Bảy Núitên chữThất Sơn (Hán-Việt), các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tôn xưng là Bửu Sơn,[1] gồm bảy ngọn núi không liên tục, đột khởi trên đồng bằng miền Tây Nam Bộ thuộc huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Việt Nam.

Bảy Núi
Thất Sơn
Dãy núi
Quốc gia Việt Nam
Điểm cao nhất Núi Cấm
 - Vị trí Tri TônTịnh Biên, An Giang
 - cao độ 705 m (2.313 ft)
 - tọa độ 10°29′4,6″B 104°59′1,4″Đ / 10,48333°B 104,98333°Đ / 10.48333; 104.98333

Nguồn gốc

sửa

Ngược dòng lịch sử khoảng một triệu năm trước, trong thời kỳ Pleistocene, hàng loạt các hoạt động tân kiến tạo đã làm vỏ trái đất ở khu vực Bảy Núi bị nức nẻ, lún sụt hoặc nhô cao nhiều nơi. Sau đó là những đợt biển tràn ngập cả vùng Nam Bộ khoảng 10.000 đến 11.000 năm thì chấm dứt. Dấu tích của những thời biển tiến này còn để lại các bậc thềm biển cổ ở những vùng quanh như: núi Cấm, núi Dài, núi Phú Cường,... của thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Phần nhô cao tức đồi núi ở An Giang gồm nhiều đỉnh có hình dạng, độ cao và độ dốc khác nhau, phân bố theo vành đai cánh cung kéo dài gần 100 km. Khởi đầu từ xã Phú Hữu (huyện An Phú) qua xã Vĩnh Tế (thành phố Châu Đốc), bao trùm lên gần hết huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, về tận xã Vọng Thê, Vọng Đông rồi dừng lại ở thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn).

Đứng trên góc độ địa hình, có thể chia đồi núi An Giang thành hai dạng chính:

  • Dạng núi dốc: được hình thành trong thời kỳ tạo sơn mãnh liệt như đã nói trên, nên chúng thường cao và có độ dốc lớn trên 25 độ và phần lớn là đá cứng với nhiều pha tạp khác nhau (đá núi lửa và đá Granitoit có tuổi Jura thượng, đá Granite có tuổi Creta), như: núi Cấm, núi Cô Tô, núi Dài,...
  • Dạng núi thấp và thoải: được hình thành từ các thành tạo trầm tích và phun trào có tuổi Trias và Creta nên có độ dốc nhỏ dưới 15 độ, độ cao thấp, ít khe suối và bề mặt có khi là đất, như: núi Nam Qui, núi Sà Lon, núi Đất,...

Và vùng Bảy Núi khi xưa là đất của Chân Lạp. Rồi trong một cuộc tranh giành quyền lực, Nặc Tôn được chúa Nguyễn giúp đỡ đã trở lại ngôi vua. Để tạ ơn, Nặc Tôn hiến đất Tầm Phong Long, trong đó có Bảy Núi, vào năm 1757.

Giới thiệu

sửa

Bảy Núi

sửa
 
Từ đỉnh núi Cấm (trong Bảy Núi) nhìn xuống phía dưới

Bảy Núi là 7 ngọn núi tiêu biểu trong số 37 ngọn núi ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên.

Tên Thất Sơn lần đầu được biên chép trong Đại Nam Nhất Thống Chí (phần An Giang tỉnh, mục Sơn Xuyên), và gồm các núi: Tượng, Tô, Cấm, Ốc Nhẫm, Nam Vi (南為山), Tà Biệt và Nhân Hòa (人和山). Sau đó, Hồ Biểu Chánh trong Thất Sơn huyền bíNguyễn Văn Hầu trong Thất Sơn mầu nhiệm, cho rằng đó là các núi: Tượng, Tô, Cấm, Trà Sư, Két, Dài, Bà Đội Ôm.

Còn theo Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1972; được Vương Hồng Sển dẫn lại trong Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam, thì đó là các núi: Tượng, Tô, Cấm, Sam, Két, Dài, Tà Béc...

Đến năm 1984, Trần Thanh Phương cho xuất bản Những Trang sử về An Giang, đã kể tên bảy Núi là:

Theo Địa chí An Giang....[2], ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên có 37 ngọn núi đã có tên, nhưng con số 7 (bảy núi) vẫn không hề thay đổi.

