Wikipedia:Wikipedia không viết về BẠN

Wikipedia không phải là nơi để viết về bạn hoặc những gì có quan hệ mật thiết với bạn

Mặc dù chúng tôi rất vui khi biết rằng bạn đã lựa chọn đóng góp cho Wikipedia, hãy nhớ... Wikipedia không viết về bạn.

Chắc chắn rồi, bạn sẽ thấy các bài viết Wikipedia về đủ loại từ cá nhân, phim ảnh đến công ty, dự án, v.v., nhưng chúng tôi đặc biệt không khuyến khích những bài này được viết bởi người có liên quan đến chúng. Đúng vậy, bạn có thể bị cám dỗ khi viết về bản thân hoặc những dự án mà bạn có quan hệ chặt chẽ, và bạn có thể cảm thấy chỉ cần kiến thức cá nhân của mình là đủ, nhưng mối quan hệ đó và kiến thức cá nhân đó đều phản ánh một xung đột lợi ích. Việc mà bạn có thể "biết" một điều gì đó cũng không sao, nhưng để đưa vào Wikipedia, chúng ta yêu cầu xác nhận rằng cả thế giới nói chung cũng đã biết về điều đó.

Chú ý sửa

Không viết bài về bạn, bạn bè của bạn, trang web bạn đang sở hữu, công ty bạn đang làm việc, gia đình bạn, một ban nhạc bạn tham gia, giáo viên đang dạy bạn, một từ bạn sáng tạo ra, một câu chuyện bạn viết, con hamster bạn nuôi, hoặc bất kỳ thứ gì mà bạn có quan hệ mật thiết. Nếu chủ thể quá gần gũi đối với bạn, nó sẽ bị xem như một xung đột lợi ích. Nếu tên tài khoản của bạn là Văn A và bạn viết về Văn A, nhạc sĩ, hoặc công ty xây dựng Văn A, hay tiệm bánh Văn A, bạn sẽ lọt vào mắt xanh của các biên tập viên có nhiệm vụ điều tra và hạn chế xung đột lợi ích hoặc quảng cáo trắng trợn.

Nếu "Văn A", nhạc sĩ, hoặc "tiệm bánh Văn A" là cái đáng để viết, bạn nên đợi đến khi có người khác viết bài. Nếu Văn A thực tế không phải là bạn, thì việc bắt đầu bằng một tên tài khoản khác có thể giúp ngăn cản sự xuất hiện của tên đó. Xung đột lợi ích là một vấn đề lớn trên Wikipedia, vì Wikipedia không khuyến khích bất kỳ nỗ lực tự quảng cáo nào. Cho nên hãy chọn một thứ khác mà bạn quan tâm, đồng thời bản thân điều đó cũng thu hút sự quan tâm của người khác.

Những bài viết bách khoa chất lượng nhất được biên soạn bởi các biên tập viên có khả năng giữ một góc nhìn và thái độ trung lập nhất quán, điều rất khó xảy ra khi viết về bản thân và những dự án có quan hệ chặt chẽ với bạn. Việc tạo quá nhiều liên kết và chú thích đến nguồn tự truyện là không chấp nhận được. Xem Wikipedia:Tự truyện, Wikipedia:Độ nổi bậtWikipedia:Xung đột lợi ích.

Trang "Wikipedia:Những gì không phải là Wikipedia" liệt kê nhiều dạng nội dung được xem là không phù hợp để có trên bách khoa toàn thư này.

Nếu bạn THẬT SỰ muốn viết bài, bạn có thể ghé thăm Wikipedia:Bài thỉnh cầu. Mỗi liên kết đỏ trong đây chính là một bài viết đang chờ bạn tạo ra. BẠN có thể trở thành tác giả!

