Lý Kế Nguyên

nhà ngoại giao Việt Nam thời Lý

Lý Kế Nguyên (chữ Nho: 李繼元) là một nhà ngoại giao, tướng lĩnh nhà Lý trong lịch sử Việt Nam.

Lý Kế Nguyên
李繼元
Thông tin cá nhân
Sinhkhông rõ
Mấtkhông rõ
Giới tínhnam
Quốc tịchĐại Việt
Thời kỳnhà Lý

Thân thế sửa

Không rõ thân thế cũng như quê quán của Lý Kế Nguyên. Ông không được nhắc tới trong các sách sử Việt Nam như Việt sử lược, Toàn thư hay Cương mục mà chỉ xuất hiện trong các tư liệu phía Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn cho rằng Lý Kế Nguyên chính là Lý Kế Tiên (李繼先) được chép trong Tống sử, và để ngỏ khả năng đây là một tên gọi khác của Đào Tông Nguyên trong trường hợp được ban quốc tính.[1] Sách Kế sách giữ nước thời Lý-Trần lại liệt kê ông vào danh sách các châu mục, tù trưởng của nhà Lý tham gia đánh Tống năm 1075.[2]

Hoạn lộ sửa

Năm 1063, Lý Kế Tiên giữ chức Đại lý bình sự (zh), làm phó sứ trong sứ đoàn Mai Cảnh Tiên đến Biện Kinh kết hiếu với nhà Tống, cống chín con voi thuần.[3][4] Năm 1070, Lý Kế Nguyên dẫn đầu sứ đoàn sang Tống, nhưng bị ngăn không cho đến Biện Kinh với yêu cầu triều đình nhà Lý phải trả tù binh người Tống bị bắt trong các cuộc xung đột biên giới.[5]

Năm 1075, trước nguy cơ quân Tống xâm lược, Phụ quốc Thái phó Lý Thường Kiệt mở cuộc tấn công vào lãnh thổ nhà Tống. Phía Tống nhắc tới Lý Kế Nguyên đồng thời cho rằng ông là đồng chủ mưu trong việc "làm phản".[a][7][8] Qua đó cho thấy Lý Kế Nguyên là một quan viên thân tín của Lý Thường Kiệt.

Cuối năm 1076 đầu năm 1077, nhà Tống phát động cuộc xâm lược Đại Việt bằng hai đường thủy – bộ. Khi bộ binh và kỵ binh tập kết ở Quế Châu (lộ Quảng Nam Tây), chủ soái Quách Quỳ ra lệnh cho quân thủy do Chiến trạo Đô giám Dương Tùng Tiên[b] và Kiềm hạt Hòa Bân[c] chỉ huy men theo đường ven biển để tiến vào Đại Việt.[14]

Lý Kế Nguyên được Lý Thường Kiệt giao cho nhiệm vụ chỉ huy một bộ phận thủy quân đóng ở cửa Đồn Sơn (Vân Đồn), án ngữ vùng biển mà phía Tống gọi là sông Đông Kênh.[d][16][17][18] Tại đây, thủy quân Đại Việt đóng ở Vĩnh An và thủy quân Tống đã giao tranh hơn mười trận.[19] Bất chấp các tướng Trương Thuật (張述), Bùi Cảnh (裴景), Bành Tôn (彭孫) bên Tống nỗ lực chiến đấu,[20] thương vong bên Việt không lớn trong khi của bên Tống lại rất nặng. Thủy quân Tống có thể xem như hoàn toàn bại trận, buộc phải neo đậu ở Đông Kênh mà không thể tiến thêm bước nào.[19][21][22] Kế hoạch cho thủy quân qua cửa Bạch Đằng tới sông Lục Đầu để chở đại quân Tống đang đóng trại ở bờ bắc sông Phú Lương qua sông hoàn toàn sụp đổ.[23] Thậm chí, quân Việt còn giả bộ làm quân của Dương Tùng Tiên, Hòa Bân để tập kích doanh trại quân Tống.[7]

