Sầu riêng khổ qua

Giống sầu riêng bản địa của Việt Nam

Sầu riêng Khổ qua là giống sầu riêng bản địa của Việt Nam,[1] phân bố chủ yếu ở Tiền Giang. Khổ qua cùng với giống sầu riêng Lá quéo từng chiếm diện tích trồng chủ yếu ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành. Chúng từng là mặt hàng sầu riêng quan trọng trên thị trường nhưng dần bị thay thế bởi các giống trồng chất lượng hơn có nguồn gốc từ Thái Lan như Mon Thong hay từ Myanmar như Ri6. Giống sầu riêng này có loại quả mang vẻ ngoài giống trái khổ qua.

Nguồn gốc sửa

Nguồn gốc của giống trồng này được xem là xuất phát từ cù lao Ngũ Hiệp.[2] Tuy nhiên, một nguồn khác chỉ ra rằng giống trồng có nguồn gốc ở Tam Bình, địa phương nằm cạnh cù lao, chúng đã được trồng vào những năm 1930 bởi ông Chánh bái Mẫn. Cho đến những năm 1960 giống trồng này mới được bắt đầu trồng trên cù lao Ngũ Hiệp bởi một nông dân gốc Tam Bình tên là Hai Tôn. Từ đó, sầu riêng Khổ qua trồng khắp cù lao này.[3]

Mô tả sửa

Các giống con sửa

Giống Khổ qua gồm hai giống nhỏ:[4]

  • Khổ qua xanh: có lớp vỏ quả màu xanh lục.[5]
    • Hạt lép: giống đột biến của Khổ qua xanh.[4]
  • Khổ qua vàng: có lớp vỏ quả màu vàng[5] và trái có kích thước trung bình to hơn.

Cây sửa

Cây là cây thân gỗ có thể đạt chiều cao lên đến 40 m, đối với cây trồng bằng biện pháp chiết ghép chúng có chiều cao thấp hơn, không quá 20 m.[6] Giống Khổ qua dễ trồng,[7] sinh trưởng khá nhanh và thân cây thẳng.[8] Khổ qua mang một số đặc điểm phổ biến của sầu riêng, tương tự như nhiều giống trồng khác. Tán cây thấp và khi cây còn nhỏ thì tán phân bổ khiến cây trông giống cây thông. Cây chỉ có thể sống trong vùng khí hậu nóng ẩm, với nhiệt độ thích hợp 22-36 độ C. Nó cần nhiều nước nhưng không chịu được úng. Thổ nhưỡng thích hợp là đất thịt, đất thịt phù sa.[8] Cây được trồng theo hàng thẳng, các hàng được gọi là liếp cây. Không nên trồng quá dày vì sẽ hạn chế sự quang hợp.[8] Giữa các liếp là mương nước chạy dài xen lẫn, dọc theo liếp cây.

Hoa sửa

Hoa có số lượng lớn, dễ thụ phấn và đậu trái.[9] Tuy nhiên, Khổ qua rất khó tự thụ phấn, do đó nông dân can thiệp bằng thụ phấn nhân tạo, được gọi là quẹt phấn hay quét phấn. Hoa bắt đầu trổ vào ban đêm trong khoảng thời gian 19 đến 21 giờ. Một người nông dân sẽ dùng đèn pin để rọi, một người khác sẽ cầm chổi nylon quét vào các chùm hoa và quét từ chùm hoa này sang chùm hoa khác, để nhụy phấn có thể trao đổi. Nếu cây quá cao họ sẽ dùng những thanh chổi dài.[10] Trước khi quét phấn, nông dân có thể tỉa bớt các chùm hoa ở những vị trí nhánh quá nhỏ, vì để thì chúng sẽ khó nuôi và giữ chặt được quả.

Quả sửa

Sau khi quả non hình thành, nông dân sẽ tiến hành tỉa bớt quả do các chùm quả rất nhiều, chỉ chừa số lượng quả non vừa phải để chúng có thể lớn. Thông thường là tỉa thưa thớt dọc theo nhánh cho quả dàn đều. Khi quả lớn thì dùng tre, sậy chống đẩy cố định các nhánh để hỗ trợ sức nặng của quả mà nhánh mang. Một cây có thể cho 130-140 trái/năm.[9] Quả Khổ qua xanh có trọng lượng trung bình 1-2,5 kg,[9] Khổ qua vàng có trọng lượng trung bình lớn hơn, khoảng 2-2,5 kg. Lớp vỏ quả Khổ qua vàng dày hơn lớp vỏ quả Khổ qua xanh, nhưng cả hai có điểm chung là vỏ mềm dễ tách. Tỉ lệ thịt quả 16-18%, thịt quả có màu vàng, thơm và ngọt, vị đắng nhẹ nhưng hột to.[1]

Tên sầu riêng Khổ qua được người Việt gọi do hình dáng của quả giống trái khổ qua.[1]

