Độc Cô Cầu Bại

Nhân vật hư cấu trong các tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do TramHuong2IT (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 07:50, ngày 6 tháng 6 năm 2023 (Phục hồi bản chuẩn và loại bỏ các bổ sung tiêu cực/phá hoại.). Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Độc Cô Cầu Bại (phồn thể: 獨孤求敗, giản thể: 独孤求败, bính âm: Dugu Qiubai), hiệu là Kiếm Ma, là một nhân vật hư cấu trong các tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung, được xem là một trong những nhân vật có võ công mạnh nhất trong các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.

Độc Cô Cầu Bại
Sáng tạo ra bởi Kim Dung
Xuất hiện trong Thần điêu hiệp lữ
Tiếu ngạo giang hồ
Lộc đỉnh ký
Thông tin cá nhân
Ngoại hiệu "Kiếm Ma" (劍魔)
Giới Nam
Kết giao
Đệ tử Phong Thanh Dương,
Lệnh Hồ Xung,
Dương Quá
Võ công
Nội công Phép luyện công của Độc Cô Cầu Bại
Phép quyền, cước, trảo, chỉ, chưởng Độc Cô Cửu Kiếm ở cảnh giới Vô kiếm
Phép sử binh khí Độc Cô Cửu Kiếm
Binh khí Cương kiếm,
Tử vi nhuyễn kiếm,
Huyền thiết trọng kiếm,
Mộc kiếm

Độc Cô Cầu Bại có nghĩa là "Cô đơn lẻ loi trên giang hồ, chỉ mong chờ 1 lần bại trận mà không được", ngoài ra có cách giải nghĩa khác là một người mang họ "Độc Cô" chỉ cầu mong có người đánh bại được mình. Dù giải nghĩa như thế nào thì vẫn tập trung vào chữ "cầu bại" mà thấy ngạo khí của nhân vật này.

Độc Cô Cầu Bại được đề cập nhiều lần trong hai bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, Tiếu ngạo giang hồ và được nhắc tới rất ngắn trong bộ Lộc đỉnh ký. Đặc biệt, nhân vật này chưa từng xuất hiện trực tiếp trong các tình tiết của tiểu thuyết Kim Dung mà chỉ qua lời kể lại của các nhân vật khác cùng với những kiếm lý đặc sắc về kiếm thuật.

Chú ý: Cố nhà văn Kim Dung không mô tả nhân vật này sống vào giai đoạn lịch sử nào một cách rõ ràng, vì vậy tất cả các thông tin hiện hành có được đều chỉ là phỏng đoán.

Độc Cô Cầu Bại trong Thần điêu hiệp lữ

Nhân vật Độc Cô Cầu Bại xuất hiện trong bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ chủ yếu theo sự hồi tưởng của nhân vật Dương Quá.

“Vị này đã xưng là "kiếm ma" thì nhất định là kiếm pháp đã tới chỗ tuyệt diệu tinh vi rồi.”
“...thanh kiếm trong tay Quách Phù là vũ khí của "Kiếm ma Độc Cô Cầu Bại" năm xưa dùng để tung hoành trên chốn giang hồ nên chém sắt như bùn, bén không thể tưởng tượng được.”

Phát hiện kiếm mộ cùng mộ bút (bút tích ghi lại trên mộ):

"Suốt ba mươi năm ngang dọc giang hồ, giết không biết bao nhiêu quân địch cường hào ác bá, đánh bại không biết bao nhiêu hào kiệt võ lâm, rất tiếc ta chưa hề gặp tay đối thủ. Ta buồn lòng lùi về động này, lấy thanh tử vi kiếm làm vợ, cùng thần điêu bè bạn sớm hôm. Hỡi ôi, đời ta chỉ mong gặp được người xứng sức nhưng vẫn chưa toại nguyện. Đáng buồn thay!"
"Kiếm ma độc cô cầu bại" là vô địch trong thiên hạ được chôn kiếm nơi đây. Than ôi ta đi khắp giang hồ tứ hải mà chưa gặp người xứng tay đối thủ với trường kiếm ta, nên sắc bén cũng thành vô dụng”

Các thanh kiếm được chôn trong kiếm mộ cùng bút ký:

  • Vị trí thứ nhất: Tử vi nhu kiếm
"...thanh gươm này rất cứng rắn, lúc thiếu thời dùng để tranh hùng với quần hùng"
"Tử vi nhu kiếm, bước ba mươi tuổi dùng nó, đã lỡ tay chém trọng thương một người nghị sĩ, thật là điều bất tường nên ném nó trong hang cốc"
  • Vị trí thứ hai: Huyền thiết trọng kiếm (Bề dài chừng hơn ba thước mà nặng hơn sáu chục cân)
"Kiếm này nặng nề mà không bén. Trước bốn mươi tuổi nhờ nó mà tung hoành khắp giang hồ".
  • Vị trí thứ ba: Mộc kiếm
"Sau bốn mươi tuổi, thảo mộc trúc thạch đều làm kiếm được, từ đấy tĩnh tâm tu luyện, dần dần tiến đến mức không dùng kiếm mà thắng được người có kiếm" 
"Bốn mươi tuổi sau, hay bốn chục năm sau, mọi vật ở trên đời như cỏ, cây, tre, đá đều luyện thành kiếm được. Từ đấy phải tính chuyên tu sửa, mỗi ngày một ít, dần dần trở thành một thanh kiếm vô địch, thắng mọi thanh thiết kiếm trên thế gian"

Các mô tả khác về quá trình luyện võ:

- Theo điêu điểu (chim điêu - Thần điêu):

“Thần điêu buông chiếc áo Dương Quá, ngửa cổ gáy dài, rồi nhảy vụt xuống nước, đôi chân đứng trên một tảng đá to giữa dòng. Đoạn nó dùng cánh trái quạt tảng đá một cái, làm cho tảng đá tung ngược lên thượng lưu. Nước chảy mạnh đưa tảng đá đổ xuống. Thần điêu chờ cho tảng đá trôi xuống thì lại quạt thêm một cái đánh trở lên. Cứ như thế thần điêu đánh mãi tảng đá đến sáu bảy hiệp mà tảng đá vẫn chưa thể trôi qua khỏi mình chim điêu được”

- Theo nhân vật Dương Quá:

“Thanh kiếm phát ra một luồng kình phong rất mãnh liệt, bao bọc mình chàng như vách sắt tường đồng. Mặc dù đang ở trong ngọn sóng thủy triều mà mình chàng không một giọt nước nào thấm vào cả”

Độc Cô Cầu Bại trong Tiếu ngạo giang hồ

Trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, nhân vật Độc Cô Cầu Bại chỉ xuất hiện qua lời kể của Phong Thanh Dương khi truyền thụ Độc cô cửu kiếm cho Lệnh Hồ Xung.

"Độc cô đại hiệp là người thông minh tuyệt đỉnh. Muốn học được kiếm pháp của lão gia, ngươi phải nhớ luôn luôn đến hai chữ "giác ngộ" chứ không phải cứ thuộc lòng mà được. Khi ngươi đã thông hiểu tinh thần về cửu kiếm thì muốn thi triển thế nào cũng được, dù ngươi có quên sạch mọi chiêu số biến hóa cũng không sao. Lúc lâm địch ngươi không còn nhớ một chút gì nữa càng không bị ràng buộc bởi những kiếm pháp đã học."

"Lão gia muốn cầu cho thua một lần không thể được vì môn kiếm pháp đó của lão đã tới trình độ xuất thần nhập hóa."

"Phép "Độc cô cửu kiếm" chỉ có tiến chứ không có thoái. Dĩ nhiên chiêu nào cũng nhằm tấn công, bắt buộc bên địch không thủ không xong. Như vậy thì dĩ nhiên không cần thủ. Người sáng chế ra kiếm pháp này là Độc cô cầu bại tiền bối! Cứ một cái tên "Cầu bại " cũng đủ thấy lão nhân gia suốt đời muốn cầu lấy một lần thua mà không sao được. Kiếm pháp này ra đời đã thành thiên hạ vô địch thì còn thủ gì nữa? Giả tỷ có ai đánh lão nhân gia phải xoay kiếm về thế thủ thì lão nhân gia không biết sung sướng đến thế nào?"

Qua suy nghĩ của nhân vật Lệnh Hồ Xung:

"Ta nên biết uy lực của "Độc cô cửu kiếm" đánh với đối phương càng mãnh liệt bao nhiêu càng tuyệt diệu bấy nhiêu, chả thế mà hồi Độc cô cầu bại tuổi đã già mà vẫn không một ai chống nổi lấy mười chiêu của lão. Kiếm pháp tinh diệu này đem đối phó với một tay tầm thường thì chẳng khác gì giết gà lại dùng đến dao mổ trâu."