Dương Tùng Tiên hoàn toàn bị cô lập, bèn phái Phàn Thực (樊實), Hoàng Tông Khánh (黃宗慶) đến Chiêm Thành cầu viện, vua Chiêm chỉ cho quân đóng giữ ở vùng biên mà không tiến vào lãnh thổ Đại Việt.[24] Cho đến tận khi quân Tống ở trên đất liền đã rút hết về nước thì thủy quân Tống vẫn không hay biết gì, khiến vua Tống lo lắng, định cho quân đi cứu.[19] Sức chiến đấu của quân đội Đại Việt trong đó bao gồm thủy quân do Lý Kế Nguyên chỉ huy, khiến phía Tống lo ngại phải tăng cường binh lực ở vùng biên duyên.[25] Chiến thắng của Lý Kế Nguyên tạo nên thời cơ cho Lý Thường Kiệt đánh bại chủ lực quân Tống ở phía bắc sông Như Nguyệt, là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong toàn bộ kế hoạch kháng chiến.[26]

Tháng 10 năm 1077, sau thắng lợi của cuộc chiến chống Tống, Lý Kế Nguyên được cử làm sứ giả sang Tống để đòi lại lãnh thổ bị quân Tống chiếm đóng, song sứ đoàn bị Triệu TiếtUng Châu bị đuổi về với lý do tờ biểu có chữ phạm húy.[27][28] Sau khi sửa lại tờ biểu, họ quay lại, quan chức Tống cho qua nhưng chuyến đi sứ lần này không đạt được mục tiêu đề ra là đòi lại các lãnh thổ bị chiếm.[27][29][30]

Đánh giá sửa

  • Chiến công của Lý Kế Nguyên có ý nghĩa to lớn đối với thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống giặc Tống. Việc chặn đứng và vô hiệu hóa lực lượng thủy binh giặc ở Vĩnh An đã khiến mưu đồ chung của Quách Quỳ và Triệu Tiết bị sụp đổ. Từ đây, đại binh của nhà Tống lâm vào thế bế tắc và khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng. (Nguyễn Khắc Thuần)[31]

Tham khảo sửa

  • Châu Hải Đường (2021). An Nam truyện. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. ISBN 9786049606816.
  • Hoàng Xuân Hãn (2014). Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
  • Lê Đình Sỹ; Nguyễn Danh Phiệt (1994). Kế sách giữ nước thời Lý-Trần. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.
  • Lý Đảo (zh), Tục Tư trị thông giám trường biên (zh).
  • Thoát Thoát, Tống sử.
  • Trương Hữu Quýnh; Phan Đại Doãn; Nguyễn Cảnh Minh (2008). Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập 1. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Ghi chú sửa

  1. ^ Quan điểm của nhà Tống coi việc Đại Việt đánh qua châu Ung, Khâm, Liêm là "làm phản".[6]
  2. ^ Dương Tùng Tiên (楊從先) ban đầu giữ chức Bộ dịch Đô giám.[9] Năm 1073, giữ chức Trú bạc đô giám lộ Quảng Nam Đông, huấn luyện hơn 1 vạn quân và 13 vạn bảo đinh để chuẩn bị cho cuộc xâm lược Đại Việt.[10] Sau đó, Tùng Tiên xin vua Tống cho thủy quân xuất phát từ hai châu Khâm – Liêm xuôi nam, xúi giục Chiêm ThànhChân Lạp trợ giúp đánh vào hậu phương của Đại Việt.[11] Năm 1076, được phong làm Chiến trạo Đô úy để thực thi kế hoạch trên, nhưng chần chừ không dám đi, bị Tướng tác giám thừa Tô Tử Nguyên (蘇子元, con Tô Giám) tố cáo.[12]
  3. ^ Hòa Bân (和斌) người Quyên Thành, từng có kinh nghiệm 5 năm tòng quân chống Liêu ở Đức Thuận quân, theo Địch Thanh đánh Nùng Trí CaoLưỡng Quảng, đánh dẹp tù trưởng Phù Thủy man nổi dậy hưởng ứng quân nhà Lý.[13]
  4. ^ Theo Hoàng Xuân Hãn, cửa sông Đông Kênh (東涇港) có thể là cửa Tiên Yên.[15]

