Quốc kỳ Bhutan (Dzongkha: ཧྥ་རན་ས་ཀྱི་དར་ཆ་; Wylie: hpha-ran-sa-kyi dar-cho) dựa trên truyền thống dòng Drukpa của Phật giáo Tây Tạng và thể hiện rồng sấm Druk trong thần thoại Bhutan. Thiết kế cơ bản của quốc kỳ là của Mayum Choying Wangmo Dorji và có niên đại từ 1947. Một phiên bản được trưng bày tại lễ ký Hiệp định Ấn Độ-Bhutan năm 1949. Một phiên bản thứ nhì bắt đầu vào năm 1956 trong chuyến đi của Quốc vương Jigme Dorji Wangchuk đến miền đông Bhutan; nó dựa trên hình ảnh từ thiết kế năm 1949 và thể hiện một Druk màu trắng trên nền lục.

Vương quốc Bhutan
Sử dụngQuốc kỳ
Tỉ lệ2:3
Ngày phê chuẩn1969
Thiết kếChia theo đường chéo từ góc kéo cờ bên dưới; tam giác phía trên có màu vàng và tam giác phía dưới có màu cam; ở giữa dọc theo đường chia là một rồng màu đen và trắng quay lưng về phía kéo cờ[1]

Bhutan sau đó tái thiết kế quốc kỳ nhằm tương đồng về kích thước với quốc kỳ Ấn Độ do họ cho rằng quốc kỳ Ấn Độ vẫy tốt hơn. Những cải biến khác được tiến hành sau đó, và quốc kỳ hiện nay được sử dụng từ 1969. Quốc hội Bhutan lập một luật vào năm 1972 nhằm chính thức hóa thiết kế của quốc kỳ và thiết lập lễ nghi liên quan đến kích thước phù hợp và điều kiện treo quốc kỳ.

Nguồn gốc sửa

Bhutan trong lịch sử được biết đến bằng nhiều tên gọi, song người Bhutan gọi quốc gia của họ là Druk theo tên của rồng sấm Bhutan. Truyền thống này bắt nguồn từ năm 1189, khi người sáng lập dòng Drukpa của Phật giáo Tạng là Tsangpa Gyare Yeshe Dorje theo tường thuật thì chứng kiến thung lũng Namgyiphu tại Phoankar, Tây Tạng rực sáng với cầu vồng và ánh sáng. Ông cho rằng đây là một điềm lành, do vậy tiến vào thung lũng để chọn một điểm để xây dựng một chùa, ngay lúc đó ông nghe được ba hồi sấm - một âm thanh do rồng druk tạo ra theo đức tin phổ biến của người Bhutan. Chùa được Tsangpa Gyare xây dựng năm đó được đặt tên là Druk Sewa Jangchubling, và trường phái giảng đạo của ông được gọi là là Druk.[2] Trường phái Druk sau đó phân thành ba dòng.[2] Cháu trai và người thừa kế tinh thần của Tsangpa Gyare thành lập một trong ba dòng với tên gọi Drukpa, dòng này sau đó được truyền bá khắp Bhutan.[3] Bản thân quốc gia này sau đó cũng được gọi là Druk.[4] Truyền thuyết này cung cấp một giải thích về việc làm sao biểu tượng của rồng lại tạo thành cơ sở của quốc kỳ Bhutan.[4] Một giả thuyết khác cho rằng quan điểm tượng trưng hóa chủ quyền và quốc gia bằng hình dạng một con rồng là điều xuất hiện tại Trung Quốc và những quân chủ Bhutan tiếp nhận nó làm một biểu tượng cho vương thất và đầu thế kỷ 20.[5][6]

Quốc kỳ hiện tại sửa

Thiết kế sửa

 
Quốc kỳ Bhutan treo bên ngoài phái đoàn thường trực Bhutan tại Liên Hợp Quốc tại thành phố New York.

