Bản thảo Voynich là một cuốn sách chép tay có hình minh họa được viết bằng một hệ chữ viết chưa từng được ghi nhận trước đó trong lịch sử nhân loại. Bằng cách tính tuổi bằng cacbon phóng xạ, người ta xác định rằng bản thảo Voynich xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 15 (giai đoạn 1404-1438)[3] và có thể đã được viết ở miền Bắc nước Ý trong thời kỳ Phục hưng. Tên bản thảo được đặt theo tên của Wilfrid Voynich, một nhà buôn sách người Ba Lan đã mua bản thảo này vào năm 1912.[4] Toàn bộ bản thảo được viết trên giấy da bê.[3] Dù bị thiếu vài trang nhưng vẫn còn hơn 240 trang sách được lưu lại. Ngôn ngữ trong bản thảo được viết từ trái sang phải, hầu hết các trang đều có các hình minh hoạ hoặc biểu đồ. Một số trang là những tờ có thể gấp lại.

Bản thảo Voynich
Thư viện sách hiếm & bản thảo Beinecke, Đại học Yale
Bản thảo Voynich
DạngSách viết tay
Niên đạiĐầu thế kỷ 15[1][2]
Xuất xứCó thể là miền bắc Ý[1][2]
Ngôn ngữKhông rõ
Người viết bản thảoKhông rõ
Tác giảKhông rõ
Người biên soạnKhông rõ
Người trang tríKhông rõ
Chất liệuGiấy da
Kích thước23,5 nhân 16,2 nhân 5 cm (9,3 nhân 6,4 nhân 2,0 in)

Bản thảo Voynich được nghiên cứu bởi rất nhiều nhà viết mật mã chuyên nghiệp và nghiệp dư, bao gồm cả những nhà giải mật mã Anh và Mỹ.[5] Tuy vậy, cho tới nay vẫn chưa có ai thành công trong việc giải mã những thông điệp được ghi trong bản thảo, và nó trở thành bản thảo bí ẩn nhất trong lịch sử mật mã nhân loại. Những bí ẩn bao trùm quanh ý nghĩa và nguồn gốc của bản thảo Voynich đã khơi gợi và kích thích trí tò mò và tưởng tượng của nhiều người, biến nó thành chủ đề khai thác trong nhiều tiểu thuyết. Trong vòng 100 năm qua, không một giả thuyết nào được đưa ra về bản thảo này nhận được sự kiểm chứng từ giới nghiên cứu.[6] Nhiều người còn cho rằng bản thảo Voynich đơn giản chỉ là một trò bịp bợm và hoàn toàn không mang ý nghĩa gì cả.

Bản thảo Voynich được Hans P. Krauss hiến tặng cho thư viện Beinecke của Đại học Yale vào năm 1969, mã tra cứu của bản thảo tại thư viện là MS 408.[7][8] Người ta có thể truy cập miễn phí vào phiên bản scan ở độ phân giải cao của bản thảo trên website của thư viện.

Khái quát sửa

Bản thảo có kích thước 23,5 nhân 16,2 nhân 5 xentimét (9,3 nhân 6,4 nhân 2,0 in), với hơn hai trăm trang giấy da phân thành 18 tay sách, tổng cộng bản thảo có khoảng 240 trang, nhưng số trang chính xác phụ thuộc vào việc các tờ gập bất thường được tính như thế nào.[9] Các tay sách được đánh số từ 1 đến 20 ở các vị trí khác nhau, sử dụng các chữ số phù hợp với thế kỷ 15. Ở góc phải đầu mỗi trang tay phải có đánh số 1 tới 116, sử dụng các chữ số có niên đại muộn hơn. Từ những chỗ bị gián đoạn trong việc đánh số tại các tay sách và các trang người ta đoán rằng trong quá khứ thì bản thảo đầy đủ có ít nhất 272 trang chia thành 20 tay sách, vài trang trong số đó đã bị mất trước khi Wilfrid Voynich có được bản thảo năm 1912.[7] Có bằng chứng cho thấy nhiều tờ gập đôi của bản thảo đã bị hoán đổi vị trí nhiều lần trong lịch sử của nó, và vị trí gốc có thể rất khác so với ngày nay.[10][11]

Theo phân tích, bút lông ngỗngmực sắt mụn cây được dùng để viết và vẽ đường viền các hình minh họa; sơn màu được tô thêm (hơi thô) vào hình, có lẽ là sau đó.[11]

Tuy là bản thảo chép tay song các nhà khoa học khẳng định rằng, không có một lỗi chính tả hay gạch xóa trong bản thảo Voynich. Điều đó chứng tỏ tác giả cuốn sách đã cân nhắc rất kĩ lưỡng trước khi đặt bút. Chủ đề trong cuốn sách cũng đa dạng, phong phú với nhiều hình ảnh về các lĩnh vực chiêm tinh, y khoa, sinh vật… Nhiều người cho rằng, đây có thể là tác phẩm của các tu sĩ dòng Phan-xi-cô và nhà bác học đại tài Roger Bacon.