Chú thích sửa

  1. ^ Hoàng Xuân Hãn 2014, tr. 204–205
  2. ^ Lê Đình Sỹ & Nguyễn Danh Phiệt 1994, tr. 63
  3. ^ Thoát Thoát, Tống sử, Quyển 488, Liệt truyện 247, Ngoại quốc liệt truyện (4).
  4. ^ Hoàng Xuân Hãn 2014, tr. 95
  5. ^ Hoàng Xuân Hãn 2014, tr. 116
  6. ^ Tô Như (15 tháng 6 năm 2020). “Sử Việt đọc chậm (kỳ 2): Những điều ít biết về Thái úy Lý Thường Kiệt”. Báo điện tử Thể thao & Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2023.
  7. ^ a b Lý Đảo, Tục Tư trị thông giám trường biên, Quyển 279.
  8. ^ Hoàng Xuân Hãn 2014, tr. 197
  9. ^ Lý Đảo, Tục Tư trị thông giám trường biên, Quyển 241.
  10. ^ Lý Đảo, Tục Tư trị thông giám trường biên, Quyển 246.
  11. ^ Lý Đảo, Tục Tư trị thông giám trường biên, Quyển 273.
  12. ^ Lý Đảo, Tục Tư trị thông giám trường biên, Quyển 276.
  13. ^ Thoát Thoát, Tống sử, Quyển 350, Liệt truyện 109, Miêu Thụ, Vương Quân Vạn, Trương Thủ Ước, Vương Văn Úc, Chu Vĩnh Thanh, Lưu Thiệu Năng, Vương Quang Tổ, Lý Hạo, Hòa Bân, Lưu Trọng Vũ, Khúc Trân, Lưu Khuých, Quách Thành, Giả Nham, Trương Chỉnh, Trương Uẩn, Vương Ân, Dương Ứng Tuân, Triệu Long liệt truyện.
  14. ^ Lý Đảo, Tục Tư trị thông giám trường biên, Quyển 277.
  15. ^ Hoàng Xuân Hãn 2014, tr. 215
  16. ^ Hoàng Xuân Hãn 2014, tr. 191
  17. ^ Hoàng Xuân Hãn 2014, tr. 210
  18. ^ Lê Thành Công; Trần Đình Quang (11 tháng 7 năm 2022). “Công tác bảo đảm cho hai trận đánh nổi tiếng thời Lý”. Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2023.
  19. ^ a b c Hoàng Xuân Hãn 2014, tr. 215–216
  20. ^ Lý Đảo, Tục Tư trị thông giám trường biên, Quyển 299.
  21. ^ Nguyễn Thị Hiền (16 tháng 8 năm 2019). “Nét độc đáo về sự chỉ đạo chiến thuật, chiến lược của Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống Tống”. Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Kon Tum. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2023.
  22. ^ Dương Hồng Anh (19 tháng 1 năm 2017). “Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng trong trận Như Nguyệt (năm 1077)”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2023.
  23. ^ Lê Văn Lan (15 tháng 4 năm 2016). “Thủy quân trong cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược”. Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2023.
  24. ^ Lý Đảo, Tục Tư trị thông giám trường biên, Quyển 288.
  25. ^ Lý Đảo, Tục Tư trị thông giám trường biên, Quyển 281.
  26. ^ Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn & Nguyễn Cảnh Minh 2008, tr. 257
  27. ^ a b Lê Đình Sỹ & Nguyễn Danh Phiệt 1994, tr. 233–234
  28. ^ Hoàng Xuân Hãn 2014, tr. 263
  29. ^ Hoàng Xuân Hãn 2014, tr. 233
  30. ^ Lý Đảo, Tục Tư trị thông giám trường biên, Quyển 285.
  31. ^ N.D (17 tháng 6 năm 2016). “Vĩnh tồn với non sông”. Bình Phước Online. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2023.

Liên kết ngoài sửa