Mặc dù Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán nhà Nguyễn đã đề cập đến bảy điểm "linh huyệt" của vùng Thất Sơn, rồi chọn ra những núi đã nêu trên, nhưng so sánh lại những tên núi, vẫn có khác biệt.

Lý giải cho điều này, hiện nay vẫn chưa có lời giải thích nào ổn thỏa. Nhưng điều dễ thấy trong việc sắp xếp núi non này, đã chịu ảnh hưởng rất nhiều những yếu tố thần bí, siêu nhiên, phong thủy...[3]

Tuy vẫn còn có những ý kiến khác, nhưng hiện nay những núi do Trần Thanh Phương liệt kê, được khá nhiều người đồng thuận.

Tài nguyên

sửa

Khoáng sản

sửa

Bảy Núi rất phong phú về khoáng sản, như:

  • Nhóm vật liệu xây dựng: Đá granit ở núi Cô Tô, núi Ba Thê, núi Két, núi Tượng, núi Sập, núi Trà Sư...Cát xây dựng nằm theo triền hoặc nơi các trũng giữa núi Cấmnúi Dài.
  • Nhóm vật liệu trang trí: Đá ốp lát ở núi Cấm, núi Dài Nhỏ...

Đá aplite, một thành phần quan trọng để sản xuất ra gạch ceramic, để làm hạ nhiệt nóng chảy của cát, trong các lò chế tạo thủy tinh, được tìm thấy nhiều nơi ở Bảy Núi.

Ngoài ra, còn có các khoáng sản khác, như: than bùn ở các xã Núi Tô, Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc, An Tức...; mỏ vỏ sò ở núi Chóc; mỏ đất sét cao lanh, đá quý và ngọc ở Nam Qui, Tà Pạ; quặng kim loại molipden ở núi Sam, núi Két, núi Trà Sư; quặng mangan ở vùng Tà Lọt; nước khoáng thiên nhiên ở núi Dài, núi Cô Tô, núi Cấm và bột Diatomite ở núi Cấm, núi Dài...

Thực vật

sửa

Khi xưa, vùng Bảy Núi phần lớn là rừng rậm nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý. Đến thế kỷ thứ 17, nơi đây hãy còn hoang vu. Thái Văn Trừng đã xếp các quần thể rừng của Bảy Núi trong kiểu rừng kín nửa rụng lá, ẩm nhiệt đới với cấu trúc 3 tầng rõ rệt: tầng cây gỗ như dầu, căm xe, lăng ổi, bời lời, quế, gõ mật, nính..., tầng cây bụi như sâm ngọt, sâm núi, mua lông, bưởi, chanh..., tầng thân thảo và quyết thực vật như sa nhân, gừng dại, giềng rừng...

Động vật tự nhiên

sửa

Trước đây, vùng Bảy Núi có nhiều loại chim muông và thú rừng. Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí viết: Ở núi Nam Vi cây cối um tùm, khe sâu cỏ rậm, rất nhiều hươu, nai, hổ, báo...Còn ở núi Khe Săn (Khê Lạp) có cây tùng, cây trúc tốt tươi, hươu nai tụ tập...nhân dân thường đến núi này để tìm mối lợi.. Ngoài ra, Trịnh Hoài Đức còn cho biết về thú rừng có hổ, báo, nai, hươu, cáo, vượn, khỉ; về chim có phượng hoàng, quạ... Ngày nay, chỉ còn một số ít loài, như heo rừng, khỉ, nhím, rắn...còn phần nhiều những loài mà Trịnh Hoài Đức kể trên gần như không còn nữa.

Đặc điểm địa hình và Lịch sử

sửa
 
Một phần núi Cô Tô (trong Bảy Núi) đang bị khai thác đá.

