Kiều Công Cung (? – ?) là một nhân vật quân sự Việt Nam, từng phục vụ trong quân đội Đế quốc Việt Nam, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Liên bang Đông Dương, Quốc gia Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa.

Tiểu sử sửa

Kiều Công Cung là mật thám của quân đội thuộc địa với quân hàm Thiếu úy.[1][2] Tháng 6 năm 1945, Kiều Công Cung là thành viên Ban quản trị Thanh niên Tiền phong.[3] Tháng 8, Thanh niên Tiền phong gia nhập Mặt trận Việt Minh, Kiều Công Cung là Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa ở Sài Gòn gồm Chủ tịch Trần Văn Giàu, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Trấn, Thường trực Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Văn Tư, Ủy viên Hoàng Đôn Văn, Kiều Công Cung.[4]

Quân Pháp trở lại, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ tiếp nhận một đơn vị vũ trang mang tên Sư đoàn Cộng hòa vệ binh, sau đổi thành Sư đoàn Dân quân 1 (Đệ nhất Sư đoàn dân quân cách mạng) do Kiều Công Cung làm Sư trưởng, các chỉ huy khác gồm Trần Tử Oai, Trương Văn Giàu, Nguyễn Văn Quan.[5] Đệ nhất Sư đoàn được hình thành từ ba đoàn Bảo an binh thời Nhật, được bổ sung thêm thanh niên, học sinh, công nhân,... với tổng quân số khoảng 10.000 người, 400 khẩu súng các loại.[6] Pháp tấn công Sài Gòn, các đơn vị Cộng hòa vệ binh nhanh chóng tan rã. Kiều Công Cung đụng độ quân Pháp ở Phú Lâm (ngoại ô Sài Gòn) rồi bỏ chạy về Sa Đéc.[7] Trương Văn Giàu thay thế Kiều Công Cung làm Sư trưởng chỉ huy lực lượng còn lại tiếp tục chiến đấu.[8]

Tháng 1 năm 1946, Kiều Công Cung được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử tham gia Ủy ban nghiên cứu đình chiến cùng Khuất Duy Tiến, Phan Mỹ để tìm giải pháp hòa hoãn tạm thời với quân Pháp.[9] Tháng 4, Kiều Công Cung là thành viên đoàn Giám định chuyên môn của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Hội nghị Đà Lạt.

Cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, Kiều Công Cung cùng Trần Tử Oai sớm đầu hàng quân đội Pháp.[10] Năm 1955, Kiều Công Cung là Công cán Ủy viên của Bộ Quốc phòng Quốc gia Việt Nam, tháp tùng lực lượng quân Pháp càn quét các chiến khu của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở nam Quảng Ngãi.[11]

Thời Việt Nam Cộng hòa, Kiều Công Cung được chính quyền Ngô Đình Diệm giao phụ trách Đặc ủy Công dân vụ thuộc Phủ Tổng thống, làm công tác chiêu hồi.[12] Khoảng những năm 1960, Kiều Công Cung ra nước ngoài chữa bệnh và chết vì mắc ung thư.

Chú thích sửa

  1. ^ Trần Hải Phụng; Lưu Phương Thanh (1994). Lịch sử Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định kháng chiến, 1945-1975. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 36.
  2. ^ Trần Hải Phụng (1992). Lược sử chiến sĩ quyết tử : Sài Gòn, Chợ lớn, Gia Định 1945-1954. Thành phố Hồ Chí Minh: Câu lạc bộ truyền thống vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 24.
  3. ^ Trí tuệ và bản lĩnh Trần Văn Giàu trong cuộc vận động Cách Mạng năm 1945
  4. ^ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám: Một kỳ tích trong lịch sử dân tộc Việt Nam
  5. ^ Phan Hoàng (1999). Phỏng vấn các tướng lĩnh Việt Nam: tập 1-2-3. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ. tr. 215.
  6. ^ Trần Văn Trà (2006). Miền Nam thành đồng đi trước về sau. Hà Nội: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. tr. 156.
  7. ^ Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1995). Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Tập 1: 1930 - 1975. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 204.
  8. ^ Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (1999). Lịch sử Nam bộ kháng chiến, Tập 1: 1945 - 1954. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. tr. 215.
  9. ^ Sắc lệnh số 95 của Chủ Tịch nước: Sắc lệnh cử ông Khuất Duy Tiến, Phan Mỹ và Kiều Công Cung vào Uỷ ban nghiên cứu đình chiến
  10. ^ Nguyễn Tố Uyên (1999). Công cuộc bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân ở Việt Nam trong những năm, 1945-1946. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội. tr. 236.
  11. ^ Lê Văn Dương; Tôn Tích Đức (1972). Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn hình thành 1946-1955. Sài Gòn: Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa. tr. 404–406.
  12. ^ Vũ Sáng (22 tháng 5 năm 2012). “Thu tin "Ấp chiến lược" từ mật vụ địch”. Báo điện tử Quân đội nhân dân. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 5 năm 2012.