Giấy Tuyên (giản thể: 宣纸; phồn thể: 宣紙; bính âm: xuānzhǐ, Hán-Việt: Tuyên chỉ) hay giấy huyện Kính (giản thể: 泾县纸; phồn thể: 涇縣紙; bính âm: jīngxiànzhǐ, Hán-Việt: Kính huyện chỉ) là một loại giấy có nguồn gốc ở Trung Quốc cổ đại, được sử dụng để viết và vẽ. Giấy Tuyên nổi tiếng mềm mại và kết cấu mịn màng, phù hợp để truyền tải biểu cảm nghệ thuật cho cả thư pháphội họa Trung Hoa. Tại Trung Quốc người ta coi giấy Tuyên là vua của các loại giấy và là loại giấy bền nghìn năm (纸中之王,千年寿纸 - chỉ trung chi vương, thiên niên thọ chỉ). Tháng 8 năm 2002 giấy Tuyên được chính quyền Trung Quốc bảo hộ chỉ dẫn địa lý quốc gia.

Nguồn gốc sửa

Truyền thuyết sửa

Theo truyền thuyết, thời Đông Hán một người dân Tuyên Châu tên là Khổng Đan theo Sái Luân học nghề sản xuất giấy. Khi trở về quê hương ông muốn vẽ lại chân dung thầy dạy, nhưng không thể tìm được nguyên vật liệu làm giấy phù hợp. Ngẫu nhiên ông nhìn thấy một cây thanh đàn đổ xuống nước và vỏ cây đã rã ra, để lại những sợi tơ trắng như tuyết và chợt cảm nhận được đó chính là loại nguyên vật liệu mà ông tìm kiếm bấy lâu nay, từ đó mà có giấy từ vỏ cây thanh đàn. Sau này, trong nghề sản xuất giấy Tuyên, nếu chỉ dùng vỏ cây thanh đàn mà không pha trộn thêm rơm thì người ta đều gọi chung là "giấy Đan".

Lịch sử sửa

Giấy Tuyên được đề cập tới lần đầu tiên trong các sách cổ Lịch đại danh họa ký[1]Tân Đường thư[2]. Giấy Tuyên nguyên thủy được sản xuất trong thời nhà Đường tại huyện Kính, Tuyên Châu, vì thế mà có tên gọi giấy Tuyên (Tuyên chỉ). Trong thời Đường thì giấy thường là hỗn hợp sợi gai dầu (loại sợi được sử dụng đầu tiên trong sản xuất giấy tại Trung Quốc) và dâu tằm.[3] Vào thời Tống thì nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất giấy tại Huy ChâuTrì Châu dần dần được chuyển tới huyện Kính.

Phát triển sửa

Cuối thời Tống, một người sản xuất giấy Tuyên tên là Tào Đại Tam đã dẫn người trong tộc chạy loạn tới huyện Kính. Tào Đại Tam cải tiến công nghệ, sử dụng vỏ thanh đàn để làm giấy, rồi truyền thụ nghề cho người trong tộc để mưu sinh. Trải qua trên 700 năm thăng trầm, dù thời thế nhiều đổi thay nhưng bí quyết công nghệ trong sản xuất giấy Tuyên vẫn do người họ Tào nắm giữ.

Phân loại sửa

Do các phương pháp sản xuất khác biệt nên giấy Tuyên có thể chia ra thành sanh tuyên (生纸), thục tuyên (孰纸) và bán thục tuyên (半孰纸). Sanh tuyên (nghĩa đen "tuyên sống") không được gia công đặc biệt, vượt trội về khả năng hút nước, làm cho mực trên bề mặt bị nhòe. Thục tuyên (nghĩa đen "tuyên chín") là giấy được xử lý bằng phèn chua trong quá trình sản xuất, làm cho giấy có kết cấu cứng hơn, giảm khả năng hút nước và có ứng suất cắt thấp hơn (nghĩa là dễ rách hơn). Đặc điểm này làm cho thục tuyên là thích hợp cho thể loại công bút (工笔) hơn là cho thể loại tả ý (寫意) trong hội họa. Bán thục tuyên (nghĩa đen là "tuyên nửa chín") có khả năng hút nước trung gian giữa sanh tuyên và thục tuyên.

Đặc trưng sửa

Giấy Tuyên có cường độ chịu kéo cao, bề mặt nhẵn, kết cấu trong trẻo và rõ ràng, ít nhàu, khó bị mòn, khả năng chống côn trùng và nấm mốc tốt. Nhiều sách vở và các bức họa của các danh họa thời Trung Hoa cổ đại được bảo tồn tới nay đều được viết, vẽ trên giấy Tuyên. Giấy Tuyên cũng đoạt giải thưởng vàng tại triển lãm quốc tế Panama năm 1915.

Nguyên vật liệu và sản xuất sửa

Nguyên vật liệu sản xuất giấy Tuyên có quan hệ chặt chẽ với điều kiện địa lý của huyện Kính. Vỏ cây thanh đàn (Pteroceltis tatarinowii), một loài cây phổ biến trong khu vực, được sử dụng làm nguyên vật liệu chính trong sản xuất giấy Tuyên. Rơm cùng một vài loại vật liệu khác sau này được thêm vào trong công thức sản xuất trong thời Tống và Nguyên. Sợi trúcdâu tằm cũng bắt đầu được sử dụng để sản xuất giấy Tuyên cùng khoảng thời gian đó.

Sản xuất giấy Tuyên có thể mô tả lỏng lẻo như là một công nghệ gồm 18 công đoạn, nhưng nếu tách bạch chi tiết thì có thể tính là trên 100 công đoạn. Một số nhà sản xuất giấy đã sáng tạo ra nhiều công đoạn nhưng giữ bí mật với các nhà sản xuất khác. Các công đoạn này thường liên quan tới việc sấy và tẩy trắng vỏ Pteroceltis tatarinowii cũng như sự bổ sung các chủng loại nước ép thực vật.

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa

  1. ^ 張彥遠 (Trương Ngạn Viễn). “歷代名畫記•卷第二 (Lịch đại danh họa kí - Quyển 2)”. 維基文庫 (Duy cơ văn khố) (bằng tiếng Trung). Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2018. 好事家宜置宣紙百幅,用法蠟之,以備摹寫。(Hảo sự gia nghi trí tuyên chỉ bách bức, dụng pháp lạp chi, dĩ bị mô tả).
  2. ^ 歐陽脩 (Âu Dương Tu) & 宋祁 (Tống Kỳ). “新唐書•卷四十一•志第三十一•地理五 (Tân Đường thư: Quyển 41, chí 31, địa lí 5)”. 維基文庫 (Duy cơ văn khố) (bằng tiếng Trung). Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2018. 宣州宣城郡,望。土貢:銀、銅器、綺、白糸寧、絲頭紅毯、兔褐、簟、、筆、署預、黃連、碌青。 (Tuyên Châu Tuyên Thành quận, vọng. Thổ cống: ngân, đồng khí, khỉ (the lụa), bạch mịch ninh (tơ lụa trắng), ti đầu hồng thảm (thảm lụa đỏ), thỏ cát (áo lông thỏ), điệm (chiếu), chỉ (giấy), bút, thự dự, hoàng liên, lục thanh.)Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  3. ^ Fei Wen Tsai; Dianne van der Reyden, Technology, treatment, and care of a chinese wood block print (PDF), Smithsonian Institution, tr. 4 originally appeared as "Analysis of modern Chinese paper and treatment of a Chinese woodblock print" in The Paper Conservator, 1997, pp. 48-62

Liên kết ngoài sửa