Quốc kỳ hiện nay được phân chia theo đường chèo từ góc dưới phía kéo cờ, tam giác ở phía trên có màu vàng, còn tam giác phía dưới có màu cam. Tại trung tâm dọc theo đường phân chia là một rồng màu đen và trắng lớn quay lưng về phía kéo cờ.[1] Rồng cầm một norbu, hay ngọc quý, trong mỗi vuốt của nó.[1] Những màu nền của quốc kỳ là vàng và cam lần lượt được xác định là Pantone 116 và 165.[7] Sắc độ tương đương trong các hệ màu khác:

Hệ màu Vàng Cam Trắng
RAL RAL 9000
vàng
RAL 3000
cam
RAL 1000
trắng
CMYK 0.15.94.0 0.60.100.0 0.0.0.0
Pantone 116 165 n/a (trắng)
HTML thập lục phân #FFCC33 #FF4E12 #FFFFFF
HTML thập phân 255.213.32 255.78.18 255.255.255

Kích thước quốc kỳ cần phải duy trì theo một tỷ lệ 3:2.[7][8] Các kích thước sau được chính phủ Bhutan tuyên bố là chuẩn:[9]

  • 21 ft × 14 ft (6,4 m × 4,3 m)
  • 12 ft × 8 ft (3,7 m × 2,4 m)
  • 6 ft × 4 ft (1,8 m × 1,2 m)
  • 3 ft × 2 ft (0,9 m × 0,6 m)
  • 9 in × 6 in (23 cm × 15 cm), khi treo trên xe.

Tượng trưng sửa

Theo Các quy định pháp luật về quốc kỳ được Quốc hội Bhutan xác nhận trong kỳ họp thứ 36 vào ngày 8 tháng 6 năm 1972, và theo tuyên bố trong Hiến pháp năm 2008, màu vàng biểu thị truyền thống dân gian và quyền lực thế tục với vai trò là hiện thân của Druk Gyalpo, long vương của Bhutan, là người có y phục vương thất truyền thống bao gồm một kabney (khăn choàng) màu vàng.[10] Nửa cam biểu thị truyền thống tinh thần Phật giáo, đặc biệt là các phái Drukpa Kagyu và Nyingma.[10] Rồng sấm Druk được đặt đều qua đường giữa hai màu. Việc đặt Druk tại trung tâm của quốc kỳ qua đường phân chia giữa hai màu nền biểu thị tầm quan trọng tương đương của các truyền thống dân gian và tăng lữ tại Vương quốc và gợi lên sức mạnh của liên kết thiêng liêng giữa chủ quyền và nhân dân. Màu trắng của Druk biểu thị cho sự thanh khiết của những tư tưởng nội tâm và hành động nhằm đoàn kết toàn bộ nhân dân Bhutan vốn đa dạng về dân tộc và ngôn ngữ.[8][10] Những đá quý được giữ trong vuốt rồng tượng trưng cho sự thịnh vượng, an ninh và bảo hộ nhân dân tại Bhutan,[11] trong khi mồm gầm gừ của rồng biểu thị cam kết của các thần linh Bhutan về việc bảo hộ Bhutan.[12]

Lịch sử sửa

Trung tâm nghiên cứu Bhutan vào năm 2002 cho phát hành một bài thuyết trình (sau đây gọi là "văn kiện CBS")[9] là tường thuật sẵn có duy nhất từ Bhutan về lịch sử phát triển của quốc kỳ. Văn kiện này chủ yếu dựa trên những giải thích thu được bằng cách phỏng vấn với những cá nhân trực tiếp tham gia sáng tạo và cải biến quốc kỳ tại Bhutan, từ cuối thập niên 1940 cho đến khi thông qua quốc kỳ hiện tại vào khoảng năm 1970.

Quốc kỳ đầu tiên (1949) sửa

 
 Minh họa về quốc kỳ đầu tiên của Bhutan, sử dụng trong lễ ký Hiệp định Ấn Độ-Bhutan năm 1949, nó dựa trên ảnh trắng-đen về sự kiện, màu được lấy theo văn kiện sau này.

