Tổng Kiêm- Đốc Bang anh hùng chống Pháp trước khi có Đảng lãnh đạo (1909-1910) sửa

Tổng Kiêm tên thật là Nguyễn Văn Kiêm ở xóm Đễnh xã Mông Hóa, tổng Mông Hoá, châu Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Xuất thân từ gia đình thuần nông, nhưng được gia đình cho ăn học cho nên ông có nhiều hiểu biết về tình hình thời cuộc. Ông tham gia vào bộ máy chính quyền của thực dân Pháp, làm Chánh tổng Mông Hóa, châu Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, cho nên ông có tên gọi là Tổng Kiêm. Đốc Bang tên thật là Nguyễn Đình Nguyên, người xóm Dụ xã Mông Hóa, tổng Mông Hóa, châu Kỳ Sơn. Sinh ra trong một gia đình nông dân, là thanh niên có chí và tự lực rất cao, ông tham gia trong bộ máy chính quyền của Pháp ở Hòa Bình và giữ chức vụ Đề Đốc, cho nên ông có tên gọi là Đốc Bang.

 
Ảnh chụp năm 1908

Ở xã Mông Hóa có Lang Cun Đinh Công Oai nổi tiếng là lang tham tàn, độc ác. Đinh Công Oai đã chiếm đoạt nhiều ruộng đất của nhân dân, hắn đã cướp hết những ruộng tốt nhất trong xã. Nhân dân trong xã hàng ngày bị Đinh Công Oai bắt làm sâu làm nõ rất cực nhọc. Bị áp bức bóc lột nặng nề, nhân dân xã Mông Hóa rất căm thù Đinh Công Oai, mọi người đã làm đơn kiện Đinh Công Oai lên tỉnh. Trước sức ép của nhân dân, nhà cầm quyền Pháp ở tỉnh cách chức Lang Cun Chánh tổng Đinh Công Oai và bắt y phải trả lại ruộng đất cho nhân dân. Theo tục lệ của người Mường, thì chức Quan lang Mông Hóa sau khi Đinh Công Oai bị đổ, phải được truyền cho con cháu. Nhưng Đinh Công Nhung một quan lang tay sai của Pháp là người xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi đã dựa vào Pháp để tranh chức quan lang của dòng họ Đinh Công Oai ở Mông Hóa. Thực dân Pháp đã nghe Đinh Công Nhung và cho y làm Chánh Quan lang ở Hòa Bình.

Từ khi làm Chánh quan Lang tức làm Tuần phủ Hòa Bình, Đinh Công Nhung lại càng thẳng tay đục khoét nhân dân. Năm 1904, y đã cướp không của nhân dân Mông Hóa 8 mẫu ruộng tốt.

Nhân dân Mông Hóa do Tổng Kiêm và Đốc Bang đứng đầu lại đệ đơn lên Tòa sứ Hòa Bình. Tòa sứ Hòa Bình không xét đơn kiện. Nhân dân Mông Hóa lại kiện đưa đơn lên Phủ Thống sứ và Phủ Toàn quyền. Vụ kiện kéo dài dòng dã hai năm trời. Được viên Công Sứ và Phó Sứ Hòa Bình che chở, Đinh Công Nhung đã thắng kiện. Sau khi thắng kiện, Đinh Công Nhung tìm cách trả thù. Y ra lệnh bắt Tổng Kiêm (tức Nguyễn Văn Kiêm) và Đốc Bang (tức Nguyễn Đình Nguyên). Không bắt được Tổng Kiêm và Đốc Bang. Đinh Công Nhung đã bắt cha của Đốc Bang đóng cũi thả bè trôi sông cho đến chết. Hành động man rợ của Đinh Công Nhung đã làm bùng lên ngọn lửa căm thù thực dân Pháp và tay sai Đinh công Nhung; hai ông đã quyết tâm đứng lên chống Pháp và tay sai.

