Tơ Đồng Nhã Nhạc sửa

Cung điệu trầm bổng thanh tao, cao nhã được cất lên qua sự hòa quyện của tiếng đàn Tranh và Tỳ Bà để diễn tả lòng keo sơn, gắn bó, thủy chung của những mối tình trong sáng, tri kỷ, tri âm.

  • Tơ Đồng:

Đàn Tỳ Bà cột bằng dây tơ. Đàn Tranh cột bằng dây đồng. Người ta thường chúc đôi tân hôn được xe duyên Cầm Sắt. Cầm: Tiền thân của đàn Tỳ Bà."Cầm Phục Hy sở tác, cổ vi ngũ huyền, hậu dụng tứ huyền, toàn huyền phàm thập tam huy" (đàn Cầm do vua Phục Hy chế ra, xưa là 5 dây,nay dùng 4 dây, thân đàn có 13 phiếm) Sách Hoàng Đàm Tân Luận:"Phục Hy thị thủy tước đồng vi cầm, thằng ti vi huyền" (đời thượng cổ, vua Phục Hy mới chẻ gỗ Ngô đồng làm thân đàn và xe tơ làm dây) Về sau người Hồ nương theo cây đàn Cầm để biến cải và đổi tên thành Tỳ Bà. Thích Danh:"Vị kỳ khí xuất ư Hồ trung mã thượng sở cổ; Thôi thủ tiền viết Tỳ; Dẫn thủ khước viết Bà"(sách Thích Danh gọi đàn này nguyên của quân Hồ cởi ngựa mà đàn; Đưa tay tới gọi là Tỳ; Kéo tay lui gọi là Bà)."Tỳ Bà tứ huyền nhạc khí, nội hệ tế đồng điều vi đảm, thập tam phẩm,do Cầm chi huy vị"(Đàn Tỳ Bà 4 dây, trong thân đàn có buộc một mãnh lá đồng cũng 13 phiếm như đàn Cầm). Ngày nay đàn Tỳ Bà có mặt tại nhiều nước châu Á. Đàn Tỳ Bà du nhập vào Việt Nam khoảng thế kỷ XI. Về cấu trúc, hình dáng của cây đàn Tỳ Bà Việt Nam nhỏ hơn so với đàn Tỳ Bà Trung Quốc, Trên đầu đàn có chạm hình con dơivà chỉ gắn 9 phiếm thay vì 13 phiếm.Về tính năng thì đàn Tỳ Bà Việt Nam chú trọng những âm biến cung và những kỹ thuật rung, nhấn, luyến láy.Còn của Trung Quốc thì chủ yếu dùng kỹ thuật reo dây, chạy nốt. Vì thế người Trung Quốc cầm đàn thẳng đứng còn Việt Nam thì cầm đàn nằm ngang. Sắt: Tiền thân của đàn Tranh."Cổ vi ngũ thập huyền, huyền các hửu trụ, khả thượng hạ di động"(đời xưa đàn này có 50 dây, mỗi dây mỗi trục, giỡ lên, giỡ xuống được,vặn căng vặn chùng được) Tần nhân cổ Sắt, huynh đệ tương tranh, phá chi nhi vị lưỡng, Tranh chi danh tự thử thủy, Tranh Tần thanh giả, Mông Điềm sở tạo.(xưa người Tần đàn Sắt, có hai anh em giành nhau chẻ ra làm hai. Từ đấy mới gọi là Tranh, giọng đàn Tranh là của người Tần do ông Mông Điềm chế tác). Mông Điềm là vị đai tướng triều Tần Thủy Hoàng (246-209)người đã cùng thái tử Phò Tô xây nên Vạn Lý Trường Thành.

  • Nhã Nhạc:

Những giai điệu,bài bản, cung luật được các cao nhân, danh cầm chế tác ra một cách hoàn chỉnh,có hệ thống để phục vụ cho một đối tượng nhất định. Nhã Nhạc là một tích hợp sáng tạo những âm thanh huyền nhiệm vốn có trong trời đất của Phương Đông.Vì thế trong lịch sử châu Á đã có một số triều đại quân chủ lập nên các ban Nhã Nhạc để phục vụ cho vương triều của mình. Ở Việt Nam Nhã Nhạc cũng đã từng có từ thời Lê. Nhưng phải đến triều Nguyễn đời Minh Mạng, Nhã Nhạc mới được hoàn chỉnh một cách có hệ thống và được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Vĩnh Tuấn