Sa Đéc (tỉnh)
Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Sa Đéc là một tỉnh ở miền Nam Việt Nam cũ thuộc vùng IV, Việt Nam Cộng hòa.
Sa Đéc
|
|
---|---|
Tỉnh | |
Tỉnh Sa Đéc | |
Bản đồ tỉnh Sa Đéc năm 1973 | |
Tên cũ | Sadek |
Hành chính | |
Quốc gia | Việt Nam |
Vùng | IV |
Tỉnh lỵ | Châu Thành Sa Đéc |
Trụ sở UBND | số 1 đường Tống Phước Hòa, xã Tân Vĩnh Hòa, quận Đức Thịnh |
Phân chia hành chính | 4 quận, 36 xã. |
Thành lập | 1/1/1900 |
Giải thể | 2/1976 |
Địa lý | |
Diện tích | 776,288 km² |
Dân số (1970) | |
Tổng cộng | 315.556 người |
Mật độ | 407 người/km² |
Khác | |
Biển số xe | 66-S1-66-S2 |
Địa lý
sửaTỉnh Sa Đéc nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long giữa hai con sông Tiền và sông Hậu, có vị trí địa lý năm 1967 như sau:
- Phía đông giáp tỉnh Kiến Phong và tỉnh Định Tường
- Phía tây và bắc giáp tỉnh An Giang
- Phía nam giáp tỉnh Phong Dinh và tỉnh Vĩnh Long.
Tỉnh Sa Đéc có diện tích là 776,288 km².
Lịch sử
sửaTỉnh Sa Đéc được thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 1900, tồn tại vào thời Pháp thuộc tên là Sadék và bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa giải thể vào cuối năm 1956, tuy nhiên sau đó tỉnh Sa Đéc lại được chính quyền Việt Nam Cộng hòa tái lập vào năm 1966 tỉnh lỵ là Sa Đéc về mặt hành chính thuộc xã Tân Vĩnh Hòa, quận Đức Thịnh, tiếp tục tồn tại và bị mất địa vị hành chính cấp tỉnh từ tháng 2 năm 1976, sau khi được sáp nhập với tỉnh Kiến Phong để trở thành tỉnh Đồng Tháp như ngày nay.
Thời nhà Nguyễn
sửaTrước khi chúa Nguyễn khai phá miền đất phía Nam, Sa Đéc thuộc đất Tầm Phong Long của Thủy Chân Lạp, với tên gọi nguyên gốc là Phsar Dek. Nhiều người cho rằng Sa Đéc theo tiếng Khmer nghĩa là "chợ sắt". Tuy nhiên Sơn Nam và nhiều nhà nghiên cứu khác không chắc chắn lắm với luận điểm này.
Khoảng cuối thập niên 1750, chúa Nguyễn thành lập năm đạo ở miền Tây Nam Bộ, để bảo vệ cho Dinh Long Hồ trong đó có Đông Khẩu Đạo (Sa Đéc). Trong một thời gian dài, Sa Đéc từng là một trong những khu chợ sung túc nhất ở phía Nam.
Năm 1832, sau khi Lê Văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng chia lại miền Nam thành Nam Kỳ lục tỉnh. Khi đó Sa Đéc lại thuộc phủ Tân Thành, tỉnh An Giang.
Thời Pháp thuộc
sửaSau khi chiếm hết được ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp dần xóa bỏ tên gọi tỉnh An Giang cùng hệ thống hành chính phủ huyện cũ thời nhà Nguyễn, đồng thời đặt ra các hạt Thanh tra. Địa bàn tỉnh An Giang trước đây được chia thành 3 hạt: hạt Châu Đốc (phủ Tuy Biên cũ), hạt Sa Đéc (phủ Tân Thành cũ) và hạt Ba Xuyên.
Lúc bấy giờ, hạt Thanh tra Tân Thành được thành lập trên địa bàn phủ Tân Thành, tỉnh An Giang cũ. Trụ sở hạt Thanh tra Tân Thành đặt tại Sa Đéc. Lúc đầu, hạt Thanh tra tạm gọi tên theo tên các phủ huyện cũ, sau mới đổi tên gọi theo địa điểm đóng trụ sở. Về sau, hạt Thanh tra Tân Thành cũng được đổi tên thành hạt Thanh tra Sa Đéc.
Theo Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ Bonard ngày 1 tháng 1 năm 1868, hạt Thanh tra Sa Đéc gồm 3 huyện là An Xuyên, Vĩnh An, Phong Phú và trị sở (gọi là Tòa bố) đặt tại Sa Đéc.
