Khác biệt giữa bản sửa đổi của “Diêm Tích Sơn”

Là một quân phiệt Trung Hoa phục vụ trong Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Diêm Tích Sơn kiểm soát tỉnh Sơn Tây từ Cách mạng Tân Hợi. Ông cũng được xem là một nhà cải cách và anh hùng kháng Nhật
Nội dung được xóa Nội dung được thêm vào
Trang mới: “{{Infobox military person |name= Diêm Tích Sơn; 閻錫山 |birth_date={{birth date|1883|08|08}} |death_date= {{death date and age|1960|07|22|1883|08|08}} |birt…”
(Không có sự khác biệt)

Phiên bản lúc 09:37, ngày 8 tháng 3 năm 2012

Diêm Tích Sơn ([[phồn thể: 閻錫山; giản thể: 阎锡山; bính âm: Yán Xíshān; Wade–Giles: Yen Hsi-shan) (8 tháng 10, 1883 – 22 tháng 7, 1960) là một quân phiệt Trung Hoa phục vụ trong Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Diêm kiểm soát tỉnh Sơn Tây từ Cách mạng Tân Hợi 1911 tới khi quân Cộng sản chiến thắng năm 1949 trong Nội chiến Trung Hoa. Là thủ lĩnh một tỉnh tương đối nhỏ, nghèo, lại hẻo lánh, Diêm Tích Sơn đã trải qua thời kỳ khôi phục đế chế của Viên Thế Khải, thời kỳ quân phiệt, giai đoạn Quốc dân đảng nắm quyền, Chiến tranh Trung-Nhật, và cuộc nội chiến sau đó. Ông buộc phải thoái vị khi Quân đội Quốc dân đồng minh của ông đã hoàn toàn mất quyền kiểm soát đại lục, khiến Sơn Tây hoàn toàn bị cô lập. Diêm được các sử gia phương Tây đánh giá là một nhân vật cải cách, ủng hộ việc sử dụng công nghệ Tây phương để bảo vệ những truyền thống Trung Hoa, cùng với những cải cách kinh tế, chính trị, xã hội mà trên một phương diện nào đó đã dọn đường cho những cải cách triệt để được thực hiện về sau này.[1]

Diêm Tích Sơn; 閻錫山
Tướng Diêm Tích Sơn
Sinh(1883-08-08)8 tháng 8, 1883
Hân Châu, Sơn Tây
Mất22 tháng 7, 1960(1960-07-22) (76 tuổi)
Đài Bắc, Đài Loan
Thuộc Trung Hoa Dân Quốc
Quân chủng Quân đội Cách mạng Quốc dân
Năm tại ngũ1911–1949
Quân hàmĐại tướng
Chỉ huyTrung đoàn 2, Sư đoàn Sơn Tây, quân Bắc Dương
Quân đội Sơn Tây
Quân đội Cách mạng Quốc dân
Tham chiếnCách mạng Tân Hợi
Chiến tranh Bắc phạt (1926–1927)
Đại chiến Trung Nguyên
Chiến tranh Trung-Nhật
Nội chiến Trung Hoa
Khen thưởngHuân chương Thanh thiên bạch nhật

Thời trẻ

Tuổi trẻ

Diêm Tích Sơn sinh ra cuối thời nhà Thanh ở vùng Tây Bắc tỉnh Sơn Tây trong một gia đình nhiều đời kinh doanh ngân hàng và buôn bán (Sơn Tây nổi tiếng là có nhiều nhà ngân hàng thành đạt cho tới tận cuối thế kỷ thứ 19). Chàng trai trẻ làm việc trong ngân hàng của cha mình vài năm trong lúc học tập kinh điển Khổng giáo tại một trường làng. Sau khi cha ông phá sản trong một cuộc suy thoái kinh tế vào cuối thế kỷ 19, Diêm vào học tại một trường quân sự được chính quyền Mãn Châu điều hành tại Thái Nguyên. Trong thời gian học tập tại trường, Diêm lần đầu tiên được tiếp xúc với toán học, vật lý, và những môn học phương Tây khác. Năm 1904, Diêm nằm trong số học sinh được gửi sang Nhật, vào học tại Học viện Lục quân Đế quốc, và tốt nghiệp năm 1909.[2]

