Wikipedia:Nguồn tự xuất bản
![]() | Đây là trang giải thích bổ sung cho nhiều quy định và hướng dẫn. Mục đích là để bổ sung thông tin cho các khái niệm trong các trang chính. Trang này chưa được cộng đồng thông qua nên không phải là quy định hay hướng dẫn chính thức. |
Đây là bài viết cung cấp cái nhìn toàn diện về nguồn tự xuất bản, bao gồm cách nhận diện, các ví dụ cụ thể, cũng như cách phân biệt nguồn tự xuất bản với các khái niệm như nguồn sơ cấp và nguồn độc lập. Đồng thời, bài viết sẽ giải thích lý do tại sao nguồn tự xuất bản thường không được chấp nhận trong các bài viết bách khoa trên Wikipedia, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt và cách sử dụng sao cho hợp lệ.
Định nghĩa
sửaNguồn tự xuất bản là tài liệu tự viết tự phát hành, không qua quá trình kiểm duyệt, đánh giá bởi các bên trung gian hoặc chuyên gia trong lĩnh vực, đôi khi có thể không được khách quan, có thiên hướng tự quảng bá, phục vụ cho lợi ích của người viết.
Nhận diện
sửaNếu người tạo ra tài liệu cũng là người phát hành tài liệu thì đó là nguồn tự xuất bản. Nếu người viết không phải là người phát hành thì đó không phải là nguồn tự xuất bản. Không cần phải cân nhắc các yếu tố khác như nội dung, quy mô của đơn vị xuất bản, định dạng (giấy hay điện tử), tác giả có phải chuyên gia nổi tiếng hay không… Nếu đó là nhân viên viết bài cho công ty của mình (ví dụ, tài liệu tiếp thị quảng cáo, trang web của các doanh nghiệp…) thì người viết và người xuất bản cũng được tính là một người. Những trang web không rõ đơn vị xuất bản và tổ chức đứng sau cũng có thể được coi là nội dung tự xuất bản.[1]
Ví dụ
sửa- Vô vàn trang web trên mạng Internet, trong đó có:
- Nội dung trên trang web của các cá nhân, tổ chức, thiện nguyện
- Blog cá nhân, blog nhóm
- Trại nội dung
- Bài đăng trên các diễn đàn trực tuyến
- Nền tảng wiki mở
- Mạng xã hội như Facebook, Myspace, Google+, Twitter, LinkedIn
- Trang web do người dùng đóng góp nội dung: YouTube, Find A Grave, IMDb… các trại nội dung
- Bản tin (newsletter) của các tổ chức
- Bằng sáng chế
- Quảng cáo, pam phơ lê, thông cáo báo chí
- Podcast
- Chiến dịch quảng cáo
- Nội dung trên phương tiện truyền thông do chính chủ sở hữu phát hành hay nhà xuất bản của nhóm truyền thông đó
- Album nhạc tự phát hành
- Bản tuyên ngôn bầu cử
- Sách tự xuất bản
- ...
Sách tự xuất bản
sửaSách tự xuất bản là sách tác giả tự viết và tự chi trả chi phí xuất bản, đồng thời chịu toàn bộ rủi ro tài chính. Trong quá trình này, tác giả nắm toàn quyền kiểm soát và không phải thông qua quy trình xuất bản truyền thống.[2] Ngoài ra, còn có hình thức xuất bản kết hợp: tác giả trả phí cho các dịch vụ xuất bản, trong khi nhà xuất bản đảm nhận một phần chi phí như chỉnh sửa, hiệu đính, tiếp thị, phân phối… và chịu trách nhiệm sản xuất cũng như đưa sách ra thị trường.[3] Cũng có trường hợp có nhà xuất bản (NXB) được lập ra chỉ để phát hành sách cho một tác giả duy nhất, hoặc thậm chí có những đơn vị cố tình tạo ra ấn hiệu riêng, khiến người đọc tưởng tác giả và nhà xuất bản là hai thực thể độc lập.