Về bộ kiếm pháp Độc Cô Cửu Kiếm do Phong Thanh Dương truyền thụ: Độc cô cửu kiếm có tất cả chín chiêu:[1]

1. Chiêu thứ nhất về "Độc cô cửu kiếm" này gọi là "Tổng quát thức" có rất nhiều biến hóa. Trong chiêu thứ nhất có 360 chỗ biến hóa, nếu quên một chỗ là chiêu thứ ba sử không đúng được + Lão chờ Lệnh Hồ Xung thuộc lòng rồi tiếp tục dạy mấy trăm chữ nữa cho đến hết năm ngàn chữ. + Đó là điều kiện căn bản về "Độc cô cửu kiếm"

2. Phá kiếm thức: Chiêu thứ hai trong "Độc cô cửu kiếm" có thể phá giải được nhiều kiếm pháp của những môn phái trong thiên hạ

3. Chiêu thứ ba là “phá đao thức” dùng để giải đơn đao, song đao, liễu diệp đao, quỷ đầu đao, phá đại đao, trảm mã đao… Điều cốt yếu là lấy nhẹ nhàng chống với trầm trọng, dùng mau lẹ để kiềm chế chậm chạp. Bốn chữ “liệu địch tiên cơ" đúng là chỗ tinh yếu của chiêu kiếm thứ ba đó.

4. Phá thương thức: bao quát cả việc phá giải trường thương, đại kích, tề mi côn, lang nha bổng, bạch lạp hầu, thiền trượng, quyền trượng và tất cả những món binh khí về loại này.

5. Phá tiên thức: phá giải cương tiên, thiết giản, điểm huyệt quyết quai tử, nga mi thích, trủy thủ, bản phủ, thiết bài, bát giác chùy, thiết chùy. v.v ...

6. Phá sách thức: phá trường sách, nhuyễn tiên, tam tiết côn, cửu tiết côn, lin tử thương, thiết liển, ngư bổng, lưu tinh chùy. v.v ...

7. Phá chưởng thức: công phu để phá giải quyền, cước, chỉ, chưởng. Đối phương dám để tay không địch với trường kiếm thì dĩ nhiên võ công họ đã cao thâm ghê gớm. Đại phàm những tay cao thủ võ học, võ công đến mực thượng thặng thì trong tay có binh khí hay không cũng chẳng xa nhau là mấy. Những quyền pháp, chỉ pháp, chưởng pháp, cước pháp trong thiên hạ vô cùng phức tạp. Nào trường quyền đoản đả, nào cầm nã điểm huyệt, nào ưng trảo hổ trảo, nào thiết sa thần chưởng. v.v ... đều thuộc loại này cả.

8. Phá tiễn thức: Muốn luyện môn kiếm này thì trước hết phải học nghe tiếng gió để phân biệt là ám khí gì ở phương nào bắn tới. Chẳng những chỉ dùng trường kiếm để gạt mọi thứ ám khí của địch nhân bắn tới mà còn mượn sức của đối phương để phản kích lại, tức là dùng món ám khí của địch nhân bắn tới để bắn ngược lại địch nhân. Trong phép "Độc cô cửu kiếm" có một chiêu chuyên để phá giải các thứ ám khí. Dù địch nhân bắn hàng ngàn hàng vạn mũi tên đến, hoặc hàng chục người phóng đủ các loại ám khí tới, một chiêu thức đó đủ làm cho bao nhiêu ám khí đồng thời phải rớt xuống lả tả.

9. Phá khí thức: Chiêu thức này là để đối phó với những địch thủ có nội công đến bậc thượng thặng và nó phải phát xuất ra ở tinh thần. Ngày trước Độc cô tiền bối nhờ thứ kiếm pháp này mà vẫy vùng khắp thiên hạ. Chiêu này đánh ra cả bốn mặt phía trước, phía sau, bên tả, bên hữu. Nguyên phá khí thức là một chiêu chuyên để phá giải những ám khí của bên địch. Một khi đã ra chiêu này thì dù hàng vạn mũi tên đồng thời bay tới cũng không thể trúng người chàng được.

*Các thông tin ngoài lề về bộ kiếm pháp Độc Cô Cửu Kiếm được viết trong truyện:

+ Nên biết kiếm pháp "Độc cô cửu kiếm" rất lợi hại ở chỗ vừa ngó qua đã nhận thấy chỗ sơ hở về chiêu số của đối phương rồi có thể chỉ đánh ra một chiêu là khiến cho đối phương hết đường né tránh để thủ thắng.

