Tào Quế (tiếng Trung: 曹劌), hay còn được gọi là Tào Hối (曹翙) hay Tào Mạt (曹沫) (tranh cãi) là quan Đại phu nước Lỗ. Ông đã giúp Lỗ Trang công đánh bại quân Tề trong trận Trường Thược.

Tào Quế
Thông tin cá nhân
Giới tínhnam
Nghề nghiệpchính khách
Quốc tịchLỗ

Thân thế sửa

Tổ tiên của Tào Quế là Tào thúc Chấn Đạc (con thứ sáu của Chu Văn vương), một nhà lý luận quân sự trứ danh thời kỳ đầu nhà Chu. Tào Quế sống ở làng Đông Bình, ông là một nhân tài hiếm có nhưng chưa bao giờ ra làm quan.

Đánh bại quân Tề ở Trường Thược sửa

Tề Hoàn công lên ngôi, phong Quản Trọng làm Tướng quốc và để ông lo việc việc triều chính trong nước. Năm 684 TCN, Tề Hoàn công cử Bào Thúc Nha mang quân đến Trường Thược đánh Lỗ. Lỗ Trang công hay tin liền hỏi ý của Thi Bá (施伯) cách đối địch, Thi Bá liền tiến cử Tào Quế. Lỗ Trang Công đồng ý, liền cử Thi Bá đến Đông Bình để rước Tào Quế về triều. Thi Bá đến nơi, nói rõ ý định của mình. Tào Quế vừa cười vừa nói:

"Người ăn thịt còn lo chưa nỗi, huống hồ kẻ đang ăn rau."

Thi Bá nói:

"Ăn rau mà có tài rồi cũng đến ngày ăn thịt vậy."

Thế là hai người dắt nhau đến yết kiến Lỗ Trang công. Khi hỏi về cách đối địch, Tào Quế liền tâu việc binh là phải tùy vào tình hình mà ứng biến chứ không thể đưa ra dự định trước được. Lỗ Trang công khen phải, liền cùng Tào Quế đến Trường Thược để giáp mặt quân Tề.

Bào Thúc Nha vì trước đây từng giành chiến thắng trước quân Lỗ nên tỏ ý khinh địch, nên vừa nghe tin nước Lỗ kéo binh đến thì ông cũng ra lệnh cho quân tiến quân về phía trước. Trại quân Lỗ vừa được dựng xong thì quân Tề đánh trống tiến quân đến, Lỗ Trang công muốn đánh nhưng Tào Quế can rằng thế quân Tề đang mạnh nên hãy lo chống giữ trước. Thế là quân Lỗ canh giữ ở các trại không ra đánh và quân Tề buộc phải lui quân, Bào Thúc Nha nghĩ là quân Lỗ sợ uy của mình nên ông tiếp tục đánh trống giục binh sĩ tấn công vào trại quân Lỗ. Quân Lỗ vẫn cố thủ, quân Tề không làm sao xông vào nỗi nên một lần nữa lại phải rút lui. Bào Thúc Nha nóng ruột liền đánh thêm một hồi trống thứ ba nữa, lúc này Tào Quế tâu với Lỗ Trang công:

"Lúc này có thể phá quân Tề được, xin Chúa công ra lệnh tiến quân."

Lỗ Trang công nghe theo, đánh trống ra lệnh cho quân Lỗ ào ra khỏi trại và áp tới đánh quân Tề không còn manh giáp. Quân Tề tan vỡ, bỏ chạy tán loạn. Lỗ Trang công muốn truy sát quân Tề thì Tào Quế liền ngăn lại:

"Hãy khoan, xin để tôi xem lại thế trận đã."

Nói xong thì ông liền xuống xe, leo lên chỗ cao xem xét một hồi, rồi nói:

"Đúng là nên đuổi theo truy sát."

Lỗ Trang công liền xua binh đuổi theo chém giết quân Tề, đoạt khí giới và lương thực không biết bao nhiêu mà kể. Lỗ Trang công phá xong quân Tề, đắc thắng kéo binh về kinh đô. Lỗ Trang công mới hỏi Tào Quế:

"Tại sao khanh lại có thể đánh bại quân Tề chỉ với một hồi trống?"

Tào Quế nói:

"Chúng ta đánh địch là nhờ có khí. Hồi trống thứ nhất là khí quân Tề đang thịnh, trống thứ hai là khí quân Tề đã suy và trống thứ ba là khí quân Tề đã kiệt. Trong khi quân ta chỉ mới đánh một hồi trống, khí lúc đó đang thịnh. Lấy thịnh chế kiệt thì lý gì lại không thắng."

Lỗ Trang công lại hỏi thêm:

"Lúc quân Tề đã thua chạy, sao lúc đầu khanh lại chưa cho quân truy đuổi?"

Tào Quế đáp:

"Người Tề vốn đa trá và lắm xảo thuật, bởi vậy tôi không ra lệnh truy sát ngay từ ban đầu. Hồi sau tôi xuống xe quan sát thấy vết bánh xe cộ của họ chạy lung tung cả lên, cờ xí thì ngả đông nghiêng tây. Vì thế tôi đoán được lòng quân Tề đã loạn, đang gấp rút đào tẩu nên tôi mới hạ lệnh cho quân truy sát."

Nghe xong Lỗ Trang công khen Tào Quế hết lời, phong cho ông làm quan Đại phu. Đồng thời trọng thưởng cho Thi Bá vì đã tiến cử hiền tài.

Trong văn học sửa

Tào Quế là một nhân vật được đề cập trong tiểu thuyết Đông Chu Liệt Quốc, ông xuất hiện ở hồi 16 và 17.

Tham khảo sửa