DEFCON, viết tắt của "defense readiness condition" (tình trạng sẵn sàng phòng thủ), là một tình trạng báo động được Quân đội Hoa Kỳ sử dụng.[1] Được xây dựng bởi Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ (JCS) và Bộ tư lệnh Chiến đấu Thống nhất,[2] hệ thống này chỉ dẫn năm mức độ sẵn sàng (hay tình trạng báo động) đối với Quân đội Hoa Kỳ, từ DEFCON 5 (ít nghiêm trọng nhất) đến DEFCON 1 (nghiêm trọng nhất), tương ứng với những tình huống quân sự khác nhau.[1]

Năm mức độ DEFCON

Hoạt động

sửa

Mức độ DEFCON chủ yếu được Tổng thốngBộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ban bố thông qua Chủ tịch JCSBộ tư lệnh Chiến đấu Thống nhất. Mỗi mức độ tương ứng với những tình huống về an ninh, kích hoạt và phản ứng nhất định.

Các lực lượng khác nhau của Quân đội Hoa Kỳ (lục quân, hải quân, không quân, thủy quân lục chiến, tuần duyên) cũng như các căn cứ quân sự và bộ chỉ huy khác nhau có thể được đặt ở các trạng thái sẵn sàng khác nhau. Tương tự, nhìn chung DEFCON thường được ban bố đối với những khu vực địa lý nhất định thay vì trên phạm vi toàn thế giới. Theo tạp chí Air & Space/Smithsonian, cho đến năm 2014, tình trạng sẵn sàng phòng thủ toàn cầu chưa từng lên tới DEFCON 2.[3]

Mức độ

sửa

Tình trạng sẵn sàng phòng thủ có sự khác nhau giữa từng mệnh lệnh và đã có những thay đổi theo thời gian.[2] Bộ quốc phòng Hoa Kỳ dùng các thuật ngữ thi hành khi sử dụng DEFCON nhằm tránh sự nhầm lẫn giữa thuật ngữ thi hành với mệnh lệnh thực tiễn.[4] Ngày 12 tháng 1 năm 1996, Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) đề xuất việc áp dụng hệ thống tình trạng sẵn sàng của JCS, và thông tin về hệ thống này được công khai vào năm 2006.[5]

Tình trạng
sẵn sàng
Thuật ngữ
thi hành
Mô tả Mức độ sẵn sàng
DEFCON 1 COCKED PISTOL Chiến tranh hạt nhân đã không thể tránh khỏi hoặc đã và đang diễn ra Các lực lượng sẵng sàng chiến đấu ở mức tối đa. Có thể phản ứng ngay lập tức
DEFCON 2 FAST PACE Tiến gần tới chiến tranh hạt nhân Các lực lượng vũ trang sẵn sàng triển khai và tham chiến trong vòng 6 giờ
DEFCON 3 ROUND HOUSE Các lực lượng vũ trang sẵn sàng hơn mức thông thường Không quân sẵn sàng triển khai trong vòng 15 phút
DEFCON 4 DOUBLE TAKE Tăng cường giám sát tình báo và các biện pháp an ninh Trên mức thông thường
DEFCON 5 FADE OUT Tình trạng sẵn sàng thấp nhất Thông thường

Lịch sử

sửa

Sau khi được thành lập, NORAD đã sử dụng các mức độ sẵn sàng khác nhau (Thông thường, Tăng cường, Tối đa) được chia nhỏ thành 8 tình trạng (chẳng hạn, mức độ sẵn sàng tối đa bao gồm hai tình trạng "Sẵn sàng phòng thủ không quân" và "Phòng thủ không quân khẩn cấp").[5] Tháng 10 năm 1959, Chủ tịch JCS đương nhiệm Nathan F. Twining thông báo với NORAD rằng "Canada và Mỹ đã ký một hiệp định về việc tăng cường mức độ sẵn sàng của các lực lượng NORAD trong các giai đoạn căng thẳng về quan hệ quốc tế."[5] Sau khi hiệp định này bắt đầu có hiệu lực vào ngày 2 tháng 10 năm 1959,[5] JCS đã xây dựng hệ thống DEFCON vào tháng 11.[2] Ban đầu, DEFCON 3 bao gồm hai tình trạng "Alpha" và "Bravo", DEFCON 2 bao gồm hai tình trạng "Charlie" và "Delta", đồng thời có một mức độ "Khẩn cấp" cao hơn DEFCON 1, bao gồm hai tình trạng "Phòng thủ khẩn cấp" ("Hot Box") và "Phòng thủ không quân khẩn cấp" ("Big Noise").[5]