Văn kiện CBS ghi rằng quốc kỳ đầu tiên được thiết kế theo yêu cầu của Druk Gyalpo đệ nhị của Vương quốc Bhutan thế kỷ 20 là Jigme Wangchuk, và được xuất hiện trong lế ký Hiệp định Ấn Độ-Bhutan vào năm 1949.[9] Mặc dù văn kiện không cung cấp một minh họa về thiết kế nguyên bản, song các ảnh đen-trắng từ sự kiện lịch sử này cung cấp hình dung về quốc kỳ đầu tiên của Bhutan.[13][14]

Thiết kế quốc kỳ được công nhận là của Mayeum Choying Wongmo Dorji vào năm 1947.[11] Lharip Taw Taw là một trong vài họa sĩ khả dụng trong triều đình đương thời, ông được cho là người thêu quốc kỳ. Druk có màu lục nhằm phù hợp với ám chỉ truyền thống và tôn giáo về yu druk ngom (གཡུ་འབྲུག་སྡོནམ་).[9] Ngày nay, một bản mô phỏng hiện đại về thiết kế gốc này (với một số cải biến đáng kế do chịu ảnh hưởng từ quốc kỳ hiện tại) được trưng phía sau vương vị tại Tòa nhà quốc hội tại Thimphu.[9][15]

Theo văn kiện CBS, quốc kỳ nguyên bản của Bhutan có ba màu được phân chia theo đường chéo từ góc phía dưới của phía kéo cờ. Nền vàng trải ở tam giác phía trên, và nền đỏ ở tam giác phía dưới. Tại trung tâm của quốc kỳ, tại nơi giao giữa màu vàng và màu đỏ, là một Druk màu lục, nằm song song với cạnh dưới và đối diện với phía bay.[9] Tuy nhiên, văn kiện CBS không minh họa những phiên bản đầu tiên của quốc kỳ và miêu tả trong đó về quốc kỳ năm 1949 không toàn toàn phù hợp với những bức hình còn lại từ năm 1949. Văn kiện mô tả quốc kỳ hình vuông, trong khi tỷ lệ theo những bức hình là khoảng 4:5. Văn kiện mô tả rồng đối diện với phía bay, song rồng trong những bức hình đối diện với phía kéo cờ. Rồng được mô tả là song song với cạnh dưới, song trong hình thì nó xiên hơi theo chiều thẳng đứng. Rồng được mô tả là màu lục, song nếu vậy trong bóng hình phải rất nhatj.

Những sách của phương Tây cho đến sau năm 1970 thường biểu thị quốc kỳ Bhutan gần giống với hình năm 1949.[16][17][18][19]

Cải biến năm 1956 sửa

Phiên bản thứ nhì của quốc kỳ được phát triển trong năm 1956 nhằm phục vụ chuyến công du của Druk Gyalpo đệ tam là Jigme Dorji Wangchuk đến miền đông Bhutan. Trong chuyến đi, ban thư ký của Druk Gyalpo bắt đầu sử dụng những lá quốc kỳ với thiết kế mới dựa trên một ảnh về quốc kỳ đầu tiên năm 1949, với màu của rồng chuyển từ lục sang trắng. Đoàn tùy tùng của Druk Gyalpo gồm một đội hậu vệ với hơn 100 con ngựa; một phiên bản nhỏ của quốc kỳ được đặt trên yên của mọi con thứ tròn chục, và một quốc kỳ lớn có kích thước khoảng 6 foot vuông (0,56 m2) được treo tại trại mỗi đêm, được kéo lên trong âm thanh của kèn.[9]

Cải biến sau năm 1956 sửa

Bắt đầu từ cuối thập niên 1950, cựu thư ký của Jigme Dorji Wangchuck và Chủ tịch Quốc hội (1971–74) là Dasho Shingkhar Lam thỉnh cầu Long vương tiến hành một số cải biến đối với quốc kỳ; ông chịu trách nhiệm về thiết kế hiện tại,[20] từ năm 1969.[21] Long vương được tường thuật là không thỏa mãn trước việc các quốc kỳ Bhutan hình vuông ban đầu không vẫy được giống như quốc kỳ Ấn Độ hình chữ nhật khi được trưng trong một chuyến công du của một quan chức Ấn Độ đến Bhutan. Kích thước chuẩn của quốc kỳ Bhutan do đó biến đổi cho giống với quốc kỳ Ấn Độ, tức 9 feet:6 feet.[9]