+ Còn kiếp pháp mà Lệnh Hồ Xung đã học được là "Độc cô cửu kiếm", một thứ kiếm pháp tối cao vô thượng từ cổ chí kim. Độc cô cầu bại nhờ kiếm pháp này vùng vẫy giang hồ, xưng hùng thiên hạ. Suốt đời lão chưa từng thua ai một trận bao giờ. Chẳng những lão không thua ai mà đến khi tuổi già, lão chỉ mong có người chống nổi lão mười chiêu cũng không được. Độc cô cầu bại lâm vào tình trạng anh hùng tịch mịch, phát phiền mà chết.

+ Lệnh Hồ Xung được Phong Thanh Dương truyền thụ kiếm pháp ngoài môn "Độc cô cửu kiếm" độc đáo, chàng còn lĩnh hội thêm tinh nghĩa về cách dùng "vô chiêu thắng hữu chiêu". Yếu quyết này đi đôi với "Độc cô cửu kiếm" bổ xung cho nhau.

+ Về môn "Độc cô cửu kiếm" dù đạt đến chỗ vi diệu cực điểm nhưng vẫn còn có chiêu thức để tìm ra dấu vết. Khi Lệnh Hồ Xung học đến kiếm lý dùng "Vô chiêu thắng hữu chiêu" đem ra vận dụng liền khiến cho đối phương không biết đường nào mà mò.

+ Nên biết bất luận kiếm pháp nhà nào hay môn phái nào trong thiên hạ đều có chiêu số. Đã có chiêu số là có chỗ sơ hở. Còn căn bản đã không chiêu thức thì đối phương phá vào đâu được? Chiêu "Phá kiếm thức" trong "Độc cô cửu kiếm" tuy là một thế kiếm song nó bao hàm hết thảy những mấu chốt kiếm pháp các môn phái. Tiếng gọi là vô chiêu mà thực ra nó gồm hết căn bản những chiêu số các kiếm pháp khắp thiên hạ.

+ Cái kỳ diệu về "Độc cô cửu kiếm" là không phải tỷ đấu nội lực với đối phương. Bất luận nội lực địch thủ thâm hậu đến đâu mà gặp phải kiếm pháp "Độc cô cửu kiếm" tới độ tinh vi cũng thành vô dụng.

+ Phép "Độc cô cửu kiếm" đối với địch nhân càng cường mạnh bao nhiêu nó càng lợi hại bấy nhiêu. Bản lãnh địch nhân mà tầm thường thì chỗ tinh diệu trong "Độc cô cửu kiếm" lại không phát huy được. Bây giờ Lệnh Hồ Xung gặp phải 1 nhân vật bản lĩnh kinh thiên động địa trong võ lâm hiện nay. Võ công lão đã đến trình độ mà kẻ thông thường không biết đâu mà lường nên những chỗ tinh vi ảo diệu trong "Độc cô cửu kiếm" càng phát huy đến chỗ lâm ly độc đáo. Nếu Độc cô cầu bại tái sinh mà gặp được tay đối thủ thế này, chắc lão phải hoan hỉ hết chỗ nói.

+ Nên biết người sử dụng "Độc cô cửu kiếm" này ngoài phần kiếm quyết, kiếm thuật, còn một phần lớn phải trông vào trí tuệ linh mẫn của người sử nó. Người nào sử được một cách tự nhiên không còn bó buộc trong giới hạn quy củ lề luật mới là chỗ tối cao vô thượng của kiếm pháp. Vậy người sử kiếm trí tuệ càng cao minh bao nhiêu thì kiếm pháp càng cao minh chừng ấy.

+ Nhiều chiêu thức chàng chưa được Phong Thanh Dương chỉ điểm mà bây giờ gặp tay địch thủ kiếm pháp cao thâm, phép "Độc cô cửu kiếm" tự nhiên phát sinh những chiêu số chống chọi rất tân kỳ.

+ Nguyên Độc Cô cửu kiếm chỗ ác diệu của nó là "dĩ vô chiêu thắng hữu chiêu", cứ tùy cơ ứng biến phóng ra.

+ Nên biết phép Độc Cô cửu kiếm lúc ra chiêu giao đấu, bên địch mạnh bao nhiêu thì thế kiếm bên mình cũng mạnh bấy nhiêu.

