Kiến Tường (tỉnh)

Tỉnh cũ thuộc Việt Nam Cộng hòa

Kiến Tường là một tỉnh cũ của Việt Nam Cộng hòa.

Tỉnh
Bản đồ hành chính tỉnh Kiến Tường năm 1973
Vị tríViệt Nam Cộng hòa
Tỉnh lỵThị xã Mộc Hóa
Phân chia hành chính1 thị xã, 4 quận
Thành lập22/10/1956
Giải thể24/2/1976
Dân số (1967)35.885 người

Lịch sử

sửa

Tỉnh Kiến Tường được thành lập vào cuối năm 1956 do đổi tên từ tỉnh Mộc Hóa trước đó và bị mất tên gọi đơn vị hành chính cấp tỉnh từ tháng 2 năm 1976 cho đến nay. Tỉnh lỵ tỉnh Kiến Tường có tên là "Mộc Hóa".

Giai đoạn 1956–1976

sửa

Việt Nam Cộng hòa

sửa

Ngày 17 tháng 2 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 21-NV[1] về việc thành lập tỉnh Mộc Hóa trên cơ sở 2 quận: Mộc Hóa, Thủ Thừa thuộc tỉnh Tân An; phía đông bắc kênh Vĩnh Hạ – Mỹ Tho, kênh số 4 nối dài của tỉnh Sa Đéc và phía bắc một đường ranh giới được quy định như sau: kênh số 4 nối dài – Tổng Đốc Lộc – kênh Thương Mãi của tỉnh Mỹ Tho. Tỉnh lỵ đặt tại Mộc Hóa.

Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh số 143-NV[2] về việc thành lập tỉnh Kiến Tường trên cơ sở đổi tên tỉnh Mộc Hóa. Tỉnh lỵ có tên là "Mộc Hóa", về mặt hành chánh thuộc xã Tuyên Thạnh, quận Châu Thành.

Ngày 24 tháng 4 năm 1957, tỉnh Kiến Tường bao gồm 3 quận, 3 tổng, 18 xã:

  • Quận Châu Thành, quận lỵ ở xã Tuyên Thạnh, có một tổng là Thanh Hòa Hạ.
  • Quận Tuyên Bình, quận lỵ ở xã Tuyên Bình, có một tổng là Thanh Hòa Thượng.
  • Quận Ấp Bắc, quận lỵ ở xã Tân Hòa, có một tổng là Ninh Hòa.

Ngày 7 tháng 6 năm 1958, tỉnh Kiến Tường bao gồm 3 quận, 9 tổng, 23 xã:

  • Quận Châu Thành Mộc Hóa, quận lỵ ở xã Tuyên Thạnh, có hai tổng là Mộc Hóa Hạ và Mộc Hóa Thượng.
  • Quận Tuyên Bình, quận lỵ ở xã Tuyên Bình, có ba tổng là Tuyên Bình Hạ, Tuyên Bình Trung và Tuyên Bình Thượng.
  • Quận Kiến Bình, quận lỵ ở xã Tân Hòa, có bốn tổng là Kiến Bình Đông, Kiến Bình Tây, Mỹ Bình Hạ, Mỹ Bình Thượng (quận Kiến Bình đổi tên từ quận Ấp Bắc).

Ngày 10 tháng 3 năm 1959, tỉnh Kiến Tường thành lập thêm quận mới là Tuyên Nhơn, do tách từ quận Kiến Bình, quận lỵ ở xã Thủy Đông, gồm hai tổng là Mỹ Bình Hạ, Mỹ Bình Thượng, có sáu xã.

Sau năm 1965, các tổng đều bị giải thể. Về sau, quận lỵ quận Tuyên Bình cũng được dời về xã Thái Bình Trung.

Tỉnh Kiến Tường từng có sân bay quốc tế Mộc Hóa, có các tuyến đường bay quốc tế phục vụ hành khách.

Dân số tỉnh Kiến Tường năm 1967[3]
Quận Dân số (người)
Châu Thành 13.589
Kiên Bình 5.925
Tuyên Bình 9.829
Tuyên Nhơn 6.542
Tổng số 35.885

Chính quyền Cách mạng

sửa

Về phía chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, để đối phó kịp thời với âm mưu địch và chỉ đạo sát đúng với thực tế tình hình địa phương, tháng 7 năm 1957 tách Mộc Hóa ra khỏi tỉnh Tân An, lập đơn vị hành chính cấp tỉnh, vẫn lấy tên là tỉnh Kiến Tường như bên chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, bên dưới tỉnh Kiến Tường chính quyền Cách mạng lại chia làm bốn vùng, mỗi vùng tương ứng với một quận của phía Việt Nam Cộng hòa:

  • Vùng 2: tương ứng với quận Châu Thành.
  • Vùng 4 (vùng tư): tương ứng với quận Kiến Bình.
  • Vùng 6: tương ứng với quận Tuyên Nhơn.
  • Vùng 8: tương ứng với quận Tuyên Bình.