Tổng Kiêm và Đốc Bang đã bí mật tiến hành vận động, tuyên truyền nhân dân Mông Hóa ủng hộ để đánh đuổi thực dân và phong kiến Lang đạo. Đến đầu tháng 4/1909, số người ủng hộ và quyết tâm theo hai ông chống Pháp đã lên tới 41 người. Ngày 15/4/1909 hai ông đã tổ chức làm Lễ tế cờ ở núi Viên Nam. Cờ của nghĩa quân bằng vải đỏ có viết hai chữ “Bình Tây” bằng chữ Hán. Tại buổi tế cờ, nghĩa quân còn nêu khẩu hiệu: “Nam Sơn Hoàng Bà, khởi nghĩa Bình Tây, Độc lập Chính phủ”. Nam Sơn Hoàng Bà là tên quả núi nơi nghĩa quân làm Lễ tế cờ. Tổng Kiêm được suy tôn làm Chánh Thống tướng, Đốc Bang được suy tôn làm Phó Thống tướng. Sau buổi tế cờ, nghĩa quân tỏa đi trong xã và vùng xung quanh vận động nhân dân ủng hộ nghĩa quân về lương thực, thực phẩm để luyện tập võ nghệ và ủng hộ vũ khí tự tạo để đánh Pháp. Vũ khí trang bị của nghĩa quân có 1 khẩu súng Hỏa mai, tám thanh mã tấu, một số cung nỏ, gậy gộc và một chiếc thuyền nan. Tổng Kiêm và Đốc Bang lên kế hoạch tấn công vào Tỉnh lỵ Hòa Bình để phá tan bộ máy tay sai của thực dân Pháp ở Hòa Bình. Hai ông đã cho người lên liên lạc với viên Đề Đốc là cháu Đinh Công Oai để nắm tình hình địch ở tỉnh lỵ, chờ thời cơ là tấn công vào tỉnh lỵ. Ngày 02/8/1909 được tin báo: Viên Công sứ Rê - Nhi - ê đi dưỡng bệnh, Phó sứ Pa - Tơ - Rếch đi thanh tra các đồn điền. Thấy cơ hội đánh vào tỉnh lỵ Hòa Bình đã đến, Tổng Kiêm và Đốc Bang đã làm Lễ xuất quân tại núi Hang Gà (Tên địa phương gọi Hang Ca), bên cạnh làng Dụ thuộc xã Mông Hóa. Cuộc hành quân tiến đánh tỉnh lỵ Hòa Bình, nghĩa quân chia làm 2 toán để vượt sông Đà tiếp cận thị xã tỉnh lỵ. Một toán do Đốc Bang chỉ huy đánh vào nhà Giám Binh, một toán do Tổng Kiêm chỉ huy đánh vào Trại lính khố xanh. Đúng 1 giờ sáng ngày 03/8/1909, toán quân do Tổng Kiêm chỉ huy lọt vào Trại lính khố xanh. Tên lính gác và 5 lính khố xanh ngủ trong nhà bị nghĩa quân chém chết tại chỗ, 16 lính khố xanh khác bị chém bị thương, số còn lại hoảng sợ chạy toán loạn. Ở khu vực nhà Giám binh, viên Giám binh Se - Nhô đang ngủ, thấy động vừa bật dậy đã bị Đốc Bang chém chết. Sau một giờ bằng lối đánh bí mật bất ngờ, Nghĩa quân đã làm chủ hoàn toàn thị xã tỉnh lỵ Hòa Bình ( bên phố Đúng thuộc bờ trái sông Đà), Nghĩa quân phá kho súng, thu 150 súng trường kiểu 1874 và súng mútcơtông kiểu 1892 cùng 35.000 viên đạn. Tiếp đó nghĩa quân mở cửa nhà lao thả tất cả các tù phạm. Hàng chục tù phạm đã tự nguyện xin tham gia nghĩa quân. Tổng cộng lúc này nghĩa quân đã lên tới hơn 70 người và được trang bị súng đạn chỉnh tề. Đến 10 giờ sáng ngày 03/8/1909, nghĩa quân rút khỏi thị xã, sau khi đã phá các nhà công sở như: Kho Bạc, Sở Thương chính, nhà Lao…. Trên đường từ thị xã rút về căn cứ núi Viên Nam, nghĩa quân bất ngờ nổ súng đánh chiếm đồn Đồng Bến, tiêu diệt 15 tên lính pa ti giăng thu toàn bộ vũ khí.

Tin Tổng Kiêm, Đốc Bang đánh chiếm tỉnh lỵ Hòa Bình làm cho bọn thực dân Pháp ở Hà Nội hoảng sợ. Ngày 04/8/1909 quyền Thống sứ Bắc Kỳ là Mi- Ri - Ben lên tận thị xã Hòa Bình để thị sát và trấn an binh lính địch chạy trốn trở về thị xã. Về Hà Nội Mi- Ri- Ben cùng viên Tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương lập kế hoạch tiêu diệt nghĩa quân Tổng Kiêm, Đốc Bang. Ngày 14/8/1909 đại úy Ma -Ti- Ơ được lệnh đem 80 lính Lê Dương từ Việt Trì theo đường thủy tiến đến Hòa Bình để tiêu diệt nghĩa quân. Trung úy Lê- Ô- Na đem 50 lính khố đỏ từ Hà Nội đi theo đường Sơn Tây đến đóng ở dọc đường số 6 đoạn dốc Kẽm để ngăn chặn nghĩa quân tiến theo đường số 6 về Hà Đông. Khi đi qua Sơn Tây Lê - Ô - Na lấy thêm quân rồi kéo về Tiến Xuân đi qua xã Yên Quang, sau đó tiến thẳng về Đồng Mỏ. Tới Đồng Mỏ quân của Lê - Ô - Na bị nghĩa quân phục kích và bị thiệt hại nặng nên phải dừng lại không dám tiến sâu vào núi Viên Nam.

