Kim Vân Kiều (tiếng Trung: 金雲翹; bính âm: Jīn Yún Qiǎo) là một tác phẩm tiểu thuyết chương hồi của Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả đời nhà Minh, Trung Quốc biên soạn vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17. Nguyễn Du nhân đọc quyển tiểu thuyết này đã cảm hứng viết Truyện Kiều – một tác phẩm được xem là áng văn chương bất hủ của Văn học Việt Nam.

Kim Vân Kiều
金雲翹
Thông tin sách
Tác giảThanh Tâm Tài Nhân
Quốc giaTrung Quốc
Ngôn ngữTiếng Trung Quốc
Thể loạiTiểu thuyết
Nhà xuất bảnNhà xuất bản Văn học
Bản tiếng Việt
Người dịchHùng Sơn Nguyễn Duy Ngung

Tác giả sửa

Thanh Tâm Tài Nhân (青心才人) sống vào đời nhà Minh, tên thật là Từ Văn Trường, tức Từ Vị, còn có một số bút danh khác là Thiện Tri, Thanh đằng, Điền Thủy Nguyệt. Theo nhiều tư liệu, sử sách chép ông sinh năm 1521, mất năm 1593, đương thời với ca kỹ tên Vương Thúy Kiều. Ông quê ở huyện Sơn Âm, tỉnh Chiết Giang, học giỏi, hiểu biết rộng, nhưng đi thi không đỗ, bèn làm mặc khách của Hồ Tông Hiến.

Sinh thời, đã có lần Thanh Tâm Tài Nhân thảo tờ biểu "Dâng hươu trắng" cho vua nên trở thành nổi tiếng.

Ngoài tác phẩm chính Kim Vân Kiều truyện, ông còn có loạt kịch Tứ thanh viên (Vượn kêu bốn tiếng) gồm 4 vở kịch: Ngư dương lộng, Thúy nương mộng, Hoa mộc lanNữ trạng nguyên.

Nguồn gốc của Kim Vân Kiều truyện sửa

Theo Trần Đình Sử trong Thi pháp Truyện Kiều, Kim Vân Kiều truyện đã qua sáu lần biên soạn lại:

  • Bản ghi chép sớm nhất về sự tích Thuý Kiều - Từ HảiKỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt (Ghi chép đầu đuôi chuyện dẹp trừ Từ Hải) của Mao Khôn đời Minh. Bản này chép:

"Vương Thuý Kiều là kỹ nữ Lâm Tri, đầu tiên là Kiều Nhi, giỏi hát lối mới, thạo hồ cầm. Sau tìm cách trốn khỏi nhà xướng ca, đổi tên ở bên bờ biển. Nuỵ khấu đánh Giang Nam, bắt Thuý Kiều mang đi rồi trở thành áp trại phu nhân của Từ Hải. Từ Hải rất yêu quý nàng, mọi kế hoạch đều nghe theo nàng. Quan quân phái người đến chiêu hàng, Kiều đem nhiều việc đến khuyên, Hải mới quyết tâm hàng. Quan quân bố trí kế hoạch, Từ Hải thua chết, Thuý Kiều cũng bị quan quân cướp. Sau khi bị Đốc phủ làm ô nhục, Kiều bị gả cho tù trưởng Vĩnh Thuận làm thiếp. Trên đường qua sông Tiền Đường, Thuý Kiều than: Minh Sơn hậu đãi ta, ta vì việc nước dụ chàng mà bị hại. Giết một người chồng rồi lại lấy một người chồng, còn mặt mũi nào sống nữa! Bèn nhảy xuống sông mà chết."[1]

  • Hồ Thiếu bảo bình Nuỵ chiến công (Chiến công quan Hồ Thiếu bảo bình định nuỵ khấu) trong Tây Hồ nhị tập của Chu Tiếp thời Sùng Trinh.
  • Ảo mộng - Tam khắc phách án kinh kỳ của Mộng Giác đạo nhân (1643).
  • Vương Thuý Kiều trong Ngu Sơn tân chí (quyển 8) của Dư Hoài cuối Minh đầu Thanh. Tác phẩm này miêu tả Thuý Kiều thành một người đẹp đa tài, trang nhã, đáng kính, đáng yêu nhưng bạc mệnh, miêu tả Từ Hải thành một người có chí lớn, hảo sảng, một đại trượng phu có phong vận.
  • Vương Thuý Kiều truyện của Hồ Khoáng, miêu tả Từ Hải thành một anh hùng tuy bị lừa nhưng vẫn chiến đấu quyết liệt.
  • Kim Vân Kiều truyện 20 hồi của Thanh Tâm Tài Nhân.

