Thiền sư Huệ Sinh (惠生, ? -1063?) tên tục là Lâm Khu(林摳), Lâm Khu Vũ hay Xu Vũ [1] là một thiền sư Việt Nam thời nhà Lý, và thuộc thế hệ thứ 13 trong thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi.

Thân thế và hành trạng sửa

Thiền sư Huệ Sinh là người làng Đông Phù Liệt; nay thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.

Theo sách Thiền uyển tập anh, Lâm Khu (sau này là thiền sư Huệ Sinh) thuộc dòng dõi Lâm Phú ở Trà Sơn, Vũ An [2]. Cha ông là Lâm Khoáng, lấy vợ là con gái của Quách tăng lục, nhân đó dời nhà về Đông Phù Liệt. Lâm Khoáng có hai con trai: con trưởng là Lâm Trụ [3], làm quan đến chức Thượng thư Binh bộ Viên ngoại lang, và Lâm Khu là con thứ.

Cũng theo sách này, Lâm khu có tướng mạo khôi ngô, giỏi biện luận, có tài thơ, họa và chữ tốt. Tuổi trẻ, ông theo Nho học, nhưng khi rỗi rãi thường nghiên cứu sách Phật, chư kinh bách luận...[4].

Năm 19 tuổi [5], ông cùng với Pháp Thông đến gặp thiền sư Định Huệ ở chùa Quang Hưng (thuộc phủ Thiên Đức) xin xuất gia, và được đặt pháp danh là Huệ Sinh. Sau khi đi đến nhiều tùng lâm để học hỏi, nhà sư đến tu trên đỉnh Bồ Đề thuộc núi Trà (Trà Sơn nay thuộc Tiên Du, Bắc Ninh). Mỗi lần vào thiền định ít ra cũng 5 ngày, nên thiền sư còn được người đời còn gọi là Nhục thân Đại sĩ.

Nghe danh, vua Lý Thái Tông cho vời thiền sư Huệ Sinh vào triều giảng đạo. Ban đầu, thiền sư từ chối không đi, sau vì nhà vua cố ép nên phải đến. Sau khi đàm đạo với thiền sư, nhà vua rất kính phục, phong phong làm Nội cung phụng tăng, cho đến trụ trì ở chùa Vạn Tuế trong kinh thành Thăng Long[6]. Về sau, thiền sư còn được phong làm Đô Tăng lục. Lúc bấy giờ nhiều vương công lui tới hỏi đạo, và lấy lễ thầy trò đối đãi với thiền sư.

Đời Lý Thánh Tông, phong thiền sư làm Tả nhai đồ tăng thống, ngang với tước hầu.

Năm Quý Mão (1063) [7] đời Lý Thánh Tông, thiền sư Huệ Sinh mất.

Tác phẩm sửa

Thiền sư Huệ Sinh đã để lại các tác phẩm sau:

  • Văn bia ở các chùa Thiên Trúc, Thiên Thánh, Khai Quốc, Diệu Nghiêm, Báo Đức.
  • Pháp sự trai nghi.
  • Đạo tràng khánh tán văn.
  • Và hai bài kệ.

Giới thiệu hai bài kệ sửa

Một hôm có lễ trai tăng trong đại nội, nghe vua Lý Thái Tông hỏi về đạo, thiền sư Huệ Sinh trả lời bằng một bài kệ như sau:

Kệ đáp Lý Thái Tông tâm nguyên chi vấn [8]
Pháp bản như vô pháp,
Phi hữu diệc phi không.
Nhược nhân tri thử pháp
Chúng sinh dữ Phật đồng.
Tịch tịch Lăng già nguyệt
Không không độ hài chu
Tri không, không giác hữu
Tam muội nhậm thông chu.
Dịch nghĩa:
Kệ trả lời Lý Thánh Tông hỏi về tâm nguyện
Thế giới hiện tượng vốn như không có,
Chẳng phải là có, cũng chẳng phải là không.
Nếu người ta hiểu được cái nguyên lý ấy,
Thì chúng sinh cũng đồng nhất với Phật.
Lặng lẽ như vầng trăng tên núi Lăng Già,
Hư không như con thuyền vượt biển.
Biết cái đúng không, thì cái không hóa ra cái có,
Và sẽ mặc ý đi suốt khắp cảnh giới tam muội [9].