Ngày 20 tháng 9 năm 1870, giải thể hạt Thanh tra Cần Lố [1](trước đây thuộc địa bàn tỉnh Định Tường), đồng thời đưa tổng Phong Thạnh qua hạt Thanh tra Sa Đéc. Lúc này, hạt Sa Đéc cũng lấy thêm địa phận các làng Mỹ Ngãi, Mỹ Trà, Nhị Mỹ, Phong Mỹ (trước đây thuộc tổng Phong Thạnh, huyện Kiến Phong) để lập tổng mới cũng lấy tên là tổng Phong Thạnh. Lại lấy địa phận các làng Mỹ Long, Bình Hàng Tây (nguyên thuộc tổng Phong Phú, huyện Kiến Phong) để lập tổng mới gọi là tổng Phong Nẫm. Hai tổng Phong Thạnh (mới) và Phong Nẫm đều thuộc về hạt Sa Đéc.
Ngày 30 tháng 4 năm 1872, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định sáp nhập huyện Phong Phú với vùng Bắc Tràng (thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long trước đây) để lập thành một hạt, đặt Toà Bố tại Trà Ôn. Một năm sau, Toà Bố từ Trà Ôn lại dời về Cái Răng. Ngày 23 tháng 2 năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định mới lấy huyện Phong Phú và một phần huyện An Xuyên và Tân Thành để lập hạt Cần Thơ với thủ phủ là Cần Thơ. Hạt Cần Thơ thuộc khu vực hành chính Bassac (Hậu Giang).
Ngày 5 tháng 1 năm 1876, thời chủ hạt Bocquillon, hạt Thanh tra Sa Đéc đổi thành hạt tham biện Sa Đéc, các thôn đổi thành làng. Sa Đéc trở thành một hạt tham biện (arrondissement) thuộc khu vực hành chính (circonscription) Vĩnh Long do thực dân Pháp đặt ra. Địa hạt Sa Đéc trong giai đoạn 1876 - 1899 không còn chia cấp huyện nữa mà trực tiếp quản lý từ cấp tổng trở xuống.
Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Sa Đéc trở thành tỉnh Sa Đéc, chủ tỉnh đầu tiên là M. Sellier. Tỉnh Sa Đéc nằm ở hai bên sông Tiền Giang, giáp các tỉnh Long Xuyên, Tân An, Vĩnh Long, Cần Thơ và Mỹ Tho. Dân số tỉnh Sa Đéc theo số liệu thống kê năm 1901 là 182.924 người và năm 1920 là 203.588 người.
Năm 1903, tỉnh Sa Đéc (chủ tỉnh lúc này là G. Maspero) có 10 tổng với 79 làng trực thuộc như sau[2]:
- Tổng An Hội: 6 làng
- Tổng An Mỹ: 15 làng
- Tổng An Phong: 8 làng
- Tông An Thới : 9 làng
- Tổng An Tịnh: 4 làng
- Tổng An Trung: 6 làng
- Tổng An Thạnh Thượng: 6 làng
- Tổng An Thạnh Hạ: 6 làng
- Tổng Phong Nẫm: 11 làng
- Tổng Phong Thạnh: 6 làng.
Lúc bấy giờ, toàn tỉnh Sa Đéc có các chợ sau[2]:
- Tân Quy Đông: tổng An Thạnh Hạ
- Tân Phú Đông: tổng An Trung
- Nha Mân: làng Phú Nhuận, tổng An Mỹ
- Cái Tàu Hạ: làng Phú Hựu, tổng An Mỹ
- Cao Lãnh: làng Mỹ Trà, tổng Phong Thạnh
- Hòa An: tổng An Tịnh
- Cái Tàu Thượng: làng Hội An, tổng An Thạnh Thượng
- Chợ Cồn: làng Tân Quy Đông, tổng An Thạnh Hạ
- Vĩnh Phước: tổng An Trung
- Tân Hưng: tổng An Hội
- Lai Vung: làng Tân Lộc, tổng An Thới
- Mỹ Ngãi: tổng Phong Thạnh
- Cần Lố: làng Mỹ Thọ, tổng Phong Nẫm
- Đất Sét: làng Mỹ An, tổng An Thạnh Thượng
- Cai Châu: làng Tân Mỹ, tổng An Thạnh Thượng
- Chợ Chùa: làng Tân An Trung, tổng An Thạnh Hạ.
