Nguyễn Nghiêm (1903–1931) là một nhà cách mạng Việt Nam. Ông là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi[1] và là người lãnh đạo phong trào Cộng sản tại Quảng Ngãi năm 1930-1931.

Nguyễn Nghiêm
Chức vụ
Nhiệm kỳTháng 3, 1930 – Tháng 3, 1931
Tiền nhiệmTrương Quang Trọng (Tỉnh bộ Quảng Ngãi HVNCMTN)
Kế nhiệmPhan Thái Ất
Vị trí Việt Nam
Phó Bí thưPhan Thái Ất
Thông tin cá nhân
Sinh8 tháng 10, 1904
Phổ Phong, Đức Phổ, Quảng Ngãi
Mất23 tháng 4, 1931
Trà Khúc, Quảng Ngãi
Dân tộcViệt
Đảng chính trịĐảng Cộng sản Việt Nam
ChaNguyễn Tuyên
Alma materTrường Pháp – Việt Quy Nhơn

Thân thế

sửa

Ông sinh năm 1904, là người làng Tân Hội, nay thuộc xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là con thứ mười và cũng là con trai độc nhất trong gia đình. Cha ông là cụ Nguyễn Tuyên, một nhà nho, từng đỗ Tú tài, tham gia Phong trào Duy tân, năm 1908 bị chính quyền thực dân kết án 5 năm lưu đày Côn Đảo. Sau khi mãn hạn tù, cụ về làng dạy học và làm nghề đông y.

Em con chú ruột của ông là nhà văn, nhà thơ Nguyễn Vỹ.

Hoạt động cách mạng

sửa

Do ảnh hưởng của cha, ông sớm có tinh thần yêu nước và một nền học vấn truyền thống. Thuở nhỏ, ông học ở trường làng rồi trường tỉnh Quảng Ngãi, trường Pháp - Việt Quy Nhơn. Ông bắt đầu các hoạt động yêu nước từ năm 14 tuổi, khởi đầu với các hoạt động của phong trào học sinh ở Quy Nhơn. Sau khi cha ông qua đời, ông bỏ dở việc học, về quê làm nghề thuốc tập sự, nối nghiệp cha. Năm 20 tuổi (1924), ông tiếp xúc với cụ Trần Kỳ Phong và được nghe nhà cách mạng lão thành đề cập và ca ngợi chủ nghĩa cộng sản. Năm 1925, Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Ngọc Thụy, Trần Kỳ Truyện lập Công Ái xã và bắt đầu tìm hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin. Về sau Công Ái xã giải thể, các thành viên tích cực trong đó có Nguyễn Nghiêm chuyển hướng hoạt động và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1927, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập, ông được cử vào ban chấp hành, phụ trách huyện Đức Phổ.

Tháng 7 năm 1929, Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi Trương Quang Trọng tập hợp một số đồng chí tại núi Xương Rồng (huyện Đức Phổ) thành lập tổ chức "Dự bị Cộng sản". Nguyễn Nghiêm được giao nhiệm vụ xúc tiến thành lập Đảng bộ tỉnh. Tháng 8 năm 1929, Trương Quang Trọng, Hồ Độ và một số yếu nhân của Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi bị bắt, Nguyễn Nghiêm lãnh đạo các hội viên còn lại thực hiện chủ trương vô sản hóa, cử một số cán bộ liên hệ với các tổ chức Cộng sản trong nước.

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay sau đó, Nguyễn Nghiêm đã bắt liên lạc với Đảng và đến giữa tháng 3 năm 1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi được thành lập do ông làm Bí thư lâm thời. Tháng 6 năm đó, tại Đại hội Đảng bộ lần thứ I, tiến hành tại làng Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, Nguyễn Nghiêm được cử làm Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 1 tháng 8 năm 1930, Đảng bộ tổ chức rải truyền đơn, treo biểu ngữ ở nhiều nơi trong tỉnh, gây uy tín trong quần chúng, nhằm kêu gọi hưởng ứng Xô viết Nghệ Tĩnh. Đêm 7 tháng 10 năm 1930, Nguyễn Nghiêm trực tiếp lãnh đạo trên 5.000 người xuống đường biểu tình, mít tinh tấn công và làm chủ huyện đường Đức Phổ cho đến sáng hôm sau. Vợ ông cũng là một thành viên tích cực tham gia chỉ đạo phong trào.

