Wikipedia:Thận trọng với các thay đổi đang chờ

Thay đổi đang chờ cho phép những người duyệt bài kiểm tra các sửa đổi trước khi để chúng hiện ra trước công chúng (cụ thể là những độc giả chưa đăng nhập vào Wikipedia). Mức khóa thay đổi đang chờ có hai cấp độ: cấp độ 1 ảnh hưởng lên những người dùng chưa đăng ký (IP) hoặc mới mở tài khoản, là biện pháp có thể thay thế cho mức bán khóa thông thường; cấp độ 2 bổ sung ảnh hưởng lên những thành viên tự xác nhận, là biện pháp có thể thay thế cho mức khóa hoàn toàn thông thường. Khóa thay đổi đang chờ cấp độ 1 nên được giới hạn theo các tiêu chí sau:

Khóa thay đổi đang chờ cấp độ 2 có thể là biện pháp tối ưu trong một bài viết đang có bút chiến dai dẳng và là mục tiêu tấn công liên tục trong thời gian dài của tài khoản con rối, nhưng không được dùng để chiếm ưu thế cho bất kỳ bên nào trong cuộc tranh chấp, mà chỉ là một phương cách dung hòa hướng đến những người dùng vốn không liên quan đến những vấn đề tiêu cực mang tính nội bộ nói trên, tạo điều kiện cho họ có cơ hội đóng góp những thay đổi không liên quan, một điều mà vốn không thể thực hiện được nếu bài viết bị khóa hoàn toàn. Khóa thay đổi đang chờ cấp độ 2 có ảnh hưởng lên cả những người duyệt bài thông thường không đồng thời là điều phối viên hay bảo quản viên, những người vốn được mặc định trao quyền duyệt bài.

Những hạn chế được đúc kết lại dựa trên tác động tiêu cực tiềm tàng đã được xác định qua phản hồi từ những cộng đồng dự án Wikimedia khác đã kích hoạt tính năng mạnh mẽ này, bảo đảm cho Wikipedia tiếng Việt không lặp lại sai lầm của họ nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của riêng dự án. Sử dụng khóa thay đổi đang chờ một cách thích hợp sẽ tránh gây nên những tác dụng phụ ngoài ý muốn sau đây.

Gánh nặng cho những người duyệt bài sửa

Lý do quan trọng nhất dẫn đến các hạn chế trên là vị trí của người duyệt bài như một người trong cuộc. Những người giải quyết công việc tồn đọng này thường không phải là chuyên gia về chủ đề của chính bài viết. Họ không thể giữ vai trò là một "người thẩm định" để đánh giá giá trị của các sửa đổi. Nếu tham gia quy trình duyệt các thay đổi đang chờ như vậy, họ có thể bị kéo luôn vào mâu thuẫn biên tập và lún sâu vào những bài viết mà họ tác động đến. Chính vì vậy, người duyệt bài thông thường (không phải điều phối viên hay bảo quản viên) không thể can thiệp vào những bài viết bị khóa thay đổi đang chờ cấp độ 2, và cũng không được khuyến khích can thiệp vào những bài viết bị khóa ở cấp độ 1 vì một lý do liên quan đến bút chiến hay tài khoản con rối.

Người duyệt bài cũng là những tình nguyện viên, Wikipedia khuyến khích họ làm công việc này và không muốn quy trách nhiệm cho họ khi nhúng tay vào một đề tài đang có tranh chấp kịch liệt. Bằng cách giới hạn các tiêu chí khóa trang như vậy, Wikipedia sẽ tránh được việc đẩy người duyệt bài vào tình thế khó xử.

Tránh làm nản lòng các biên tập viên có thiện ý sửa

Từ chối không chấp nhận thay đổi đang chờ cũng giống như lùi sửa hàng loạt; nó là một kiểu chối bỏ sự đóng góp của người khác mà không để lại bình luận nào. Những tác vụ này được nhấn mạnh tuyệt đối là chỉ dùng để đối phó với sửa đổi rõ ràng là có vấn đề, chứ không phải những sửa đổi có khả năng đã được thực hiện với dụng ý tốt. Đây cũng là một lý do nữa khiến cho khóa thay đổi đang chờ cố gắng chỉ áp dụng để phòng tránh các vi phạm rõ ràng. Mặc dù bản thân mức khóa này đã được xem là cách giữ thiện ý tối đa nhất trong trường hợp phải áp dụng tác vụ khóa trang, thay thế cho một cách khóa không cho sửa đổi thông thường, đôi khi nó lại là con dao hai lưỡi: làm nản lòng người đã bỏ công sức ra đóng góp cho Wikipedia hơn là so với việc họ không thể sửa Wikipedia ngay từ đầu.

Những vi phạm hay vấn đề ít nghiêm trọng hơn trước tiên nên được chấp nhận đã, rồi sau đó mới sửa lại hoặc lùi sửa với một tóm lược thích đáng. Nếu bạn không có ý định hồi sửa một thay đổi chưa được chấp nhận, thì hãy chấp nhận nó trước đã rồi mới tự mình sửa lại để giải quyết vấn đề.

Các bài viết có tần suất sửa đổi rất cao sửa

Khóa thay đổi đang chờ ở những trang có lượt sửa đổi đặc biệt cao thường không phải là lựa chọn tốt: những sửa đổi liên tục sau khi khóa có thể dẫn đến một hàng đợi dài ngoằn ngoèo gồm các thay đổi đang chờ còn tồn đọng. Ngoài ra, tình trạng kỹ thuật hiện nay của khóa thay đổi đang chờ là không hiệu quả với các công cụ tìm kiếm: API được sử dụng bởi các công cụ tìm kiếm để truy cập các trang Wikipedia luôn luôn trả về phiên bản mới nhất, cho dù nó đã được chấp nhận hay chưa, và do đó những thay đổi đang chờ có vấn đề vẫn sẽ hiển thị ngay lập tức trong các công cụ tìm kiếm. Vì lý do này, cần tránh áp dụng khóa thay đổi đang chờ ở những trang có tần suất sửa đổi rất cao.

Một số dự án Wikimedia đã trải qua kinh nghiệm gánh phải hàng nghìn trang nằm trong hàng đợi liệt kê các thay đổi đang chờ còn tồn đọng, bởi vì không có đủ số lượt chấp nhận thay đổi để đáp ứng cho số lượng trang bị khóa. Độc giả chưa đăng nhập Wikipedia vô tình lại không thể xem những thông tin trong phiên bản sửa đổi mới nhất của bài viết mà rất có thể hoàn toàn là những thay đổi tích cực không sai phạm. Việc này sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu trang bị khóa có tần suất sửa đổi rất cao. Nó cũng bổ sung cho lý do khóa thay đổi đang chờ chỉ nên áp dụng trong rất ít trang và có lưu lượng thấp, mà không thể thay thế hoàn toàn cho hình thức khóa trang thông thường. Ngoài ra một khi đã có quyết định khóa trang, bảo quản viên cũng nên cân nhắc về khả năng có thể xem qua các thay đổi sau tối đa là 24 giờ hay không. Nếu lâu hơn, không nên áp dụng mức khóa này.

Xem thêm sửa