Cuốn sách là một sự "chơi xỏ"?[12] sửa

Khi "định cư" tại ngôi nhà đại học Yale, Bản thảo Voynich trở thành cuốn sách quý nhất nơi đây nhờ cái khó hiểu của nó. Theo quan sát của nhà nghiên cứu Gordon Rugg, một số từ thông dụng thường được lặp đi lặp lại nhiều lần. Để nắm rõ hơn về bản chất của cuốn sách, Rugg đã vận dụng cả kỹ thuật tình báo thời nữ hoàng Elizabeth.

Ông Rugg phát hiện ra rằng, bản thảo Voynich vô cùng dễ hiểu nhờ một hệ thống mã hóa chế tạo vào khoảng năm 1550, có tên là bảng chữ Cardan. Áp dụng bảng chữ Cardan với các âm tiết có trong bản thảo Voynich, Rugg đã tạo ra một thứ ngôn ngữ với rất nhiều đặc điểm trùng với ngôn ngữ trên cuốn sách. Theo Rugg, chỉ cần 3 tháng là ông có thể tạo ra một cuốn sách hoàn chỉnh dựa trên Voynich.

Rugg tuyên bố: "Chắc chắn tác giả cuốn sách đã dùng bảng chữ Cardan để chơi khăm Rudolph II. Tôi đoán rằng, người muốn chơi xỏ Rudolph II nhất chính là Edward Kelley, một thợ rèn giỏi, một ảo thuật gia, đồng thời là nhà giả kim thuật người Anh. Có lẽ giữa Kelly và Rudolph có một hiềm khích lớn, cả hai dường như là những kẻ thù không đội trời chung của nhau. Năm 1584, ông ta đã đến Prague để gặp Rudolph và có lẽ không ngoài mục đích bán cuốn sách.

Với một tay bịp bợm vào tù ra tội như Kelly, chẳng có gì khó khăn khi tạo ra cuốn sách như thế. Hơn nữa, Rudolph lại là người tương đối cả tin và cuồng với những món đồ cổ nên việc Kelly phát tài nhờ Rudolph là điều dễ hiểu".

Tuy nhiên, đó vẫn hoàn toàn chỉ là phán đoán của nhà nghiên cứu Rugg, chưa có bằng chứng nào chứng minh được đây là một trò chơi khăm hay là một văn bản nghiên cứu về các giống cây cỏ lạ đã từng tồn tại trên trái đất.

Xuất bản sửa

Sau 10 năm nỗ lực thương lượng với Đại học Yale, Nhà xuất bản Siloe ở miền bắc Tây Ban Nha mới giành được quyền nhân bản cuốn sách. Theo thỏa thuận, Siloe được quyền làm 898 bản sao giống y hệt bản thảo Voynich, trung thực tới từng vết ố, từng vết rách của bản gốc. Nhà xuất bản dự định sẽ bán mỗi bản sao Voynich giá từ 7.000 - 8.000 euro.[13]

Chú thích sửa

  1. ^ a b Steindl, Klaus; Sulzer, Andreas (2011). “The Voynich Code — The World's Mysterious Manuscript”. Bản gốc (video) lưu trữ ngày 9 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2016.
  2. ^ a b Stolte, Daniel (ngày 10 tháng 2 năm 2011). “Experts determine age of book 'nobody can read'. PhysOrg. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2011.
  3. ^ a b Zandbergen, René (ngày 11 tháng 5 năm 2016). “The origin of the Voynich MS”. Voynich.nu. Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2016.
  4. ^ Brumbaugh, Robert S. (1977). The World's Most Mysterious Manuscript. London: Weidenfeld & Nicolson.
  5. ^ Hogenboom, Melissa, Mysterious Voynich manuscript has 'genuine message', BBC News, ngày 21 tháng 6 năm 2013, truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2013
  6. ^ Pelling, Nick. “Voynich theories”. ciphermysteries.com. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2011.
  7. ^ a b “Voynich Manuscript”. Beinecke Library. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2011.
  8. ^ “MS 408”. Beinecke Rare Book and Manuscript Library. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2011.
  9. ^ Shailor, Barbara A.,Beinecke MS 408 Lưu trữ 2013-09-11 tại Wayback Machine, Yale University, Beinecke Rare Book And Manuscript Library, General Collection Of Rare Books And Manuscripts, Medieval And Renaissance Manuscripts, tra cứu ngày 24 tháng 6 năm 2013.
  10. ^ Pelling, Nicholas John. "The Curse of the Voynich: The Secret History of the World's Most Mysterious Manuscript". Compelling Press, 2006. ISBN 0-9553160-0-6
  11. ^ a b Barabe, Joseph G. (McCrone Associates) (ngày 1 tháng 4 năm 2009). “Materials analysis of the Voynich Manuscript” (PDF). Beinecke Library. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 4 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2014.
  12. ^ “Báo người đưa tin - Cuốn sách kỳ bí nhất mọi thời đại là một sự 'chơi xỏ'?”.
  13. ^ “Bán một trong những cuốn sách bí ẩn nhất thế giới”.

Liên kết ngoài sửa

Nghe bài viết này
(2 parts, 58 phút)
 
Các tệp âm thanh này được tạo từ bản phiên bản sửa đổi bài viết ngày
Lỗi: không cung cấp được ngày tháng
và không phản ánh các chỉnh sửa tiếp theo.

Website phân tích sửa

Tin tức và phim tài liệu sửa