Ngày 13 tháng 10, Tỉnh ủy họp ở làng Nghĩa Lập (huyện Mộ Đức), chủ trương tiếp tục biểu tình công khai và về tổ chức, Tỉnh ủy chia làm hai bộ phận: bộ phận phía Nam tính từ sông Trà Khúc trở vào do Nguyễn Nghiêm lãnh đạo, phía Bắc tỉnh từ sông Trà Khúc trở ra do Phan Thái Ất phụ trách. Nguyễn Nghiêm đi Quảng Nam tìm bắt liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ, xin chỉ thị về việc dấy lên cao trào mùa Xuân năm 1931. Khi về đến Bình Sơn, ông bị chính quyền thực dân bắt giữ nhưng trốn thoát được, lên Trà Bình. Sau đó, theo ủy nhiệm của Xứ ủy, ông vào Bình Định, Phú Yên để củng cố các tổ chức cơ sở Đảng.

Sau cuộc biểu tình đầu năm 1931, địch bắt mẹ, vợ và đốt nhà Nguyễn Nghiêm, treo giải thưởng cho ai lấy được đầu ông. Ba Tỉnh ủy viên ở phía Nam tỉnh bị bắt. Nguyễn Nghiêm chuyển cơ quan Tỉnh ủy từ Tân Hội về Gò Huyện (huyện Mộ Đức). Các Đảng viên dự bị được lệnh thoát ly. Tỉnh ủy phát động "3 ngày căm thù" (16, 17, 18 tháng 2 năm 1931), làn sóng đấu tranh vùng lên mạnh. Chính quyền thực dân ra sức đàn áp. Ông phải cải trang dời về Sông Vệ, sau đó về làng An Đại (huyện Tư Nghĩa). Trên đường đi nắm tình hình, ông bị bắt đêm 6 tháng 3 năm 1931.

Biết ông là người lãnh đạo phong trào Cộng sản ở Quảng Ngãi, có chú ruột từng làm quan cho triều đình Đại Nam, chính quyền thực dân Pháp và Tuần vũ Nguyễn Bá Trác tìm cách cứng mềm để lôi kéo, nhưng ông vẫn giữ tròn khí tiết, tìm cách móc nối với phong trào, xây dựng Chi bộ Đảng trong tù. Không lay chuyển được ý chí của ông, chính quyền thực dân đưa ông đi "xử trảm" theo Luật Gia Long, tại Cấm ông Nghè, bãi sông Trà Khúc (nay thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) vào lúc 3 giờ sáng 23 tháng 4 năm 1931.

Vinh danh

sửa

Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công tại tỉnh Quảng Ngãi, chính quyền Việt Minh của tỉnh đã quyết định đổi tên huyện Đức Phổ thành huyện Nguyễn Nghiêm. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, khi quân Pháp tái chiếm Đông Dương, tên cũ Đức Phổ được dùng lại.

Tháng 9 năm 1947, chính quyền Việt Minh tỉnh Quảng Ngãi thành lập một trường trung học tại Đức Phổ, mang tên Trường Trung học Nguyễn Nghiêm. Trường tồn tại hơn 8 năm, đào tạo 7, hoạt động đến tháng 12 năm 1955 thì chấm dứt hoạt động do áp lực của chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Tên ông hiện nay được đặt cho một số địa danh tại tỉnh Quảng Ngãi và một trường trung học cơ sở tại thị xã Đức Phổ.

Tại thôn Tân Phong, xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ, một nhà lưu niệm được xây dựng năm từ 1986 và tôn tạo nâng cấp vào năm 1997, xây dựng trên nền nhà cũ của ông, bên trong trưng bày những tài liệu hình ảnh, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.

Chú thích

sửa
  1. ^ “Danh sách Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (1930-2010)”. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2011.

Liên kết ngoài

sửa