Năm 1063 (?), trước khi thị tịch, thiền sư Huệ Sinh gọi đệ tử đến và đọc bài kệ rằng:

Kệ Thủy Hỏa
Thủy hỏa nhật tương tham,
Do lai vị khả đàm.
Báo quân vô xứ sở,
Tam tam hưu tam tam.
Tự cổ lai tham học
Nhân nhân chỉ vị Nam.
Nhược nhân vấn tân sự,
Tân sự nguyệt sơ tam.
Dịch nghĩa:
Kệ Nước và Lửa
Nước và lửa ngày ngày thâm nhập lẫn nhau,
Nguồn gốc của chúng không thể bàn đến được.
Báo cho anh biết chúng không có xứ sở,
(Mà chỉ là) cái "nhất như" [10] và cái "nhất như" mà thôi.
Từ xưa đến nay (người) đến học đạo,
Ai nấy đều chỉ vì một phương hướng.
Ví bằng có người hỏi cái mới,
Thì cái mới (giống như) trăng mồng ba.

Sách tham khảo sửa

  • Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam. Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1992.
  • Nguyễn Q. Thắng- Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, mục từ "Lâm Khu". Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992.
  • Nguyễn Đăng Na (chủ biên), Văn học thế kỷ X-XV, mục: "Thiền uyển tập anh" (bản dịch của Lê Mạnh Thát) và mục: "Lâm Khu". Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2004.

Chú thích sửa

  1. ^ Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 310.
  2. ^ Vũ An có lẽ thuộc vùng Thủy Nguyên, Hải Phòng ngày nay (theo Văn học thế kỷ X-XV, tr. 365).
  3. ^ Theo Thiền uyển tập anh (bản dịch của Lê Mạnh Thát in trong Văn học thế kỷ X-XV, tr. 365). Bản điện tử nơi website Quảng Đức ghi là Sinh [1] Lưu trữ 2011-09-20 tại Wayback Machine.
  4. ^ Theo Thiền uyển tập anh, nguồn đã dẫn.
  5. ^ Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 310) thì năm 60 tuổi, Lâm Khu mới xin xuất gia.
  6. ^ Theo Thiền uyển tập anh. Sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 310) chép là chùa Vạn Phúc trong kinh thành Thăng Long.
  7. ^ Chép theo Thiền sư Việt Nam (tr. 118) và Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 310). Bản dịch Thiền uyển tập anh của Lê Mạnh Thát in trong Văn học thế kỷ X-XV (tr. 366) chép thiền sư Huệ Sinh mất năm Giáp Thìn (1064).
  8. ^ Hai bài kệ chép theo 'Văn học thế kỷ X-XV (tr. 509-511), có sách chép hơi khác. Cũng theo sách này thì cả hai bài kệ đều không có đầu đề. Đầu đề ở đây là do nhóm biên soạn thêm vào.
  9. ^ Tam muội ở đây chỉ cảnh giới của những người đã bỏ được mọi ràng buộc, đi tới sự giải thoát. Hai câu cuối cón có thể hiểu khác: Nếu biết được lẽ không, hiểu lẽ có /Thì khi nhập định sẽ hoàn toàn thông suốt (theo Văn học thế kỷ X-XV, tr. 310).
  10. ^ Đại ý tác giả muốn nói các yếu tố như nước, lửa...hàng ngày xâm nhập lẫn nhau, tạo nên muôn vàn hiện tượng. Nhưng cuối cùng mọi hiện tượng kia cũng đều quy về bản thể (theo Văn học thế kỷ X-XV tr. 511).