Tỉnh lỵ Sa Đéc ban đầu đặt tại làng Vĩnh Phước thuộc quận Châu Thành (kể từ năm 1924). Sau này, thực dân Pháp hợp nhất ba làng Tân Phú Đông, Vĩnh Phước và Hòa Khánh lại thành một làng lấy tên là Tân Vĩnh Hòa. Từ đó, tỉnh lỵ Sa Đéc thuộc địa bàn làng Tân Vĩnh Hòa.
Từ ngày 9 tháng 2 năm 1913 đến ngày 9 tháng 2 năm 1924, tỉnh Sa Đéc bị giải thể, toàn bộ diện tích tỉnh bị sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Long.
Sau năm 1924, tỉnh Sa Đéc được tái lập với 3 quận trực thuộc: Châu Thành, Cao Lãnh, Lai Vung. Chủ tỉnh lúc này là A. Petit.
Giai đoạn 1945 - 1956
sửaSau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tỉnh Sa Đéc là một trong số 21 tỉnh của Nam Bộ. Lúc này, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ chủ trương bỏ cấp tổng, bỏ đơn vị làng, thống nhất gọi là xã, đồng thời bỏ danh xưng quận, gọi thay thế bằng huyện. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đến năm 1956 cũng thống nhất dùng danh xưng là xã, tuy nhiên vẫn gọi là quận cho đến năm 1975.
Ngày 14 tháng 5 năm 1949, huyện Lấp Vò của tỉnh Long Xuyên trước đó được nhập vào tỉnh Sa Đéc. Đồng thời, tỉnh Sa Đéc nhận thêm làng Phong Hòa trước đó thuộc tổng An Trường, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ và tỉnh cũng giao lại làng Hội An trước đó thuộc quận Châu Thành cho tỉnh Long Xuyên quản lý.
Tháng 6 năm 1951, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sáp nhập tỉnh Sa Đéc với tỉnh Long Châu Tiền (bao gồm một phần đất của tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc trước đó) thành tỉnh Long Châu Sa. Tuy nhiên tên tỉnh Long Châu Sa không được chính quyền Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại và chính quyền Việt Nam Cộng hòa công nhận. Tỉnh Long Châu Sa tồn tại đến năm 1954 bị giải thể và tỉnh Sa Đéc được tái lập.
Giai đoạn 1956 - 1975
sửaViệt Nam Cộng hòa
sửaBan đầu, chính quyền Quốc gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng hòa vẫn duy trì tên gọi tỉnh Sa Đéc như thời Pháp thuộc.
Ngày 17 tháng 2 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tách quận Cao Lãnh ra khỏi tỉnh Sa Đéc để nhập vào tỉnh Phong Thạnh mới được thành lập. Tỉnh lỵ tỉnh Phong Thạnh đặt tại xã Mỹ Trà, quận Cao Lãnh. Thời gian này, tỉnh Sa Đéc vẫn còn tồn tại với 3 quận trực thuộc còn lại: Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò.
Đến ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh số 143-NV để thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam. Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Nam Phần của Việt Nam Cộng Hoà gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Phong Thạnh được đổi tên thành tỉnh Kiến Phong; còn tỉnh Sa Đéc bị giải thể, sáp nhập vào địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Địa bàn tỉnh Sa Đéc vừa bị giải thể tương ứng với quận Sa Đéc và quận Lấp Vò cùng thuộc tỉnh Vĩnh Long, riêng quận Lai Vung trước đó cũng bị giải thể và sáp nhập vào quận Lấp Vò.
Ngày 11 tháng 7 năm 1962, tỉnh Vĩnh Long cho thành lập mới hai quận là Đức Tôn và Đức Thành, do lần lượt tách ra từ hai quận Sa Đéc và Lấp Vò.
Ngày 24 tháng 9 năm 1966, chính quyền Việt Nam Cộng hòa quyết định tái lập tỉnh Sa Đéc. Tỉnh Sa Đéc mới tách ra từ tỉnh Vĩnh Long, chỉ gồm phần đất nằm giữa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, với diện tích khoảng 900 km². Sa Đéc phía bắc giáp tỉnh Kiến Phong, phía đông giáp tỉnh Định Tường, phía đông nam giáp tỉnh Vĩnh Long, phía tây nam giáp tỉnh Phong Dinh và phía tây giáp tỉnh An Giang.
