Người đẹp tóc mây
Người đẹp tóc mây[a] (tiếng Anh: Tangled) là một bộ phim điện ảnh hoạt hình máy tính 3D thuộc thể loại nhạc kịch và phiêu lưu của Mỹ năm 2010[1] do xưởng phim Walt Disney Animation Studios sản xuất và hãng Walt Disney Pictures chịu trách nhiệm phát hành. Chủ yếu dựa trên truyện cổ tích của Đức "Rapunzel" nằm trong bộ sưu tập truyện cổ tích do anh em nhà Grimm xuất bản, đây là tác phẩm điện ảnh hoạt hình thứ 50 của Disney. Với sự tham gia lồng tiếng của Mandy Moore, Zachary Levi và Donna Murphy,[7] cốt truyện phim kể về một nàng công chúa bị mất tích với mái tóc dài có phép thuật, người luôn ao ước được ra khỏi tòa tháp hẻo lánh của mình. Không tuân theo mong muốn của mẹ mình, nàng tham gia giúp đỡ cho một tên trộm để đưa nàng tới thế giới mà cô chưa bao giờ được thấy.
Người đẹp tóc mây
| |
---|---|
Áp phích chiếu rạp của phim tại Việt Nam | |
Đạo diễn | |
Kịch bản | Dan Fogelman |
Dựa trên | Rapunzel của Anh em nhà Grimm |
Sản xuất | Roy Conli |
Diễn viên | |
Dựng phim | Tim Mertens |
Âm nhạc | Alan Menken |
Hãng sản xuất | |
Phát hành | Walt Disney Studios Motion Pictures[1] |
Công chiếu |
|
Thời lượng | 100 phút[4] |
Quốc gia | Hoa Kỳ |
Ngôn ngữ | Tiếng Anh |
Kinh phí | 260 triệu USD[5][6] |
Doanh thu | 591,8 triệu USD[6] |
Trước khi công chiếu, tựa phim từng được đổi từ Rapunzel sang Tangled nhằm phục vụ chiến dịch quảng cáo hướng tới đối tượng khán giả từ cả hai giới tính.[5] Người đẹp tóc mây tốn 6 năm sản xuất với kinh phí ước tính khoảng 260 triệu USD; nếu tính cả lạm phát, đây là bộ phim hoạt hình có kinh phí cao nhất từ trước đến nay và một trong những phim điện ảnh có kinh phí cao nhất mọi thời đại. Tác phẩm được thừa hưởng một phong cách nghệ thuật mới lạ nhờ sự hoà quyện của cả công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI) và công nghệ hoạt hình truyền thống, và sử dụng cả công nghệ tạo hình ảnh phi thực tế để gây ấn tượng cho các bức hình. Nhà soạn nhạc Alan Menken, người đã làm việc với nhiều tác phẩm phim hoạt hình trước đó của Disney, quay trở lại để đảm nhiệm phần âm nhạc cho Người đẹp tóc mây.
Người đẹp tóc mây lần đầu ra mắt ở rạp El Capitan vào ngày 14 tháng 11 năm 2010, và phát hành rộng rãi vào ngày 24 tháng 11. Tác phẩm khởi chiếu tại Việt Nam vào ngày 28 tháng 1 năm 2011. Bộ phim đem về 590 triệu USD doanh thu toàn cầu, 200 triệu USD tại thị trường Mĩ và Canada; nó đón nhận những phản hồi tích cực từ các nhà phê bình và sự tán dương nồng nhiệt từ khán giả. Người đẹp tóc mây đã giành một số giải thưởng, trong đó có ca khúc trong phim hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 83 (cho bài hát I See the Light). Bộ phim được phát hành trên đĩa Blu-ray và DVD vào ngày 29 tháng 3 năm 2011; một đoạn phim hoạt hình kế tiếp, Tangled Ever After ra mắt vào năm 2012.
Cốt truyện
sửaTừ xa xưa, một tia nắng từ trên trời rơi xuống Trái Đất, và từ tia nắng nhỏ nhoi ấy, mọc lên một bông hoa vàng ẩn chứa phép thuật diệu kỳ. Một mụ phù thủy già tên là Mẹ Gothel tìm thấy bông hoa và sử dụng quyền năng chữa lành mọi thứ của nó để làm cho mụ trẻ lại suốt hàng trăm năm trời. Nhiều thế kỷ trôi qua, tại một vương quốc gần đó, có một bà hoàng hậu đang mang thai. Bà bị ốm rất nặng, và nhà vua ra lệnh đi tìm loài cây kỳ diệu trong truyền thuyết ấy. Mặc dù Gothel đã tìm cách che giấu nó cho riêng mình, nhưng quân lính vẫn tìm thấy bông hoa, mang cây về, và hòa với nước cho hoàng hậu uống. Và kết quả là bông hoa kỳ diệu chữa khỏi bệnh cho hoàng hậu. Một nàng công chúa ra đời với mái tóc vàng tuyệt đẹp có khả năng chữa lành mọi vết thương. Vì muốn lấy lại sự trẻ trung và bất tử của mình, Gothel đột nhập vào phòng của công chúa trong lâu đài để cắt một lọn tóc của nàng, nhưng mụ phát hiện ra rằng làm như vậy sẽ khiến ngọn tóc mất đi phép thuật vốn có. Và thế là mụ bắt cóc công chúa và đặt tên cô bé là "Rapunzel", nuôi nàng như con đẻ ở một tòa tháp hẻo lánh. Gothel luôn nói với Rapunzel rằng cuộc sống ngoài kia lúc nào cũng đầy rẫy những nguy hiểm, và để được an toàn, nàng luôn phải ở đây. Nhưng tòa tháp cao và những lời nói ấy của mụ không thể che giấu tất cả. Hàng năm, vào tối sinh nhật của công chúa, nhà vua và hoàng hậu tưởng nhớ tới nàng bằng cách thả hàng nghìn chiếc đèn lồng lên trời với hi vọng rằng một ngày nào đó, nàng công chúa bị mất tích của họ sẽ trở về. Từ cửa sổ của tòa tháp bí mật, Rapunzel năm nào cũng say sưa ngắm nhìn những "đốm sáng bay" ấy, và cô bé luôn muốn biết thứ ánh sáng ấy là gì.
Vào ngày sinh nhật thứ mười tám của mình, Rapunzel xin Gothel cho phép mình ra ngoài tòa tháp để có thể chiêm ngưỡng thứ ánh sáng bay hàng năm ấy thực chất là gì, nhưng Gothel, như thường lệ, vẫn từ chối với lý do thế giới ngoài kia quá nguy hiểm với nàng. Cùng lúc ấy, Flynn Rider và anh em nhà Stabbington đánh cắp chiếc vương miện của nàng công chúa bị mất tích. Trong cuộc truy đuổi sau đó, Maximus, chú ngựa của người chỉ huy đội quân của lâu đài, bị lạc khỏi chủ nhưng vẫn tiếp tục tự mình đuổi theo tên tội phạm. Kế đó Flynn phản bội hai kẻ đồng phạm, lừa được những kẻ đang truy đuổi mình, đoạt vương miện, và vô tình tìm đến tòa tháp của Rapunzel. Anh trèo lên tòa tháp, nhưng bị Rapunzel đánh bất tỉnh với một chiếc chảo rán và giấu vào trong tủ quần áo. Khi Gothel trở về, Rapunzel tìm cách cho mụ xem mình đã bắt Flynn để chứng tỏ rằng giờ nàng đủ khôn lớn để đi ra thế giới ngoài kia, nhưng Gothel liền ngắt lời nàng và nói rằng nàng sẽ không bao giờ được rời khỏi tòa tháp này, mãi mãi; vì thế mụ vẫn không biết đến sự có mặt của Flynn. Và thay vì cho mụ xem anh thì Rapunzel hỏi xin Gothel đi tìm một loại sơn vẽ đặc biệt, mà nguyên liệu để làm nó phải đi tìm hết ba ngày đường xa. Gothel ra đi, và Rapunzel nhanh chóng đưa Flynn ra khỏi chiếc tủ quần áo. Nàng trói anh bằng mái tóc của mình và ra thỏa thuận rằng nàng sẽ chỉ đưa lại chiếc vương miện cho anh sau khi anh đưa nàng đi xem những đốm sáng kia. Sau một hồi tranh luận, Flynn đồng ý. Trên đường đi, anh đưa nàng tới quán Những chú vịt con ấm cúng, nơi đầy những tên côn đồ và kẻ đầu gấu, với hi vọng rằng sẽ làm cho nàng sợ và từ bỏ ý định của mình. Tuy nhiên, Rapunzel đã cảm hóa được họ và họ cổ vũ hai người hãy đi theo những ước mơ của mình. Thế là anh chàng Tay Móc chỉ cho hai người một lối đi bí mật trốn ra khỏi quán khi quân lính hoàng gia tới nơi.
Khi đang đi, Mẹ Gothel vô tình nhìn thấy Maximus. Vì lo sợ có ai đó tìm thấy Rapunzel, Gothel trở về tòa tháp sớm. Không chỉ phát hiện ra Rapunzel trốn đi, Gothel còn sợ hãi khi tìm thấy chiếc vương miện. Sau đó mụ hợp tác với anh em nhà Stabbington để mụ có thể mang Rapunzel trở về, còn hai anh em nhà kia thì trả thù được Flynn. Trong khi đó, quân lính tìm đến quán rượu và đuổi theo Flynn và Rapunzel tới một cái đập, rồi nó bị Maximus vô tình làm vỡ. Flynn và Rapunzel bị mắc kẹt trong một cái hang đang bị ngập nước. Flynn bị đứt tay trong khi đang cố tìm lối thoát nhưng chẳng có ích gì. Nghĩ rằng mình không còn đường ra nữa, Flynn tâm sự với Rapunzel một sự thật về mình, đó là tên thật của anh là: Eugene Fitzherbert. Rapunzel cũng làm vậy, nàng nói rằng mái tóc của nàng có thể phát sáng khi nàng hát, và phát hiện ra rằng họ có thể dùng ánh sáng từ mái tóc của nàng để tìm lối ra. Rapunzel tiếp đó dùng mái tóc của mình để chữa lành vết thương trên bàn tay Flynn. Flynn nói với Rapunzel rằng anh thật ra là một đứa trẻ mồ côi, luôn mơ ước được như một anh hùng trong cuốn truyện cổ tích mà anh lấy làm tên mình, nhưng Rapunzel nói rằng nàng thích cái tên Eugene hơn Flynn nhiều. Khi Flynn đi kiếm củi đốt, Gothel đã gặp Rapunzel, khăng khăng khẳng định với nàng rằng Flynn không quan tâm gì tới nàng và đưa chiếc vương miện cho Rapunzel, nói với nàng hãy đưa nó cho Flynn mà thử lòng anh. Nhưng Rapunzel không tin, thế là mụ bỏ đi, cùng với hai tên trộm chuẩn bị cho một kế hoạch mới.
