Kabul City Center (tạm dịch: Trung tâm Thành phố Kabul; tiếng Dari: کابل سیتی سینتر‎) là một trung tâm thương mại ở Shahr-e Naw, Kabul, Afghanistan. Vào năm 2005, khi mới khai trương, trung tâm bao gồm 100 cửa hàng và một khu ẩm thực. Nơi đây được trang bị thang máy và thang cuốn trong suốt và đáng chú ý vì là tòa nhà đầu tiên ở Kabul được trang bị thang cuốn hoạt động. Tòa nhà cũng bao gồm khách sạn Safi Landmark, một khách sạn 4 sao chiếm sáu tầng trên của tòa nhà mười tầng này. Safi Landmark đã trở thành một trong những khách sạn nổi tiếng nhất ở Kabul đối với du khách và người nước ngoài. Tòa nhà đã từng đối mặt với hai cuộc tấn công khủng bố vào năm 2010 và 2011. Vào năm 2013, trung tâm thương mại này đã nhận được sự chú ý của giới truyền thông khi sở hữu một cửa hàng Apple Store không chính thức.

Kabul City Center
کابل سیتی سینتر‎
Map
Thông tin chung
Tình trạngHoàn thành
DạngTrung tâm thương mại
Khách sạn
Phong cáchPostmodern[1]
Địa điểmShahr-e Naw
Quốc gia Afghanistan
Thành phốKabul
Địa chỉĐường Zargona
Tọa độ34°31′57″B 69°09′56″Đ / 34,5325°B 69,1656°Đ / 34.5325; 69.1656
Chủ sở hữuHaji Abdul Qudus Safi[2]
Xây dựng
Mở cửa2005[4]
Trùng tu2010[5]
Chi phí xây dựng35 triệu US $ [3]
Số tầng10[3]
Số thang máy3[2]
Thiết kế
Kỹ sưLouis Berger Group[6]
Thông tin khác
Số lượng cửa hàng100[3]
Số phòng thương gia40[3]
Số lượng nhà hàng2[3]
Trang web
www.safilandmarkhotelsuites.com

Lịch sử sửa

Khi Ghulam Hazrat Safi trở về Kabul từ Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, ông đã đầu tư 35 triệu đô la Mỹ để xây dựng trung tâm thương mại Kabul City Centre và khách sạn kề bên nó, Safi Landmark.[3] Khách sạn sử dụng 150 nhân viên địa phương và 100 nhân viên Ấn Độ.[2]

Vào ngày 26 tháng 2 năm 2010, trung tâm mua sắm đã bị tấn công bởi một kẻ đánh bom liều chết Taliban, 16 người bên trong tòa nhà thiệt mạng, trong đó có 11 người nước ngoài (bao gồm chín người Ấn Độ, một người Ý và một người Pháp). Ba cảnh sát Afghanistan và hai người không rõ nguồn gốc cũng thiệt mạng. Vụ đánh bom khiến các cửa sổ của tòa nhà vỡ nát, làm rơi các mảnh vỡ xuống phố đi bộ gần đó. Bộ Ngoại giao Ấn Độ mô tả vụ đánh bom là một cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào cả người Ấn Độ và Afghanistan, vì nạn nhân chủ yếu là người Ấn Độ. Tuy nhiên, Zabiullah Mujahid, phát ngôn viên của Taliban, phủ nhận động cơ đằng sau vụ đánh bom là cố ý nhắm vào người Ấn Độ và cố gắng làm xói mòn quan hệ Afghanistan – Ấn Độ, thay vào đó tuyên bố rằng người dân châu Âu mới là mục tiêu chính của họ.[7] 4 triệu đô la Mỹ đã được chi ra để đưa trung tâm thương mại trở lại hoạt động trong vòng hai tháng sau vụ tấn công.[8]

Ngay sau vụ đánh bom đầu tiên, trung tâm thương mại đã được nâng cấp bằng cách lắp các cửa sổ kính chống nổ và sàng lọc tất cả du khách bằng máy dò kim loại tại lối ra vào. Bằng cách này, người ta đã ngăn chặn một kẻ đánh bom liều chết đi vào trung tâm thương mại vào ngày 14 tháng 2 năm 2011.[9]

Đặc trưng sửa

Bên trong Kabul City Center: thang cuốn (trái); khu ẩm thực (phải)

Kabul City Center bao gồm 100 cửa hàng, bao gồm cửa hàng trang sức, cửa hàng điện tử, cửa hàng thời trang, cửa hàng đồ cổ[10]hiệu sách,[11] với khu ẩm thực nằm ở tầng trệt rất giống với hầu hết các trung tâm thương mại ở châu Âu. Khách đến đây chủ yếu là du khách nước ngoài hay người ngoại quốc sống ở Afghanistan.[12] Ban đầu nhà hàng chủ yếu chỉ có nam giới ghé thăm, tuy nhiên sau khi khai trương một năm, nhiều phụ nữ bắt đầu đến trung tâm thương mại hơn, và nhà hàng trở thành nơi gặp gỡ chung của nam và nữ.[13]

Một trong những điểm đáng chú ý của trung tâm mua sắm là thang cuốn, đã trở thành một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất trong thành phố, vì Kabul City Center là tòa nhà đầu tiên ở Kabul được trang bị thang cuốn, và sau khi xây dựng nó được cho là tòa nhà duy nhất ở Afghanistan có thang cuốn hoạt động.[6][14]

