Ya Duck

(Đổi hướng từ Ya Đuk)

Ya Duck (sinh ngày 5 tháng 5 năm 1940), nguyên Đệ Nhất phó thủ tướng, kiêm Đổng lý văn phòng Trung ương FULRO, Đệ Nhị Phó chủ tịch Phong trào đoàn kết các sắc tộc thiểu số Cao Nguyên Việt Nam, đương kim Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XII. Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng.[1]

Chân dung Đại biểu Quốc hội khóa XIII Ya Duck

Tiểu sử sửa

Tên đầy đủ là Nahria Ya Duk, người dân tộc Cơ-ho, sinh ngày 5 tháng 5 năm 1940 tại xã Kađô, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Thuở nhỏ học các trường Pháp tại Đơn Dương và Đà Lạt. Sau đó học Đại học Quốc gia Tài chính tại Sài Gòn, nhờ tốt nghiệp xuất sắc, Ya Duck được bổ nhiệm chức Trưởng ty Tài chính Kinh tế Vũng Tàu. Năm 1965, ông tham gia phong trào FULLRO do Y Bham Enuol sáng lập. Năm 1967, tham gia phiên dịch trong các cuộc thương thuyết giữa FULRO do Y Dhé Adrơng, người Ê Đê làm đại diện, và Việt Nam Cộng hòa do thiếu tá Nguyễn Văn Nghiêm làm đại diện. Ngày 9 tháng 6 năm 1976, Ya Đuk được Y Djao Niê [2], thủ tướng FULRO phong làm đại tá, giữ chức tư lệnh quân khu 4 (quân khu mạnh nhất của FULRO). Tháng 7 năm 1977 Ya Duk được Y Djao Niê cử làm đổng lý văn phòng phủ thủ tướng FULRO. Ngày 22 tháng 1 năm 1979, Ya Đuk được thăng cấp chuẩn tướng và cử làm phó thủ tướng thứ nhất đặc trách nội an và ngoại giao của Fulro. Trong thời gian cầm quyền, Khmer Đỏ từng cho người sang gặp Ya Duck, nói thẳng là cần sự hợp tác để chống Việt Nam. Ya Duck sau đó đã sang Campuchia gặp Pol Pot và ông được cả cố vấn Trung Quốc tiếp. Pol Pot cũng như cố vấn Trung Quốc hứa sẽ giúp Fulro mọi mặt chứ không chỉ giúp đất đai làm căn cứ.[3]

Do sống chui lủi trong rừng, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu vũ khí, Ya Duck âm mưu đưa nhóm FULRO người Cơ Ho bí mật tìm đường trốn ra nước ngoài mà không cho Trung ương Fulro biết. Ý định này của Ya Duck đã bị Ban chuyên án F101[4] phát hiện. Ban chuyên án giả danh làm người của hội Caritas [5], sẵn sàng tài trợ mọi chi phí để đưa nhóm FULRO xuất ngoại, tiếp tục huấn luyện, đào tạo họ trở thành các "sĩ quan" FULRO để sau này trở về "giải phóng Tây Nguyên". Mắc mưu Ban chuyên án F101, ngày 13 tháng 6 năm 1980 Ya Duck cùng 60 FULRO bị bắt tại sông Tùng Nghĩa, thuộc xã Phú Hội, huyện Đức Trọng.

Được Ban chuyên án F101 thuyết phục. Ya Duck tham gia vào việc "câu nhử" số Fulro đang ở trong rừng "xuất dương" thông qua "hội Caritas".

Từ 2011-2016, ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân tộc - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.[1]

Ông là người theo đạo Công giáo.[1]

Giáo dục sửa

Ông có bằng Cử nhân hành chính kinh tế.[1]

Chú thích sửa

  1. ^ a b c d “Thông tin đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13”. Quốc hội Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2017.
  2. ^ Y Djao Niê là 1 lãnh tụ FULRO. Tháng 6-1975, bị chính quyền Việt Nam bắt giam trong các trại cải tạo tại Buôn Ma Thuột và Lâm Đồng. Tháng 5-1976, Y Djao Niê cùng Nay Ful, Nay Rong, Nay Guh vượt ngục, ám sát ban lãnh đạo FULRO Dega cũ gồm các ông Kpa Koi, Htlon, Y Bách êban, Y Dhê Buôn Dap, Hmang Mbon... giành quyền lãnh đạo FULRO. Tháng 7-1977, Y Djao Niê thành lập một chính phủ mới, bộ chỉ huy đặt tại Lạc Dương, phía Bắc Đà Lạt, tự phong thủ tướng. Do tranh chấp quyền lực trong nội bộ các lãnh tụ FULRO, Y Djao Niê bị giết ngày 12 tháng 10 năm 1978 tại Đức Trọng
  3. ^ Bên thắng cuộc, tác giả Huy Đức, phát hành ngày 12/12/2012
  4. ^ Chuyên án F101 triển khai từ ngày 20 tháng 3 năm 1979, với nhiệm vụ đánh Quân khu 4 - quân khu mạnh nhất của FULRO do Ya Duck làm tư lệnh. Trưởng ban chuyên án: Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng. Phó ban chuyên án: đại tá Trần Đức Hoài (tự Ba Mỹ), Giám đốc CA Lâm Đồng
  5. ^ Tên Caritas, nguyên ngữ La tinh, có nghĩa là bác ái, yêu thương, từ thiện. Giáo hội Công giáo khuyến khích thành lập tổ chức Caritas ở tất cả các nước. Caritas Internationalis (Caritas Quốc tế) được thành lập năm 1951 và hiện nay có 162 tổ chức thành viên. Trụ sở đặt tại Piazza San Calisto 16, 00153, Roma, Italy.

Liên kết ngoài sửa

Fulro - "bóng ma" hãi hùng trên đất Tây Nguyên