Trải nghiệm tại Nhật Bản

Khi học tập tại Nhật, Diêm rất ấn tượng với công cuộc hiện đại hóa thành công của Nhật Bản. Ông quan sát bước tiến của những cư dân Nhật Bản một thời bị xem là man di chậm tiến, và bắt đầu lo ngại về những hậu quả nếu Trung Hoa bị tụt hậu với thế giới. Những trải nghiệm này về sau trở thành niềm cảm hứng lớn cho những nỗ lực hiện đại hóa Sơn Tây của Diêm.[2]

Sau cùng Diêm kết luận rằng người Nhật có thể cải cách thành công chủ yếu là do Chính phủ Nhật Bản có thể huy động mọi nguồn nhân lực để phục vụ những chính sách của chính phủ, cũng như mối quan hệ gần gũi giữa giới quân sự và dân sự Nhật. Diêm cho rằng thắng lợi bất ngờ của Nhật trong Chiến tranh Nga-Nhật 1905 là nhờ vào sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng giành cho Quân đội Nhật. Sau khi trở về Trung Hoa năm 1909, Diêm viết một quyển sách cảnh báo rằng Trung Hoa đang cận kề nguy cơ bị Nhật xâm chiếm trừ khi người Trung Hoa phát triển một dạng ý thức hệ tương tự như võ sĩ đạo.[3]

Thậm chí từ trước khi du học Nhật, Diêm đã chán ghét tình trạng tham nhũng tràn lan trong đám quan lại nhà Thanh tại Sơn Tây, và cho rằng sự bất lực của Trung Hoa trong thế kỷ 19 là kết quả của chính sách bảo thủ cũng như đường lối đối ngoại bạc nhược của triều Thanh. Tại Nhật, Diêm gia nhập Đồng minh hội của Tôn Dật Tiên, và chủ trương tuyên truyền rộng rãi tư tưởng của Tôn bằng cách thành lập một tổ chức lấy tên "Hội Sắt Máu" (鐵血償付團) bên trong Học viện Lục quân. Mục tiêu rõ ràng của tổ chức sinh viên này là phát động cách mạng để thiết lập một nước Trung Hoa hùng mạnh và thống nhất, giống như Bismark đã thống nhất nước Đức.[3]

Trở về Trung Hoa

Khi trở về Trung Hoa năm 1909, Diêm được bổ nhiệm là tư lệnh một sư đoàn tại Sơn Tây. Trong Cách mạng Tân Hợi 1911, Diêm chỉ huy lực lượng cách mạng địa phương đánh đuổi quân Mãn Thanh khỏi tỉnh, rồi tuyên bố độc lập khỏi triều Thanh. Diêm cũng công kích sự bạc nhược của nhà Thanh trước ngoại bang, và hứa hẹn sẽ tiến hành cải cách chính trị xã hội sâu rộng.[4]

Giai đoạn đầu Dân Quốc

 
Diêm Tích Sơn đầu những năm 1920s, không lâu sau khi lên nắm quyền tại Sơn Tây.

Xung đột với Viên Thế Khải

Diêm được bầu làm Đốc quân, nhưng không ngăn nổi cuộc tấn công của lực lượng Viên Thế Khải đánh chiếm phần lớn Sơn Tây trong năm 1913. Trong cuộc tấn công này, Diêm chỉ biết rút lui về hướng bắc và liên kết với một nhóm vũ trang khác ở tỉnh Thiểm Tây láng giềng. Bắng cách tránh đối đầu trực diện với quân của Viên, Diêm giữ được căn cứ của mình. Dù là bạn của Tôn Dật Tiên, Diêm quay sang ủng Viên năm 1913, nhờ đó được quay lại chức Đốc quân Sơn Tây, nhưng dưới quyền ông đều là người do Viên phái tới.[4] Năm 1917, không lâu sau khi Viên Thế Khải chết, Diêm củng cố quyền thống trị Sơn Tây.[5] Sau cái chết của Viên, Trung Hoa chìm vào hỗn chiến quân phiệt.