Trước tình thế bất lợi, Quyền Thống sứ Bắc kỳ một mặt dùng lực lượng quân sự để tiêu diệt nghĩa quân, mặt khác y lại cho người báo với Tổng Kiêm và Đốc Bang biết rằng nhà cầm quyền Pháp muốn điều đình. Nhận được tin này, Tổng Kiêm và Đốc Bang đã trả lời quyền Thống sứ Bắc Kỳ Mi- Ri- Ben rằng: “Họ chỉ ngừng chiến đấu khi lấy được đầu Đinh Công Nhung”. Nhận được tin này, Mi -Ri-Ben liền ra lệnh mở cuộc hành quân tấn công vào Mông Hóa, căn cứ chủ yếu của nghĩa quân. Cánh quân của Ma- Ti- Ơ được tăng cường, cánh quân của Lê- Ô-Na cũng được bổ sung thêm một trung đội lính khố đỏ do Trung úy Đê- Ga-Rê chỉ huy từ Sơn Tây kéo đến Yên Lệ (tức xã Yên Bình ngày nay). Ngày 14/8/1909, đại úy Ma- Ti-Ơ dẫn 115 lính Lê Dương và 100 lính khố xanh tiến vào Mông Hóa phối hợp cùng cánh quân do Lê Ô Na chỉ huy hợp điểm tại xóm Đễnh và cùng tiến lên núi Viên Nam. Lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, nghĩa quân đã bố trí nhiều trận địa mai phục trên con đường rừng từ xóm Gò Bùi đi núi Viên Nam. Quân địch mặc dù đông quân, nhưng leo ngược sườn đồi tiến về núi Viên Nam nên đã bị nghĩa quân đánh bật trở lại.

Ngày 23/8/1909, Quan toàn quyền Đông Dương KLOBU- KOWSKI lên Hòa Bình trấn an tinh thần cho hệ thống chính quyền tay sai. Quân đội Pháp và các quan lang ở Hòa Bình đã hứa với Quan Toàn quyền Đông Dương là sẽ nhanh chóng chinh phục được Tổng Kiêm. Ngày 24/8/1909, quân Pháp tổ chức càn vào xóm Dụ nhưng đã bị lực lượng của nghĩa quân chặn đánh quyết liệt, buộc chúng phải tháo chạy về phía Đồng Sông. Đêm 26/8/1909, một lực lượng của nghĩa quân bí mật xuất phát từ núi Viên Nam hành quân ra khu vực Hòa Lạc đánh chiếm đồn Hòa Lạc ( thời gian này khu vực Hòa Lạc thuộc tỉnh Hòa Bình) tiêu diệt 4 lính khố xanh và bắn bị thương 5 lính. Nghĩa quân đã làm chủ hoàn toàn đồn Hòa Lạc. Biết tin đồn Hòa Lạc bị tấn công, quân Pháp từ các đồn Đồng Sông, Yên Lệ, Cổ Rùa tiến về Hòa Lạc đánh nghĩa quân để lấy lại đồn, hai bên chiến đấu giằng co 2 ngày, để bảo toàn lực lượng, đêm ngày thứ 3 lực lượng của nghĩa quân đã bí mật rút lui an toàn về núi Viên Nam.

