, Hà Lan và Hoa Kỳ. Cuộc tấn công bao gồm hai đợt không kích với tổng cộng 353 máy bay xuất phát từ 6 tàu sân bay Nhật Bản. Trận tấn công đã đánh chìm 4 thiết giáp hạm Hoa Kỳ (2 chiếc trong số đó sau này được vớt lên và đưa trở lại hoạt động), và gây hư hỏng cho 4 chiếc khác. Quân Nhật còn đánh chìm hoặc phá hoại 3 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục và 1 tàu thả mìn, phá hủy 188 máy bay, gây tổn thất về nhân mạng là 2.402 người tử trận và 1.282 người khác bị thương. Các trạm phát điện, xưởng tàu, xưởng sửa chữa và các kho chứa nhiên liệu và ngư lôi, cùng các bến tàu dành cho tàu ngầm và tòa nhà sở chỉ huy (cũng là nơi đặt bộ phận tình báo) đã không bị đánh trúng. Nhật Bản thiệt hại ít nhất, chỉ mất 29 máy bay và 4 tàu ngầm bỏ túi, với 65 người thương vong. [ Đọc tiếp ]