Kabul City Center càng thu hút sự chú ý của giới truyền thông khi một cửa hàng Apple Store không chính thức được mở bên trong trung tâm mua sắm vào tháng 8 năm 2010.[12] Theo một cuộc phỏng vấn với giám đốc cửa hàng do Quartz thực hiện vào tháng 4 năm 2013, sản phẩm của họ đắt hơn giá bán lẻ ở Mỹ. Ví dụ, iPhone 5 16 GB được bán ở Afghanistan với giá 700 USD, cao hơn 50 USD so với giá gốc ở Mỹ. Các sản phẩm của cửa hàng được nhập khẩu từ Dubai và doanh số bán hàng được báo cáo là rất tốt, với sáu iPhone và hai MacBook được bán ra mỗi ngày, mặc dù lượng hàng có hạn. Hầu hết khách hàng của cửa hàng là những người trẻ tuổi làm việc trong lĩnh vực tư nhân. Giám đốc cửa hàng đã xem xét mở rộng việc kinh doanh bằng cách thêm một trung tâm dịch vụ và sửa chữa, cũng như mở chi nhánh thứ hai ở một khu vực khác của Kabul. Người quản lý của cửa hàng tuyên bố đã gửi một bức ảnh khai trương của cửa hàng qua thư cho Apple Inc. nhưng không có hồi âm.[15]

Tiếp nhận sửa

Trung tâm thương mại này được nhiều người dân Afghanistan mô tả là sang trọng và xa xỉ vì hầu hết các sản phẩm được bày bán bên trong đều bị đa số người dân cho là không vừa túi tiền. Nhiều người ghé thăm trung tâm mua sắm được biết đến như những "người xem hàng bày", họ thường hỏi giá một món hàng và ngay khi nhân viên bán hàng tiết lộ, họ sẽ rời cửa hàng mà không mua gì cả.[10] Các thiết bị điện tử được bày bán bên trong trung tâm thương mại được coi là ngoài sức tưởng tượng của nhiều người Afghanistan, phần lớn trong số họ vẫn chưa được tiếp cận với điện.[6]

Mặc dù không có khả năng chi trả mua sắm, nhiều người đến trung tâm thương mại chỉ để trải nghiệm thang cuốn, thứ không thể tìm thấy ở những nơi khác tại Afghanistan. Do nhiều người Afghanistan không có kinh nghiệm với công nghệ bên trong trung tâm thương mại, một số gặp khó khăn khi sử dụng chúng. Một phụ nữ được cho là đã bị thương sau khi cố gắng đi xuống lúc thang cuốn đang đi lên.[2]

Một số người dân lập luận rằng, thay vì bỏ tiền xây dựng các cửa hàng sang trọng trong trung tâm thương mại, chúng nên được đầu tư để xây dựng các nhà máy, nhằm mục đích tạo cơ hội việc làm cho những người thất nghiệp.[2]

Tham khảo sửa

  1. ^ Issa, Christine (2006). “Architecture as a Symbol of National Identity in Afghanistan” (PDF). Geographische Rundschau International Edition Vol. 2. Westermann Verlag. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2020.
  2. ^ a b c d e Jawad, Mohammad (ngày 20 tháng 11 năm 2005). “Afghans Head for the Mall”. Institute for War and Peace Reporting. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2020.
  3. ^ a b c d e f W. Herold, Marc (ngày 24 tháng 4 năm 2006). "Afghanistan as an Empty Space: the Perfect Neo-Colonial State of the 21st Century" (with 44 photographs)” (PDF). grassrootspeace.org. Traprock Peace Cente. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2020.
  4. ^ “About Kabul”. Center of Islamic Banking & Economics. 2010. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2020.
  5. ^ Partlow, Joshua; Boak, Josh (ngày 14 tháng 2 năm 2011). “Bomb kills 2 at upscale Kabul hotel complex”. Washington Post. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2020.
  6. ^ a b c Fariba Nawa. Afghanistan Inc.: A CorpWatch Investigative Report (PDF) (Bản báo cáo). CorpWatch. tr. 2–4. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2020.
  7. ^ J. Rubin, Alissa (ngày 26 tháng 2 năm 2010). “Guesthouses Used by Foreigners in Kabul Hit in Deadly Attacks”. The New York Times. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2020.
  8. ^ Shukoor, Hashim; Nissenbaum, Dion (ngày 20 tháng 10 năm 2010). “Afghan capital enjoys relative calm amid security crackdown”. McClatchy DC. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2020.
  9. ^ Nordland, Rod; J. Rubin, Alissa (ngày 15 tháng 2 năm 2011). “Afghan Guards Called Heroes After Thwarting Attack”. New York Times. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2011.
  10. ^ a b Holmes, Paul (ngày 20 tháng 1 năm 2007). “Luxury goods highlight Afghan wealth gap”. Reuters. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2020.
  11. ^ Krishnamurthy, Rajeshwari (28 tháng 6 năm 2013). “Kabul Diary: Discovering the Indian connection”. Gateway House. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2020. Loitering around City Centre mall this week, I stumbled across a small bookstore with a big treasure. The shop had a book on the Rig Veda in Dari – one of the most spoken languages in the country.
  12. ^ a b Touryalai, Halah (ngày 29 tháng 4 năm 2013). “A Fake Apple Store In Afghanistan Is Selling The iPhone 5 For $700”. Forbes. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2020.
  13. ^ Issa, Christine; M. Kohistani, Sardar (tháng 7 năm 2007). “Kabul's Urban Identity: An Overview of the Socio-Political Aspects of Development”. Penn State University. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2020.
  14. ^ Declan Walsh (ngày 21 tháng 1 năm 2006). “Gap between rich and poor widens in Afghanistan / Some buy watches for $4,000, others heat homes with dung”. San Francisco Chronicle. Truy cập ngày 25 tháng 10 năm 2020.
  15. ^ Mirani, Leo (ngày 24 tháng 4 năm 2013). “The unofficial Apple store in Afghanistan”. Quartz. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2020.

Liên kết ngoài sửa