Trước sự hoạt động của nghĩa quân, thực dân Pháp một mặt cho tiếp tục mở các cuộc càn quét vào xã Mông Hóa để tiêu diệt lực lượng nghĩa quân, mặt khác chúng cho thiết lập hệ thống đồn bốt nhằm ngăn chặn các hoạt động của nghĩa quân, bao vây chặt đứt các nguồn tiếp tế lương thực và thực phẩm của nghĩa quân. Hệ thống đồn bốt của chúng gồm: Hòa Bình, Đồng Sông, Cổ Rùa, Đồng Bến, Mại Thôn, Yên Lệ, Hòa Lạc, Hòa Mục, Đồng Dăm, Xuân Mai, Chợ Đồn… Để chống lại âm mưu của địch, Tổng Kiêm và Đốc Bang đã quyết định chia nghĩa quân ra thành những toán nhỏ để quấy rối địch, tổ chức nhiều điểm phục kích khiến chúng không thể tập trung lực lượng tiêu diệt nghĩa quân. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân lúc này được mở rộng sang Sơn Tây, Phú Thọ, nhưng vùng núi Viên Nam vẫn là căn cứ chính của nghĩa quân. Vào thời điểm cuối năm 1909, sau khi tung một lực lượng thăm dò toàn bộ vùng Mông Hóa, giặc Pháp đã biết được ý định của Tổng Kiêm, Đốc bang, quyền Thống sứ bắc Kỳ Mi- Ri-Ben quyết định điều động một lực lượng lớn về vùng mông Hóa vây chặt dãy núi Viên Nam, quyết tiêu diệt cho kỳ được nghĩa quân. Đầu tháng giêng năm 1910, Mi- Ri- Ben điều động 3000 quân chủ yếu là quân Pháp, lính khố đỏ và lính Lê Dương triển khai thế trận bao vây núi Viên Nam. Tại núi Viên Nam nhiều cuộc giao chiến đã xảy ra. Nghĩa quân đánh lui hàng chục đợt tiến công của giặc Pháp nhưng vì quân giặc quá đông, vòng vây của địch mỗi ngày khép chặt lại, cuối cùng Tổng kiêm và Đốc Bang quyết định để lại một bộ phận do Nguyễn Hiền Chỉ huy tiếp tục chiến đấu với địch còn đại bộ phận lực lượng bí mật rút về tỉnh Sơn Tây. Nghĩa quân đi tới xã Tân Dân thì đụng độ với giặc. Sau đó nghĩa quân lại chuyển về vùng Mại Thôn và Phú Cường. Tại đây, nhân đêm tối, Tổng Kiêm và Đốc Bang cho thuyền chuyển quân sang đóng ở làng Việt Tiến, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Thực dân Pháp điều quân tấn công khu vực Việt Tiến, nghĩa quân rút về Bản Thôn xã Thanh Thủy. Bị quân Pháp đuổi theo Nghĩa quân phải vượt sông Đà trở lại Ba Vì và tiến về phía núi Viên Nam thuộc xã Mông Hóa. Thực dân Pháp điều quân đến bao vây khu vực núi Viên Nam. Chúng không tấn công nghĩa quân mà chỉ bao vây chặn các đường giao thông tiếp tế lương thực. Lương thực của nghĩa quân cạn dần, do đó tinh thần chiến đấu của nghĩa quân mỗi ngày một sa sút. Nghĩa quân lâm vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Ngày 20/01/1910, Tổng Kiêm và Đốc Bang quyết định đánh một trận cuối cùng với quân đội Pháp để phá vòng vây thoát khỏi khu vực núi Viên Nam. Kết quả trận đánh, nghĩa quân bị tiêu diệt 8 người, 17 người bị bắt trong đó có Tổng Kiêm và Đốc Bang. Thực dân Pháp mang Tổng Kiêm và Đốc Bang về giam ở nhà tù Hà Nội, sau đó Tổng Kiêm bị kết tù chung thân và đày đi nhà tù Côn Đảo, Đốc Bang bị kết án 20 năm tù và đày đi nhà tù Lạng Sơn.

Cuộc khởi nghĩa chống Pháp do Tổng Kiêm và Đốc Bang lãnh đạo kéo dài gần một năm từ khi làm Lễ tế cờ (15/4/1909) đến khi đánh trận cuối cùng sống mái một phen với bọn thực dân (20/01/1910) của nghĩa quân. Cuộc khởi nghĩa làm cho chính quyền thực dân phong kiến từ Trung ương đến tỉnh Hòa Bình hoang mang, lo sợ; là đòn cảnh tỉnh cho những tên Quan Lang tham tàn áp bức bóc lột nhân dân Hòa Bình trong hệ thống tay sai của thực dân Pháp.

Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu kiên cường, bền bỉ, chống giặc ngoại xâm, chống ách áp bức bóc lột, đại diện cho nhân dân dân tộc Mường Hòa Bình kiên quyết không chịu làm nô lệ, đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược để giải phóng quê hương đất nước.

Cuộc khởi nghĩa chống Pháp do Tổng Kiêm, Đốc Bang lãnh đạo bị thất bại nhưng đã để lại nhiều bài học quý bổ sung cho lý luận quân sự của Đảng ta sau này về chiến lược, chiến thuật quân sự như: lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, bí mật bất ngờ, phục kích và tập kích, quân sự hóa toàn dân khi có chiến tranh nổ ra, tổ chức hậu cần tại chỗ…. Tinh thần, khí phách và hành động dũng cảm, kiên cường chỉ huy nghĩa quân đánh Pháp của Tổng Kiêm, Đốc Bang năm 1909-1910 xứng danh là: “Anh hùng chống Pháp” trước khi có Đảng lãnh đạo./.