Các NXB tự xuất bản: Wikipedia:List of self-publishing companies (tiếng Anh) tổng hợp danh sách các NXB quốc tế chuyên kinh doanh loại hình này. Nếu NXB bạn cần tìm không có tên trong danh sách này: hãy tra cứu tên trên các công cụ tìm kiếm, nếu không có thông tin gì mấy thì khả năng cao là tự xuất bản hoặc không phải là NXB uy tín. Một số dịch vụ tự xuất bản trực tuyến nổi bật là Kindle Direct Publishing, Smashwords, CreateSpace…[4]
- Đối lập với tự xuất bản
Đối lập với tự xuất bản là xuất bản truyền thống: bản thảo của người viết phải được NXB duyệt. Sau đó, NXB sẽ tiến hành biên tập, kiểm duyệt, thẩm định nội dung, chỉnh lý, thiết kế, làm bìa, quyết định số lượng in... chi trả chi phí xuất bản, quảng bá và phân phối tác phẩm ra thị trường, và quan trọng nhất là bảo chứng cho chất lượng sách.[5][3][6] Cơ chế này áp dụng cho hầu hết tất cả các xuất bản phẩm trong ngành xuất bản truyền thống: tác phẩm nào cũng phải được đánh giá và kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt trước khi xuất bản. Các biên tập viên ăn lương của NXB, không phải của tác giả nên họ có thể đánh giá khách quan và công tâm.
Sách tự xuất bản ở Việt Nam
sửaỞ Việt Nam không tồn tại các NXB tư nhân chỉ chuyên cung cấp dịch vụ tự xuất bản như nước ngoài vì pháp luật không cho phép tư nhân lập NXB.[7] Tất cả các NXB đều thuộc nhà nước hoặc có chủ sở hữu thuộc nhà nước. Tất cả các sách muốn xuất bản hợp pháp đều phải có giấy phép xuất bản từ các NXB chính thống.[8] Khi tự xuất bản sách, tác giả tự chịu trách nhiệm về chi phí xuất bản (lời ăn lỗ chịu),[9] ngoài ra cũng có thể sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xuất bản[2][10] nhưng không thể tự cấp phép mà vẫn cần một NXB chính thống xin giấy phép giúp (gọi là "liên kết xuất bản với tác giả", "hợp tác xuất bản").[11][12] NXB sẽ thực hiện kiểm duyệt để đảm bảo nội dung sách không vi phạm các quy định của pháp luật, đáp ứng các yêu cầu về văn hóa, đạo đức, chính trị và chịu trách pháp lý cho tác phẩm.[a] Còn trong quy trình tự xuất bản ở Hoa Kỳ, tác giả chịu trách nhiệm toàn bộ, không có kiểm duyệt từ bên thứ ba, nếu vi phạm pháp luật thì sẽ bị kiện (ví dụ, đạo văn, phỉ báng xúc phạm nhân phẩm của người khác…).
Do đó, sách tự xuất bản ở Việt Nam vẫn được đứng tên bởi các NXB chính thống, chẳng hạn như NXB Phụ nữ Việt Nam, NXB Kim đồng, NXB Lao động…[14][15] nên Wikipedia tiếng Việt không thể lập một danh sách liệt kê các NXB như bên tiếng Anh được.
Không phải nguồn tự xuất bản
sửa- Bài đăng trên báo và tạp chí
- Sách không thuộc diện tự xuất bản
- Bài đăng trên các tạp chí khoa học có quy trình phản biện
- Kho dữ liệu của chính phủ, các tổ chức uy tín[16]
Phân biệt
sửaHướng dẫn cách phân biệt nguồn tự xuất bản với các khái niệm nguồn sơ cấp và nguồn độc lập.
Nguồn sơ cấp
sửaTùy trường hợp mà nguồn tự xuất bản có thể là nguồn sơ cấp, thứ cấp, hay tổng hợp hạng ba. Ví dụ, blog cá nhân luôn luôn là nguồn tự xuất bản, nhưng:
- Nếu nội dung bài blog kể lại trải nghiệm bản thân tác giả được trực tiếp xem diễu binh Chiến thắng Điện Biên Phủ 2024 thì đây được tính là nguồn sơ cấp.
