Mảng Ấn-Úc
Mảng Ấn-Úc, mảng Ấn Độ-Úc hay mảng Ấn Độ-Australia là các tên gọi khác nhau của một mảng kiến tạo lớn, bao gồm châu Úc và vùng đại dương bao quanh, kéo dài về phía tây bắc để bao gồm cả tiểu lục địa Ấn Độ và các vùng nước cận kề. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng mảng Ấn-Úc có thể đang trong quá trình tách ra thành hai mảng tách biệt chủ yếu là do các ứng suất sinh ra từ va chạm của mảng Ấn-Úc với mảng Á-Âu dọc theo dãy Himalaya [1]. Hai tiền mảng hay tiểu mảng này nói chung được gọi là mảng Ấn Độ và mảng Australia.
Nguồn gốc
sửaNiên đại trầm tích của nhóm núi Barren trên mép phía nam của nền cổ Yilgarn và phân tích nguồn gốc ziricon hỗ trợ cho giả thuyết cho rằng va chạm giữa các nền cổ Pilbara–Yilgarn và Yilgarn–Gawler đã hợp thành lục địa tiền-Australia vào khoảng 1.696±7 Ma (Dawson và ctv, 2002)[2].
Phạm vi địa lý
sửaẤn Độ, Meganesia (Australia, New Guinea, Tasmania), New Zealand, New Caledonia là các phần của siêu lục địa cổ Gondwana. Tách giãn đáy biển đã chia tách các khối đất này ra khỏi nhau, nhưng do các tâm tách giãn không còn hoạt động nên chúng đã hợp nhất thành một mảng kiến tạo duy nhất.
Đo đạc GPS gần đây tại Australia xác nhận rằng chuyển động của mảng là theo hướng 35 độ về phía bắc đông bắc (gần trùng với hướng đông bắc) với tốc độ 67 mm/năm. Cũng cần lưu ý thêm rằng gần như cùng một hướng và vận tốc như vậy cho các điểm tại Auckland, đảo Christmas và miền nam Ấn Độ. Sự thay đổi nhỏ về hướng tại Auckland có lẽ là do sự oằn nhẹ của mảng tại đây, nơi nó bị nén ép bởi mảng Thái Bình Dương.
Mặt phía đông nam của mảng là ranh giới phức tạp nhưng nói chung là ranh giới hội tụ với mảng Thái Bình Dương. Mảng Thái Bình Dương đang lún chìm xuống dưới mảng Australia và tạo ra rãnh Tonga cùng rãnh Kermadec cùng các vòng cung đảo song song là Tonga và Kermadec. Nó cũng nâng các phần miền đông của đảo North thuộc New Zealand.
Lục địa Zealandia tách ra từ Australia khoảng 85 triệu năm trước và kéo dài từ New Caledonia ở phía bắc tới các đảo cận Nam cực của New Zealand ở phía nam, hiện nay đang bị kéo mạnh ra xa nhau dọc theo ranh giới chuyển dạng được ghi nhận bởi phay Alpine.
Ở miền nam New Zealand thì ranh giới trở thành ranh giới chuyển tiếp giữa chuyển dạng và hội tụ, gọi là đới phay Macquarie, trong đó mảng Australia bắt đầu bị hút chìm xuống phía dưới mảng Thái Bình Dương dọc theo rãnh Puysegur. Sự kéo dài về phía tây nam của rãnh này là sống đại dương Macquarie.
Mặt phía nam là ranh giới phân kỳ với mảng Nam Cực gọi là sống đại dương Đông nam Ấn Độ (SEIR).
Mặt phía tây là ranh giới chuyển dạng với mảng Ả Rập gọi là đới đứt gãy Owen và ranh giới phân kỳ với mảng châu Phi gọi là sống núi giữa Ấn Độ Dương (CIR).
Mặt phía bắc của mảng Ấn-Úc là ranh giới hội tụ với mảng Á-Âu đang tạo ra các dãy núi Himalaya và Hindu Kush.
Mặt phía đông bắc của mảng Ấn-Úc tạo thành ranh giới hút chìm với mảng Á-Âu trên vùng sát ranh giới của Ấn Độ Dương từ Bangladesh qua Myanmar (Burma) tới các đảo phía tây nam của Indonesia như Sumatra và Borneo.
Ranh giới hút chìm ngang qua Indonesia là không song song với đường Wallace trong địa sinh học, là đường chia tách các quần động-thực vật bản xứ châu Á với các quần động-thực vật của Australasia. Các đảo miền đông Indonesia nằm chủ yếu trên mảng Á-Âu, nhưng lại có quần động và thực vật có họ hàng với các quần động-thực vật Australasia.
Tham khảo
sửa- ^ (1995) Geologists Find: An Earth Plate Is Breaking in Two
- ^ Dawson Galvin C., Ian R. Fletcher, Bryan Krape, Neal J. McNaughton và Birger Rasmussen. (2002) "Did late Palaeoproterozoic assembly of proto-Australia involve collision between the Pilbara, Yilgarn and Gawler Cratons? Geochronological evidence from the Mount Barren Group in the Albany–Fraser Orogen of Western Australia." Precambrian Research, Quyển 118, số 3-4, ngày 25 tháng 11 năm 2002, trang 195-220.[liên kết hỏng]