Sáng hôm sau, Maximus chạm trán với Flynn và lôi anh đi, nhưng rồi Rapunzel kết bạn với chú ngựa và thuyết phục nó hãy giúp họ. Đến vương quốc, Flynn đưa Rapunzel đi quanh kinh thành và đêm đó, thuê một chiếc thuyền nhỏ, đưa nàng ra giữa hồ xem thả đèn lồng. Ở đó, Rapunzel trả lại chiếc vương miện cho Flynn. Trong khung cảnh lãng mạn với xung quanh là hàng nghìn chiếc đèn lồng rực rỡ, anh nhận ra mình đã đem lòng yêu nàng, và ngay khi anh chuẩn bị hôn thì Flynn chợt nhìn thấy hai tên đồng bọn cũ và để Rapunzel lại để đi đưa chiếc vương miện cho chúng, cho thấy rằng bây giờ anh quan tâm Rapunzel hơn tất cả. Tuy nhiên hai anh em nhà Stabbington nói rằng chúng muốn có Rapunzel, và đánh anh bất tỉnh, rồi buộc anh vào một chiếc thuyền, đặt chiếc vương miện lên tay anh và đẩy anh qua cái hồ tới vương quốc. Chúng nói với Rapunzel rằng Flynn đã phản bội nàng và tìm cách bắt cóc nàng để có được quyền năng của mái tóc kỳ diệu. Nhưng Gothel dựng lên một cuộc giải cứu bằng cách đánh hai anh em nhà kia bất tỉnh và đưa Rapunzel trở lại tòa tháp. Một lúc sau đó, khi nhìn vào chiếc khăn quà tặng với biểu tượng của vương quốc mà trước đó Flynn từng mua cho nàng một hồi lâu, Rapunzel thấy tất cả những bức tranh nàng vẽ trên trần và tường phòng ngủ của mình đều hiện ra biểu tượng hình mặt trời đó, qua đó nhận ra mình chính là nàng công chúa bị mất tích và tìm cách chạy trốn khỏi tòa tháp, nhưng rồi bị Mẹ Gothel bắt lại.
Trong lúc đó, chiếc thuyền của Flynn trôi tới chỗ lính canh, và họ phát hiện ra chiếc vương miện. Flynn bị bắt và kết án tử hình. Khi đang bị giải tới chỗ treo cổ, Flynn bực tức đánh hai người lính canh và lao tới chỗ hai anh em nhà Stabbington, đánh chúng và hỏi chúng làm sao mà biết được phép thuật chữa lành mọi thứ của mái tóc Rapunzel, và chúng trả lời đó là do một mụ già. Sau đó anh được Maximus và những anh chàng đầu gấu ở quán rượu mà Maximus gọi đến cứu thoát. Flynn cùng Maximus lao tới chỗ tòa tháp và thấy Rapunzel đang bị xích vào tường và dùng băng dính dán vào miệng. Gothel liền đâm anh một nhát dao chí tử và chuẩn bị đưa Rapunzel tới một chỗ ẩn nấp mới. Nhưng Rapunzel cầu xin Gothel rằng nàng sẽ thôi chống lại mụ nếu mụ để nàng cứu chữa cho Flynn. Flynn cố bảo Rapunzel đừng làm như vậy, nhưng nàng nói với anh rằng mọi thứ rồi sẽ ổn thôi. Gothel đồng ý với đề nghị đó, nhưng trước khi Rapunzel chữa cho anh, Flynn đã cắt mái tóc của nàng để giải thoát cho nàng khỏi lời hứa phải sống ẩn nấp với Gothel mãi mãi. Mái tóc của Rapunzel ngay lập tức chuyển sang màu nâu và mất hết quyền năng. Kết quả là Gothel già đi nhanh chóng và bị con tắc kè Pascal, bạn của Rapunzel, kéo mái tóc bị cắt của nàng ra ngáng đường, mụ vấp và ngã ra khỏi tòa tháp đến chết, thân xác mụ tan thành cát bụi trước khi kịp tiếp đất. Trong hơi thở cuối cùng, Flynn nói với Rapunzel rằng nàng chính là ước mơ mới của anh, bày tỏ tình yêu của mình với nàng, và Rapunzel cũng nói với anh như thế. Flynn chết, để lại nàng Rapunzel với trái tim tan nát, hát nốt những câu cuối cùng của bài hát thần chú chữa lành mọi thứ và khóc lóc thảm thiết. Nhưng một giọt nước mắt của nàng rơi trên khuôn mặt Flynn, và nó vẫn còn phép thuật chữa lành vết thương, cứu sống anh. Trở về vương quốc của nàng - vương quốc Corona, Rapunzel đoàn tụ với nhà vua và hoàng hậu. Flynn sau đó kết thúc bộ phim bằng lời kể với khán giả rằng tất cả những anh chàng đầu gấu ở quán rượu đã có được những gì mình mơ ước, còn bản thân anh quay trở lại với cái tên cũ, và cuối cùng Rapunzel và anh kết hôn rồi sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi về sau.
Lồng tiếng
sửa- Mandy Moore trong vai Rapunzel[8][9]
- Delaney Rose Stein trong vai Rapunzel hồi nhỏ[10]
- Zachary Levi trong vai Flynn Rider[8][9]
- Donna Murphy trong vai Mother Gothel[11]
- Brad Garrett trong vai Tay Móc (Hook-Hand Thug)[10]
- Ron Perlman trong vai anh em Stabbington
- John DiMaggio trong vai anh em Stabbington[10]
- Jeffrey Tambor trong vai Mũi To (Big Nose Thug)
- Richard Kiel trong vai Vladamir[10]
- M. C. Gainey trong vai Captain of the Guard
- Paul F. Tompkins trong vai Short Thug[10]
Những nhân vật là động vật không biết nói bao gồm Pascal, con tắc kè hoa của Rapunzel, và Maximus, con ngựa đứng gác ở cửa lâu đài được lồng tiếng bởi Frank Welker. Những nhân vật không có lời thoại khác là bố mẹ của Rapunzel (vua và hoàng hậu), và Ulf the Mime Thug.
Sản xuất
sửaNguồn gốc và thai nghén
sửaÝ tưởng thai nghén về một bộ phim hoạt hình dựa trên truyện cổ tích "Rapunzel" của anh em nhà Grimm bắt nguồn từ nhà giám sát họa sĩ diễn hoạt Glen Keane của Disney vào năm 1996.[12] Năm 2001, Keane gửi ý tưởng CEO của Disney là Michael Eisner và được ông chấp thuận, tuy nhiên Eisner đề nghị phải làm bộ phim bằng công nghệ hoạt hình máy tính. Tuy nhiên Keane lại tỏ ra lưỡng lự vì ông thấy rằng hoạt hình máy tính không có hồn và có hệ thống giống như hoạt hình truyền thống.[13] Vào tháng 10 năm 2003, tựa phim được đổi thành Rapunzel Unbraided[14][15] vì tác phẩm hoạt hình máy tính dự kiến phát hành vào năm 2007,[14][16] khiến cho Keane miêu tả giống như "một phiên bản tương tự Shrek của bộ phim",[12] qua đó xoay quanh một khái niệm hoàn toàn khác biệt. Keane cho biết về đầu truyện gốc, "Nó là một phiên bản vui nhộn, dí dỏm, tuyệt vời và chúng tôi có một cặp biên kịch xuất sắc. Nhưng trong thâm tâm tôi tin rằng có thứ còn chân thật hơn để thoát ly khỏi cốt truyện, vì thế chúng ta gạt nó sang một bên và quay trở về với gốc rễ của nguyên tác cổ tích."[17] Tháng 11 năm 2005, Unbraided bị dời lịch ra rạp xuống mùa hè năm 2009 nhằm giúp Keane "có thêm thời gian hoàn thành cốt truyện."[18] Theo Ed Catmull, từng có thời điểm Eisner đề xuất dùng San Francisco thời hiện đại làm bối cảnh lúc khởi đầu tác phẩm, rồi tìm cách nào đó đưa nhân vật nữ anh hùng vào trong thế giới cổ tích, nhưng Keane không tán thành ý tưởng đó. Phim bị đóng máy trước khi Catmull và John Lasseter nắm quyền điều hành xưởng phim vào tháng 1 năm 2006; một trong những quyết định đầu tiên của hai người là tái khởi động dự án và yêu cầu Keane tiếp tục thực hiện tác phẩm.[19] Rồi sau đó rộ lên nguồn tin vào tháng 4 năm 2007 rằng họa sĩ diễn hoạt kiêm sáng tác kịch bản hoạt hình từng được đề cử Annie Dean Wellins sẽ đảm nhận vai trò đồng đạo diễn bộ phim cùng Keane.[20] Ngày 9 tháng 10 năm 2008, Keane và Wellins được cho là đã từ bỏ ghế chỉ đạo bởi những ràng buộc khác, và vị trí đó sẽ giao cho Byron Howard và Nathan Greno đảm nhiệm; bộ đôi này từng là những người chỉ đạo các kịch bản phân cảnh trong phim Tia chớp năm 2008 của Disney. Keane ở lại làm giám đốc sản xuất và giám sát hoạt họa, trong khi Wellins rời đi để phát triển các dự án phim điện ảnh và phim ngắn khác.[21] Sau khi phim ra rạp, Keane tiết lộ rằng ông đã "rút lui" khỏi ghế đạo diễn vì bị đau tim vào năm 2008.[22]
Tuyển vai
sửaNgày 10 tháng 9 năm 2009, nữ diễn viên và ca sĩ kiêm sáng tác nhạc Mandy Moore – người từng hợp tác với Disney trong dự án phim Brother Bear 2 – được cho là đã nhận vai lồng tiếng Rapunzel, còn nam diễn viên Zachary Levi thì lồng tiếng vai Flynn Rider.[8][9][23] Mandy Moore tiếp cận với dự án thông qua buổi thử giọng khi cô nghe rằng một bộ phim về Rapunzel đang được sản xuất.[24][25] Sau đó Moore bộc bạch rằng cô từng mơ ước được hóa thân vào một nàng công chúa Disney từ khi còn bé và cho biết với vai Rapunzel, nữ diễn viên đã thỏa nguyện "giấc mơ từ thuở ấu thơ". Cô còn tự miêu tả mình là một "cô bé hâm mộ" các bộ phim hoạt hình của Disney, như Nàng tiên cá, Người đẹp và quái vật, Aladdin và Vua sư tử;[26] cô nói rằng bản thân mình cảm thấy thật vinh dự khi trở thành một phần của "di sản" này – kế thừa những biểu tượng đó của Disney.[27] Vì phim dự định sẽ phát triển thành một tác phẩm nhạc kịch, dự án yêu cầu tất cả những thí sinh thử vai phải đọc một vài phân cảnh và thể hiện một ca khúc mà họ lựa chọn, nhằm đảm bảo rằng các diễn viên lồng tiếng có thể vừa diễn vừa hát.[28][29] Đối với cảnh hát này, Moore chọn bài "Help Me" của Joni Mitchell;[24] đây là ca khúc cô từng tự hát lại trong album phòng thu thứ tư của mình Coverage (2003).[30][31] Moore tiết lộ rằng cô phải tham dự một vài buổi thu thử giọng[27][28] và miêu tả những trải nghiệm đó là "khá thú vị", nhưng không đặt nặng hi vọng giành được vai vì cô tin rằng sẽ vấp phải nhiều đối thủ cạnh tranh cho vai diễn;[25] cô chỉ thể hiện mình tốt nhất khi không bị lo âu. Khi Moore nhận cuộc gọi phản hồi từ Disney rằng cô đã nhận được vai, nữ diễn viên tự miêu tả mình như thể "bay lên cung trăng": "Lúc đó tôi đang làm việc ở New York. Tôi ở bên cạnh chồng mình cùng vài người bạn—và tôi hét lên khi nhận được tin".[24] Kinh phí sản xuất Người đẹp tóc mây tốn khoảng hơn 260 triệu USD.[5]