Năm 1970, tỉnh Kiến Tường:

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ vẫn duy trì tên gọi tỉnh Kiến Tường cho đến đầu năm 1976. Lúc này, chính quyền Cách mạng cũng bỏ danh xưng "quận" có từ thời Pháp thuộc và lấy danh xưng "huyện" (quận và phường dành cho các đơn vị hành chánh tương đương khi đã đô thị hóa).

Bên cạnh đó, chính quyền Cách mạng cũng tách một phần đất đai xã Tân Bình (thuộc quận Kiến Bình cũ) và một phần đất đai xã Tân Đông (thuộc quận Tuyên Nhơn cũ) cùng thuộc tỉnh Kiến Tường để sáp nhập vào địa bàn tỉnh Mỹ Tho lúc bấy giờ (ngày nay là tỉnh Tiền Giang). Hiện nay, vùng đất này tương ứng với các xã Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Thạnh Hòa cùng thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Ngày 20 tháng 9 năm 1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 245-NQ/TW[4] về việc hợp nhất tỉnh Long Châu Tiền, tỉnh Sa Đéc và tỉnh Kiến Tường sẽ hợp nhất lại thành một tỉnh, tên gọi tỉnh mới cùng với nơi đặt tỉnh lỵ sẽ do địa phương đề nghị lên.

Ngày 20 tháng 12 năm 1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 19/NQ[5] về việc hợp nhất tỉnh Long An và tỉnh Kiến Tường được tiến hành hợp nhất lại thành một tỉnh.

Sau năm 1976

sửa

Ngày 24 tháng 2 năm 1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Nghị định số 3/NQ/1976[6] về việc hợp nhất tỉnh Kiến Tường và tỉnh Long An thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Long An. Ban đầu, toàn bộ đất tỉnh Kiến Tường cũ là huyện Mộc Hóa của tỉnh Long An.

Ngày 30 tháng 3 năm 1978, chia huyện Mộc Hóa thành huyện Mộc Hóa và huyện Vĩnh Hưng.

Ngày 19 tháng 9 năm 1980, chia huyện Mộc Hóa thành 2 huyện Mộc Hóa và Tân Thạnh.

Ngày 26 tháng 6 năm 1989, thành lập huyện Thạnh Hóa từ một phần các huyện Mộc Hóa và Tân Thạnh.

Ngày 24 tháng 3 năm 1994, chia huyện Vĩnh Hưng thành 2 huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng.

Ngày 18 tháng 3 năm 2013, thành lập thị xã Kiến Tường từ một phần huyện Mộc Hóa.

Sau 37 năm bị mất tên gọi hoàn toàn, địa danh Kiến Tường giờ đây xuất hiện trở lại khi trở thành tên gọi của một thị xã mới Kiến Tường được thành lập của tỉnh Long An

Sau nhiều lần chia tách, thay đổi các đơn vị hành chính, hiện nay vùng đất tỉnh Kiến Tường cũ bao gồm thị xã Kiến Tường, các huyện Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng cùng thuộc tỉnh Long An và một phần huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Xem thêm

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ Sắc lệnh số 21-NV.
  2. ^ Sắc lệnh số 143-NV về việc để thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam. Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Việt Nam Cộng hòa gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh.
  3. ^ Việt Nam Cộng hòa bản đồ hành chánh (1967). Đà Lạt: Phân cục Địa dư Quốc gia.
  4. ^ Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh trong toàn quốc "nhằm xây dựng các tỉnh thành những đơn vị kinh tế, kế hoạch và đơn vị hành chính có khả năng giải quyết đến mức cao nhất những yêu cầu về đẩy mạnh sản xuất, tổ chức đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, về củng cố quốc phòng, bảo vệ trị an, và có khả năng đóng góp tốt nhất vào sự nghiệp chung của cả nước".
  5. ^ Nghị quyết số 19/NQ về việc điều chỉnh việc hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam Việt Nam.
  6. ^ Nghị định số 3/NQ/1976 về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam.

Tham khảo

sửa