DEFCON 2

sửa

Khủng hoảng tên lửa Cuba

sửa

Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, vào ngày 22 tháng 10 năm 1962, Quân đội Hoa Kỳ, ngoại trừ Lục quân Hoa Kỳ ở châu Âu (USAREUR), được ban bố tình trạng DEFCON 3. Ngày 24 tháng 10, mức độ này được nâng lên DEFCON 2 đối với riêng Bộ chỉ huy Không quân chiến thuật Hoa Kỳ (SAC). Tình trạng này kéo dài đến ngày 15 tháng 11.[6]

Chiến tranh vùng Vịnh

sửa

Ngày 15 tháng 1 năm 1991, JCS công bố tình trạng DEFCON 2 trong giai đoạn đầu của chiến dịch Desert Storm thuộc cuộc chiến tranh vùng Vịnh.[7] Ngoại trưởng Mỹ đương nhiệm James Baker đã cảnh báo rằng việc Iraq sử dụng vũ khí hóa học đối với liên quân sẽ dẫn đến hành động trả đũa hạt nhân.[8]

DEFCON 3

sửa

Chiến tranh Yom Kippur

sửa

Ngày 6 tháng 10 năm 1973, Ai Cập và Syria phối hợp tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Israel và gây ra cuộc chiến tranh Yom Kippur. Quan ngại rằng Liên minh Xô Viết sẽ can thiệp, Mỹ đã ban bố tình trạng DEFCON 3 đối với các lực lượng vũ trang bao gồm Bộ chỉ huy Không quân Chiến thuật, Bộ tư lệnh Phòng không Lục địa, Bộ tư lệnh ở châu ÂuHạm đội 6 vào ngày 25 tháng 10. Trong những ngày tiếp theo, các lực lượng này lần lượt quay trở về trạng thái thông thường mà cuối cùng là Hạm đội 6 vào ngày 17 tháng 11.[9]

Chiến dịch Paul Bunyan

sửa

Sau khi hai quân nhân Mỹ bị quân đội Triều Tiên sát hại tại Khu vực An ninh Chung vào tháng 8 năm 1976, mức độ sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Mỹ tại Hàn Quốc đã được nâng lên DEFCON 3. Mức độ này được duy trì trong suốt chiến dịch Paul Bunyan diễn ra ngay sau đó.[10]

Vụ tấn công 11 tháng 9

sửa

Trong vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ đương nhiệm Donald Rumsfeld đã công bố mức DEFCON 3 đồng thời cảnh báo khả năng nâng lên DEFCON 2 (tuy điều này đã không xảy ra).[11]

Chú thích

sửa
  1. ^ a b “Department of Defense Dictionary of Military and Associated Terms” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 11 tháng 11 năm 2009. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2014. (DEFCON is not mentioned in the 2010 and newer document)
  2. ^ a b c Sagan, Scott D. (Summer 1985). “Nuclear Alerts and Crisis Management” (pdf). International Security. 9 (4): 99–139. doi:10.2307/2538543 – qua Project Muse.
  3. ^ Chiles, James R. (tháng 3 năm 2014). “Go To DEFCON 3”. Air & Space/Smithsonian.
  4. ^ “Emergency Action Procedures of the Joint Chiefs of Staff, Volume I - General” (PDF). US DoD FOIA Reading Room. ngày 24 tháng 4 năm 1981. tr. 4–7. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 13 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2016.
  5. ^ a b c d e NORAD/CONAD Historical Summary: July -December 1959 (PDF) (Bản báo cáo). Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2013.
  6. ^ “DEFCON DEFense CONdition”. Federal of American Scientists.
  7. ^ “Nighthawks over Iraq, a chronology of the F117-A stealth fighter in operations Desert Shield and Desert Storm” (PDF).
  8. ^ Benjamin Bunch; Scott D. Sagan (ngày 13 tháng 12 năm 2013). “Our Red Lines and Their”. Foreign Policy.
  9. ^ Jan Goldman (ngày 16 tháng 6 năm 2011). Words of Intelligence: An Intelligence Professional's Lexicon for Domestic and Foreign Threats. Scarecrow Press. tr. 93–. ISBN 978-0-8108-7476-3.
  10. ^ Probst, Reed R. (ngày 16 tháng 5 năm 1977). “Negotiating With the North Koreans: The U.S. Experience at Panmunjom” (PDF). Carlisle Barracks, Pennsylvania: U.S. Army War College. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 24 tháng 10 năm 2005. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2009. Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)
  11. ^ “911 Compmission Report” (PDF).