Thái độ kiên quyết chống nhà Mãn Thanh của Sơn Tây là một nguyên nhân khiến ngay cả Viên cũng phải thừa nhận rằng chỉ có lật đổ nhà Thanh mới đem lại hòa bình cho Trung Hoa và chấm dứt nội chiến. Sự bất lực của Diêm trước sức mạnh quân sự của Viên ở miền Bắc Trung Hoa cũng là một yếu tố khiến Tôn Dật Tiên quyết định không theo đuổi chức Tổng thống Dân Quốc, được thành lập sau khi nhà Thanh sụp đổ. Ngoài ra, Tôn cho rằng tiếp tục nội chiến tương tàn với lực lượng của Viên không bằng nhường lại cho Viên chức Tổng thống để củng cố chế độ Dân Quốc, dù Viên là đối thủ của cách mạng.[6]

Những nỗ lực hiện đại hóa Sơn Tây

Cho tới năm 1911, Sơn Tây là một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Hoa. Diêm tin rằng, nếu không hiện đại hóa kinh tế cũng như cơ sở hạ tầng, Sơn Tây sẽ không chống nổi các sứ quân từ các nơi khác.[7] Một thất bại năm 1919 trước một lãnh chúa đối lập càng khiến Diêm tin tưởng rằng Sơn Tây chưa đủ mạnh để tranh giành với các địa phương khác, và do đó ông tránh tham gia vào những tranh chấp chính trị trong nước và duy trì chính sách trung lập, giữ Sơn Tây ở ngoài các cuộc nội chiến. Thay vào đó, Diêm tập trung toàn lực để hiện đại hóa Sơn Tây và tăng cường nguồn nội lực của tỉnh. Cuộc cải cách thành công này khiến ông được ca tụng là vị "Tỉnh trưởng kiểu mẫu", còn Sơn Tây là "tỉnh kiểu mẫu".[4]

Quyết tâm hiện đại hóa Sơn Tây của Diêm chủ yếu là do những trải nghiệm tại Nhật Bản, nhưng cũng nhờ vào sự tiếp xúc với các nhân vật ngoại quốc từng đến Sơn Tây vào năm 1918 để giúp Diêm diệt trừ bệnh dịch lúc đó. Diêm rất ấn tượng trước sự nhiệt tình, tài năng và tầm nhìn rộng lớn của họ, cũng như so sánh giữa họ với những viên chức bạc nhược yếu kém dưới quyền mình. Những cuộc đàm luận với các nhân vật cải cách, bao gồm John Dewey, Hồ Thích, và người bạn thân của Diêm là Khổng Tường Hy, càng củng cố quyết tâm của Diêm.[8]

Tham gia Chiến tranh Bắc phạt

Để duy trì quyền tự trị của Sơn Tây và tránh xung đột lớn với các thế lực quân phiệt khác, Diêm sử dụng chiến lược luân phiên thay đổi đồng minh, theo gió trở cờ. Dù yếu hơn so với những lãnh chúa xung quanh, ông cố gắng giữ thế cân bằng giữa bọn họ, ngay ca những người từng bị ông phản bội cũng do dự không dám tấn công ông, vì họ còn cần sự ủng hộ của ông trong tương lai. Để chống lại quân phiệt Mãn Châu Trương Tác Lâm, Diêm liên minh với Tưởng Giới Thạch năm 1927, trong giai đoạn Chiến tranh Bắc phạt. Tháng 6 năm 1928, Diêm chiếm được Bắc Kinh, kết thúc thắng lợi cuộc Bắc phạt.[9] Diêm được Tưởng ban thưởng các chức Bộ trưởng Nội vụ[10] và Phó tổng tư lệnh Quân đội Quốc dân.[11]

Tham gia Đại chiến Trung Nguyên

 
Diêm Tích Sơn: "Tổng thống kế nhiệm của Trung Hoa".

Liên minh Diêm-Tưởng chấm dứt vào năm sau, 1929, khi Diêm cùng Phùng Ngọc Tường chống lại chính phủ Quốc dân tại Hoa Bắc. Trong khi quân của Phùng và Tưởng chém giết lẫn nhau, Diêm tiến thẳng vào Sơn Đông như chỗ không người, chiếm được thủ phủ tỉnh vào tháng 6 năm 1930. Sau thắng lợi này, Diêm lập ra một chính phủ mới, tư mình làm Tổng thống, và triệu tập một "Hội nghị trung ương Quốc dân đảng mở rộng". Hội nghị này có mục đích soạn thảo ra một bản hiến pháp mới, có sự tham dự của nhiều yếu nhân trong đảng và quân đội, như Uông Tinh Vệ (giữ chức Thủ tướng của Diêm) và Lý Tông Nhân. Nhưng mọi việc thất bại sau khi Tưởng Giới Thạch đánh bại Phùng rồi tiến đánh Sơn Đông, tiêu diệt quân đội của Diêm. Khi quân phiệt Mãn Châu Trương Học Lương công khai tuyên bố đi theo Tưởng (vì Trương cần sự hỗ trợ của Tưởng để chống lại Nga Xô và Nhật Bản), Diêm trốn đến Đại Liên, Mãn Châu, đến năm 1931 mới trở về Sơn Tây sau khi làm hòa với Tưởng.[9][12] Trong cuộc chiến này, Tưởng Giới Thạch đã thao túng được người Hồi và Mông để lật đổ cả Phùng Ngọc Tường và Diêm.[13] Thất bại của Diêm và Tưởng năm 1930 được một số người cho là đánh dấu sự chấm dứt của thời kỳ quân phiệt Trung Hoa.

