Hủ tiếu Hồ
Hủ tiếu Hồ là một món ăn nổi tiếng ở Chợ Lớn, còn có tên gọi khác là "Hủ tiếu Triều Châu" do xuất xứ của nó bắt nguồn từ Triều Châu.[1] Không như những món hủ tiếu khác, món ăn thường được dùng với cải chua và lòng heo khìa để hãm béo,[2] và sợi hủ tiếu khá lạ mắt.[2]
Tên khác | Hủ tiếu Triều Châu |
---|---|
Bữa | Bữa phụ |
Xuất xứ | Triều Châu |
Vùng hoặc bang | Chợ Lớn |
Nhiệt độ dùng | Dùng nóng |
Thành phần chính | Hủ tiếu Cải chua Lòng heo |
Nguồn gốc
sửaHủ tiếu Hồ có xuất xứ từ Triều Châu, và thường được xem là một món ăn quen thuộc của người Tiều.[1] Tuy nhiên, không ai rõ món này đã xuất hiện từ khi nào. Tên gọi của Hủ tiếu Hồ xuất phát từ cách nấu ngày xưa của người Tiều, khi nấu thì cho bột năng vào để có độ sền sệt như hồ.[3] Nguyên liệu chế biến ban đầu gồm có cải chua, lòng heo khìa, xá bấu, hoa hồi và thuốc Bắc.[1][3] Tuy nhiên sau này, để phù hợp với khẩu vị người Việt, người ta đã bỏ phần hoa hồi, thuốc Bắc, có một số nơi bỏ phần cải chua để hợp khẩu vị, và nước dùng không còn sền sệt như ngày xưa.[1][4]
Không giống như những món hủ tiếu khác, Hủ tiếu Hồ có sợi hủ tiếu rất to bản, và thường được cắt thành từng bằng miếng như bánh ướt.[5]
Chế biến
sửaLòng heo được ướp sơ trước với ngũ vị hương và nước dừa,[3] sau đó đem đi khìa với nước dừa.[1] Cải chua được ướp thêm đường, tỏi, ớt để cho thấm và giòn.[1] Xào xá bấu với tỏi và hầm nước lèo bằng xương trong 30 phút.[6] Cuối cùng, trụng bánh hủ tiếu Hồ cho ra tô, múc thêm muỗng xá bấu, cải chua, lòng heo khìa lên trên và thưởng thức cùng với sa tế.[6]
Phổ biến
sửaTại Sài Gòn, có rất nhiều hàng quán bán hủ tiếu hồ nằm trong khu Chợ Lớn, nhưng trong đó nổi tiếng nhất là hai quán Đỗ Khôn Huy Đạt ở quận 8, quán Hủ tiếu Triều Châu ở quận 11,[2][4] và quán Cao Văn Lầu ở Quận 6.[7] Ngoài ra, tại quận 6 có món biến tấu là hủ tiếu hồ chay khá nổi tiếng.[7][8]
Tham khảo
sửa- ^ a b c d e f Minh Cúc (2 tháng 3 năm 2017). “Chết thèm với tô hủ tíu hồ Sài Gòn”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021.
- ^ a b c P. V., P. V. (11 tháng 6 năm 2013). “Qua quận 8 tìm ăn hủ tiếu hồ”. Báo Thanh niên. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021.
- ^ a b c Di Vỹ (4 tháng 3 năm 2018). “Món hủ tiếu gốc Triều Châu từng 'khó nuốt' với người Sài Gòn”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021.
- ^ a b P. V. (28 tháng 1 năm 2013). “Hủ tiếu Triều Châu: Đặc sản của người Tiều ở Sài Gòn”. Báo Thanh niên. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021.
- ^ Bánh Bao (29 tháng 10 năm 2019). “Một lần thử món hủ tiếu hồ 'khó ăn' nhưng độc đáo, lạ miệng của người Tiều”. Phụ Nữ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021.
- ^ a b Lâm Như (25 tháng 6 năm 2020). “Trưa nay ăn gì: tìm đến sự mới lạ với hủ tiếu Hồ”. Sài Gòn Tiếp Thị. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2020.
- ^ a b Bích Phương. “Những tiệm hủ tiếu hồ ngon ở TP. HCM”. Zing News. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021.
- ^ Vũ Dzoãn Đoàn (8 tháng 3 năm 2017). “Hủ tiếu hồ phiên bản chay của bé Hai”. Báo Phụ Nữ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021.