Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2009/Tuần 3

Bài viết chọn lọc năm 2009
Tuần 2 Tuần 4
Bức tượng Nữ thần Tự do

Chủ nghĩa tự do là một hệ tư tưởng, quan điểm triết học, và truyền thống chính trị cho rằng tự do là giá trị chính trị cơ sở. Chủ nghĩa tự do có nguồn gốc từ phong trào Khai sáng ở phương Tây, nhưng thuật ngữ này mang nhiều nghĩa khác nhau trong các giai đoạn khác nhau. Như tại Mỹ, khái niệm chủ nghĩa tự do có ý nói đến chủ nghĩa tự do mới trong khi ở các nơi khác nó vẫn mang ý nghĩa ban đầu của chủ nghĩa tự do cổ điển.

Một cách khái quát, chủ nghĩa tự do nhấn mạnh đến quyền cá nhân. Nó tìm kiếm một xã hội có đặc điểm là tự do tư tưởng cho mỗi cá nhân, hạn chế quyền lực, pháp trị, tự do trao đổi tư tưởng, một nền kinh tế thị trường hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tự do, và một hệ thống chính phủ minh bạch trong đó các quyền của công dân được bảo vệ. Trong xã hội hiện đại, người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ một nền dân chủ tự do có bầu cử công bằng và công khai mà mọi công dân đều được hưởng quyền bình đẳng trước pháp luật và có cơ hội thành công như nhau.

Nhiều người theo chủ nghĩa tự do mới ủng hộ sự can thiệp nhiều hơn của nhà nước đến thị trường tự do, thường dưới hình thức các đạo luật chống phân biệt, phổ cập giáo dụcđánh thuế lũy tiến. Triết lý này thường được mở rộng sang cả niềm tin rằng chính phủ phải có trách nhiệm tạo ra phúc lợi chung, trong đó có cả trợ cấp thất nghiệp, nhà ở cho người không nơi cư trú và chăm sóc y tế cho người ốm. Những hoạt động và sự can thiệp mang tính công cộng như trên không được sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển hiện đại, một chủ nghĩa nhấn mạnh đến tự do doanh nghiệp tư nhân, quyền sở hữu tài sản của cá nhân và tự do khế ước; các nhà tự do cổ điển cho rằng bất bình đẳng kinh tế là điều tự nhiên diễn ra từ sự cạnh tranh của thị trường tự do và không phải là lý do để dựa vào đó mà có thể vi phạm quyền sở hữu tài sản cá nhân.