Trong một cải biến khác, rồng vốn được đặt gần nằm ngang tại trung tâm của quốc kỳ nay được đặt lại để trải theo đường chéo phân chia giữa hai màu nền. Cải biến này nhằm tránh việc có rồng "đối diện với đất" khi quốc kỳ không tung bay khi treo. Họa sĩ người Bhutan Kilkhor Lopen Jada vẽ một thiết kế mới cho druk, theo đó những đường cong của thân rồng được nới lỏng nhằm tạo nên một hình hơi dài hơn và gợn sóng nhẹ hơn.[9]

Văn kiện CBS ghi rằng Long vương ra lệnh màu của nửa phía dưới được chuyền từ đỏ sang cam trong năm 1968 hoặc 1969.[9]

Quốc kỳ Bhutan được treo ở ngoại quốc lần đầu tiên vào năm 1961 trong chuyến công du cấp quốc gia đến Ấn Độ của Jigme Dorji Wangchuck. Chuyến công du này là nhằm khởi đầu một cấp mới trong quan hệ giữa hai quốc gia.[22]

Quy định sửa

 
Minh họa Quốc kỳ Bhutan trên màu sơn của hãng hàng không quốc gia Druk Air.

Ngày 8 tháng 6 năm 1972, Quốc hội Bhutan phê chuẩn Nghị quyết số 28, hiệu lực hóa điều lệ về quốc kỳ do Nội các phê chuẩn.[23] Điều lệ gồm tám điều khoản, bao gồm những mô tả và tính tượng trưng của các màu, nền, và yếu tố thiết kế của quốc kỳ. Những điều khác liên quan đến kích thước của quốc kỳ cũng như lễ nghi quốc kỳ bao gồm việc những dịp thích hợp để treo quốc kỳ và cá nhân có thể trưng quốc kỳ trên xe. Về tổng thể, quốc kỳ được trao cho sự tôn trọng ngang với quốc gia và nguyên thủ quốc gia. Không hiệu kỳ nào được đặt cao hơn quốc kỳ Bhutan, quốc kỳ không được sử dụng để bọc ngoài hoặc làm rèm (với một số ngoại lệ) và không được để quốc kỳ chạm đất. Những điều khoản khác gồm có những cấm chỉ thể hiện thiết kế quốc kỳ trong những mục đích khác hoặc trong một biểu trưng. Đặc biệt, có thể sử dụng quốc kỳ để bọc quan tài, song chỉ áp dụng với những quan chức quốc gia cấp cao như bộ trưởng hoặc những nhân viên quân sự.[8]

Điều lệ năm 1972 cũng quy định rằng "mỗi dzongkhag [trụ sở huyện] sẽ treo quốc kỳ. Tại nơi không có dzongkhag, quốc kỳ sẽ được treo tại phía trước của văn phòng của quan chức chính của chính quyền."[8]

Những quan chức trên cấp bộ trưởng được phép treo quốc kỳ trong dinh thự của mình với điều kiện là họ không cư trú gần thủ đô.[8] Truyền thống treo quốc kỳ trước văn phòng chính quyền không tồn tại ở Bhutan trước năm 1968, song Druk Gyalpo ra chiếu chỉ thực thi tiêu chuẩn sau khi Ban thư ký của ông chuyển từ Taba đến Tashichho Dzong vào năm này.[15] Ngày quốc kỳ duy nhất được quy định theo điều lệ năm 1972, được tổ chức vào ngày 17 tháng 12 hàng năm.[8], tức ngày quốc khánh.

