Thành viên:LuanNguyen (M.A)/Thủ Tướng Chính Phủ Phan Văn Khải

Phan Văn Khải (Thủ tướng Chính phủ Việt Nam)

sửa

Tham gia ban lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầu đổi mới đất nước, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, lúc đó giữ cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP (1985 – 1989) đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt, nhất là về các quyết sách giúp thành phố “đi tắt đón đầu”, “đi trước về trước[1]


Mở ra chính sách xóa đói giảm nghèo


Dù chỉ có thời gian làm việc ở TP HCM không nhiều nhưng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lại đóng góp vào nhiều quyết sách, sau này trở thành chính sách chung của cả nước. Một trong số đó là chính sách xóa đói giảm nghèo.


Theo PGS TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP HCM, ông Sáu Khải vốn xuất thân từ nông dân nên khi làm lãnh đạo ông hết sức quan tâm đến việc chăm lo đời sống cho những người dân ở vùng kháng chiến cũ. “Anh ấy có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM, mà một trong số đó là hình thành ra mô hình sau này rất phổ biến - chính sách xóa đói giảm nghèo”, ông Biên cho biết.


Đến viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải ở Hội trường Thống Nhất TP HCM, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm xúc động cho biết: “Anh em chúng tôi hay đùa với nhau rằng, anh Sáu Khải là Thủ tướng xóa đói giảm nghèo. Giữa hai người có những kỷ niệm khó quên mà tôi luôn lưu giữ trong lòng”.


Theo ông Phạm Gia Khiêm, một trong những ấn tượng rất đặc biệt trong nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chính là ông luôn quan tâm đến người dân, nhất là đối tượng người có công, gia đình chính sách và đồng bào sống ở vùng sâu, vùng xa.


Điều này thể hiện trong những trăn trở, hành động của ông, nhất là các chỉ đạo rất quyết liệt trong chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo.


Chính sách này có khởi nguồn từ TP HCM, ngay tại quê hương ông - xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.


Theo lãnh đạo huyện Củ Chi, trong mỗi dịp về công tác, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn quan tâm đến người dân địa phương, thể hiện qua việc góp ý định hướng phát triển kinh tế-xã hội, ông luôn luôn dặn dò các đồng chí ở địa phương phải hết sức quan tâm đến đời sống người dân, đặc biệt là những gia đình nghèo,…


Theo PGS TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong chính sách xóa đói giảm nghèo thời nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có những thành công đáng ghi nhận.


Các nguồn tài trợ ODA đều được Chính phủ ưu tiên hướng tới giải quyết các vấn đề đói nghèo ở vùng sâu, vùng xa.


Kết quả, Việt Nam đã xóa được đói, giảm tỷ lệ nghèo một cách thần kỳ, được cộng đồng quốc tế công nhận là thành tích trong cải cách vào thời kỳ đó.


Khơi thông Luật Doanh nghiệp


Từ thực tiễn sôi động của TP HCM trong những năm đầu đổi mới, và nhờ kinh qua vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã có dịp tiếp xúc và thấu hiểu với những trăn trở, khó khăn của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, cũng như các vấn đề kinh doanh.


Theo ông Võ Song Toàn, Phó Trưởng khoa Kinh tế Luật, thuộc ĐH Ngân hàng TP HCM, sau khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, doanh nghiệp, doanh nhân và môi trường kinh doanh là một trong những ưu tiên hàng đầu trong Chính phủ.


Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn xác định xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường, là nền tảng quan trọng nhất để đất nước phát triển. Một trong số các quyết sách để lại dấu ấn của ông chính là Luật Doanh nghiệp.


“Thay vào các quy định ràng buộc thì lần đầu tiên Luật ghi nhận, cho phép người dân, doanh nghiệp được quyền tự làm những việc gì mà Nhà nước không cấm. Đó là luật đổi mới rõ ràng nhất, là bước đầu tiên cho thấy sự mở cửa của Việt Nam, giải quyết sự bất bình đẳng trong các loại hình doanh nghiệp quốc doanh, ngoài quốc doanh”, ông Toàn nhìn nhận.


Theo ông Trương Trọng Nghĩa, ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH TP HCM, từng là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ (1997 – 2006),  8 năm làm việc trong Ban Nghiên cứu tôi thấy ít có nguyên thủ nào chịu khó nghe và chân tình với các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả lời trái tai,... như nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.


“Anh rất chịu nghe  do đó những đúc kết, điều chỉnh, ứng dụng vào việc điều hành Chính phủ đa số đều phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội đất nước lúc bấy giờ” – ông Nghĩa chia sẻ.


PGS TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM nhớ lại, thời điểm năm 1997 khi ông Phan Văn Khải được bầu làm Thủ tướng Chính phủ là lúc mà khủng hoảng tài chính châu Á có tác động xấu đến kinh tế Việt Nam, thế nhưng Chính phủ đã kìm chế được lạm phát rất tốt, duy trì một mức tăng trưởng đều đặn, ổn định trong suốt 9 năm ông lãnh đạo.


PGS TS Nguyễn Lê Ninh nhận xét, nguyên Thủ tướng Phan văn Khải là người cách mạng, hiền lành, kiên trung, tâm huyết và có quyết tâm hội nhập rất lớn.    


Người kế tục xứng đáng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt


Thiếu tướng Lê Kế Lâm, Chuẩn Đô đốc Hải quân, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân nói: “Anh Sáu Khải có thể coi là một người kế tục xứng đáng những thành quả về kinh tế - xã hội mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại”.


Theo ông Lê Kế Lâm, giai đoạn anh Sáu Khải làm chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và từng được giao trách nhiệm đứng đầu nhóm soạn thảo Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000.


Anh Sáu Khải là người đứng đầu Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên sang thăm Mỹ, cũng như là người đặt nền móng cho quan hệ Việt – Nhật, nên sau này ông được nhà vua Nhật tặng Huân chương Hoàng Gia.

(Bài gốc của Thạc sĩ văn hóa, Nhà báo Nguyễn Thành Luân đang được lưu trữ tại nguồn dẫn https://www.xunghe24h.com/1-16-56699-vi-thu-tuong-voi-dau-an-dac-biet.html)

  1. ^ Xứ Nghệ 24h. “Vị Thủ tướng với dấu ấn đặc biệt”. Chú thích có tham số trống không rõ: |dead-url= (trợ giúp)