Elizabeth Stuart, Vương hậu Bohemia

Elizabeth Stuart (19 tháng 8 năm 1596  – 13 tháng 2 năm 1662) là Tuyển hầu phu nhân của Công quốc Pfalz (hay Palatinate trong tiếng Anh) và là Vương hậu của Bohemia trong một thời gian ngắn, là vợ của Tuyển hầu Frederick V của Pfalz. Bởi vì chồng bà chỉ trị vì Bohemia trong một mùa đông nên Elizabeth thường được gọi là "Vương hậu mùa đông".

Elizabeth của Anh
Elizabeth of England
Tuyển vương hậu Pfalz
Tại vị14 tháng 2 năm 1613 - 23 tháng 2 năm 1623
Đăng quang17 tháng 6 năm 1613
Vương hậu Bohemia
Tại vị4 tháng 11 năm 1619 - 8 tháng 11 năm 1620
Đăng quang7 tháng 12 năm 1619
Thông tin chung
Sinh19 tháng 8 năm 1596
Mất13 tháng 2 năm 1662 (65 tuổi)
Phối ngẫuFrederick V
Hoàng tộcNhà Stuart
Thân phụJames I của Anh Vua hoặc hoàng đế
Thân mẫuAnna của Đan Mạch

Elizabeth là con thứ hai và là con gái lớn nhất của James I của Anh, Quốc vương Scotland, Anh, và Ireland, cùng với vợ, Anna của Đan Mạch, và là chị gái của Charles I. Với sự sụp đổ của vị vua Stuart cuối cùng vào năm 1714, cháu trai của Elizabeth là George I đã kế vị ngai vàng của Anh, bắt đầu triều đại của nhà Hannover.

Cuộc đời

sửa

Elizabeth Stuart sinh ngày 19 tháng 8 năm 1596,[1] tại thời điểm đó vua cha của bà vẫn chỉ là Quốc vương Scotland. Bà được đặt tên để vinh danh Nữ vương Elizabeth I của Anh. Năm 1603, Elizabeth I qua đời, James VI kế vị ngai vàng Anh và Ireland. Elizabeth chuyển đến Anh sống và tại đây, bà sớm trở nên thu hút nhiều sự chú ý với vẻ đẹp và sự duyên dáng của mình và trở thành đề tài yêu thích của các nhà thơ. Là một đối tượng kết hôn danh giá, bà được rất nhiều người đã ngỏ lời cầu hôn,[2] trong đó có Gustav Adolf của Thụy Điển, Felipe III của Tây Ban Nha và tuyển hầu tước Frederick V của Pfalz. James hy vọng củng cố mối quan hệ với các tuyển hầu Đức theo đạo Tin lành nên đã chọn Frederick. Sau đám cưới vào tháng 2 năm 1613, cặp đôi chuyển tới Heidelberg.

Năm 1619, những người Bohemia không muốn trao ngai vàng cho người kế vị là Đại công tước Ferdinand nhà Habsburg, vốn là một người Công giáo cuồng nhiệt, nên đã mời Frederick tới làm Quốc vương Bohemia. Ông lên ngôi vào tháng 11 năm 1619 với tôn hiệu là Frederick I. Chưa đầy một năm sau, các lực lượng người Bohemia đã bị đánh bại bởi Liên minh Công giáo của Ferdinand, khi đó đã thành Hoàng đế La Mã thần thánh Ferdinand II, với trận chiến Núi Trắng vào ngày 8 tháng 11 năm 1620 (kết thúc giai đoạn đầu của Chiến tranh Ba mươi năm). Elizabeth và Frederick phải chạy trốn và đến sống lưu vong tại La Haye.

Elizabeth dành 40 năm cuộc đời sau đó sống lưu vong. Con trai cả của bà qua đời năm 1629 và chồng bà vào năm 1632. Năm 1648, con trai thứ hai của bà, Charles Louis, được khôi phục lại tước vị Tuyển hầu Pfalz, ông không đồng ý cho bà đến ở cùng, vào năm 1650, bà bị cắt trợ cấp từ Nhà Oranje. Sự giúp đỡ từ phía Anh cũng chấm dứt do cuộc Nội chiến Anh (1642-1651) khiến em trai bà, Charles I bị xử tử. Năm 1660, nhà Stuart giành lại ngai vàng Liên hiệp Anh và đến năm 1661, cháu trai của Elizabeth, Charles II, mời bà quay trở về Anh.

Elizabeth qua đời vì viêm phổi vào ngày 13 tháng 2 năm 1662 tại London và được chôn cất tại Tu viện Wesminster.

Hậu duệ

sửa

Elizabeth và Frederik có 13 người con:

  1. Henry Frederick, Trữ vương của Pfalz (1614-1629); chết đuối
  2. Charles I Louis, Tuyển hầu tước Pfalz (1617-1680); kết hôn với Charlotte của Hesse-Kassel
  3. Elisabeth của Bohemia (1618-1680), học trò và bạn qua thư của René Descartes
  4. Rupert, Bá tước của Palatinate sông Rhine (1619-1682)
  5. Maurice của Palatinate (1620-1652)
  6. Louise Hollandine của Palatinate (18 tháng 4 năm 1622  – 11 tháng 2 năm 1709)
  7. Louis (21 tháng 8 năm 1624  – 24 tháng 12 năm 1624)
  8. Edward, Bá tước Palatinate của Simmern (1625 -1663)
  9. Henriette Marie của Palatinate (7 tháng 7 năm 1626 – 18 tháng 9 năm 1651)
  10. John Philip Frederick của Palatinate (26 tháng 9 năm 1627  – 16 tháng 2 năm 1650[3])
  11. Charlotte của Palatinate (19 tháng 12 năm 1628  – 14 tháng 1 năm 1631)
  12. Sophie, Tuyển hầu phu nhân của Hanover (14 tháng 10 năm 1630  – 8 tháng 6 năm 1714); kết hôn với Ernst Augustus, Tuyển hầu Hanover, có hậu duệ bao gồm cả Vua George I của Liên hiệp Anh. Nhiều gia đình vương gia khác là hậu duệ của Sophie, và do đó, là hậu duệ của Elizabeth. Sophia gần được thừa kế ngai vàng Anh, nhưng lại qua đời trước Nữ vương Anne 2 tháng.
  13. Gustavus Adolphus của Pfalz (14 tháng 1 năm 1632 – 1641)

Di sản

sửa

Theo Đạo luật thừa kế của Anh năm 1701, việc kế vị ngai vàng nước Anh và Scotland (sau này là ngai vàng Liên hiệp Anh) đã được chuyển đến con gái út của Elizabeth, Sophie của Hanover và hậu duệ của bà. Vào tháng 8 năm 1714, con trai của Sophia (cháu trai của Elizabeth) là George I lên ngôi. Gia đình Vương gia Anh tương lai đều là hậu duệ của ông và do đó, cũng là hậu duệ của Elizabeth.

Dẫn nguồn

sửa
  1. ^ M. S. Giuseppi, ed., Calendar of State Papers Scotland, vol. 11 (Edinburgh, 1952), p. 306: David Moysie, Memoirs of the Affairs of Scotland (Edinburgh, 1830), p. 164.
  2. ^ Plowden, Alison (2003) [1996], The Stuart Princesses, Gloucestershire: Sutton publishing, tr. 20, ISBN 0-7509-3238-4
  3. ^ Elizabeth of Bohemia, 1938