- Nếu bài blog phân tích một sự kiện đã diễn ra và tác giả không trực tiếp tham gia sự kiện đó, thì đây được tính là nguồn thứ cấp. Ví dụ, bài phân tích về phong trào #MeToo.
- Nếu nội dung bài blog liệt kê các địa điểm tham quan du lịch ở thủ đô Praha thì đây được tính là nguồn tổng hợp hạng ba.
Tự xuất bản | Thường | |
---|---|---|
Nguồn sơ cấp | Chuyên gia Nguyễn A viết blog báo cáo kết quả thí nghiệm mình vừa thực hiện. | Chuyên gia Nguyễn A viết blog báo cáo kết quả thí nghiệm mình vừa thực hiện. Sau đó, các biên tập viên đưa kết quả thí nghiệm này vào tạp chí nghiên cứu khoa học. |
Nguồn thứ cấp | Chuyên gia Nguyễn A lấy dữ liệu từ mười hai thí nghiệm của người khác, viết một bài phân tích tổng hợp rồi đăng lên blog. | Chuyên gia Nguyễn A lấy dữ liệu từ mười hai thí nghiệm của người khác, viết một bài phân tích tổng hợp rồi đăng lên blog. Sau đó, kết quả này được các biên tập viên đưa vào tạp chí nghiên cứu khoa học. |
Nguồn độc lập
sửaTùy trường hợp mà nguồn tự xuất bản có thể là nguồn độc lập hay không độc lập. Ví dụ:
- Trang web của các doanh nghiệp luôn được tính là nguồn tự xuất bản. Nếu trang web đăng thông tin về chính doanh nghiệp, thì đây là nguồn không độc lập.
- Blog cá nhân luôn được tính nguồn tự xuất bản. Nếu blog đăng bài giới thiệu sách của chủ blog thì sẽ không được xem là nguồn độc lập. Nhưng nếu blog đăng bài bình về truyện của Nguyễn Nhật Ánh thì trong trường hợp này, blog là nguồn độc lập.
Bất cập
sửaTrong đa số trường hợp, việc sử dụng nguồn tự xuất bản trong bài bách khoa là không hợp lệ vì loại nguồn này không được đảm bảo về tính xác thực, độ tin cậy và chất lượng, trong khi Wikipedia lại yêu cầu độ chính xác cao. Nguồn tự xuất bản không trải qua quy trình kiểm tra chất lượng nội dung bởi một bên độc lập không có ràng buộc về lợi ích hay tài chính với tác giả. Đơn vị kiểm duyệt độc lập cần phải được quyền bất đồng ý kiến với tác giả mà không cần phải lo sợ điều này có thể ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo. Ví dụ:
- Kiểm duyệt không độc lập: Chuyên gia Nguyễn A viết bản thảo về kết quả thí nghiệm của mình, sau đó thuê biên tập viên Đặng B để giúp chỉnh sửa, mục đích là để tự xuất bản sách. Khi có bất đồng ý kiến, Nguyễn A hoàn toàn có quyền bác bỏ ý kiến của B, chấm dứt hợp đồng và tìm người khác.
- Kiểm duyệt độc lập: Chuyên gia Nguyễn A viết bản thảo về kết quả thí nghiệm của mình và gửi đến một tạp chí khoa học để xem xét. Nếu xảy ra bất đồng ý kiến và không tìm được tiếng nói chung, ban biên tập có quyền từ chối xuất bản bài báo và Nguyễn A phải chấp nhận quyết định đó.
Vô vàn trang web bạn thấy trên Internet đều là nguồn tự xuất bản, vì chưa có ai đứng ra kiểm tra xem các thông tin đó có chính xác không trước khi bấm nút đăng bài. Nhiều trang web muốn lôi kéo bạn mua hàng, sử dụng dịch vụ hoặc hoặc tuyên truyền quảng bá.[17]
Hợp lệ
sửaTrong một số trường hợp, việc sử dụng nguồn tự xuất bản vẫn có thể được chấp nhận nếu đáp ứng những tiêu chí nhất định. Do đó, không thể chỉ dựa vào yếu tố "tự xuất bản" để vội vàng kết luận rằng nguồn này nguồn kia là "yếu" hay "không đáng tin". Một số nguồn tự xuất bản vẫn có thể cung cấp thông tin chính xác, chất lượng cao, đã qua kiểm chứng và được chuyên gia đánh giá. Nếu không muốn nói, trong một số trường hợp, đó có thể là nguồn mạnh nhất.