+ Giả tỷ là người khác thì không đầu nhức mắt hoa cũng bị kiếm pháp biến ảo phi thường này làm cho mê loạn, chân tay luống cuống không biết đường thi triển chiêu thức nữa. Nhưng Lệnh Hồ Xung đã học phép Độc Cô cửu kiếm chẳng có chiêu thức chi hết, nó chỉ tùy theo chiêu thức bên địch mà phát huy cách đối phó. Nếu kiếm pháp bên địch chỉ có một chiêu thì Độc Cô cửu kiếm cũng chỉ có một chiêu. Bên địch có muôn ngàn chiêu nó cũng có muôn ngàn chiêu.

+ Điều cốt yếu trong Độc Cô cửu kiếm là cần nhìn chỗ sơ hở về võ công của đối phương để thừa cơ đánh vào. Bất luận về quyền, cước hay về đao kiếm thì chiêu thức nào cũng có chỗ sơ hở để đối phương có thể thừa cơ.

+ Phép Độc Cô cửu kiếm chỉ tuyệt diệu ở chỗ nhằm thấy chỗ sơ hở trong chiêu thức của đối phương để đánh vào vì chiêu thức của mình có thể phóng ra sau mà tới trước để thủ thắng nhưng hiện giờ ở trong sơn động tối om, chẳng nhìn thấy địch nhân đâu. Chiêu thức đã không nhìn rõ thì còn nói chi đến chuyện tìm chỗ sơ hở của đối phương. Không nhìn thấy chỗ sơ hở là phép Độc Cô cửu kiếm thành vô dụng.

Độc Cô Cầu Bại trong Lộc Đỉnh ký

Trong tác phẩm Lộc Đỉnh ký, Độc Cô Cầu Bại (và cả nhân vật Lệnh Hồ Xung) được nhắc đến ngắn gọn qua lời của nhân vật Trừng Quan đại sư: "Võ công đã luyện đến trình độ xuất thần nhập hóa thì giống như con linh dương móc sừng vào cành cây mà ngủ suốt đêm cũng không để lại vết tích gì cho người ta tìm thấy được. Ta lại nghe nói ngày trước có vị Độc Cô Cầu Bại đại hiệp và Lệnh Hồ Xung đại hiệp lại dùng phép vô chiêu thắng hữu chiêu mà trở thành vô địch thời bấy giờ..." [2]

Cảnh giới và Truyền nhân

I. Cảnh giới

Cảnh giới võ thuật của nhân vật Độc Cô Cầu Bại không được đề cập chính thức mà chỉ được mô tả lại qua lời kể của các nhân vật khác trong truyện. Sau đây là một số thông tin chính thức dựa trên các tác phẩm có nhắc đến:

1. Tác phẩm "Lộc Đỉnh Ký"

"...Ta lại nghe nói ngày trước có vị Độc Cô Cầu Bại đại hiệp và Lệnh Hồ Xung đại hiệp lại dùng phép vô chiêu thắng hữu chiêu mà trở thành vô địch thời bấy giờ..."

2. Tác phẩm "Thần Điêu đại hiệp"

- Suy nghĩ của nhân vật Dương Quá:

“Vị này đã xưng là "kiếm ma" thì nhất định là kiếm pháp đã tới chỗ tuyệt diệu tinh vi rồi.”

- Vết tích tại Mộ Kiếm:

"Bốn mươi tuổi sau, hay bốn chục năm sau, mọi vật ở trên đời như cỏ, cây, tre, đá đều luyện thành kiếm được. Từ đấy phải tính chuyên tu sửa, mỗi ngày một ít, dần dần trở thành một thanh kiếm vô địch, thắng mọi thanh thiết kiếm trên thế gian"

3. Tác phẩm "Tiếu Ngạo giang hồ" - Qua lời của nhân vật Phong Thanh Dương:

"Lão gia muốn cầu cho thua một lần không thể được vì môn kiếm pháp đó của lão đã tới trình độ xuất thần nhập hóa."

"Độc Cô đại hiệp là người thông minh tuyệt đỉnh. Muốn học được kiếm pháp của lão gia, ngươi phải nhớ luôn luôn đến hai chữ "giác ngộ" chứ không phải cứ thuộc lòng mà được."

Kết luận: Chúng ta có thể thấy rõ ràng "cảnh giới" mà chúng ta nhắc đến không thật sự được mô tả chính thức, hay có dữ liệu chính thức được đề cập đến trong các tác phẩm của cố nhà văn Kim Dung. Qua các lời kể, chúng ta chỉ có thể phỏng đoán "cảnh giới" của nhân vật Độc Cô Cầu Bại chính là đứng trên đỉnh cao của võ học đương thời.

