Lăng Thoại Thánh, còn gọi là lăng Thụy Thánh, nằm trên đồi thông cạnh chân dãy núi Thiên Thọ, trong quần thể lăng Gia Long (Định Môn, Hương Trà) là lăng mộ của Hiếu Khang hoàng hậu (孝康皇后) Nguyễn Thị Hoàn (1736-1811), mẹ của vua Gia Long[1].

Lịch sử sửa

Theo các tài liệu lịch sử, bà Nguyễn Thị Hoàn là người ôn nhu và yêu thương mọi người, vua Gia Long cũng vô cùng kính hiếu với bà. Năm 1807, sau khi lên ngôi Hoàng đế, vua Gia Long tôn bà làm Hoàng thái hậu. Năm 1803 vua xây cung Trường Thọ, đích thân làm lễ chúc mừng cho mẹ. Năm 1811, khi bà mất, vua Gia Long tôn thuỵ là: "Ý Tĩnh Huệ Cung An Trinh Từ Hiến Hiếu Khang Hoàng Hậu". Bài vị của bà hiện được hiệp thờ cùng đức Hưng Tổ tại Hưng Miếu - Đại Nội.[2]

Đặc điểm kiến trúc sửa

Lăng Thoại Thánh là một công trình kiến trúc lăng tẩm tương đối có quy cách, có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc và trang trí…gồm có cả lăng (nơi chôn) và tẩm (nơi thờ) nằm gần nhau. Đây là lăng của mẹ vị vua đầu triều Nguyễn (vua Gia Long) và cũng là lăng của một bà Hoàng Thái Hậu được xây dựng sớm nhất dưới triều Nguyễn. Lăng quay về hướng chính Nam (tọa tý hướng ngọ), dùng núi Rệ làm tiền án. Kiến trúc bao gồm khu vực tẩm điện (nơi thờ) ở bên trái của lăng mộ, hai bên có tả hữu phối điện, phía trước có nghi môn, xung quanh xây tường gạch, trên núi trồng thông.[3]

Lăng Thoại Thánh hình vuông, có tường thành cao hơn 3m bao quanh thành nhiều lớp, trước cửa lăng có 4 sân tầng lát gạch, các sân chầu được xây dựng theo kiểu sân sau cao hơn sân trước và trên phần cao nhất là bửu thành với cổng chính vào khu vực tẩm mộ. Khu vực sân tầng có bọc tường thấp và bước từ sân này lên sân kia là những bậc cấp hai bên có cặp rồng chầu đối xứng. Phía trước các sân chầu là một chiếc hồ vuông từng được trồng rất nhiều hoa súng như, phía nam của lăng được xây dựng hai trụ biểu uy nghi, trầm mặc. Bước qua cánh cổng của lăng là bình phong lớn bằng nề và khu vực tẩm mộ được xây hoàn toàn bằng đá.

Mặc dù thời gian và chiến tranh in dấu rõ lên kiến trúc của lăng Thoại Thánh, nhưng vẫn có thể nhận thấy một số dấu tích tạo hình tiêu biểu, độc đáo của mỹ thuật thời Nguyễn còn sót lại. Những cặp rồng chầu đối xứng tại các bậc cấp nối giữa 4 sân chầu vẫn còn đủ với chất liệu nề đắp nổi trang trí tinh xảo, nét tạo hình vững chắc, khỏe khoắn được thể hiện trên những vẩy rồng kép, vây và đuôi trong sự đan xen của mây cuộn. Tạo hình những đôi rồng chầu ở lăng Thoại Thánh có điều khác biệt hiếm thấy, đó là tả rất kỹ về các họa tiết trang trí, từ cái đầu rồng hoa văn hóa, các hoa văn sóng xoáy tròn theo kiểu thức thủy ba, những hình lá lật tinh tế bởi chất liệu nề vữa đặc tả tinh xảo. Hình ảnh long vân trong không gian mây nước cuộn sóng mạnh mẽ thật khác thường so với các họa tiết long ẩn vân trang trí tại các công trình kiến trúc cung đình khác. Cổng chính đi vào khu vực tẩm mộ được xây dựng đơn giản những vẫn có những họa tiết trang trí bằng chất liệu khảm sành sứ theo các chủ đề trang trí phổ biến thời Nguyễn như: tứ linh, bát bửu, tứ thời, bát quả...

Phần tẩm mộ và hương án bằng chất liệu đá với hình khối đơn giản đặc trưng rất gần với kiểu mộ "trúc cách cổ lâu" ở lăng Gia Long, nóc mộ chỉ là mái đá bình thường không có trang trí chạm trổ hình rồng phượng như thường thấy tại lăng các bà hoàng thời Nguyễn sau này. Hương án đặt trước mộ được làm bằng đá nguyên khối, phần đế và chân được trang trí với hoa văn kỷ hà đơn giản, ở bốn chân của hương án ta cũng chưa thấy hình tượng hổ phù như các hương án triều Nguyễn niên đại sau này.[2]

Chú thích sửa

  1. ^ “Cảnh hiu quạnh ở lăng mộ thân mẫu vua Gia Long”. Kiến Thức. 4 tháng 12 năm 2014.
  2. ^ a b “Dấu tích tạo hình độc đáo tại lăng Thoại Thánh”. Báo Thừa Thiên Huế. 9 tháng 11 năm 2017.
  3. ^ “Các lăng vua triều Nguyễn: lăng Gia Long”. Khám Phá Di sản.