Phát triển kịch bản và nhân vật
sửaKhi được hỏi về nhân vật Rapunzel, Mandy Moore thấy rằng Rapunzel là một nhân vật có thể liên hệ tới bản thân; cô gọi nhân vật này là một cô gái "không bị gò bó vào khuôn khổ thời Phục hưng"[24] hơn là một mẫu công chúa Disney điển hình. Moore cho biết: "[Rapunzel] không hề biết mình là công chúa [cho đến cuối phim]. Cô chỉ là kiểu người thật sự có động lực tìm tòi những thứ khác bên ngoài tòa tháp điên rồ mà cô ấy từng sống trong 18 năm trời," và "cô ấy vô cùng độc lập, cô có thể tự chăm sóc bản thân và nhất định [sẽ] nảy ra những ý tưởng giải trí để giữ cho mình [luôn] bận rộn."[32] Moore còn nhận xét rằng bản thân nữ diễn viên chỉ có một chút ảnh hưởng lên Rapunzel, "Nhân vật này đã được phát triển trước khi tôi tham gia lồng tiếng cho nó."[24]
Theo Greno, một trong những vấn đề hóc búa nhất trong giai đoạn phát triển cốt truyện là làm thế nào để đưa Rapunzel ra khỏi tòa tháp mà không cần kết phim ngay lập tức, để rồi cô ấy kiểu như đã thoát khỏi Bà mẹ Gothel và không có mục tiêu cụ thể nào để theo đuổi. Thế rồi tại một buổi họp mặt nọ, họa sĩ diễn hoạt John Ripa đưa ra một ý tưởng và nó liền trở thành giải pháp cho vấn đề mà ê-kíp làm phim đang tìm kiếm: những chiếc đèn lồng nổi trên mặt nước bí ẩn.[33]
Thu âm
sửaNhư hầu hết phim hoạt hình khác, tất cả các diễn viên lồng tiếng trong Người đẹp tóc mây phải thu thoại riêng để tránh tràn âm giữa các bản ghi của nhau. Sau này Mandy Moore nhớ lại trong lúc thu âm, cô chưa bao giờ gặp Donna Murphy và chỉ gặp Zachary Levi một lần để cùng ghi bài "I See the Light".[34] Moore thấy rằng "đây là một bài học tốt để vận dụng trí tưởng tượng của bạn". Khi thu những phân cảnh hành động, diễn viên lồng tiếng phải đi bộ một đoạn để làm giọng nói của họ nghe thật hơn.[35] Về những ca khúc, Moore và Levi thu âm trên một sân khấu với dàn nhạc gồm 65 bộ đệm dưới sự giám sát của nhà soạn nhạc Alan Menken. Họ hát trực tiếp cùng dàn nhạc vài lần để giúp mọi người "tìm được rung cảm", cảm thụ âm nhạc và giọng hát, rồi được yêu cầu đến các bốt ghi âm riêng để thu những bản nhạc thật sự.[36][37] Nhằm hỗ trợ các họa sĩ diễn hoạt tạo hình cho nhân vật, các nhà làm phim đã phỏng vấn những diễn viên lồng tiếng và ghi lại biểu cảm khuôn mặt của họ trong suốt những buổi thu nháp.[35] Những bộ phim hoạt hình của Disney thường cho phần hoạt họa đồng bộ với khâu thu lời thoại hơn là yêu cầu tài năng thanh nhạc hợp nhất giọng của họ với phần hoạt hình, sau khi hoàn tất mọi khâu xây dựng. Do đó Moore thấy rằng quá trình ghi âm gặp nhiều thử thách vì lúc bấy giờ cô không có bản hoạt họa nào để theo dõi ngoại trừ những bản nháp.[24]
Do xung đột lịch với những dự án khác (Moore phải di chuyển giữa nhiều nơi khác nhau như Luân Đôn và New York, còn Levi chỉ có thể thu âm vào dịp cuối tuần, cụ thể là 5 giờ/6 tuần), họ không cần phải thu thoại cùng một lúc như trong bản phim cuối. Levi cho biết, "Khi tôi [đến], có lẽ phân cảnh đã được Mandy [Moore] ghi xong hoặc chưa tiến hành ghi. Tùy lúc thì chúng tôi cùng thực hiện một cảnh 5 lần."[29] Sau khi theo dõi bản phim hoàn chỉnh, Moore tỏ ra thất vọng vì cô thấy giọng của mình nghe thật là "nhức óc", trong khi Levi thấy rằng màn diễn của anh thì nghe "giống giọng mũi thật một cách kinh ngạc".[35]
Hoạt hình
sửaBộ phim được thực hiện sử dụng công nghệ mô phỏng hình ảnh trên máy tính (CGI), mặc dù Người đẹp tóc mây được thiết kế bằng tranh sơn dầu truyền thống trên khung vải. Những bức vẽ Rococo của họa sĩ người Pháp Jean-Honoré Fragonard, cụ thể là The Swing, được sử dụng tham khảo cho phong cách nghệ thuật của phim, một phong cách được Keane miêu tả là "lãng mạn và um tùm".[38] Để gây ấn tượng cho các bức vẽ, công nghệ kiến tạo hình ảnh phi thực tế từng được sử dụng.[39]
Lúc đầu Glen Keane muốn bộ phim giống như một bộ phim vẽ tay truyền thống của Disney trong định dạng 2D. Tuy nhiên hai giám đốc của Disney là David Stainton và Dick Cook tuyên bố rằng họ chỉ chấp nhận cho duyệt làm phim nếu tác phẩm được xây dựng từ đồ họa 3D.[40] Nhằm đáp ứng mong muốn trên, Keane tổ chức một hội thảo chuyên đề với tên gọi "Những thứ tốt nhất của cả cả hai thế giới", nơi ông, cùng với 50 họa sĩ mô phỏng máy tính và họa sĩ truyền thống của Disney, tập trung vào điểm mạnh và yếu của từng mẫu.[41] Sau buổi họp mặt trên, tất cả thống nhất rằng phim sẽ được làm dưới định dạng hoạt hình 3D CG, nhưng theo con đường mở rộng khía cạnh "thẩm mỹ" (aesthetic) từ kĩ thuật 2D truyền thống của Disney; thuật ngữ "thẩm mỹ" dùng để chỉ cách làm hoạt hình theo lối tự nhiên phù hợp với những quy tắc làm hoạt hình cơ bản mà hai học giả Frank Thomas và Ollie Johnston từng ghi lại trong cuốn sách The Illusion of Life: Disney Animation.[40]
Do hạn chế của công nghệ máy tính, nhiều nguyên tắc cơ bản của hoạt hình sử dụng trong hoạt hình truyền thống đã vắng mặt trong các bộ phim mô phỏng máy tính trước; nhưng những tiến bộ công nghệ khiến việc hoà trộn cả hai được dễ dàng hơn, kết hợp được những điểm mạnh của từng mẫu.[39] Keane nhắc đi nhắc lại rằng ông đang cố gắng bắt máy tính phải "quỳ gối trước họa sĩ" thay vì để máy tính điều khiển phong cách nghệ thuật và khung cảnh của bộ phim. Bằng việc khiến máy tính trở nên "mềm dẻo như cây bút chì", tầm nhìn của Keane về một "bức tranh không gian ba chiều" có vẻ như trong tầm tay, với việc họa sĩ làm chủ được công nghệ. Rất nhiều trong số những kĩ thuật và công cụ được yêu cầu để giúp bộ phim đạt được chất lượng như Keane yêu cầu chưa hề tồn tại vào thời điểm dự án bắt đầu và Walt Disney Animation Studios buộc phải tự sản xuất chúng.[38] Keane nói, "Không cần thiết kế tóc kĩ càng. Tôi muốn có một bộ tóc ngọt ngào, và chúng tôi đang nghĩ cách hiện thực hóa nó. Tôi muốn mang nó hơi ấm và trực giác của những bức vẽ tay tới công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính.[42]
Một trong những đích đến của các nhà hoạt hình đó là tạo ra những chuyển động mềm mại như chất lỏng trong những bức vẽ tay của các bộ phim hoạt hình Disney trước đây. Keane nhờ tới nhà hoạt hình 3D của Disney Kyle Strawitz để giúp ông kết hợp công nghệ mô phỏng máy tính với lối vẽ tay truyền thống.[39] "Ông ấy đã mang ngôi nhà từ phim Nàng Bạch Tuyết, xây nó và tô màu cho nó trông giống như một bức vẽ phẳng đột nhiên chuyển động, và nó có không gian và giữ được những đường cong tròn mềm mại của nét cọ và màu nước. Kyle giúp đỡ chúng tôi xây dựng hình ảnh kiểu Fragonard đó của cô gái đang đu mình... Chúng tôi sử dụng tất cả những công nghệ tối tân để mang tới những nhân vật con người chân thực và khung cảnh đầy đặn."[38]
Thay vì chú trọng vào tính thực tế, đội thiết kế 3D sử dụng cách tiếp cận mang màu sắc thẩm mỹ hơn.[39] Robert Newman, giám sát hình ảnh lập thể của bộ phim cho biết "Chúng tôi sử dụng chiều sâu một cách nghệ thuật hơn bao giờ hết, và chúng tôi không quan tâm đến việc truyền tải chiều sâu một cách trung thực giữa máy quay và máy chiếu giống như chúng tôi là những thông dịch viên giữa chúng vậy." Để làm được điều này, họ dùng một kĩ thuật mới gọi là đa thiết bị, được tạo ra bởi nhiều cặp máy quay ảo. Mỗi cặp được sử dụng riêng biệt trên một đối tượng cụ thể nhằm thêm chiều sâu cho cảnh, như khung nền, cận cảnh hay nhân vật, mà không phải điều chỉnh để liên hệ với những cặp khác. Khi ghép lại với nhau sau này trong quá trình sản xuất, kết quả là một thứ khó có thể tưởng tượng nổi trong thế giới thực, nhưng vẫn tạo được một khung cảnh hấp dẫn cho bộ phim.[43]