Những sự kiện từ năm 1927-1931 là do những chiến lược của các lãnh chúa quân phiệt vốn trông gió trở cờ, sớm đầu tối đánh, đã trở thành đặc trưng trong chính trị Trung Hoa kể từ khi chính phủ trung ương rơi vào cảnh suy sụp từ một thập kỷ trước. Nguyên nhân chính khiến Diêm thất bại là do những vùng Diêm kiểm soát đều kém phát triển và dân cư thưa thớt, khiến ông không thể tuyển mộ được một đội quân đông đảo và tinh nhuệ như của Tưởng.[9] Diêm cũng không có những sĩ quan tài giỏi như các sĩ quan của Tưởng, hay uy tín như Tưởng và phe Quốc dân đảng.[14] Trước khi Tưởng đánh bại Phùng và Diêm, Diêm Tích Sơn xuất hiện trên trang bìa tạp chí TIME, với dòng chú thích "Tổng thống tiếp theo của Trung Hoa."[15] Sự chú ý của ngoại quốc dành cho ông cũng như sự ủng hộ từ các chính khách Trung Hoa cao cấp, cho thấy rằng Diêm có nhiều khả năng trở thành lãnh tụ mới của Trung Hoa trong trường hợp Tưởng không chiến thắng được liên minh Diêm-Phùng.

Trở về Sơn Tây

Diêm chỉ trở về được Sơn Tây sau một nỗ lực vận động trên chính trường. Lý do chính khiến Tưởng không thể loại trừ ngay những thuộc hạ của Diêm và theo đó vĩnh viễn tiêu diệt thế lực của ông tại Sơn Tây là do áp lực của Trương Học Lương và người Nhật, vì họ đều lo ngại Tưởng sẽ thừa cơ mở rộng thế lực sang Mãn Châu. Khi Diêm vắng mặt, chính phủ dân sự ngừng hoạt động, và hàng tá quân phiệt nhỏ trỗi dậy tranh giành quyền lực, buộc Tưởng phải bổ nhiệm các thuộc hạ của Diêm đứng ra điều hành công việc. Dù không chính thức tuyên bố quay lại chính trường ngay lúc đó, Diêm trở về Sơn Tây năm 1931 với sự ủng hộ của Trương. Tưởng không lên tiếng phản đối vì còn đang bận đánh nhau với Lý Tông Nhân, lúc này vừa tiến vào Hồ Nam từ căn cứ địa Quảng Tây với danh nghĩa là ủng hộ Diêm.[16]

Diêm chính thức tái xuất trên chính trường Sơn Tây khi Chính phủ Nam Kinh thất bại trong việc chống cự trước quân Nhật sau Sự biến Thẩm Dương, tạo điều kiện cho Diêm và phe đảng loại bỏ các viên chức Quốc dân đảng tại đây. Ngày 18 tháng 12, 1931, một nhóm sinh viên (được các thuộc hạ của Diêm ủng hộ và có lẽ là chỉ đạo nữa) tại Thái Nguyên tập hợp phản đối chính sách nhân nhượng Nhật Bản của chính phủ Nam Kinh. Cuộc biểu tình trở nên bạo lực đến nỗi cảnh sát Quốc dân đảng nổ súng vào đám đông. Sư kiện "Thảm sát 18/12" gây ra một làn sóng giận dữ, tạo điều kiện cho các thuộc hạ của Diêm thừa cơ trục xuất các viên chức Quốc dân đảng khỏi tỉnh, viện cớ là để đảm bảo an ninh. Sau vụ này, tổ chức Quốc dân đảng tại Sơn Tây chỉ còn trên danh nghĩa, trung thành với Diêm Tích Sơn còn hơn cả với Tưởng Giới Thạch.[17]

