Kaiserschmarrn hoặc Kaiserschmarren là một loại bánh mỏng dẹt được cắt xé thành từng miếng nhỏ trong lúc chế biến. Đây là món ăn ngọt rất nổi tiếng ở Áo, miền nam nước Đức, Hungary, Slovenia và khu vực phía bắc của Croatia. Tên của món ăn này xuất phát từ vị Hoàng đế (Kaiser) Franz Joseph I của Áo (1830–1916), là người rất thích món bánh này.[1]

Kaiserschmarrn với nước sốt táo
Kaiserschmarrn ăn kèm với kem, trái cây và sốt việt quất
Kaiserschmarrn với sốt làm từ quả của cây ỏng ảnh
Hoàng đế Franz Joseph I
Hoàng đế Franz Joseph I vào năm 1905

Nguồn gốc của từ sửa

Tên gọi Kaiserschmarrn được ghép bởi 2 từ Kaiser có nghĩa là hoàng đế và Schmarrn mang nhiều ý nghĩa khác nhau như chuyện vặt, mớ hỗn độn, điều vô nghĩa, điều nực cười.[2]

Công thức của Kaiserschmarrn sửa

Kaiserschmarrn được làm từ bột nhão ngọt làm bánh gồm bột mì, trứng, đường, muối, sữa và được nướng với bơ. Khi làm bánh, lòng trắng của trứng sẽ được tách riêng và được đánh đều đến khi quánh lại và nhuyễn mịn[3]. Ngoài ra, thành phần chính truyền thống còn có nho khô. Trước khi nấu, nho khô sẽ được ngâm trong rượu rum. Người đầu bếp có thể tạo ra các hương vị khác nhau của Kaiserschmarrn dựa trên sở thích nấu ăn của họ như thay nho khô ngâm rượu rum bằng quả hạch, trái anh đào, trái mận, mứt táo hoặc những thành phần nhỏ khác như táo cắt nhỏ, nho khô với đường ca-ra-men kết hợp với quả hạnh được nghiền vụn.[1][2]

Kaiserschmarrn được chia thành từng miếng nhỏ và được rắc bột đường lên trên bánh. Món ăn sẽ được dọn ra khi còn nóng và được ăn kèm với nước sốt táo hoặc nước sốt mận hay là mứt hoa quả được làm từ quả mận, quả của cây ỏng ảnh, dâu hoặc táo.[2]

Nguồn gốc lịch sử sửa

Kaiserschmarrn là món ăn được phục vụ lần đầu tiên cho hoàng đế Franz Joseph I của Áo. Có nhiều câu truyện liên quan tới món ăn này và nhà vua. Trong đó, có một câu truyện nói về hoàng đế Franz Joseph I và vợ của ngài là hoàng hậu Elisabeth xứ Bayern. Hoàng hậu Elisabeth luôn bị ám ảnh bởi việc duy trì một vòng eo nhỏ nên vị hoàng hậu đã ra lệnh cho đầu bếp của hoàng gia chuẩn bị các món tráng miệng nhẹ cho bà. Điều này đã khiến cho hoàng đế Franz Joseph I không hài lòng. Khi chứng kiến đầu bếp hoàng gia làm bánh, hoàng hậu đã từ chối dùng món ăn này vì bà cho rằng món bánh quá béo. Vì thế, hoàng đế Franz Joseph I tỏ ra bực mình và muốn thử món ăn để xem món bánh của đầu bếp hoàng gia làm như thế nào mà bị hoàng hậu từ chối. Ngay sau đó, Hoàng đế đã rất thích món bánh do đầu bếp hoàng gia làm. Ngài không những dùng hết phần bánh của mình, mà còn dùng luôn phần ăn của hoàng hậu.[2]

Chú thích sửa

  1. ^ a b “Nguồn gốc”. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2016.
  2. ^ a b c d “Nguồn gốc của tên gọi Kaiserschmarrn”. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2016.
  3. ^ “Bí quyết làm món ăn Kaiserschmarrn”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 7 năm 2016. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2016.

Liên kết ngoài sửa