Tỉnh Sa Đéc khi đó tỉnh lỵ có tên là Sa Đéc, bao gồm 4 quận trực thuộc:
- Quận Lấp Vò, gồm 2 tổng Phú Thượng và Phong Thới với 8 xã
- Quận Châu Thành (do đổi tên từ quận Sa Đéc cũ), gồm 3 tổng An Thạnh, An Thới và An Trung với 13 xã
- Quận Đức Thành, gồm 3 tổng An Khương, Ti Thiện và Tiến Nghĩa với 8 xã
- Quận Đức Tôn, gồm 2 tổng An Mỹ Đông và An Mỹ Tây với 7 xã.
Đến ngày 14 tháng 2 năm 1968, quận Châu Thành lại đổi tên thành quận Đức Thịnh.
Chính quyền Cách mạng
sửaChính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cũng phân chia, sắp xếp lại các đơn vị hành chính trong tỉnh như bên chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Cuối năm 1956, chính quyền Cách mạng thành lập tỉnh Kiến Phong.
Đến giữa năm 1957 giải thể và sáp nhập phần còn lại của tỉnh Sa Đéc vào tỉnh Vĩnh Long.
Tháng 8 năm 1974, Trung ương Cục miền Nam quyết định giải thể các tỉnh Kiến Phong và An Giang để tái lập các tỉnh Long Châu Tiền, Long Châu Hà và Sa Đéc. Tỉnh Sa Đéc gồm các huyện Chợ Mới, Cao Lãnh, Kiến Văn, Mỹ An và thị xã Cao Lãnh của tỉnh Kiến Phong cũ và các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, thị xã Sa Đéc của tỉnh Vĩnh Long giao lại; tỉnh lỵ đặt tại thị xã Sa Đéc.
Sau sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban đầu vẫn duy trì tỉnh Sa Đéc như trước đó cho đến đầu năm 1976. Lúc này, chính quyền Cách mạng cũng bỏ danh xưng quận có từ thời Pháp thuộc và lấy danh xưng huyện (quận và phường dành cho các đơn vị hành chánh tương đương khi đã đô thị hóa).
Ngày 20 tháng 9 năm 1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh trong toàn quốc nhằm xây dựng các tỉnh thành những đơn vị kinh tế, kế hoạch và đơn vị hành chính có khả năng giải quyết đến mức cao nhất những yêu cầu về đẩy mạnh sản xuất, tổ chức đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, về củng cố quốc phòng, bảo vệ trị an, và có khả năng đóng góp tốt nhất vào sự nghiệp chung của cả nước. Theo Nghị quyết này, tỉnh Long Châu Tiền, tỉnh Sa Đéc và tỉnh Kiến Tường sẽ hợp nhất lại thành một tỉnh, tên gọi tỉnh mới cùng với nơi đặt tỉnh lỵ sẽ do địa phương đề nghị lên.
Nhưng đến ngày 20 tháng 12 năm 1975, Bộ Chính trị lại ra Nghị quyết số 19/NQ điều chỉnh lại việc hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam cho sát với tình hình thực tế, theo đó tỉnh Sa Đéc và tỉnh Kiến Phong thời Việt Nam Cộng hòa được tiến hành hợp nhất lại thành một tỉnh.
Sa Đéc ngày nay
sửaTháng 2 năm 1976, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định hợp nhất tỉnh Sa Đéc và tỉnh Kiến Phong thời Việt Nam Cộng hòa lại thành một tỉnh mới có tên là tỉnh Đồng Tháp, với tỉnh lỵ ban đầu đặt tại thị xã Sa Đéc.
Tuy nhiên, đến năm 1994 tỉnh lỵ tỉnh Đồng Tháp lại được dời về thị xã Cao Lãnh (từ năm 2007 trở thành thành phố Cao Lãnh thuộc tỉnh Đồng Tháp) cho đến ngày nay.
Đến cuối năm 2013, thị xã Sa Đéc cũng được nâng cấp lên trở thành thành phố Sa Đéc trực thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Địa bàn tỉnh Sa Đéc cũ hiện nay tương ứng với thành phố Sa Đéc và các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò cùng thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Nếu kể luôn vào thời điểm trước năm 1956 thì địa bàn tỉnh Sa Đéc cũ bao gồm luôn cả thành phố Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh và huyện Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp ngày nay.