Tham khảo sửa

  1. ^ a b c “National Flag”. National Portal of Bhutan. 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 9 năm 2010. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2010.
  2. ^ a b Crins, Rieki (2009). Meeting the "Other": Living in the Present: Gender and Sustainability in Bhutan. Eburon Publishers. tr. 112–113. ISBN 978-90-5972-261-3. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2010.
  3. ^ Von Gersdorff, Ralph (1997). Bhutan: Mountain Fortress of the Gods. Serindia Publications. tr. 184. ISBN 978-0-906026-44-1. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2010.
  4. ^ a b Dubgyur, Lungten. “The Royal Court of Justice Crest”. Royal Court of Justice, Bhutan. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2010.
  5. ^ Bates, Roy (2007). All About Chinese Dragons. tr. 102. ISBN 978-1-4357-0322-3. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2010.
  6. ^ “Flag of Bhutan”. Encyclopedia Americana: Falstaff to Francke. 11. Scholastic Library Publishing. 2006. tr. 356.
  7. ^ a b Specification Sheet 007. William Crampton Flag Institute. ngày 1 tháng 8 năm 1994.
  8. ^ a b c d e f “The National Flag Rules of Bhutan (1972)” (PDF). 1972. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 24 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2010.
  9. ^ a b c d e f g h i j Penjore, Dorji; Kinga, Sonam (tháng 11 năm 2002). The Origin and Description of The National Flag and National Anthem of The Kingdom of Bhutan (PDF). Thimphu: The Centre for Bhutan Studies. tr. 1−43. ISBN 99936-14-01-7. (Archived tại WebCite)
  10. ^ a b c “The Constitution of the Kingdom of Bhutan” (PDF). Government of Bhutan. ngày 18 tháng 7 năm 2008. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 6 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2010. |chapter= bị bỏ qua (trợ giúp)
  11. ^ a b “National Symbols”. Department of Information Technology. 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2010.
  12. ^ “First Schedule – The National Flag and the National Emblem of Bhutan”. Constitution of the Kingdom of Bhutan. 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2010.
  13. ^ Một bức hình (xem “Indo-Bhutan Friendship Treaty, 8th of August, 1949”. New Delhi: National Gallery of Modern Art. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2010.) được trưng bày trong triển lãm năm 2009 “Bhutan: An Eye to History”. New Delhi: National Gallery of Modern Art. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2010. BBC đưa tin về triển lãm này (xem “In pictures: Rare images of Bhutan go on display”. BBC. ngày 14 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2010.) cung cấp chú thích sau cho bức hình: "Hiệp định Hữu nghị Ấn Độ-Bhutan năm 1949 đặt cơ sở cho quan hệ mật thiết giữa Bhutan và Ấn Độ. Nó được ký kết tại tòa nhà chính phủ tại Darjeeling vào năm 1949. (Ảnh: Tổ mẫu vương hậu Bhutan)."
  14. ^ “Indo-Bhutanese Treaty”. Bhutan 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 10 năm 2010. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2010.
  15. ^ a b Gyeltshen, Tshering (2002). “First national flag designed in 1949”. Kuensel Online. Kuensel Corporation. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2010.
  16. ^ I.O. Evans (1963). The Observer's Book of Flags.
  17. ^ Gordon Campbell and I.O. Evans (1965). The Book of Flags.
  18. ^ E. M. C. Barraclough (1965). Flags of the World.
  19. ^ Karl-Heinz Hesmer (1975). Flaggen Wappen Daten.
  20. ^ Ura, Karma (1995). The Hero With a Thousand Eyes. Karma Ura. tr. 232. ISBN 9788175250017.
  21. ^ Costantino, Maria (2001). The Illustrated Flag Handbook. Gramercy Books. tr. 46. ISBN 9780517218105.
  22. ^ Warikoo, K. (2008). Himalayan Frontiers of India: Historical, Geo-Political and Strategic Perspectives. Routledge. tr. 142. ISBN 978-0-415-46839-8. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2010.
  23. ^ National Assembly Secretariat (1999). Proceedings and Resolutions of the National Assembly from 31st to 50th sessions, Vol. 2. Government of Bhutan. tr. 97.