Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2021/Tuần 1

Bài viết chọn lọc năm 2021
Tuần 53 Tuần 2

Chiến tranh Kim–Tống là một loạt các cuộc xung đột giữa triều đại nhà Kim (1115–1234) của người Nữ Chân và triều đại nhà Tống (960–1279) của người Hán. Năm 1115, các bộ lạc Nữ Chân nổi dậy, chống lại lãnh chúa của họ là những người Khiết Đan cùng triều đại nhà Liêu (907–1125), và tuyên bố khai sinh nhà Kim. Khi liên minh với nhà Tống để chống lại kẻ thù chung là nhà Liêu, nhà Kim hứa sẽ trả lại cho nhà Tống khu vực Yên Vân thập lục châu, vốn đã nằm dưới sự kiểm soát của nhà Liêu từ năm 938. Người Hán đồng ý thỏa thuận nhưng việc người Nữ Chân nhanh chóng đánh bại quân Liêu kết hợp với những thất bại quân sự liên tiếp của quân Tống, đã khiến hành động nhượng lãnh thổ của nhà Kim trở nên rất miễn cưỡng. Sau hàng loạt cuộc đàm phán khiến cả hai bên đều chán nản, người Nữ Chân tấn công nhà Tống vào năm 1125, họ điều động một cánh quân đến Thái Nguyên và một cánh quân khác tới kinh đô Biện Kinh (Khai Phong ngày nay) của nhà Tống.

Bất ngờ khi nghe tin về cuộc xâm lược, tướng Tống là Đồng Quán rút lui khỏi Thái Nguyên, trước khi nơi này bị bao vây và chiếm đóng. Khi nhánh quân Kim thứ hai tiến đến kinh đô, Tống Huy Tông buộc phải thoái vị và chạy về phía nam. Triệu Hoàn, con trai cả của Huy Tông lên ngôi, miếu hiệu Tống Khâm Tông. Quân Kim bao vây Khai Phong vào năm 1126, Khâm Tông đã phải thương lượng để người Nữ Chân rút quân khỏi kinh đô bằng cách chấp nhận bồi thường một khoản tiền lớn hàng năm. Ngay sau đó, Khâm Tông bội ước và chia quân Tống bảo vệ các châu quận thay vì cố thủ kinh đô. Quân Kim tiếp tục tấn công và một lần nữa vây ráp Khai Phong vào năm 1127. [ Đọc tiếp ]