Cầu kính Rồng Mây

cầu bộ hành ở Việt Nam

Cầu kính Rồng Mây (còn có tên gọi khác là cầu kính Sa Pa, cầu kính Ô Quý Hồ) là một cầu đi bộ trên cao nằm trong khuôn viên khu du lịch cầu kính Rồng Mây tọa lạc trên đèo Ô Quý Hồ thuộc xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, Việt Nam. Đây là một phần trong tổng thể dự án có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, khởi công xây dựng vào năm 2017 và khánh thành cuối năm 2019. Rồng Mây là cầu kính thứ hai ở Việt Nam và là cầu kính cao nhất Việt Nam vào thời điểm khánh thành. Ngoài việc là một địa điểm thu hút khách du lịch, cầu kính Rồng Mây cũng đặt ra một số vấn đề về an toàn thiết kế.

Cầu kính Rồng Mây
Vị tríTam Đường, Lai Châu, Việt Nam
Tuyến đườngCầu đi bộ
Tên khácCầu kính Sa Pa
Thông số kỹ thuật
Vật liệuKính cường lực
Tổng chiều dài60 m (200 ft)
Rộng5 m (16 ft)
Cao2.200 m (7.200 ft) (so với mực nước biển)
548 m (1.798 ft) (so với dãy núi Hoàng Liên Sơn)
Giới hạn tải3.000 người
Độ cao gầm cầu300 m (980 ft) (chiều cao từ chân thang máy đến sàn cầu)
Lịch sử
Khởi công2017
Đã thông xe16 tháng 11 năm 2019
Thống kê
Lưu thông hàng ngày1.000 người

Thông số kĩ thuật sửa

Cầu kính Rồng Mây nằm trong quần thể khu du lịch cầu kính Rồng Mây, thuộc xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu,[1] trên đèo Ô Quý Hồ.[2] Nó được khởi công xây dựng từ năm 2017[3] và khánh thành ngày 16 tháng 11 năm 2019.[4] Với độ cao 2.200 m so với mực nước biển và 548 m so với dãy núi Hoàng Liên Sơn,[5][6] cầu được làm hoàn toàn bằng kính trong suốt, sàn kính được lắp ghép bằng ba lớp kính, mỗi lớp dày 1,2 cm và ép bởi 4 lớp phim chống đạn. Tổng chiều dày của kính là 4,2 cm.[7] Cầu có chiều dài 60 m, rộng khoảng 5 m, tính từ thang máy đến vách núi.[8] Tải trọng tối đa của cầu là hơn 3.000 người một lúc.[9] Đây là cây cầu kính thứ hai ở Việt Nam sau cầu kính Tình Yêu ở Sơn La[10] và cũng là cầu kính cao nhất Việt Nam.[11][12]

Hệ thống thang máy của cầu có độ cao 300 m, trong đó khoảng 80 mét thang máy đi trong lòng núi, gồm buồng thang máy có 3 mặt kính trong suốt hướng ra phía ngoài. Thang máy có thể chở được 30 hành khách cùng lúc.[13]

Hoạt động du lịch sửa

Cầu kính Rồng Mây là một địa điểm thu hút khách du lịch.[5][13] Dự án khu du lịch cầu kính Rồng Mây do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn đầu tư với tổng số vốn là 1.000 tỷ đồng, với thời gian hoạt động 50 năm. Khu du lịch gồm nhiều hạng mục như khách sạn, hệ thống thang máy và cầu kính, bungalow nghỉ dưỡng, bể bơi điều hòa, khu vui chơi cảm giác mạnh. Trong đó hệ thống thang máy và cầu kính là hai sản phẩm du lịch chủ yếu.[14] Bình quân mỗi ngày, khu du lịch đón 1.000 khách du lịch.[15]