Wikipedia không phải là nơi quảng cáo sửa

Trích Wikipedia:Những gì không phải là Wikipedia:

Wikipedia không phải là bục diễn thuyết, một chiến trường, hoặc một phương tiện để tuyên truyền và quảng cáo. Điều này áp dụng cho toàn bộ bài viết, thể loại, tiêu bản, các thảo luận tại trang thảo luận, và cả trang thành viên. Do đó, nội dung tại Wikipedia không phải là:

  1. Tài liệu tuyên truyền, bào chữa, hoặc tuyển dụng cho bất kỳ thứ gì, thương mại, chính trị, niềm tin, hay thứ gì khác. Tất nhiên, một bài viết có thể đề cập một cách trung lập về những thứ như vậy, miễn là đã cố gắng mô tả chủ đề từ một quan điểm trung lập. Bạn có thể muốn bắt tay làm một blog hoặc vào thăm diễn đàn nếu bạn muốn thuyết phục người khác ủng hộ cho quan điểm của bạn.[1]
  2. Mục ý kiến/quan điểm. Mặc dù một số chủ đề, cụ thể là những chủ đề liên quan đến các áp-phe hiện nay và chính trị, có thể làm khơi dậy cảm xúc và khiến người ta muốn "leo lên bục diễn thuyết" (tức là khiến người ta muốn bày tỏ quan điểm của mình), Wikipedia lại không phải là phương tiện để làm điều đó. Bài viết phải được cân đối để đặt các đề mục, đặc biệt là đối với các sự kiện đang diễn ra, theo một phối cảnh hợp lý, và thể hiện một quan điểm trung lập. Hơn nữa, những tác giả trên Wikipedia nên cố gắng viết những bài sẽ không trở nên lạc hậu quá nhanh. Tuy nhiên, một dự án lân cận của Wikipedia là Wikinews cho phép mục bình luận trên bài viết của nó.
  3. Buôn chuyện scandal hoặc ngồi lê đôi mách. Những bài viết về những người đang còn sống bắt buộc phải thỏa mãn những tiêu chuẩn cao một cách đặc biệt, vì chúng có thể bôi nhọ hoặc vi phạm quyền riêng tư của đối tượng. Bài viết không nên chỉ viết nhằm để tấn công vào sự nổi tiếng của người khác.
  4. Tự quảng bá. Việc viết về bản thân mình hoặc các dự án mà mình có tham gia sâu với tư cách cá nhân là điều rất cám dỗ. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng các tiêu chuẩn cho bài viết bách khoa áp dụng cho những trang như vậy cũng giống như các trang khác, bao gồm đòi hỏi phải duy trì một thái độ trung lập, là điều rất khó khi viết về bản thân hoặc các dự án gần gũi với mình. Việc tạo ra những liên kết và tham khảo quá nhiều trong những bài viết về tiểu sử là không chấp nhận được. Xem Wikipedia:Tự truyện, Wikipedia:Độ nổi bậtWikipedia:Mâu thuẫn lợi ích.
  5. Quảng cáo. Những bài viết về công ty và sản phẩm được viết theo một quan điểm khách quan và không thiên lệch. Chủ đề bài viết phải kiểm chứng được từ bên thứ ba, vì vậy những bài viết về những "ga-ra ô tô" rất nhỏ hoặc những công ty địa phương thường không được chấp nhận. Các liên kết ngoài đến các tổ chức thương mại sẽ chấp nhận được nếu chúng nói phần lớn về công ty hiện đang được đề cập trong đề. Wikipedia không tán thành tổ chức nào cũng như không thực hiện chương trình hội viên nào. Xem thêm Wikipedia:Độ nổi bật (tổ chức và công ty) để có những hướng dẫn về độ nổi bật của công ty. Những ai muốn quảng bá cho phong trào hay sự kiện, hoặc đưa ra thông cáo báo chí, dù là phi lợi nhuận, cũng nên sử dụng một diễn đàn khác thay cho Wikipedia.

Những thông điệp nêu lên ý kiến cá nhân về các quy định và hướng dẫn của Wikipedia không mang tính phá hoại có thể đặt tại trang thành viên, vì chúng phù hợp với hoạt động hiện tại và tương lại của dự án.

Ghi chú sửa

  1. ^ Ghi chú: Các trang Wikipedia không được dùng để biện hộ cho những thứ không liên quan đến Wikipedia, nhưng những trang trong không gian Wikipedia có thể ủng hộ cho một quan điểm nhất định liên quan đến sự phát triển hoặc tổ chức của chính Wikipedia. Do đó những bài luận, chủ đề, trang dự án, v.v. là một phần của những gì là Wikipedia.

Xem thêm sửa