Với mục tiêu làm đối trọng với thiết kế dễ thương và hấp dẫn của Rapunzel,[44] các nhà làm phim muốn làm Flynn Rider trở thành "nhân vật nam đẹp trai và hấp dẫn nhất mà Disney có từ trước đến nay".[45] Do đó họ tổ chức một hội thảo lớn mang tên "Hot Man Meeting" trong đó họ mời khoảng 30 phụ nữ có trong ê-kíp làm phim và hỏi họ Flynn nên có nét hấp dẫn như thế nào.[46] Họ mang đến hàng trăm tấm hình chụp các nam diễn viên và người nổi tiếng yêu thích của họ, chúng bị xé ra rồi dán lại.[46][47] Sau nhiều tranh cãi, hình ảnh của Flynn cuối cùng cũng được thu hẹp về một bản vẽ duy nhất.[45][46]
Phát triển kĩ thuật
sửaCông nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính đang tồn tại tiếp tục bộc lộ những mặt hạn chế, cụ thể là khâu thiết kế tóc bằng hoạt hình trở thành một thử thách. Người đứng đầu thiết kế phần mềm Kelly Ward dành sáu năm viết các chương trình để làm cho nó chuyển động theo đúng cách mà họ muốn.[48] Đến tận cuối tháng 1 năm 2010, các đạo diễn vẫn chưa chắc chắn độ dài tóc của nhân vật Rapunzel sẽ hoạt động tốt. Những vấn đề này cuối cùng cũng được giải quyết vào tháng 3:[49] một phiên bản cải tiến của phần mềm mô phỏng tóc tên là Dynamic Wires, ban đầu được thiết kế để dùng cho phim Tia chớp. Để làm cho tóc nổi trên mặt nước trông đáng tin hơn, và cũng là để khắc phục những vấn đề tương tự khác, công nghệ hình học rời rạc từng được sử dụng để tạo nên hiệu ứng mong muốn, giải phóng các họa sĩ khỏi việc thực hiện những công việc cụ thể trực tiếp, vốn sẽ tốn vài ngày thay vì vài phút.[50]
Nhạc phim
sửaTangled: Original Soundtrack | ||||
---|---|---|---|---|
Album soundtrack của Nhiều nghệ sĩ | ||||
Phát hành | 16 tháng 11 năm 2010 | |||
Thu âm | 2010 | |||
Thể loại | Rock dân gian, Nhạc cổ điển, nhạc phim | |||
Hãng đĩa | Walt Disney | |||
Sản xuất | Chris Montan, Alan Menken, Scott Cutler, Anne Preven, Frank Wolf, Grace Potter, Mike Daly, Kevin Kliesch[51] | |||
Thứ tự Walt Disney Animation Studios | ||||
|
Đánh giá chuyên môn | |
---|---|
Nguồn đánh giá | |
Nguồn | Đánh giá |
Filmtracks | [52] |
Nhà soạn nhạc Alan Menken – chủ nhân của 8 tượng vàng Oscar là người sáng tác phần nhạc nền phim với phần ca từ do Glenn Slater đảm nhiệm.[53] Menken nói rằng ông cố gắng hoà quyện âm nhạc cổ xưa với thể loại rock dân gian từ những năm 1960 để làm nên những ca khúc mới.[54] Ông đã sáng tác một số bài hát, nhưng cuối cùng chúng bị lược bỏ khỏi bản phim cuối cùng; bài hát "When Will My Life Begin?" thay thế một phiên bản trước đó tên là "What More Could I Ever Need?". Menken nói rằng bài hát mở đầu phim đó từng trải qua 5-6 phiên bản khác nhau.[55] Lần khác, Menken nói rằng đầu tiên có một bài hát về tình yêu tên là "You Are My Forever" mà mẹ Gothel hát với Rapunzel với tình cảm mẹ con nồng ấm, nhưng sau đó được nhân vật Flynn Rider thể hiện lại trong phim một cách lãng mạn. Ý tưởng này rõ ràng bị thay thế bởi hai ca khúc "Mother Knows Best" và "I See the Light".[56]
Bài hát "Something that I Want" biểu diễn bởi Grace Potter từ album Grace Potter and the Nocturnals được đặt ở phần chạy chữ cuối phim. Phiên bản này có một phần lời bài hát được viết lại và hát bởi chính Potter. Phiên bản tiếng Tây Ban Nha kiểu Mĩ Latinh của bài hát này, có tựa đề "Algo quiero querer", được thu âm bởi ca sĩ nhạc pop người Colombia, Fanny Lú.[57] Album nhạc phim đã giành hạng 44 trên bảng xếp hạng Billboard 200, thứ 7 trên Billboard charts và thứ 3 trên bảng xếp hạng các album thiếu nhi.[58][59][60]
Danh sách bài hát
sửaTất cả các bài hát được viết nhạc và lời bởi Alan Menken và Glenn Slater ngoại trừ bài số 20, nhạc và lời của Grace Potter. Tất cả các bản nhạc gốc được biên soạn bởi Menken.[51]
STT | Nhan đề | Ca sĩ biểu diễn | Thời lượng |
---|---|---|---|
1. | "When Will My Life Begin?" | Mandy Moore | 2:32 |
2. | "When Will My Life Begin? (Reprise 1)" ([1]) | Mandy Moore | 1:03 |
3. | "Mother Knows Best" ([2]) | Donna Murphy | 3:10 |
4. | "When Will My Life Begin? (Reprise 2)" | Moore | 2:06 |
5. | "I've Got a Dream" | Brad Garrett, Jeffrey Tambor, Moore, Zachary Levi, Company | 3:11 |
6. | "Mother Knows Best (Reprise)" | Murphy | 1:38 |
7. | "I See the Light" | Moore, Levi | 3:44 |
8. | "Healing Incantation" | Moore | 0:54 |
9. | "Flynn Wanted" (Nhạc nền) | Alan Menken | 2:51 |
10. | "Prologue" (Nhạc nền & Bài hát) | Menken, Murphy, Delaney Stein | 2:02 |
11. | "Horse with No Rider" (Nhạc nền) | Menken | 1:57 |
12. | "Escape Route" (Nhạc nền) | Menken | 1:57 |
13. | "Campfire" (Nhạc nền) | Menken | 3:21 |
14. | "Kingdom Dance" (Nhạc nền) | Menken | 2:20 |
15. | "Waiting For the Lights" (Nhạc nền) | Menken | 2:47 |
16. | "Return to Mother" (Nhạc nền) | Menken | 2:06 |
17. | "Realization and Escape" (Nhạc nền) | Menken | 5:50 |
18. | "The Tear Heals" (Nhạc nền & Bài hát) | Menken, Moore | 7:37 |
19. | "Kingdom Celebration" (Nhạc nền) | Menken | 1:50 |
20. | "Something That I Want" | Grace Potter | 2:43 |
Bài hát tặng kèm ở L.H. Anh[61] | |||
---|---|---|---|
STT | Nhan đề | Nghệ sĩ | Thời lượng |
21. | "I See The Light" | Shannon Saunders | 3:38 |
- Chú giải
- 1^ Không xuất hiện trong bộ phim (Bài hát bị cắt khỏi phim nhưng vẫn được giữ lại trong album nhạc phim này).[62]
- 2^ Đây là một phiên bản mở rộng của bài hát.[63]
Diễn biến xếp hạng
sửaXếp hạng (2010) | Vị trí cao nhất |
---|---|
US Billboard 200[58] | 44 |
US Billboard Soundtracks[59] | 7 |
US Billboard Kids Albums[60] | 3 |
Phát hành
sửaBăng đĩa tại gia
sửaNgười đẹp tóc mây được phát hành bởi Walt Disney Studios Home Entertainment dưới dạng gói bốn đĩa combo vào ngày 29 tháng 3 năm 2011. Gói combo này bao gồm một đĩa Blu-ray 3D, đĩa Blu-ray tiêu chuẩn, DVD, và một phiên bản kĩ thuật số. Một bộ combo khác gồm hai đĩa Blu-ray/DVD và một đĩa DVD đơn cũng được phát hành. Các tính năng kèm theo cho đĩa Blu-ray bao gồm những cảnh bị cắt, hai cảnh mở đầu phim phụ, hai bài hát mở rộng, và một video cho người xem cái nhìn về cách bộ phim được xây dựng như thế nào. Phiên bản đĩa DVD chỉ bao gồm hai phần mở đầu gốc của câu chuyện và đồng hồ đếm ngược tới sản phẩm hoạt hình thứ 50 của hãng mà thôi.[64]
Doanh số bán đĩa của Người đẹp tóc mây ở Hoa Kì và Canada chạm ngưỡng 95 triệu USD dưới định dạng DVD và Blu-ray, mức doanh thu đĩa DVD cao nhất của năm tính tới thời điểm đó; doanh số bán DVD vượt qua doanh thu tuần đầu tiên của bộ phim tại các rạp.[65] Bộ phim bán được 2.970.052 bản (tương đương với 44.521.079 USD) ở tuần đầu tiên tại Bắc Mĩ, trở thành bộ phim có doanh thu DVD ban đầu cao nhất năm 2011. Tác phẩm thống trị bảng xếp hạng doanh thu đĩa DVD trong hai tuần đầu tiên và bán được 6.657.331 bản (102.154.692 USD) tính đến ngày 18 tháng 7 năm 2012.[66] Phim cũng còn tiêu thụ được 2.518.522 phiên bản đĩa Blu-ray (59.220.275 USD) tính tới ngày 29 tháng 5 năm 2011.[67] Tính đến ngày 20 tháng 1 năm 2016, bộ phim đã thu về tổng cộng 215 triệu USD tiền bán đĩa tại thị trường Hoa Kỳ – Canada (155 triệu USD từ doanh số DVD và 60 triệu USD từ doanh số Blu-ray).[66] Người đẹp tóc mây còn được phát hành dưới định dạng 4K Blu-Ray vào ngày 5 tháng 11 năm 2019.[68]
Đón nhận
sửaDoanh thu phòng vé
sửaNgười đẹp tóc mây lần đầu ra mắt tại Paris vào ngày 17 tháng 11, đặc biệt chỉ chiếu tại rạp Grand Rex hai tuần trước khi phát hành rộng rãi tại Pháp.[69] Với hơn 3.800 vé bán ra vào ngày đầu tiên, tác phẩm thiết lập kỷ lục mới cho các phim chiếu tại một rạp duy nhất.[70] Doanh thu toàn cầu dịp cuối tuần đầu tiên của phim đạt 86,1 triệu USD.[71][72] và chạm tới vị trí cao nhất của bảng xếp hạng doanh thu phim toàn cầu một lần, vào dịp cuối tuần thứ mười một (ngày 4-6 tháng 2 năm 2011), với 24.9 triệu USD.[73][74] Tác phẩm thu về 200.821.936 USD tại thị trường Bắc Mỹ và 391.639.796 USD ở các quốc gia khác, với tổng lợi nhuận toàn cầu là 592.461.732 USD.[6] Trên thế giới, đây là bộ phim hoạt hình có doanh thu cao thứ 3 trong năm 2010 (sau Câu chuyện đồ chơi 3 và Shrek Forever After). Đây cũng là bộ phim thứ ba của Disney xuất hiện trong danh sách 10 bộ phim đứng đầu của năm 2010.[75] Tính đến năm 2017, Người đẹp tóc mây là tác phẩm có doanh thu toàn cầu cao thứ 9 của xưởng phim Walt Disney Animation Studios, sau Nữ hoàng băng giá, Phi vụ động trời, Vua sư tử, Biệt đội Big Hero 6 và Hành trình của Moana.[76]