Nói về mặt tự nhiên của vùng Bảy Núi, sách Gia Định thành thông chí mô tả: Hang núi ngậm mây, suối cong nhả ngọc, lại có những cây giáng hương, tóc hương, cây cối xanh um, cầm thú béo mập. Phía đông có ruộng đồng bằng phẳng, phía tây có hồ nước... Ngoài ra, còn nghe gà gáy dưới bóng trăng, chó sủa trong hang động, cảnh huống yên hà ngoài thế giới vậy[4]

Ở trong sách trên còn cho biết sự hiện diện của những người Việt đến sinh sống, hòa nhập với người Khmer, ở vùng Bảy núi vào mấy thế kỷ trước. Họ đến để khai thác nguồn lợi thiên nhiên, lập vườn cây ăn trái, trồng hoa màu, tìm dược thảo, làm ruộng ở chân núi, bắt cá vào mùa hạn ở các ao đìa...

Sau này, vùng Bảy Núi còn là nơi hội tụ của những sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương.[5] Vì nơi đây vừa có đồng bằng thuận lợi cho việc canh tác, vừa có núi rừng trú ẩn, có lối trốn sang nước Campuchia, nếu bị đối phương lùng sục... Cho nên rất nhiều người đã tìm đến đây, mỗi người mang mỗi tâm trạng, đến để chuẩn bị chiến đấu, để chờ thời cơ hay chỉ để lãng quên thực tế.... Vì vậy, vùng đất này gắn liền tên tuổi của nhiều danh nhân như: Đoàn Minh Huyên[6], Thủ Khoa Huân, Trần Văn Thành, Ngô Lợi, Phan Xích Long, Trương Gia Mô...

Đây cũng là nơi hội tụ nhiều ông đạo, bởi vậy có câu: Tu Phật Phú Yên, tu tiên Bảy Núi.[2]

Vùng Bảy Núi còn là nơi có nhiều lễ hội, phong tục... đặc thù của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, như lễ Chol Chnam Thmay, lễ Pisat bo chia, lễ Pha Chum Bênh (tức lễ Đôn Ta)...và đặc biệt hơn cả là lễ hội Đua bò Bảy Núi được diễn ra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 hằng năm...

Ngoài ra, Bảy Núi còn là phên dậu nơi chốn biên thùy. Vua Gia Long đã từng nói: Địa thế Châu Đốc, Hà Tiên cũng không kém Bắc Thành...

Và là nơi có vô số danh lam, thắng cảnh...

Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, có câu:

Thất Sơn, hòn dọc dãy ngang,
Nói sao cho hết cả ngàn phong cương.[7]

Tham khảo

sửa
  • Địa chí An Giang tập I, UBND tỉnh An Giang ấn hành, 2003.
  • Địa chí An Giang tập II, UBND tỉnh An Giang ấn hành, 2007.

Chú thích

sửa
  1. ^ Theo đó, núi Cấm, ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn, được xác tín là địa điểm Phật Di Lặc mở Hội Long Hoa, cuộc phán xét cuối cùng, kết thúc thời hạ ngươn (mạt pháp) và khai mở kiếp đời thượng ngươn mới hạnh phúc và an lạc. Dấu hiệu chỉ báo là đến lúc đó, từ núi báu (Bửu Sơn) sẽ tỏa ra mùi hương thơm kỳ diệu (Kỳ hương). Theo Huỳnh Ngọc Trảng [1] Lưu trữ 2008-07-09 tại Wayback Machine
  2. ^ a b Địa chí An Giang, tập 2, UBND tỉnh An Giang xuất bản, năm 2007, tr. 283, 386, 387.
  3. ^ Như Núi Nước chỉ cao như cái gò, nhưng vẫn được liệt trong Bảy Núi.
  4. ^ Theo Khám phá Thất Sơn huyền bí[liên kết hỏng]
  5. ^ Nghe tiếng, năm 1903, Phan Bội Châu đã vào tận Bảy Núi, tìm đến ngôi chùa nọ, gặp một người nặng lòng với non nước, họ Trần" (theo Sơn Nam, Cá tính miền Nam, Nhà xuất bản Trẻ, 1997 tr.64-65; Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản KHXH, tr.459). Địa chí An Giang, tập 2, sách đã dẫn, ghi năm 1904. Xem thêm Thảo luận:Ngô Lợi
  6. ^ Đoàn Minh Huyên và Ngô Lợi là hai người có công lớn trong việc đưa dân đến mở đất khai hoang ở vùng Bảy Núi.
  7. ^ Nguyễn Liên Phong, Nam Kỳ phong tục diễn ca, 1909.

Liên kết ngoài

sửa