Ngược lại, không phải mọi nguồn xuất bản đều "chính xác", "mạnh", "đáng tin", "uy tín". Việc được xuất bản chính thức không đảm bảo rằng nội dung trong đó sẽ chính xác, khách quan, chất lượng cao, đã qua kiểm chứng chặt chẽ. Một số nguồn vẫn có thể chứa thông tin sai, thiên vị, quảng bá, phục vụ cho lợi ích riêng.
Cách sử dụng
sửaTrước khi lấy làm nguồn, cần xem xét kỹ lưỡng để xác định liệu các nguồn tự xuất bản có phải là nguồn đáng tin cậy cho thông tin đó trong bài bách khoa hay không. Nếu có nguồn thường cũng chứng minh thông tin đó thì cần ưu tiên nguồn thường hơn. Nếu không rõ nguồn nào tốt hơn thì có thể đưa cả hai vào.
Không phải nguồn tự xuất bản nào cũng giống nhau. Ví dụ, cũng cùng là blog nhưng blog của người không có chuyên môn không thể được đặt ngang bàn cân với blog về vật lý của trưởng khoa Vật lý tại một trường đại học lớn.
Việc sử dụng nguồn tự xuất bản trong bài bách khoa sẽ hợp lệ trong các trường hợp sau:
- Tác giả là chuyên gia có chuyên môn sâu, có ấn phẩm từng được các đơn vị xuất bản uy tín, độc lập phát hành. Không áp dụng cho các "khẳng định đặc biệt". Trong những trường hợp này, cần cẩn trọng vì nếu thông tin có vẻ hợp lý, có thể thông tin này cũng có trong các nguồn hợp lệ rồi, vậy thì cần ưu tiên tìm và sử dụng các nguồn đó hơn.
- Ví dụ, có thể dùng nguồn tự xuất bản của chuyên gia để bổ sung một quan điểm quan trọng chưa có trong các nguồn thường. Hoặc bổ sung các thông tin về kỹ thuật nấu ăn từ sách tự xuất bản của chuyên gia ẩm thực.
- Thông tin về chính chủ thể của nguồn
- Ví dụ, trong bài có câu: "Tổ chức đã chi tiền quảng cáo trên các tờ báo lớn để ủng hộ quyền động vật", vậy thì có thể dẫn các mẩu quảng cáo đó vào bài.
- Nói về chính tác giả hoặc các lời nói, sản phẩm, hoạt động… của người đó. Trong trường hợp này, tác giả không cần là chuyên gia trong lĩnh vực, nhưng:
- Không chấp nhận thông tin quá có lợi cho chủ thể.
- Không chấp nhận "khẳng định đặc biệt".
- Không chứa khẳng định về các đối tượng khác.
- Không được đề cập đến các sự kiện không trực tiếp liên quan đến chủ thể.
- Phải có độ tin cậy nhất định
- Đó không phải là nguồn chủ đạo viết bài.
- Ví dụ, nguồn tự xuất bản là nguồn kiểm chứng mạnh nhất cho các trích dẫn lời nói của tác giả, tránh được tình trạng tam sao thất bản.
Không hợp lệ
sửaViệc sử dụng nguồn tự xuất bản trong bài bách khoa là không hợp lệ trong các trường hợp:
- Đó là khẳng định của tác giả nhưng không thỏa 5 tiêu chí nêu trên.
- Đó là khẳng định đặc biệt, cho dù tác giả có là chuyên gia.
- Đó là thông tin về người đang sống, cho dù tác giả là chuyên gia, nhà nghiên cứu chuyên nghiệp hay nhà văn có tiếng.