II. Truyền nhân

Từ "truyền nhân" có nghĩa là hành động hoặc quá trình truyền đạt thông tin, kiến thức, giá trị, kỹ năng hoặc quyền lực từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền nhân có thể xảy ra trong nhiều lĩnh vực, bao gồm gia đình, giáo dục, nghệ thuật, khoa học, văn hóa và lịch sử. Truyền nhân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị và kiến thức của một cộng đồng, đồng thời tạo điều kiện cho sự tiếp nối và phát triển của thế hệ sau.

Trong suốt các tiểu thuyết kiếm hiệp của mình, cố nhà văn Kim Dung chưa hề đề cập đến bất cứ ai là truyền nhân chính thức do nhân vật Độc Cô Cầu Bại thu nhận và dạy dỗ. Hiện có 3 nhân vật chính được cho là truyền nhân không chính thức, bao gồm:

Dương Quá: là nhân vật nhận tìm được Kiếm Mộ và tự ngộ ra được kiếm lý (triết lý kiếm thuật) của Độc Cô Cầu Bại khi vô tình ẩn thân trong hang động.
Phong Thanh Dương: là thái sư thúc của Nhạc Bất Quần - chưởng môn phái Hoa Sơn, thái sư thúc tổ của Lệnh Hồ Xung. Nhân vật này ẩn cư trên Ngọc Nữ phong của phái Hoa Sơn. Không được đề cập đến vấn đề vì sao biết được kiếm pháp Độc Cô Cửu Kiếm. Nhân vật này xuất hiện với mục đích chính là dạy dỗ và giảng giải cho nhân vật Lệnh Hồ Xung về kiếm pháp Độc Cô Cửu Kiếm.
Lệnh Hồ Xung: là truyền nhân của nhân vật Phong Thanh Dương.

Chú ý: Qua đây, chúng ta thấy được các nhân vật này được đề cập chủ yếu trong việc được tiếp cận với bộ kiếm pháp Độc Cô Cửu Kiếm, thậm chí nhân vật Dương Quá chỉ được thấy các thanh kiếm trong Kiếm Mộ của Độc Cô Cầu Bại. Vì vậy, mọi thông tin hiện hành xác nhận Độc Cô Cầu Bại có truyền nhân chính thức đều là hư cấu.

Độc Cô Cầu Bại trên phim ảnh

Năm 1990, TVB Hồng Kông đã trình chiếu bộ phim Kiếm ma Độc Cô Cầu Bại (劍魔獨孤求敗) với nhân vật Độc Cô Cầu Bại do Huỳnh Nhật Hoa thủ vai. Nội dung phim bắt đầu từ một người có sức mạnh tàn ác trên giang hồ là Độc Cô Thiên Phong. Độc Cô Thiên Phong là kỳ tài của võ học, tuy nhiên tính tình khác người. Vì muốn độc chiếm các bí cấp võ công nên ra tay tàn sát võ lâm.

Sau khi bị các phái tiêu diệt, Thiên Phong bị bắt giam hơn 20 năm, đứa con mới sinh và người vợ cũng bị thất lạc. 20 năm sau, Lâm Khang từ 1 thiếu niên tốt bụng, trở thành 1 thiếu hiệp hành hiệp trượng nghĩa. Anh cùng với thiếu chủ Bạch Gia Bảo trở thành đệ tử phái Thiên Sơn, nhưng tính tình của Bạch Thành Trung nham hiểm nên đã hại cả nhà Lâm Khang. Và sau cùng, khi quyết đấu với Độc Cô Thiên Phong, sau khi đánh bại được Độc Cô, Lâm Khang mới biết mình là đứa con thất lạc hơn 20 năm. Sau cùng, khi sáng chế ra môn kiếm pháp Độc cô cửu kiếm lừng danh giang hồ, Lâm Khang tiêu diệt Bạch Thành Trung.

Chú ý: Toàn bộ nội dung phim đều không có sự liên kết chặt chẽ nào với nhân vật Độc Cô Cầu Bại được viết trong các tiểu thuyết võ hiệp của cố nhà văn Kim Dung. Vì vậy, toàn bộ thông tin về nhân vật Độc Cô Cầu Bại trong phim đều không được chính thức thừa nhận (hoặc có liên quan) áp dụng vào hình tượng nhân vật Độc Cô Cầu Bại của cố nhà văn kim dung xây dựng lên.

Xem thêm

Tham khảo

  1. ^ Hồi 60, Tiếu ngạo giang hồ.
  2. ^ Trích tác phẩm Lộc đỉnh ký