Người đẹp tóc mây mang về 11,9 triệu USD vào ngày thứ tư mở đầu,[77] phá kỷ lục của phim có doanh số vào ngày thứ tư mở đầu trước lễ Tạ ơn, kỷ lục này trước đó do một bộ phim của Disney·Pixar, Câu chuyện đồ chơi 2 giữ.[78] Vào dịp cuối tuần đầu tiên phát hành, bộ phim thu về 48.8 triệu USD (doanh thu mở đầu cao nhất của hãng Walt Disney Animation Studios, vượt qua phim Vua sư tử và sau đó bị phim Ráp-phờ đập phá vượt qua), đứng vị trí thứ hai ở thời kỳ này sau Harry Potter và Bảo bối Tử thần – Phần 1, bộ phim có doanh thu 49,1 triệu USD.[79] Người đẹp tóc mây là bộ phim đứng thứ 6 trong danh sách các phim có doanh thu dịp cuối tuần cao nhất mà không có doanh số mở đầu đứng ở vị trí thứ nhất.[80] Trong suốt dịp lễ Tạ ơn truyền thống từ thứ tư đến chủ nhật, bộ phim mang về 68,7 triệu USD, một lần nữa đứng ở vị trí thứ hai. Người đẹp tóc mây cũng là bộ phim có doanh thu cao thứ hai trong danh sách các phim mở đầu vào dịp lễ Tạ ơn trong 3 ngày và 5 ngày có doanh số cao nhất, sau Câu chuyện đồ chơi 2.[79] Trong dịp cuối tuần thứ hai sau dịp Lễ Tạ ơn, Người đẹp tóc mây giảm 56%, còn 21,6 triệu USD, mặc dù thời điểm đó phim đã vươn lên vị trí đầu bảng xếp hạng doanh thu.[81] Với tổng doanh thu cuối cùng là 200,8 triệu USD, đây là bộ phim có doanh thu cao thứ mười của năm 2010,[82] và là bộ phim thứ 10 của năm 2010 vượt qua mốc doanh số 200 triệu USD,[83] mặc dù vậy tác phẩm lại là bộ phim chậm thứ tư vượt qua mốc này.[84] Nếu chưa tính tới lạm phát, đây là bộ phim có lợi nhuận cao thứ 9 (ở khu vực Bắc Mỹ) sản xuất bởi Walt Disney Animation Studios, sau Vua sư tử (422,8 triệu USD), Nữ hoàng băng giá (400,7 triệu USD), Phi vụ động trời (341,3 triệu USD), Hành trình của Moana (248,7 triệu USD), Biệt đội Big Hero 6 (221,3 triệu USD), Người đẹp và quái vật (219 triệu USD), Aladdin (217,4 triệu USD) và Wreck-It Ralph 2: Phá đảo thế giới ảo (201,1 triệu USD).[85]
Vào dịp cuối tuần đầu tiên, Người đẹp tóc mây thu về 17,4 triệu USD tại 8 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng ở vị trí thứ 2 vào dịp cuối tuần này sau Harry Potter và Bảo bối Tử thần – Phần 1 (117,3 triệu USD).[86] Bộ phim đứng vị trí thứ nhất về doanh thu phòng vé vào dịp cuối tuần ngoài khu vực Bắc Mỹ tới 3 lần trong năm 2011.[87][88][89] Ngoài khu vực Bắc Mỹ, bộ phim là phim có doanh thu cao thứ 7 của năm 2010 và là phim hoạt hình có doanh thu cao thứ 3 trong năm 2010.[90] Tại thị trường Nga – cộng đồng nước độc lập, tác phẩm còn thiết lập kỷ lục khởi chiếu dịp cuối tuần của một phim hoạt hình phần đầu tiên (lần đầu bị Rio vượt qua) và những phim của Walt Disney Animation Studios (bị Nữ hoàng băng giá xô đổ).[91] Các thị trường bộ phim có doanh thu cao nhất ngoài Bắc Mỹ gồm Đức (44,2 triệu USD), ở đó phim dành vị trí phim hoạt hình có doanh thu cao nhất năm 2010,[92] theo sau là Pháp và khu vực Maghreb (39,4 triệu USD) và Anh, Ireland và Malta (32,9 triệu USD).[93]
Đánh giá chuyên môn
sửaNgười đẹp tóc mây nhận được phản hồi rất tích cực từ các nhà phê bình. Rotten Tomatoes tổng hợp rằng có tới 89% nhà phê bình tán dương bộ phim dựa trên 225 bài đánh giá, đạt điểm số trung bình đạt 7,5/10. Trang web này nhất trí rằng: "Không chỉ là bộ phim tuyệt vời nhất từ Disney, Người đẹp tóc mây có phần hình ảnh rất ấn tượng, thực sự là một món ăn mới lạ so với quy tắc thiết kế phim hoạt hình cổ điển của hãng."[94] Một tổ chức phê bình phim khác là Metacritic, chuyên cho điểm số trung bình theo thang từ 1-100 dựa trên đánh giá của các nhà phê bình phim chính thống, đã chấm bộ phim 71 điểm dựa trên 34 ý kiến nhận xét.[95] Các cuộc thăm dò của CinemaScore thực hiện vào dịp cuối tuần đầu tiên sau khi bộ phim phát hành cho thấy mức đánh giá trung bình của khán giả dành cho Người đẹp tóc mây là mức "A+" trên thang điểm từ A+ tới F.[96]
A. O. Scott của nhật báo The New York Times đưa ra đánh giá tích cực về bộ phim, nói rằng đó là "tác phẩm hoạt hình thứ 50 từ Disney, hình ảnh và tinh thần của phim truyền tải tới người xem một chất lượng tuy có đổi khác và được cập nhật nhưng vẫn rất chân thành và không hề có một sai sót của một phong cách rất Disney."[97] Nhà phê bình phim Richard Corliss của tạp chí Time lưu ý rằng Người đẹp tóc mây "công kích vào phong cách của DreamWorks với những tình huống hài hước và phong cách ăn nói thô lỗ vốn đã lỗi thời", nhưng vẫn dành lời khen cho bộ phim vì đạt tới "sự hoà quyện hoàn hảo giữa lãng mạn, hài hước, phiêu lưu và tình cảm vốn được định hình ở tất cả các tác phẩm của Disney trước đây."[98] Corliss còn liệt Người đẹp tóc mây vào danh sách tốp 15 phim hoạt hình hay nhất mọi thời đại.[99] Kenneth Turan đến từ báo The Los Angeles Times đánh giá bộ phim ở mực 4/5 sao; ông miêu tả tác phẩm là một "hình ảnh hoạt hình bằng máy tính lộng lẫy đã thể hiện những khung cảnh và nhân vật một cách đầy đặn, có hồn hơn các bộ phim trước đó."[100] Gael Cooper của NBC News thì nhận định rằng Người đẹp tóc mây có lẽ là tác phẩm hoạt hình hay nhất mọi thời đại của Disney.[101]
James Berardinelli bình luận trên website phê bình phim ReelViews của ông rằng bộ phim "mang tính giải trí cao và rất thú vị, nhưng không phải một bom tấn". Berardinelli cũng cho rằng nhân vật nàng công chúa Rapunzel "không để lại nhiều ấn tượng như nàng Bạch Tuyết, Ariel (Nàng tiên cá) hay Belle", đồng thời cũng nói rằng "các bài hát không dễ đi vào người nghe hay đáng nhớ lắm."[102] Todd McCarthy, nhà phê bình phim của The Hollywood Reporter bắt đầu lời nhận xét của mình với câu, "Sẽ thật tuyệt nếu bộ phim hoạt hình thứ 50 của Disney là một trong số những bộ phim hay nhất của loạt phim này, một bộ phim thể hiện đúng chất cổ điển của hãng, nhưng thế giới sẽ phải làm quen với Người đẹp tóc mây, một sự kết hợp tạm chấp nhận được giữa kĩ thuật hoạt hình cũ và mới, cách cảm nhận từ nhiều hướng và rào cản của những tính toán thương mại."[103] Sandie Angulo Chen của Common Sense Media cho bộ phim 5/5 sao, nói rằng, "Cuộc phiêu lưu của công chúa rất thú vị và mới lạ, truyền tải nhiều ý nghĩa."[104]
Âm nhạc
sửaNhạc nền của Người đẹp tóc mây nói chung và của Menken nói riêng đều được tán dương về mặt kĩ thuật, tuy nhiên những ca khúc lại chủ yếu nhận được những phản ứng trái chiều bởi có nét khá giống với những nhạc phẩm cũ của Menken (đặc biệt là những bộ phim thời Phục Hưng thập niên 90). Bill Graham từ trang web Collider dành lời khen cho các sáng tác bởi tính biến đổi giữa tiết tấu và giai điệu, ca từ mang dấu ấn khó phai và "sự pha trộn giữa cái cũ và cái mới". Tuy nhiên ông cũng nhận định rằng "những tiếng nhạc dồn dập có thể gây khó chịu cho một số người".[105] Cây bút Roth Cornet từ ScreenRant lại thể hiện sự tích cực với nhạc phim, "Âm nhạc của Alan Menken thật bắt tai, vui vẻ và hiệu quả như mọi người mong đợi".[106] Scott của nhật báo The New York Times tiếp tục dành lời có cánh cho nhạc phẩm và thấy rằng nó "đưa bạn trở lại một thế giới nhiệm màu của niềm khao khát ngây ngất và trò đùa tinh nghịch vui vẻ", với một bầu không khí hấp dẫn và đầy ấn tượng cùng những nốt nhạc uyển chuyển theo lối cổ điển tự nhận thức.[97] Corliss từ nhật báo Time nhận xét các bài hát thật tích cực, lưu ý rằng dù "lần đầu nghe không giống như sản phẩm chất lượng cao của Menken", các ca khúc vẫn "làm tốt nhiệm vụ của chúng thật trôi chảy". Ông miêu tả bài mở màn "When Will My Life Begin?" là "bài ca 'I wanna' của một nữ anh hùng" – nét truyền thống của Disney có xuất phát điểm từ bài "Someday My Prince Will Come" của Bạch Tuyết. "I See the Light" thì được mô tả là "một bản ballad tình ca nói chung là êm tai, chắc chắn giành được đề cử Oscar cho Bài hát hay nhất".[98]
Bên cạnh đó, James Berardinelli lại bình luận tiêu cực về các bài hát là "chẳng bắt tai hay đáng nhớ gì cả".[102] Tim Robey từ báo The Daily Telegraph cũng chấm một bài đánh giá tiêu cực, cho rằng chúng chỉ "ổn khi mà bạn chẳng có gì để huýt sáo trên đường về nhà."[107] Peter Bradshaw từ tờ The Guardian chấm nhạc của bộ phim 2/4 sao, miêu tả các ca khúc là "thể hiện một lựa chọn cầu kỳ những giai điệu theo phong cách của Broadway" và do đó chúng thật sự được bổ sung để kiếm lời.[108]
Tranh cãi về khâu đổi tựa đề
