Nghiêm Ích Khiêm (嚴益謙; 1459-1499[1][2]), tên tự là Phúc Lợi, thụy Bình Sơn (屏山); là võ tướng đời Lê Thánh Tông (1442 – 1497).

Thân thế sửa

Nghiêm Ích Khiêm sinh vào năm Kỷ Mão (1459 - thời Lê Nhân Tông Diên Ninh lục niên - tức đời Vua Diên Ninh thứ 6) tại xã Lan Độ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc, nay là làng Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Ông xuất thân từ một gia đình, dòng họ có truyền thống vẻ vang, gắn liền với lịch sử nhà Trần, và đặc biệt là thời nhà Lý với nhiều người làm quan và đóng góp lớn cho triều đình[3].

Nghiêm Ích Khiêm là con trai của Nghiêm Khắc Nhượng (thụy Ngũ Khê) và bà Hà Thị (hiệu Từ Nhân). Ông nổi tiếng văn võ song toàn, có sức mạnh và thông hiểu binh pháp. Thuở nhỏ, ông theo học chữ nho, mọi kinh sử ông đều không đạt, khoa thi năm Canh Tuất đời Vua Hồng Đức năm thứ 21 (1490)[4], ông đỗ Hoàng giáp Tiến sĩ, đứng tên thứ 14, năm đó ông vừa tròn 31 tuổi.

Sự nghiệp sửa

Nghiêm Ích Khiêm là người học rộng tài cao, văn võ song toàn. Làm quan tới chức Đạt tín đại phu - Cẩm y vệ Đoán sự ty - Đoán sự - Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ và luôn luôn thường trực tại Điện Kim Quang - nơi Nhà vua làm việc.

Trong khi làm quan, ông luôn đề cao phẩm hạnh: Trung nghĩa đức nhân, giữ trọn thần tiết vua, với nước, do vậy ông đã được Nhà vua sủng ái, sĩ phu trọng vọng.

Qua đời sửa

Ngày 30/5 năm Kỷ Mùi, đời vua Lê Hiến Tông, năm Cảnh Thống năm thứ hai (1499), ông qua đời, thọ 41 tuổi. Mộ táng tại Xứ Đồng Ngọc - Đại tha ma, thuộc làng Quan Độ nay.

Gia quyến sửa

Chính thất phu nhân của ông là người cùng xã, có tên hiệu là Từ Huệ, cũng thuộc dòng thế gia lệnh tộc. Ngày 26/9, bà trở về cõi Phật, mộ tại Đồng Ngọc Xứ - Đại tha ma.

Người con trai duy nhất của Nghiêm Ích Khiêm và bà Từ Huệ là Nghiêm Khải (thụy Hòa Phủ).

Nghiêm Ích Khiêm có người anh họ (anh nhà bác) là Tiến sĩ Nghiêm Phụ khoa Mậu Tuất (1478).

Ngoài ra, Nghiêm Ích Khiêm còn có người em gái là chính thất của Tiến sĩ Đàm Thận Huy cùng khoa thi năm 1490, quê ở xã Ông Mặc liền kề[5].

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa

Chú thích sửa

  1. ^ Theo Nghiêm Tính Gia Phả (嚴姓家譜) ký hiệu A.3061: 50TR., 21X14, MF.2069 A.3061. tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt NamGia Phả Họ Nghiêm Lưu trữ 2013-05-29 tại Wayback Machine mục Nghiêm Ích Khiêm Lưu trữ 2015-01-31 tại Wayback Machine.
  2. ^ Nghiêm Tính Gia Phả (嚴姓家譜)// Nghiêm Tính Gia Kê (嚴姓家稽)
  3. ^ “Tham khảo: Gia phả họ Nghiêm”. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 11 tháng 9 năm 2012.
  4. ^ Văn bia đề danh Trạng nguyên và Tiến sĩ khoa thi năm Canh Tuất đời vua Hồng Đức thứ 21 (1490) tại Văn miếu Quốc tử giám hiện tại không còn nguyên vẹn; trên văn bia đề danh Tiến sĩ Nghiêm Ích Khiêm còn lại tại Văn miếu Bắc Ninh khoa thi 1490. Xem thêm: Văn bia đề danh Tiến sĩ từ khoa Canh Tuất (1490) đến khoa Ất Sửu (1505)
  5. ^ Chuyện kể, khi vinh quy bái tổ, Nghiêm Ích Khiêm có đi cùng đường với tiến sĩ Đàm Thận Huy, người xã Ông Mặc (nay là Hương Mặc). Khi được Ích Khiêm hỏi, "chẳng hay hiền hữu đã có ngưởi sửa túi nâng khăn chưa?", Thận Huy cười đáp, "thưa thân huynh, đệ vẫn còn phòng không đón khách!", Ích Khiêm tiếp lời, "tôi có cô em gái hiền lành lắm, nếu hiền hữu bằng lòng thì tôi xin gả", Thận Huy đáp, "nếu được như vậy thì đệ quả là diễm phúc", rồi sau đó Đàm Thận Huy đẹp duyên kim cải với em gái Nghiêm Ích Khiêm

Liên kết ngoài sửa