Ví dụ:
Nguồn chưa xuất bản
sửaNguồn chưa xuất bản là những thông tin chưa được công khai với công chúng, chưa xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, chưa được đưa vào tài liệu, hồ sơ lưu trữ, thư viện. Ví dụ:
- Thư từ hoặc nhật ký được cất giữ trong nhà
- Tài liệu nội bộ, giấy tờ tại nơi làm việc
- Thư từ, email gửi cho một số ít cá nhân
Nguồn chưa xuất bản hoàn toàn không hợp lệ để làm nguồn cho bách khoa toàn thư. Không có ngoại lệ cho quy tắc này.
Phụ chú
sửaNguồn
sửa- ^ Đại học Chicago (2016).
- ^ a b Thanh Ngọc (2024).
- ^ a b Đức Huy (2024).
- ^ Tâm Anh (2024).
- ^ Nguyễn Hà (2023).
- ^ NXB Xây dựng.
- ^ Điều 11, Luật Xuất bản 2012
- ^ Điều 4, điều 10, điều 13, Luật Xuất bản 2012
- ^ Trần Thị Thu, Thái Thu Hoài, Nguyễn Kim Hương, Trần Thị Quyên (2008), tr. 116.
- ^ Minh Hạnh (2021).
- ^ Đinh Đang (2021).
- ^ Điều 23, Luật Xuất bản 2012
- ^ Điều 10, Luật Xuất bản 2004
- ^ Thu Huệ (2022).
- ^ Lê Công Sơn (2022).
- ^ Đại học Princeton (2011).
- ^ Thư viện Đại học California, Berkeley
Thư mục
sửa- Phạm Thị Thu (2013). Lý luận nghiệp vụ xuất bản. NXB Thông tin và truyền thông.
- Trần Thị Thu; Thái Thu Hoài; Nguyễn Kim Hương; Trần Thị Quyên (2008). Giáo trình môn học Kinh doanh xuất bản phẩm. TP. HCM.
- NXB Xây dựng. “Quy trình xuất bản một tác phẩm, cuốn sách tại Việt Nam”. NXB Xây dựng. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2025.
- Đại học Chicago (2016). The Chicago Manual of Style [Cẩm nang biên soạn Chicago] (PDF) (ấn bản thứ 17). Chicago: NXB Đại học Chicago.
- Đại học Princeton (2011). Academic integrity at Princeton [Tinh thần học thuật tại Princeton]. Chicago: NXB Đại học Princeton.
Văn bản pháp luật
sửa- Hiến pháp 1992
- Quốc hội Việt Nam (2004) Luật Xuất bản 2004. Số 30/2004/QH11.
- Quốc hội Việt Nam (2012) Luật Xuất bản 2012. Số 103/2012/QH13. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
Báo chí
sửa- Đinh Đang (29 tháng 10 năm 2021). “Người mới muốn tự xuất bản sách để trở thành best-seller phải làm gì?”. Dân Việt. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2025.
- Đức Huy (21 tháng 5 năm 2024). “Điểm mạnh của các hình thức xuất bản hiện nay”. Tri thức. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2025.
- Lê Công Sơn (16 tháng 3 năm 2022). “Nam Kha 'hiến kế' ý tưởng cho những ước mơ của người trẻ thành hiện thực”. Thanh Niên. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2025.
- Nguyễn Hà (28 tháng 6 năm 2023). “Tự xuất bản sách văn học: Hướng đi mới của nhiều tác giả”. Thanh Niên. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2025.
- Minh Hạnh (27 tháng 9 năm 2021). “Tự xuất bản sách liệu có khó?”. Vietnamnet. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2025.
- Tâm Anh (5 tháng 7 năm 2024). “Kinh nghiệm xuất bản sách trên Amazon thành công của tác giả Việt”. Tri thức. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2025.
- Thu Huệ (17 tháng 4 năm 2022). “Làm thế nào để tự xuất bản một cuốn sách?”. Tri thức. Hội Xuất bản Việt Nam. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2024.
- Thanh Ngọc (5 tháng 8 năm 2024). “Xu hướng thúc đẩy sáng tạo và đa dạng sách”. Văn hóa. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2025.