sửaBan đầu khi mới sản xuất, bộ phim được đề xuất với tên gọi Rapunzel Unbraided, sau đó đổi lại thành Rapunzel.[109] Bộ phim hoạt hình trước đó của Disney Nàng công chúa và con ếch năm 2009, trong khi được đón nhận nồng nhiệt bởi nhiều nhà phê bình[110] và thu về gần 270 triệu USD toàn cầu, nhưng vẫn không thành công như Disney mong đợi.[111] Sau này Catmull thừa nhận rằng hãng Disney Animation từng có niêm tin lớn vào việc chất lượng tuyệt với của Nàng công chúa và con ếch sẽ lôi kéo mọi khán giả đến rạp mà không cần để ý đến từ "công chúa" trên tựa phim; nhưng đây lại là "một bước đi sai lầm cay đắng" của họ.[112] Để có thể đưa phim tới cả hai giới, Disney quyết định thay đổi tên phim từ Rapunzel thành Tangled đồng thời cũng nhấn mạnh hơn nhân vật Flynn Rider, nhân vật nam chính nổi bật của phim, thể hiện rằng câu chuyện và vai trò của anh cũng quan trọng không kém Rapunzel.[111] Disney liền bị chỉ trích vì đổi tựa đề truyền thống như một chiến lược quảng cáo. Floyd Norman, họa sĩ và họa sĩ kịch bản trước đây của Disney và Pixar, nói, "Ý tưởng đổi tiêu đề phim từ cổ điển như Rapunzel sang Tangled là hơi ngốc nghếch. Tôi tin rằng họ sẽ chẳng giành được gì ngoài việc công chúng thấy rằng Disney đang cố tìm khán giả."[113]
Justin Chang của tạp chí Variety so sánh hài hước với việc đổi tên phim Nàng tiên cá sang Beached.[114] Viết cho blog của San Francisco Chronicle, Margot Magowan chỉ trích Disney đã phân biệt đối xử theo giới tính, nói rằng "Bạn có thể tưởng tượng nếu Disney...đổi tên phim để tránh nguy cơ một nhân vật nam không được nổi bật? Thật kinh khủng khi kiểu phân biệt đối xử về giới này tồn tại với những người nhỏ tuổi nhất của chúng ta– những em bé đến với thế giới này với trí tưởng tượng và khát vọng lớn lao, những ước mơ cao rộng mà bị ngăn cản bởi những người đang thực hiện công việc quảng cáo thương hiệu giải trí khổng lồ."[115]
Vào ngày 24 tháng 11 năm 2010, ngày bộ phim được phát hành, hai đạo diễn Nathan Greno và Byron Howard phủ nhận các báo cáo rằng việc đổi tên phim là một chiến lược marketing. Họ nói rằng họ đổi tên phim từ Rapunzel sang Tangled, bởi Rapunzel không phải là nhân vật chính duy nhất trong phim. Hai đạo diễn tiếp tục nói rằng bạn không thể gọi phim Câu chuyện đồ chơi là "Buzz Lightyear," và họ thực sự cần một tựa đề thể hiện được bộ phim là gì, và vấn đề là ở chỗ chúng ta có một bộ đôi, và bộ phim của chúng ta có hai nhân vật chính là Rapunzel và Flynn Rider.[116]
Tháng 3 năm 2014, giám đốc sản xuất John Lasseter giải thích rằng Disney đổi tựa đề nhằm cải thiện sức hấp dẫn của phim với đối tượng khán giá thuộc bốn phần góc (tức những người từ cả hai giới, cả trên và dưới 25 tuổi): "Khán giả có nhận thức rằng những bộ phim này chỉ dành cho các cô bé[,] nhưng khi các cậu bé, đàn ông hay bất cứ ai thưởng thức những tác phẩm này[,] thì đều thích chúng. Vì vậy với Rapunzel... chúng tôi đã đổi tên và gọi là Tangled. Chúng làm chiến lược tiếp thị để khiến những người không thường đi xem phim phải nói rằng 'Ê, phim này khá hay đấy chứ.'"[117]
Giải thưởng
sửaNgười đẹp tóc mây đã giành được một số giải thưởng. Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood dành tặng tác phẩm hai đề cử Quả cầu vàng gồm các hạng mục phim hoạt hình hay nhất và ca khúc nhạc phim hay nhất cho "I See the Light", nhưng lần lượt thất bại trước Câu chuyện đồ chơi 3 và Vũ nữ.[118] Tác phẩm cũng giành hai đề cử cho giải thưởng của Hiệp hội Phê bình Phim Phát sóng ở cùng những hạng mục tương tự, nhưng tiếp tục để thua trước Câu chuyện đồ chơi 3 và 127 giờ;[119] bên cạnh đó phim còn nhận hai đề cử giải Annie cho "Phim hoạt hình chiếu rạp hay nhất" và "Kịch bản hay nhất viết cho một tác phẩm điện ảnh".[120]
Người đẹp tóc mây cũng nhận hai đề cử cho Giải thưởng của cộng đồng phê bình phim Phoenix ở hạng mục phim hoạt hình hay nhất và ca khúc trong phim hay nhất cho bài hát "I've Got a Dream", nhưng để thua trước Câu chuyện đồ chơi 3 và Vũ nữ.[121] "I See the Light" cũng được đề cử cho giải "Bài hát gốc hay nhất" ở Lễ trao giải Oscar lần thứ 83, nhưng để mất giải vào bài hát "We Belong Together" trong phim Câu chuyện đồ chơi 3.[122] Tác phẩm cũng giành đề cử hạng mục phim hoạt hình hay nhất tại lễ trao giải Sao Thổ lần thứ 37.[123]
Không chỉ vậy, Người đẹp tóc mây còn giành chiến thắng ở hạng mục "Cảnh phim 3D xuất sắc nhất năm" tại lễ trao giải thưởng của cộng đồng nghệ thuật sáng tạo 3D quốc tế thường niên lần thứ hai.[124] Bộ phim còn giành đề cử cho hạng mục phim được yêu thích tại lễ trao giải thưởng của Viện hàn lâm thiếu nhi Anh Quốc, cạnh tranh với những bom tấn như Harry Potter và Bảo bối Tử thần – Phần 1 & 2, Transformers 3, Vương quốc xe hơi 2 và Kung Fu Panda 2.[125][126]
Giải thưởng | Hạng mục | Kết quả |
---|---|---|
Giải Oscar lần thứ 83[122] | Bài hát gốc hay nhất ("I See the Light") | Đề cử |
Giải Annie lần thứ 38[120] | Phim hoạt hình chiếu rạp hay nhất | |
Kịch bản hay nhất viết cho sản phẩm phim chiếu rạp (Dan Fogelman) | ||
Giải thưởng của Hội đồng phê bình phim chiếu rạp 2010[119] | Phim hoạt hình chiếu rạp hay nhất | |
Bài hát hay nhất ("I See the Light") | ||
Giải Quả cầu vàng lần thứ 68[118] | Phim hoạt hình chiếu rạp hay nhất | |
Bài hát hay nhất ("I See the Light") | ||
Giải thưởng điện ảnh quốc gia[127] | Hoạt hình | Đoạt giải |
Cộng đồng phê bình phim Las Vegas | Bài hát hay nhất ("I See the Light") | |
Giải thưởng của Cộng đồng phê bình phim Phoenix[121] | Phim hoạt hình hay nhất | Đề cử |
Bài hát gốc hay nhất ("I’ve Got a Dream") | ||
Giải Sao Thổ lần thứ 37[123] | Phim hoạt hình hay nhất | |
Teen Choice Awards 2011[128] | Diễn viên lồng tiếng cho phim hoạt hình yêu thích (Zachary Levi) | |
Giải thưởng của Viện hàn lâm thiếu nhi Anh Quốc[125][126] | Phim được yêu thích | |
Giải Grammy lần thứ 54[129] | Album nhạc phim tổng hợp cho sản phẩm truyền thông đa phương tiện (Best Compilation Soundtrack for Visual Media) | |
Bài hát hay nhất viết cho sản phẩm truyền thông đa phương tiện ("I See the Light") |
Đoạt giải |
Nhượng quyền
sửaSản phẩm kèm theo
sửaNhư nhiều nhân vật hoạt hình gần đây khác của Disney, Tangled cũng xuất hiện tại các cửa hàng bán lẻ với một chuỗi đồ chơi và một số sản phẩm khác.[130] Có khá nhiều búp bê hình công chúa Rapunzel đặc tả mái tóc dài đặc biệt của cô ấy, một số còn kèm theo cả những đoạn nhạc có trong phim. Đồ chơi được xây dựng dựa trên các nhân vật khác, trong đó có Flynn Rider, Mẹ Gothel, Pascal và Maximus, cũng ra mắt sau đó. Rapunzel trở thành một nàng công chúa Disney chính thức vào ngày 2 tháng 10 năm 2011.[131]
Trò chơi điện tử
sửaMột trò chơi điện tử dựa trên bộ phim được phát hành vào ngày 23 tháng 11 năm 2010 cho hai nền tảng máy Nintendo, Nintendo DS và Wii, cũng như cho nền tảng máy tính cá nhân PC bởi Disney Interactive Studios.[132]
Thế giới trong Tangled - được lấy tên là Vương quốc Corona (Kingdom of Corona) - cũng được xuất hiện trong Kingdom Hearts III, một trò chơi thuộc sê-ri nổi tiếng Kingdom Hearts được phát triển và phát hành bởi Square Enix. Trong game, các nhân vật cũng đóng vai trò tương đối quan trọng với vũ trụ Kingdom Hearts, chẳng hạn như Rapunzel là một trong số những Princess of Hearts, đại diện cho ánh sáng. Zachary Levi vẫn đảm nhiệm lồng tiếng cho Flynn Rider, nhưng diễn viên lồng tiếng cho Rapunzel lại là Kelsey Lansdowne. Bài hát nổi tiếng "I See The Light" cũng không có mặt trong phần chơi này.
Tangled Ever After
sửaTangled Ever After là một đoạn phim hoạt hình vui nhộn ngắn dài 6 phút cũng được đạo diễn bởi Nathan Greno và Byron Howard.[133] Nó được công chiếu lần đầu trước lễ ra mắt lại dưới định dạng 3D của bộ phim Người đẹp và quái vật vào ngày 13 tháng 1 năm 2012,[134] và trên Disney Channel sau lần công chiếu đầu tiên của phim Nàng công chúa và con ếch vào ngày 23 tháng 3 năm 2012.[135] Phần phim ngắn này sau đó được đưa vào dưới dạng phần bổ sung cho phiên bản bạch kim của Cô bé Lọ Lem[136].
Câu chuyện của phần này ngay tiếp sau đoạn kết của Người đẹp tóc mây. Vào ngày cưới của Rapunzel và Eugene "Flynn Ryder" Fitzherbert, Pascal và Maximus (những người mang nhẫn) vô tình làm rơi mất những chiếc nhẫn. Họ cuối cùng cũng mang được nhẫn đến kịp với buổi lễ, tuy nhiên lại gây ra những thiệt hại khủng khiếp và tự làm bẩn mình. Sau đó họ cũng vô ý làm hỏng chiếc bánh cưới.