Văn bản Kim Vân Kiều truyện sửa

Bản chữ Hán ở Việt Nam sửa

Chỉ có một bản gốc duy nhất, đó là bản chép tay ở Viễn Đông Bác Cổ Học viện, ký hiệu A953, nhan đề Kim Vân Kiều - Thanh Tâm Tài Tử biên thứ, lập ngày 23 - 3 - 1954 (Archives micronormalisées - Photoza - Paris), hiện nay ở phòng Microfilm Thư viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Bản này gồm 4 quyển chép tay với 478 trang chữ Hán. Cột bên trái trang mục lục và đầu mỗi hồi đều đề: Thánh Thán ngoại thư - Quán Hoa Đường bình luận - Thanh Tâm Tài Tử biên thứ. Sách được chia làm 20 hồi, đầu mỗi hồi là Lời bình của Kim Thánh Thán trước khi đi vào nội dung cụ thể.

Bản chữ Hán ở Trung Quốc và nước ngoài sửa

Theo Nguyễn Hữu Sơn và Nguyễn Đăng Na, ở Trung Quốc và nước ngoài đã sưu tầm được 13 loại bản khác nhau. Văn bản chính nguyên thể gồm 20 hồi nhưng cũng có nhiều bản rách nát hoặc thu gọn, có bản rút gọn chỉ còn 12 hồi như bản duy nhất còn được lưu trữ ở trường Đại học Hamfret (Hoa Kỳ). Lại có bản tới 28 hồi[2].

Tựu trung đến nay có hai loại văn bản về Kim Vân Kiều truyện:

  • Loại in từ trước nửa đầu thế kỷ XX về cơ bản là giống nhau như Quán Hoa Đường, Quán Hoa Hiên tàng bản, Đại Liên đồ thư quán...
  • Loại in từ giữa thế kỷ XX trở lại đây đều gồm 20 hồi nhưng dài hơn, nhiều chi tiết hơn như các bản do Lý Trí Trung hay Đinh Hạ hiệu điểm.

Bản dịch tiếng Việt sửa

  • Bản in đầu tiên, sớm nhất và được tái bản nhiều nhất chính là bản dịch của cụ Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung được hoàn thành năm 1925, lần in đầu là do cụ Phan Bá Cẩn thực hiện (1925).
  • Năm 1927, Tân Dân Thư Quán của cụ Vũ Đình Long, đã hợp tác với dịch giả, san nhuận (hiệu đính), đồng thời hoàn chỉnh toàn bộ bản dịch (lần đầu in, còn lược bớt 3 hồi 6, 10, 20), lời dịch sơ sài không bám sát nguyên bản. Bản dịch này đã được in và tái bản 3 lần (1927, 1928, 1929) đều do nhà Tân Dân Thư Quán thực hiện.
  • Năm 1971, ở Sài Gòn xuất hiện bản dịch thứ hai, do cụ Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch và xuất bản.
  • Bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Nguyễn Khắc Hanh năm 1962 được Viện Văn học in roneo nay đã được Nhà xuất bản Hải Phòng cho phát hành rộng rãi lân đầu năm 1994 và Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội tái bản năm 1999 với Lời giới thiệu của Nguyễn Đăng Na và có thêm một số chú giải và phụ lục do nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn đề tựa.
  • Bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm trong Truyện Kiều đối chiếu, Nhà xuất bản Hà Nội, 1991 và Nhà xuất bản Hải Phòng tái bản năm 1999.
  • Tình sử Vương Thuý Kiều (Phong Tình Cổ Lục) do Mộng Bình Sơn khảo dịch, Nhà xuất bản Văn học, năm 2000.

Kim Vân Kiều truyện cũng đã được dịch ra tiếng Mãn Châu, tiếng Nhật.

Kết cấu sửa

Kim Vân Kiều là một bộ tiểu thuyết chương hồi có lối kết cấu truyền thống theo kiểu văn xuôi cổ điển Trung Quốc. Sách gồm 20 hồi, trước mỗi hồi đều có phần giới thiệu tóm lược nội dung, lời bình phẩm mà người đời sau thường xem là lời của Kim Thánh Thán. Cuối mỗi hồi đều có câu: muốn biết sự việc thế nào, xin xem hồi sau phân giải…

Mục lục 20 hồi như sau:

  • Hồi 1: Vô tình hữu tình lộ điếu Đạm Tiên; Hữu duyên vô duyên không ngộ Kim Trọng
  • Hồi 2: Vương Thuý Kiều toạ si tưởng, mộng đề đoạn trường thi; Kim Thiên Lý miến đông tường, dao định đồng tâm ngữ
  • Hồi 3: Lưỡng ý kiên, Lam kiều hữu lộ; Thông tiêu lạc, bạch bích vô hà
  • Hồi 4: Hiếu niệm thâm nhi thân khả xả, bất nhận tôn nhân; Nhân duyên đoạn nhi tình nan vong, do tư muội tục
  • Hồi 5: Cam tâm thụ bách mang lý, mãnh khí sinh tử; Xả bất đắc nhất gia nhân, khốc đoạn can trường
  • Hồi 6: Thiếu nữ xả thân hành hiếu, do phí chu toàn; Kim phu tiêu khuất đắc kim, toàn bất phí lực
  • Hồi 7: Hàm tu cáo phụ mẫu, dụng tình chi chung; Nhẫn xỉ phú cuồng thư, thất thân chi thủy
  • Hồi 8: Vương hiếu nữ cam tâm bạch nhận; Mã Tú má kế trạm hồng nhan
  • Hồi 9: Tích đa tài nhận tác tặc tử; Khanh bạc mệnh tá hiệp đồ tài
  • Hồi 10: Phá lạc hộ phản diện vô tình; Lão xướng nương yên hoa giáo huấn
  • Hồi 11: Khốc hoàng thiên Bình khang ký hận; Tuý phong lưu Kim ốc mưu Kiều
  • Hồi 12: Vệ Hoa Dương trí phục Mã xương; Thúc Sinh viên hỷ liên Vương mỹ
  • Hồi 13: Biệt tâm khổ hà nhẫn phân ly; Thố ý tâm toàn bát thuyết phá
  • Hồi 14: Hoạn Ưng Khuyển di hoa tiếp mộc; Vương mỹ nhân bách chiết thiên ma
  • Hồi 15: Hoạt địa ngục nhẫn khí thôn thanh; Giã từ bi tả kinh liễu nguyện
  • Hồi 16: Quan Âm các mạo hiểm tương thân; Am Vân Thù thoả tình đề vịnh
  • Hồi 17: Vu Lan hội đột ngộ ma đầu tao trụy lạc; Yên Hoa trại trùng thi phong nguyệt ngộ anh hùng
  • Hồi 18: Vương Mỹ nhân kiếm tru vô nghĩa hán; Từ Minh Sơn kim tặng hữu ân nhân
  • Hồi 19: Giả chiêu an, Minh Sơn vẫn mạng; Chân đoạn trường, Thuý Kiều tiêu kiếp
  • Hồi 20: Kim Thiên Lý khổ ai ai chiêu sinh hồn; Vương Thuý Kiều hỷ tư tư hoàn túc nguyện

Kết cấu của tác phẩm Kim Vân Kiều được miêu tả theo tuyến tính thời gian, trình tự diễn biến của sự kiện và quá trình hành động của nhân vật chính. Tác phẩm kèm nhiều lời bình giảng, giáo huấn đạo lý; bên cạnh đó là việc sử dụng rất nhiều điển tích, điển cố, nhân vật gặp cảnh ngộ vui buồn, éo le đều thường làm thơ, tứ, kệ, hoạ đàn… nhân đó mà bày tỏ tâm trạng, tình cảm của mình khiến cho văn chương trong Kim Vân Kiều càng đậm nét cổ.

Bàn về Kim Vân Kiều sửa

Trên thực tế, ở Trung Hoa, truyện về Thúy Kiều của Nguyễn Du đã được nhiều người biên soạn thành truyện ngắn, tiểu thuyết nhưng chỉ có Kim Vân Kiều của Thanh Tâm tài nhân là có quy mô phong phú hơn cả.

Theo một nhà phê bình nổi tiếng là Kim Thánh Thán bình luận trong một cuốn sách như sau:

Chủ đề của Kim Vân Kiềutình 情 và khổ 苦:

Nhận xét của Đổng Văn Thành về Kim Vân Kiều [4]:

Chú thích sửa

  1. ^ Phan Ngọc, Lời giới thiệu Truyện Kiều đối chiếu, Hà Nội, tháng 1 - 1991.
  2. ^ Nhan Bảo, Ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc đối với văn học Việt Nam, 1989.
  3. ^ Lời bình của Kim Thánh Thán về hồi 1, Truyện Kiều đối chiếu, Nhà xuất bản Hà Nội, 1991.
  4. ^ “Nghĩ về tích, tâm, tài qua truyện kiều của Việt Nam”. Văn Hiến Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 7 năm 2019. Truy cập 19 tháng 8 năm 2020.

Tham khảo sửa

  • Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện, bản dịch của Nguyễn Đức Vân - Nguyễn Khắc Hanh, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.
  • Phạm Đan Quế, Truyện Kiều đối chiếu, Nhà xuất bản Hà Nội, 1991; Nhà xuất bản Thanh niên tái bản và bổ sung, 2003.

Liên kết ngoài sửa