Những khó khăn chồng chất như sự phản trắc của các lãnh chúa quân phiệt khắp Trung Hoa, cuộc nội chiến kéo dài với Đảng Cộng sản, hay mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Nhật Bản, buộc Tưởng phải để Diêm tái nhậm chức Ủy viên Bình định năm 1932, rồi ủy viên Ủy ban Mông-Tạng. Năm 1934, Tưởng bay đến Thái Nguyên, tại đó ông ta ca ngợi chính quyền của Diêm có công giúp đỡ, ủng hộ Chính phủ Nam Kinh, trên thực tế là thừa nhân quyền thống trị Sơn Tây của Diêm.[18]

Mối quan hệ với Chính phủ Quốc dân về sau

Sau 1931, Diêm vẫn giữ thái độ ủng hộ trên danh nghĩa với Chính phủ Nam Kinh, còn thực tế thì kiểm soát hoàn toàn Sơn Tây, lúc hợp tác lúc xung đột với phe Cộng sản trong tỉnh. Dù không trực tiếp tham gia, Diêm ủng hộ Sự biến Tây An 1936, khi Tưởng Giới Thạch bị Trương Học Lương bắt giữ, và chỉ được thả ra sau khi Tưởng đồng ý hòa đàm với Đảng Cộng sản và thành lập một "mặt trận thống nhất" cùng kháng Nhật. Trong thư gửi Trương Học Lương năm 1936, Diêm cho rằng mối bất hòa ngày càng gia tăng giữa Diêm và Tưởng là do Diêm lo ngại về cuộc xâm lược của Nhật Bản và vận mệnh của Trung Hoa, cũng như việc tập trung mọi nguồn lực để đàn áp cộng sản.[5] Chính trong Sự biến Tây An, Diêm tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán, gửi phái viên để ngăn việc hành quyết Tưởng (và cuộc nội chiến mà Diêm tin rằng nhất định sẽ nổ ra sau khi Tưởng chết), trong khi vẫn thúc đẩy thành lập mặt trận thống nhất kháng Nhật.[19]

Quan hệ tài chính giữa Sơn Tây và chính phủ trung ương rất phức tạp. Diêm đã tạo ra được một tổ hợp công nghiệp nặng xung quanh Thái Nguyên, nhưng không công khai ra bên ngoài Sơn Tây, có lẽ là để đánh lừa Tưởng Giới Thạch. Dù đạt được những thành công nhất định trong công cuộc hiện đại hóa nền công nghiệp Sơn Tây, Diêm vẫn liên tiếp yêu cầu chính phủ trung ương hỗ trợ tài chính để dùng mở rộng đường sắt và những việc khác, nhưng đều bị từ chối. Khi Diêm từ chối nộp thuế muối (được sản xuất tại các công xưởng Sơn Tây) về cho chính phủ trung ương, Tưởng đáp trả bằng cách lũng đoạn thị trường muối ở Hoa Bắc với rất nhiều muối (sản xuất tại vùng duyên hải Trung Hoa) đến mức giá muối ở Hoa Bắc rớt thảm hại: do giá muối Hoa Bắc quá thấp, các tỉnh lân cận đều ngừng mua muối Sơn Tây. Năm 1935, Tưởng công bố một bản "kế hoạch 5 năm" để hiện đại hóa Trung Hoa, có lẽ là chịu nhiều ảnh hưởng từ "kế hoạch 10 năm" mà Diêm đề ra vài năm trước đó.[20]

  1. ^ Gillin The Journal of Asian Studies 289
  2. ^ a b Gillin The Journal of Asian Studies 290
  3. ^ a b Gillin The Journal of Asian Studies 291
  4. ^ a b c Gillin The Journal of Asian Studies 292
  5. ^ a b Spence 406
  6. ^ Gillin Warlord 18
  7. ^ Gillin The Journal of Asian Studies 302
  8. ^ Gillin Warlord 22
  9. ^ a b c Gillin The Journal of Asian Studies 293
  10. ^ TIME Magazine Dec. 24, 1928. p.293
  11. ^ Gillin Warlord 111
  12. ^ TIME Magazine Sep. 29, 1930
  13. ^ Lin 22
  14. ^ Gillin The Journal of Asian Studies 294
  15. ^ TIME Magazine. May 19, 1930
  16. ^ Gillin Warlord 118-122
  17. ^ Gillin Warlord 122-123
  18. ^ Gillin Warlord 123-124
  19. ^ Gillin Warlord 339-241
  20. ^ Gillin Warlord 193