Phim truyền hình
sửaTháng 12 năm 2014, nhà sản xuất của Người đẹp tóc mây, ông Roy Conli tiết lộ rằng đội ngũ làm phim từng "dồn hết công sức" để cho một phần phim dài kế tiếp để chiếu rạp, nhưng khi các biên kịch và đạo diễn hội ý với nhau, họ chợt nhận ra "cô ấy đã cắt tóc. Thế là hết phim rồi!".[137] Conli còn giải thích rằng tại xưởng phim Disney Animation dưới sự điều hành của Lasseter, các nhà làm phim luôn luôn là người quyết định có sẵn sàng làm phần kế tiếp không (không phải để tiếp thị hay bán phụ kiện đi kèm).[137] Tháng 1 năm 2015, Conli lại đưa ra giải thích tương tự và nhấn mạnh vào luận điểm trên, đồng thời cho biết hai vị đạo diễn Greno và Howard sau cùng "không hứng thú" với việc tiếp nối câu chuyện.[138] Bất chấp tình cảnh như vậy, một bộ phim điện ảnh truyền hình có tựa Tangled: Before Ever After lấy bối cảnh giữa phần phim chiếu rạp và Tangled Ever After được phát sóng vào ngày 17 tháng 3 năm 2017, giống như phần giới thiệu cho sê-ri truyền hình tiếp nối Tangled: The Series (sau này đổi tên thành Rapunzel's Tangled Adventure) bắt đầu lên sóng trên kênh Disney Channel vào ngày 24 tháng 3 năm 2017.[139]
Xem thêm
sửaGhi chú
sửa- ^ Tên bài đặt theo tựa đề chính thức của phim khởi chiếu tại Việt Nam dựa trên hình poster chiếu rạp. Sau này phim còn có một số tên gọi không chính thức khác như Công chúa tóc mây hay Công chúa tóc dài
Chú thích
sửa- ^ a b c “Tangled (2010)”. AFI Catalog of Feature Films. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2018.
- ^ Barnes, Brooks (19 tháng 11 năm 2010). “Disney Ties Lots of Hopes to Lots of Hair”. The New York Times. The New York Times Company. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2018.
- ^ “Tangled Trailer - MegaStar Cineplex Vietnam”. CGV Cinemas Vietnam. 31 tháng 12 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 5 năm 2019. Truy cập 4 tháng 5 năm 2019.
- ^ “Tangled: 100 minutes (Starz 08/2011 Schedule, Page 4)” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 29 tháng 9 năm 2011. Truy cập 29 tháng 9 năm 2019.
- ^ a b c Chmielewski, Dawn C.; Eller, Claudia (21 tháng 11 năm 2010). “Disney Animation is closing the book on fairy tales”. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ a b c “Tangled (2010)”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2019.
- ^ The Walt Disney Studios. “The Walt Disney Studios Rolls Out Slate of 10 New Animated Motion Pictures Through 2012”. PR Newswire. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2017.
- ^ a b c Connelly, Brendon (10 tháng 9 năm 2009). “Disney Pixar Add Cast to Rapunzel, Bear & the Bow and Toy Story 3, Reveal Plot of Cars 2 and Winnie the Pooh”. SlashFilm. /Film. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2014.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ a b c Fletcher, Alex (10 tháng 12 năm 2009). “Mandy Moore to voice 'Rapunzel' musical”. Digital Spy. Hearst Magazines UK. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2014.
- ^ a b c d e “Tangled | Yahoo! Movies”. Yahoo! Movies. Yahoo! Inc. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2014.
- ^ Franklin, Garth (10 tháng 12 năm 2009). “Donna Murphy Joins "Rapunzel" Cast”. Dark Horizons. Dark Futures Pty. Limited. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2014.
- ^ a b Paluso, Marianne (29 tháng 3 năm 2019). “Once Upon a Time”. Christian Today. Christianity Today. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2013.
- ^ Graham, Bill (23 tháng 7 năm 2010). “SDCC 2010: Disney Animators Panel on TANGLED”. Collider.com. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2018.
- ^ a b Orwall, Bruce (23 tháng 10 năm 2003). “Disney Decides It Must Draw Artists Into the Computer Age”. The Wall Street Journal. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2014.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ Nusair, David. “Top 5 Disney Animated Adaptations”. About.com. About.com. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 22 tháng 6 năm 2013.
- ^ Wloszczyna, Susan (17 tháng 9 năm 2003). “A fairy-tale bending”. USA Today. Gannett Company. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2014.
- ^ Minow, Nell. “Interview: Glen Keane of 'Tangled'”. Beliefnet. Beliefnet, Inc. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2019.
- ^ Marr, Merrisa (7 tháng 11 năm 2005). “Debut of 'Chicken Little' Gives Disney Something to Crow Over”. The Wall Street Journal. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2014.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ Catmull, Ed; Amy Wallace (2014). Creativity, Inc.: Overcoming the Unseen Forces That Stand in the Way of True Inspiration. New York: Random House. tr. 271. ISBN 978-0812993011.
- ^ “LaughingPlace.com: Rhett Wickham: Rapunzel Gets Second Director – Apr 12, 2007 (The #1 Site for Disney)”. LaughingPlace.com. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 4 năm 2007. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ “Ain't It Cool News: Glen Keane leaving Disney's RAPUNZEL. Who's stepping up?”. AintItCool.com. 10 tháng 10 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ Graham, Bill (27 tháng 11 năm 2010). “Animation Director Glen Keane Exclusive Interview TANGLED”. Collider.com. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 11 tháng 5 năm 2014.
- ^ Kelly, Kevin (13 tháng 9 năm 2009). “Disney/Pixar's John Lasseter Talks 'Rapunzel' Casting, 'Toy Story 3' Plot, 'Cars 2', 'Winnie the Pooh' and More!”. Moviefone. AOL Inc. Bản gốc lưu trữ 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2014.
- ^ a b c d e f “Mandy Moore On Tangled: 'I Screamed As Soon As I Found Out' (INTERVIEW)”. The Huffington Post UK. HuffPost Entertainment. 19 tháng 10 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2019.
- ^ a b “Mandy Moore Interview, TANGLED”. MoviesOnline. tháng 1 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ “Disney's Tangled: Mandy Moore Interview”. Kidzworld. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2019.
- ^ a b Graham, Bill (29 tháng 11 năm 2010). “Mandy Moore Exclusive Interview TANGLED”. Collider.com. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2019.
- ^ a b Malkin, Marc (26 tháng 11 năm 2010). “Mandy Moore & Hubby: "We Work Well Together"”. E! Online. E! Entertainment Television, LLC. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2019.
- ^ a b Hunter, Brooke. “Mandy Moore & Zachary Levi Tangled Interview”. Girl.com.au. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ “Coverage”. Allmusic. Rovi Corp. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2019.
- ^ “Mandy Moore Goes Under 'Covers'”. Billboard. Billboard. 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2019.
- ^ Warner, Kara (27 tháng 8 năm 2010). “Mandy Moore's 'Tangled' Heroine Not 'Typical Disney Princess'”. MTV News. Viacom International Inc. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2019.
- ^ Lark, Max; Draskovic, Marina; Solomon, Charles (Spring 2016). “It's a Matter of Trust: At Walt Disney Animation Studios, The 'Story Trust,' A Peer-to-Peer Feedback System, Has Taken Storytelling—And Disney Animation—To New Creative Heights”. Disney twenty-three. 8 (1). Burbank: Walt Disney Company. tr. 18–21. ISSN 2162-5492. OCLC 698366817.
- ^ Philbrick, Jami (19 tháng 11 năm 2010). “Exclusive: Mandy Moore Talks 'Tangled'”. MovieWeb. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ a b c Murray, Rebecca. “Exclusive Interview with Mandy Moore and Zachary Levi from 'Tangled'”. About.com. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2019.
- ^ Wolf, Scott. “Mandy Moore talks about her works as the voice Rapunzel in "Tangled"”. Mouse Club House. Bản gốc lưu trữ 11 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2019.
- ^ “Tangled star Mandy Moore: I'd like to think I look like Rapunzel”. Now Magazine. IPC Media Fashion & Beauty Network. 18 tháng 10 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong
|archiveurl=
và|archive-url=
(trợ giúp) - ^ a b c Desowitz, Bill (4 tháng 11 năm 2005). “Chicken Little & Beyond: Disney Rediscovers its Legacy Through 3D Animation”. Animation World Network. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2019.
- ^ a b c d Jason (28 tháng 4 năm 2013). “Tangled Concept Art and Character Art”. CGMeetup. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2016.
- ^ a b Carter, Chris (tháng 7 năm 2013). “An Analysis of the Character Animation in Disney's Tangled”. Sense of Cinema. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2016.
- ^ Holson, Laura M. (ngày 18 tháng 9 năm 2005). “Disney Moves Away From Hand-Drawn Animation”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2016.
- ^ Bill Desowitz (ngày 8 tháng 9 năm 2006). “'Little Mermaid' Team Discusses Disney Past and Present”. AWN.com. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 8 năm 2013. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2019.
- ^ “Get 'Tangled' up in hair-raising 3D!”. The Manila Bulletin Newspaper Online. 24 tháng 1 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 1 năm 2011. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2019.
- ^ “Byron Howard & Nathan Greno Tangled Interview”. Girl.com.au. 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2019.
- ^ a b Cornet, Roth (18 tháng 11 năm 2010). “Zach Levi on Being a Disney Hunk in 'Tangled', A Singer, A Superhero & 'Chuck”. Screen Rant. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 12 năm 2014. Truy cập 1 tháng 11 năm 2019.
- ^ a b c Lee, Marc (27 tháng 1 năm 2011). “Tangled directors on the latest Disney animation”. The Telegraph. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2019.
- ^ “11 Things You Didn't Know About Tangled”. Disney. 26 tháng 12 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ “Roundtable Interview with Glen Keane”. DAPs. 17 tháng 3 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2019.
- ^ “'Tangled' directors unravel film's secrets”. SiouxCityJournal.com. 5 tháng 12 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ Patricia Cohen (29 tháng 12 năm 2010). “Perfecting Animation, via Science”. NYTimes.com. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2019.
- ^ a b Tangled (CD). Various Artists. Walt Disney Records. 2010. D000650802.Quản lý CS1: khác (liên kết)
- ^ “Tangled (Alan Menken)”. Filmtracks. 16 tháng 11 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2019.
- ^ Graham, Bill (ngày 27 tháng 9 năm 2010). “Alan Menken Exclusive Interview Tangled”. Collider.com. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2010.
- ^ Hammond, Pete (ngày 9 tháng 9 năm 2010). “Oscar's Animation Race Just Got 'Tangled'”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2010.
- ^ “Alan Menken Talks 'Tangled', 'Sister Act', 'Leap of Faith', 'The Hunchback of Notre Dame', 'Aladdin' & More”. BroadwayWorld.com. ngày 15 tháng 11 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ “Tangled”. Animated Views Forum. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2019.
- ^ “Fanny Lu canta para Walt Disney”. Elespectador.com. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2019.
- ^ a b “Music Albums, Top 200 Albums & Music Album Charts”. Billboard.com. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2019.
- ^ a b “Soundtracks”. Billboard.com. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2019.
- ^ a b “Kids Albums”. Billboard.com. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2019.
- ^ “Tangled (Soundtrack from the Motion Picture) by Alan Menken”. iTunes Store. Apple Inc. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2013.
- ^ Ghi chú:
- "When Will My Life Begin (Reprise 1)" từng bị cắt khỏi phim nhưng vẫn được giữ lại trong album nhạc phim. Hãy xem lại toàn bộ phim Nàng công chúa tóc mây để có nhận xét.