Vấn đề an toàn sửa

Ngày 11 tháng 2 năm 2022, một đoạn video đăng tải lên mạng xã hội cho thấy một tấm kính của cầu kính Rồng Mây có dấu hiệu bị nứt vỡ.[16] Ngay lập tức, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch và Sở Xây dựng tỉnh Lai Châu đã yêu cầu chủ xây dựng dự án phải thay thế tấm kính trong vòng 10 ngày để đảm bảo an toàn.[17] Mặc dù vậy, lãnh đạo khu du lịch này lại cho rằng những vết nứt trên tấm kính là "nằm trong thiết kế".[18] Tương tự, lãnh đạo địa phương khẳng định tấm kính vỡ chỉ là "hiệu ứng tạo cảm giác mạnh".[19] Tuy nhiên đến ngày 23 tháng 2 năm 2022, tấm kính nghi bị nứt vỡ đã được lãnh đạo khu du lịch thay thế bằng một tấm kính mới.[20]

Chú thích sửa

  1. ^ “Cầu kính Rồng Mây Lai Châu - Điểm đến lý tưởng”. laichau.gov.vn. 22 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  2. ^ Thiên Điểu (12 tháng 2 năm 2022). “Khách hú hồn thấy cầu kính Rồng Mây rạn vỡ, cơ quan chức năng gấp rút kiểm tra”. Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  3. ^ Anh Đào (12 tháng 2 năm 2022). “Cầu kính Rồng Mây: Hiệu ứng hay nứt vỡ cầu kính thật cũng cần làm rõ”. Báo Văn Hóa. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  4. ^ Việt Hoàng (16 tháng 11 năm 2019). “Khai trương Khu du lịch sinh thái cầu kính rồng mây”. Báo ảnh Dân tộc và Miền núi. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  5. ^ a b Diệu Linh. “Khám phá cầu kính Rồng Mây ở Lai Châu”. VOV.VN. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  6. ^ “Hoang mang tin đồn "cầu kính cao nhất Việt Nam bị nứt". Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2022.
  7. ^ Khắc Kiên. “Di dời tấm kính nghi nứt tại cầu kính Rồng Mây vào chân cầu”. VOV.VN. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  8. ^ Đông Hồ (12 tháng 2 năm 2022). “Du khách thót tim khi cho rằng cầu kính cao nhất Việt Nam nghi bị nứt”. Người Lao động. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  9. ^ Kiều Dương. “Khai trương cầu kính cao nhất Việt Nam”. VnExpress. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  10. ^ Đình Lâm (4 tháng 12 năm 2019). “Cầu kính cao nhất Việt Nam ngắm toàn cảnh Ô Quy Hồ Tây Bắc”. Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  11. ^ Đông Hồ (13 tháng 2 năm 2022). “Cầu kính cao nhất Việt Nam nghi bị nứt sẽ được thay thế”. Người Lao động. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  12. ^ Lan Hương. “Thay tấm kính nứt trên cầu Rồng Mây”. VnExpress. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  13. ^ a b Trung tâm Thông tin du lịch. “Cầu kính Rồng Mây - Điểm đến mới thu hút khách du lịch ở Lai Châu - Môi trường Du lịch”. moitruongdulich.vn. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  14. ^ Bảo Trung. “Khám phá cầu kính cao nhất Việt Nam”. Báo Tổ Quốc. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  15. ^ Việt Hoàng (14 tháng 2 năm 2022). “Lai Châu: Yêu cầu thay tấm kính bị nứt ở Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây”. VietnamPlus. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  16. ^ Linh Trang. “Du khách hốt hoảng 'tố' cầu kính Ô Quy Hồ nứt vỡ, đại diện tỉnh Lai Châu nói gì?”. VietNamNet. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  17. ^ Linh Trang. “Yêu cầu thay tấm kính nứt vỡ trên cầu kính cao nhất Việt Nam trong 10 ngày”. VietNamNet. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  18. ^ Văn Thành Chương. “Bị yêu cầu thay mới, chủ Cầu kính Rồng Mây vẫn nói "nằm trong thiết kế". Lao động. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  19. ^ Vũ Liêu (12 tháng 2 năm 2022). “Lai Châu: Cầu kính Rồng Mây bị nứt chỉ là hiệu ứng tạo cảm giác mạnh”. Báo điện tử VTC News. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.
  20. ^ Đông Hồ (24 tháng 2 năm 2022). “Thay tấm kính nghi bị nứt tại cầu kính cao nhất Việt Nam”. Người Lao động. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2022.