LÊ THIẾU NHƠN

Lê Thiếu Nhơn là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam.

TIỂU SỬ

Ông sinh năm 1978 tại Phú Yên. Từ năm 1993-1996, ông học tại Trường Chuyên Lương Văn Chánh - Tuy Hòa - Phú Yên. Đây là giai đoạn mà Lê Thiếu Nhơn nổi đình nổi đám với những bài thơ hồn nhiên, trong trẻo in trên các tập san dành cho tuổi mới lớn: Mực Tím, Hoa Học Trò, Áo Trắng, Tuổi Xanh... cùng những tên tuổi bạn bè khác như: Đường Hải Yến, Trang Hạ, Đào Phong Lan, Đỗ Thị Tuyết Hoa, Trương Thủy Trúc...

Chào nghe giòng sông thương nhớ! Mai ta vô Sài Gòn rồi Chiều ai ra sông giặt áo Giữ giùm, kẻo tóc rối mây

Gót chân của ai về muộn Lội bì bõm ướt tiếng ve Diều tuổi thơ vừa rớt xuống Kéo lên nửa mảnh trăng hè

Chào nghe sông Ba tội nghiệp! Lục bình trôi sẽ quay về Đừng đêm nào òa lên khóc Ai rơi nước mắt bây giờ...

   ( Khúc hát gửi lại, in trên Mực Tím, 1995 )

Mặt trời nấu đỏ cánh phượng Cho chiều hửng một tiếng ve Cho vơi hết giòng sông nhỏ Cho mưa lỗi nhịp ngày hè

Mưa vắt ngang mây, phân nửa Đủ để che kín mặt trời Tóc dài đủ đo thương nhớ Lòng ai một nhịp buông lơi

Tội chưa, ngày còn đi học Ta đợi chẳng chịu cùng về Giờ một mình mưa ướt áo Đổ thừa do giữa... đồng quê

     ( Cổng trường ngày chia tay, in trên Mực Tím, 1995 )

Từ năm 1996-2000, ông theo học khoa Báo chí tại Trường ĐHKH & NV - TP.HCM.

Vào năm 2007, ông là nhà thơ Việt Nam đầu tiên tự quảng cáo thơ mình trên các trang web như: thunguyetvn.com, nguoiyeutho.com.vn, vuhong.com..., với nội dung rất dí dỏm:

“Trong khi chờ đợi sự giới thiệu ban ơn của các nhà báo viết điểm sách và chờ đợi qua cơn ngái ngủ của các nhà phê bình thơ, tôi đành tự quảng cáo thơ mình. Tập thơ Trong bóng người xưa của tôi, do Nhà xuất bản Văn Nghệ cấp phép, gồm có năm phần: “khuyến mãi gì để bảo hành niềm tin?”, “nhân tình áo giấy vẫn ngồi đâu đây”, “đám giỗ thánh thần sốt ruột trẻ con”, “tội nghiệp những màu hoa quá cảnh trần gian” và “tôi cố nuôi chí lớn thành cây kiểng”. Tập thơ dày 80 trang, giá bán 10 nghìn đồng, có thể mua tại các nhà sách trên địa bàn TP HCM và Hà Nội. Hoặc ngại chen lấn ở nhà sách thì mua trực tuyến www.vinabook.com (giao hàng tận nơi, không kèm phụ phí trong nước). Theo tính toán của tôi: trừ đi tiền in, xuất bản phí và phát hành phí, giá bán này, nếu tiêu thụ hết 1.000 cuốn thì chỉ hòa vốn!

Bây giờ kinh tế thị trường, tôi thấy keo dính chuột cũng quảng cáo, nên không lý do gì tôi không quảng cáo thơ như một sản phẩm.

Tôi tự đánh giá, thơ tôi nằm ở vị trí hay vừa vừa, chứ không hay lắm. Thơ tôi vừa đủ để độc giả suy tư, và vừa đủ bản thân tôi… tán gái. Còn thơ trẻ mà rất hay, thì tôi xin đơn cử trường hợp Mattie, thần đồng thơ nước Mỹ với tập Khúc hát trái tim. Cũng vì thơ rất hay nên mới 14 tuổi Mattie đã được Thượng Đế mời lên trời phụ trách văn thư vào năm 2004 (Tôi nằm mơ nghe ai đó nói rằng, bây giờ Mattie đã trở thành một cán bộ mẫn cán của thiên đình. Trong Báo Cáo Địa Cầu năm 2006 gửi Thượng Đế, Mattie có nhắc đến việc Việt Nam gia nhập WTO với dự báo phát triển kinh tế mạnh mẽ. Do đó, có thể tin tưởng vào tương lai, mỗi nhà thơ Việt Nam cũng sẽ được trợ cấp thất nghiệp)

Với tiêu chí thượng tôn giá trị thời hội nhập thương mại thế giới, tôi xin hứa: Độc giả nào bỏ ra 10 nghìn để mua “Trong bóng người xưa”, mà đọc xong thấy không hài lòng (và có thể chỉ ra tập thơ nào có giá bán tương tự, nhưng chất lượng cao hơn) thì tôi xin hoàn trả lại 20 nghìn...".



GIẢI THƯỞNG

Năm 2007, tập thơ Trong bóng người xưa của Lê Thiếu Nhơn được tặng thưởng của Hội Nhà Văn TP. HCM.



Năm 2018, Lê Thiếu Nhơn được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam.

TÁC PHẨM

Ông đã xuất bản các tập thơ:

Bài ca phía mặt trời ( NXB Trẻ - 1997) Dốc gió ( NXB Trẻ - 1999) Phố tình riêng ( NXB Trẻ - 2003) Trong bóng người xưa ( NXB Văn Nghệ TP.HCM - 2006) Bản tường trình giấc mơ đi vắng ( NXB Thanh Niên - 2009) Gió heo may ngày nắng gián đoạn ( NXB Văn Học - 2020 )

NHẬN XÉT: Lê Thiếu Nhơn coi trọng thủ pháp diễn đạt. chịu tìm tòi, chịu tốn thời gian cho thể nghiệm.

           ( Vũ Quần Phương - Bài tựa trong tập thơ Gió heo may ngày nắng gián đoạn- NXB Văn Học, 2020 )

Hiện ông đang sống và viết tại TP. HCM.