- "Mother Knows Best" xem phần ghi chú số [2].
- ^ Lời hai có trong album nhạc phim nhưng không xuất hiện trong bộ phim gốc. Xem bài hát "Mother Knows Best" trong phim và nghe album nhạc phim để so sánh thêm.
- ^ Lawler, Richard (25 tháng 1 năm 2011). “Disney to release Tangled on Blu-ray and 3D March 29th”. Engadget. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2019.
- ^ “Tangled makes record DVD sales in its opening week”. Rediff.com. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 1 năm 2021. Truy cập 16 tháng 4 năm 2019.
- ^ a b “Tangled (2010) — Financial Information”. The-Numbers.com. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ “Weekly Domestic Blu-ray Sales Chart for Week Ending ngày 29 tháng 5 năm 2011”. The-Numbers.com. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ “Tangled 4K Blu-ray”. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2019.
- ^ Pierre Delorme (ngày 16 tháng 7 năm 2010). “Le nouveau Disney en avant-première au Grand Rex”. FilmsActu.com. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2019. (tiếng Pháp)
- ^ Cyril Perraudat (ngày 17 tháng 11 năm 2011). “Démarrage Paris 17/11/10: Raiponce remplit le Grand Rex”. Cinema-France.com. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2019. (tiếng Pháp)
- ^ “November 26–28, 2010 Weekend”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2011.
- ^ “Overseas Total Box Office”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2019.
- ^ “February 4–6, 2011 Weekend”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2019.
- ^ “Overseas Total Box Office”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2019.
- ^ “2010 WORLDWIDE GROSSES”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2019.
- ^ “WORLDWIDE GROSSES”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2019.
- ^ “Tangled”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2019.
- ^ Rogers, Troy. “Tangled Breaks Box Office Record Behind Harry Potter”. TheDeadBolt.com. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ a b “Biggest 3-day Thanksgiving Weekends at the Box Office”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2019.
- ^ “Biggest Opening Weekends That Did Not Debut at #1”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2014.
- ^ “Weekend Index 2010”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2019.
- ^ “2010 Yearly Box Office Results”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2019.
- ^ “Weekend Box Office Results for February 7–9, 2014”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2019.
- ^ “Movies Taking the Longest to Hit $200 Million at the Box Office”. Box Office Mojo. Truy cập 12 tháng 2 năm 2020.
- ^ “All Time Domestic Box Office Results”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2019.
- ^ “Overseas Total Box Office”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2019.
- ^ “Around-the-World Roundup: 'Tangled,' 'Tourist' Top Chart”. Box Office Mojo. ngày 12 tháng 1 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2012.
- ^ “Around-the-World Roundup: 'Tangled' Edges Past 'Hornet'”. Box Office Mojo. ngày 1 tháng 2 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2019.
- ^ “Around-the-World Roundup: French Comedy Nips at 'Tangled's Heels”. Box Office Mojo. ngày 9 tháng 2 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2019.
- ^ “WORLDWIDE GROSSES”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2019.
- ^ “Around-the-World Roundup: 'Potter' Continues to Dominate”. Box Office Mojo. 1 tháng 12 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2019.
- ^ “Germany Yearly Box Office”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2019.
- ^ “TANGLED”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2019.
- ^ “Tangled Movie Reviews”. Rotten Tomatoes. Flixster. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2019.
- ^ “Tangled Reviews, Ratings, Credits”. Metacritic. CBS. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2019.
- ^ Fritz, Ben (ngày 28 tháng 11 năm 2010). “Box office: 'Tangled' feasts as 'Burlesque', 'Faster', 'Love & Other Drugs' fight for leftovers”. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2011.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ a b Scott, A.O. (ngày 23 tháng 11 năm 2010). “Back to the Castle, Where It's All About the Hair”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2010.
- ^ a b Corliss, Richard (ngày 26 tháng 11 năm 2010). “'Tangled': Disney's Ripping Rapunzel”. Time Inc. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2010.
- ^ Corliss, Richard (21 tháng 6 năm 2011). “The 25 All-Time Best Animated Films”. Time. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2019.
- ^ Turan, Kenneth (ngày 24 tháng 11 năm 2010). “Movie review: 'Tangled'”. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2010.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ Cooper, Gael Fashingbauer (13 tháng 1 năm 2012). “Tangled may be the best Disney Movie of all time”. NBC News. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2019.
- ^ a b Berardinelli, James (ngày 22 tháng 11 năm 2010). “Tangled: A movie review by James Berardinelli”. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2019.
- ^ McCarthy, Todd (ngày 8 tháng 11 năm 2010). “Todd McCarthy's Film Review: 'Tangled'”. The Hollywood Reporter. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2010.
- ^ Sandie Angulo Chen. “Tangled - Movie Review”. Commonsensemedia.org. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ “TANGLED Review”. Collider. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2020. Truy cập 30 tháng 6 năm 2019.
(Mother Knows Best) Catchy and dark, there are a number of variations to the tempo and tone throughout the film while the lyrics, nailed by Murphy, will stay with you. One can easily see the parallels that Menken and the directors went for in blending old with new, and there is an interesting result. Mother Gothel’s songs feel as ancient as she is, while Rapunzel’s songs have a truly youthful exuberance and feel.
- ^ “'Tangled' Review”. ScreenRant. 19 tháng 12 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2019.
- ^ Robey, Tim (25 tháng 12 năm 2013). “Tangled, review”. The Daily Telegraph. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2019.
and the serviceable songs, by Alan Menken and Glenn Slater, are only OK – there’s nothing you want to whistle on the way home.
- ^ Bradshaw, Peter (27 tháng 4 năm 2011). “Tangled – review”. The Guardian. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2019.
and sporting a laboured selection of Broadway-style showtunes – signalling that someone, somewhere clearly wants to turn this into a lucrative global franchise on stage
- ^ Jim Hill (ngày 8 tháng 8 năm 2005). “"Rapunzel Unbraided" aims to be "... a film of astonishing beauty."”. Jim Hill Media. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ “The Princess and the Frog”. Metacritic. CBS Interactive. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2019.
- ^ a b Dawn C. Chmielewski & Claudia Eller (ngày 9 tháng 3 năm 2010). “Disney restyles 'Rapunzel' to appeal to boys”. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2010.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ Catmull, Ed; Amy Wallace (2014). Creativity, Inc.: Overcoming the Unseen Forces That Stand in the Way of True Inspiration. New York: Random House. tr. 268. ISBN 978-0812993011.
- ^ Claudia Eller (ngày 9 tháng 3 năm 2010). “Disney wrings the pink out of 'Rapunzel'”. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2020.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ Justin Chang (ngày 7 tháng 11 năm 2010). “'Tangled' Review”. Variety. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2011.
- ^ Margot Magowan (ngày 22 tháng 11 năm 2010). “Disney's male execs stop movies starring girls”. San Francisco Chronicle. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 12 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2019.
- ^ “How did Rapunzel become 'Tangled'? Directors Nathan Greno and Byron Howard set the record straight”. Entertainment Weekly. Time Inc. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ Williams, Christopher (31 tháng 3 năm 2014). “'The world is a better place with Disney animation in it': John Lasseter tells the Telegraph how he saved Disney Animation Studios from the doldrums”. The Daily Telegraph. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2019.
- ^ a b Reynolds, Simon (ngày 14 tháng 12 năm 2010). “In Full: Golden Globes - Movie Nominees”. Digital Spy. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2019.
- ^ a b “'Black Swan' leads Critics' Choice nominations”. insidemovies.ew.com. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ a b “The Annie Awards”. AnnieAwards.org. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2019.
- ^ a b “Phoenix Film Critics Name THE KINGS SPEECH Best Film of 2010”. Phoenix Film Critics Society. ngày 29 tháng 12 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ a b “Academy Awards nomination list”. TheState.com. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ a b Saturn Awards (24 tháng 2 năm 2011). “"Inception" dreams up 9 Nominations for the 37th Annual Saturn Awards while AMC's "The Walking Dead" walks away with 6” (DOC). Variety. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2019.
- ^ “Dragon, Pixar, Disney top 3D Society Creative Arts Awards”. AnimationMagazine.net. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2017.
- ^ a b “British Academy Children's Awards Nominations Announced”. Viện hàn lâm thiếu nhi Anh Quốc. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2014.
- ^ a b “2011 British Academy Children's Awards Winners Announced”. Viện hàn lâm thiếu nhi Anh Quốc. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2014.
- ^ “NMA Winners – 2011”. National Movie Awards. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2019.
- ^ “Teen Choice Awards Nominees – 2011 List”. NationalLedger.com. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ Gans, Andrew (13 tháng 2 năm 2012). “Alan Menken and Glenn Slater Win Grammy Award”. Playbill. Playbill, Inc. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 8 năm 2014. Truy cập 16 tháng 12 năm 2019.
- ^ Stitch Kingdom (ngày 12 tháng 2 năm 2010). “First look: Mattel introduces toys for 'Rapunzel', 'Toy Story 3', 'Cars' and more”. StitchKingdom.com. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2010.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ Smith, Thomas (ngày 14 tháng 6 năm 2011). “Worldwide Celebration to Honor Rapunzel, 10th Member of the Disney Princess Royal Court”. Disney Parks Blog. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2019.
- ^ "Disney Tangled: The Video Game Release Information for Wii" Lưu trữ 2010-12-10 tại Wayback Machine. GameFAQs.com. Truy cập 2010-12-05.
- ^ “Tangled Ever After”. BCDB. ngày 16 tháng 2 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2013.
- ^ “Disney's Tangled Ever After Heads to Theaters”. Walt Disney Pictures via Coming Soon. ngày 14 tháng 11 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2019.
- ^ Tangled Ever After (ngày 15 tháng 3 năm 2012). “'Tangled Ever After' will air...”. Facebook. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2019.
'Tangled Ever After' will air on the Disney Channel on 23rd March at 9:15pm
- ^ Shaffer, R. L. (ngày 3 tháng 5 năm 2012). “Cinderella Enchants Blu-ray”. IGN. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2019.
- ^ a b Bodey, Michael (30 tháng 12 năm 2019). “Big Hero 6: another animation marvel from Disney”. The Australian. News Corp Australia. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ Brew, Simon (31 tháng 1 năm 2015). “Exclusive: why Disney never made Tangled 2”. Den of Geek!. DoGtech LLC. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2019.
- ^ Iannucci, Rebecca (3 tháng 6 năm 2015). “Disney Channel Making Tangled Series; Mandy Moore, Zachary Levi to Star”. TVLine. TVLine Media, LLC. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2019.
Liên kết ngoài
sửaWikiquote có sưu tập danh ngôn về: |
- Website chính thức
- Người đẹp tóc mây trên Internet Movie Database
- Người đẹp tóc mây tại Big Cartoon DataBase
- Người đẹp tóc mây tại AllMovie
- Người đẹp tóc mây tại Rotten Tomatoes
- Người đẹp tóc mây tại Metacritic
- Người đẹp tóc mây tại Box Office Mojo
- Người đẹp tóc mây tại Walt Disney Animation Studios