Hiện nay, địa danh Sa Đéc chỉ còn được dùng để chỉ thành phố Sa Đéc, đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Từ khi được sáp nhập vào tỉnh Kiến Phong nay là tỉnh Đồng Tháp, nền kinh tế thành phố Sa Đéc vẫn tiếp tục không ngừng phát triển. Thành phố Sa Đéc tập trung 3 trên tổng số 5 khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, là thành phố công nghiệp, dịch vụ của tỉnh Đồng Tháp.
Và vào năm 2005, thành phố Sa Đéc đã được Bộ Xây dựng là đô thị loại III.
Từ năm 2018, thành phố Sa Đéc được công nhận và đã trở thành đô thị loại II.
Phân chia hành chính
sửaDân số tỉnh Sa Đéc năm 1970[3] | |
---|---|
Quận | Dân số |
Đức Thịnh | 132.102 |
Đức Thành | 69.361 |
Đức Tôn | 43.524 |
Lấp Vò | 70.569 |
Tổng số | 315.556 |
Năm 1903
sửa- Tổng An Hội gồm 6 làng: An Tịch, Hội Xuân, Nghi Phụng, Tân Hưng, Thượng Văn, Tân Xuân
- Tổng An Mỹ gồm 15 làng: An Hòa Đông, An Thuận, Hòa Hưng, Khánh An Đông, Phú An, Phú Hựu, Phú Nhơn, Phú Nhuận, Tân An Đông, Hòa Thuận, Tân Hựu, Tân Hựu Đông, Tân Hựu Trung, Tân Long, Tân Nhơn
- Tổng An Phong gồm 8 làng: Hưng Qưới, Hậu Thành, Long Hưng, Nhơn Qưới, Tân Bình, Tân Dương, Tân Thạnh, Vĩnh Thạnh
- Tổng An Thới gồm 9 làng: Hòa Long, Long Hậu, Long Thắng, Nhơn Hòa, Phú Thành, Tân Hòa, Tân Phước, Tân Lộc, Vĩnh Thới
- Tổng An Tịnh gồm 4 làng: Hòa An, Tịnh Thới, Tân Tịch, Tân Thuận;
- Tổng An Trung gồm 6 làng: Bình Tiên, Hòa Khánh, Tân Quy Tây, Tân Phú Trung, Tân Phú Đông, Vĩnh Phước
- Tổng An Thạnh Thượng gồm 6 làng: Hội An Thượng, Hội An, Mỹ An, Mỹ Hưng, Tân Hội, Tân Mỹ, Tân Mỹ Đông, Tòng Sơn
- Tổng An Thạnh Hạ gồm 6 làng: Long Khánh, Tân An Trung, Tân Đông, Tân Khánh, Tân Khánh Tây, Tân Quy Đông
- Tổng Phong Nẫm gồm 11 làng: An Bình, Bình Hàng Tây, Bình Hàng Trung, Bình Thạnh, Mỹ An Đông, Mỹ Hội, Mỹ Hiệp, Mỹ Long, Mỹ Thọ, Mỹ Thành, Mỹ Xương
- Tổng Phong Thạnh gồm 6 làng: Mỹ Ngãi, Mỹ Trà, Mỹ Thạnh, Nhị Mỹ, Phong Mỹ, Tân An.
Năm 1924
sửa- Quận Sa Đéc quận lỵ làng Vĩnh Phước gồm 5 tổng:
- Tổng An Hội gồm 4 làng: An Tịch, Tân Hưng, Thượng Văn, Tân Xuân
- Tổng An Mỹ gồm 14 làng: An Hòa Đông, An Thuận, Hòa Hưng, Khánh An Đông, Phú Hòa, Phú Hựu, Phú Nhơn, Phú Nhuận, Tân An Đông, Tân Hựu, Tân Hựu Đông, Tân Hựu Trung, Tân Long, Tân Nhơn
- Tổng An Trung gồm 6 làng: Bình Tiên, Hòa Khánh, Tân Quy Tây, Tân Phú Trung, Tân Phú Đông, Vĩnh Phước
- Tổng An Thạnh Thượng gồm 8 làng: Hội An, Hội An Đông, Hội An Thượng, Mỹ An, Mỹ Hưng, Tân Hội, Tân Mỹ, Tòng Sơn
- Tổng An Thạnh Hạ gồm 6 làng: Long Khánh, Tân An Trung, Tân Đông, Tân Khánh, Tân Khánh Tây, Tân Quy Đông
- Quận Lai Vung quận lỵ là chợ Lai Vung đặt tại làng Tân Lộc gồm 2 tổng:
- Tổng An Phong gồm 7 làng: Hưng Qưới, Hậu Thành, Long Hưng, Nhơn Qưới, Tân Hòa Bình, Tân Dương, Vĩnh Thạnh
- Tổng An Thới gồm 9 làng: Hòa Long, Long Hậu, Long Thắng, Nhơn Hòa, Phú Thành, Tân Hòa, Tân Phước, Tân Lộc, Vĩnh Thới
- Quận Cao Lãnh quận lỵ làng An Bình gồm 3 tổng:
- Tổng An Tịnh gồm 4 làng: Hòa An, Tịnh Thới, Tân Tịch, Tân Thuận
- Tổng Phong Nẫm gồm 9 làng: Bình Hàng Tây, Bình Hàng Trung, Bình Thạnh, Mỹ Hội, Mỹ Hiệp, Mỹ Long, Mỹ Thọ, Mỹ Thành, Mỹ Xương
- Tổng Phong Thạnh gồm 7 làng: An Bình, Mỹ Ngãi, Mỹ Trà, Mỹ Thạnh, Nhị Mỹ, Phong Mỹ, Tân An.
Năm 1966
sửa- Quận Châu Thành (ngày 14 tháng 2 năm 1968 đổi thành quận Đức Thịnh) gồm 3 tổng An Thạnh, An Thới và An Trung với 13 xã
- Quận Đức Thành, gồm 3 tổng An Khương, Ti Thiện và Tiến Nghĩa với 8 xã
- Quận Đức Tôn, gồm 2 tổng An Mỹ Đông và An Mỹ Tây với 7 xã
- Quận Lấp Vò, gồm 2 tổng Phú Thượng và Phong Thới với 8 xã.
Năm 1970
sửaTỉnh Sa Đéc được chia thành 4 quận:
- Quận Đức Thành gồm 8 xã: Hòa Long, Long Hậu, Long Thắng, Phong Hòa, Tân Hòa Bình, Tân Phước, Tân Thành, Vĩnh Thới. Quận lỵ đặt tại xã Hòa Long
- Quận Đức Thịnh gồm 13 xã: An Tịch, Bình Tiên, Hòa Thành, Tân An Trung, Tân Dương, Tân Đông, Tân Hiệp, Tân Khánh, Tân Khánh Tây, Tân Mỹ, Tân Phú Trung, Tân Vĩnh Hòa, Tân Xuân. Quận lỵ là Đức Thịnh đặt tại xã Tân Vĩnh Hòa
- Quận Đức Tôn gồm 7 xã: An Khánh, An Nhơn, An Phú Thuận, Hòa Tân, Phú Hựu, Phú Long, Tân Thuận Đông. Quận lỵ là Cái Tàu Hạ đặt tại xã Phú Hựu
- Quận Lấp Vò gồm 8 xã: Bình Thạnh Đông, Bình Thạnh Tây, Bình Thạnh Trung, Định Yên, Hội An Đông, Long Hưng, Mỹ An Hưng, Vĩnh Thạnh. Quận lỵ là Lấp Vò đặt tại xã Bình Thạnh Trung.
Giao thông
sửaĐường thủy
sửaĐường bộ
sửa- Liên tỉnh lộ 8: Từ Vĩnh Long đi qua các quận Đức Tôn, Đức Thịnh, Đức Thành, Lấp Vò kết thúc tại Phà Vàm Cống, quận Lấp Vò
- Tỉnh lộ 23: Sa Đéc đi Cái Tàu Thượng quận Chợ Mới, tỉnh An Giang
- Tỉnh lộ 29: Hòa Long đi Lai Vung (trước 1975 địa danh Lai Vung chỉ nói riêng khu vực xã Tân Thành của huyện Lai Vung ngày nay)
- Tỉnh lộ 37: Lai Vung đi Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Chú thích
sửa- ^ Hạt thanh tra Cần Lố tồn tại 5 năm, nhưng tới 15 viên sĩ quan cai trị với chức vụ Thanh tra bản xứ sự vụ. Theo Landron, đầu tiên là Rheinart (1867), De Vignes (1868), De Gay De Taradel; ông De Luro, De Labussière, D’ Eymard Rapine, De Parreau, Lehaegre, VVollaston, Dulieu, Motet, De Vaisseau, Benoist (8 - 9/1870)
- ^ a b Monographie de la province de Sa Đéc (Địa chí tỉnh Sa Đéc 1903).
- ^ Việt Nam Cộng hòa bản đồ hành chánh. Đà Lạt: Phân cục Địa dư Quốc gia, 1970.