Mùa vụ sửa

Khổ qua có một mùa vụ thu hoạch thường vào tháng 5, thường được gọi là mùa thuận. Tuy nhiên, nông dân thường xử lý canh tác để có thêm một mùa vụ nữa, gọi là mùa nghịch. Điều này phụ thuộc vào sức khỏe của cây, vì biện pháp xử lý sẽ rất khắc nghiệt. Việc đầu tiên là dọn dẹp làm sạch và nhẵn bề mặt đất, sau đó đậy mủ nylon khắp vườn cho kín bề mặt đất. Tiếp theo, xiết nước bằng việc bơm nước ra khỏi các hệ thống mương, rãnh cho cạn nước. Bằng việc ép khô và làm nóng bề mặt đất, phối hợp với xịt thuốc chuyên dụng, thường được nông dân gọi là thuốc bông thì cây sẽ ra hoa. Ngoài ra, nông dân sẽ ngăn chặn việc ra đọt non bằng việc xịt thuốc đọt, vì nếu cây ra đọt nó sẽ không ra hoa. Sầu riêng trong mùa vụ nghịch quả có giá bán cao hơn mùa thuận do ít hàng nhưng công sức xử lý canh tác sẽ rất lớn.[10]

Bệnh thực vật và chữa trị sửa

Điểm yếu lớn của Khổ qua là dễ nhiễm bệnh xì mủ. Cây dễ mắc bệnh này khi suy kiệt nếu canh tác lấy quả quá mức, đặc biệt nếu nông dân canh tác thêm mùa vụ nghịch trái. Để có thể chạy chữa, phương pháp chích thuốc được áp dụng. Trên thân cây, nông dân sẽ đục một lỗ tương đối to và sâu, nhưng phải tránh chạm vào lõi giữa thân cây. Sau đó, đầu tiêm các ống chích nhựa được cắm vào để tiêm thuốc cho cây. Thuốc là phân lân dạng nước. Phần đuôi ống chích là một lò so kéo để đẩy nước thuốc vào, và ống chích được đặt trong nhiều giờ cho đến khi thuốc trong ống rút cạn hết.[10]

Thương mại sửa

Khổ qua có điểm yếu là hột to, phần thịt quả quá mỏng nên mau chóng không thể cạnh tranh với các giống quả sầu riêng có cơm dày hạt lép.[3] Khi thời tiết thất thường, mưa nhiều, thường dẫn đến thịt quả nhiều nước và bị chảy nhão không còn chắc thịt.[11] Quả cũng dễ bị tình trạng cơm trắngsượng cơm, tức phần thịt quả ăn không có màu vàng bình thường mà chỉ có màu trắng và hương vị rất nhạt. Với các vấn đề về chất lượng quả, sầu riêng Khổ qua không có khả năng xuất khẩu ra ngoài thị trường Việt Nam.[12] Ngoài ra do năng suất kém, một cây cho trung bình 130-140 trái/năm, lớn hơn giống Mon Thong chỉ cho trung bình 60-80 trái/năm, nhưng tổng cân nặng lẫn giá cả đều thua kém.[9] Do đó, diện tích trồng cho mục đích thương mại ngày càng thu hẹp.

Vào năm 2004, giá được thương lái thu mua tại vườn đối với sầu riêng Chín Hóa là 18.000 VND/kg thì sầu riêng Khổ qua xanh chỉ được mua với giá 7-8.000 VND/kg.[13] Khổ qua cũng như các giống sầu riêng khác ở đồng bằng sông Cửu Long, chúng thường xuyên trải qua tình trạng thị trường "mất mùa được giá", có lúc "trúng mùa mất giá". Một thời điểm vào tháng 4 năm 2006, giá Khổ qua xanh bán tại vườn là 9-10.000 VND/kg chỉ sau một tháng đã tụt xuống còn 5-6.000 VND/kg.[14] Bên cạnh giá bán và năng suất thấp, chi phí vật tư nông nghiệp ngày càng cao đối với nông dân, nên việc trồng các giống sầu riêng kém hiệu quả kinh tế như Khổ qua trở nên tốn kém.[10] Ngoài phân bón, cây trồng cần được xịt thuốc diệt rầy định kỳ, thuốc đọt, thuốc bông, thuốc dưỡng lá, thuốc sâu cho bông, thuốc sâu cho quả.[10] Do đó, lợi nhuận không bù nổi chi phí.[10]

Từ trước năm 2020, nông dân trồng sầu riêng thu được lợi nhuận rất lớn,[15][16] về sau do hạn mặn làm chết cây, và do khủng hoảng bởi mùa dịch COVID khiến thị trường Trung Quốc đóng cửa, nên ngành sản xuất trở nên khó khăn. Khổ qua tuy không phải mặt hàng xuất khẩu như Mon Thong và Ri6 nhưng vẫn chịu cuộc khủng hoảng chung.[15] Ngay từ khoảng năm 2010-2015, nông dân trồng sầu riêng từng bước loại bỏ các giống chất lượng thua kém trên thị trường sầu riêng như Khổ qua, chuyển sang trồng các giống năng suất cao hơn.[16][17]

Xem thêm sửa

Chú thích sửa

  1. ^ a b c “Sầu riêng khổ qua là gì? Cách chọn sầu riêng khổ qua ngon”. báo ĐắK Nông. ngày 16 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2023.
  2. ^ Calvin Godfrey (ngày 21 tháng 2 năm 2013). “Có những niềm riêng...”. báo Thanh niên. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2023.
  3. ^ a b Hữu Nghị (ngày 26 tháng 6 năm 2015). “Bước thăng trầm của "vương quốc" sầu riêng”. báo Ấp Bắc. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2023.
  4. ^ a b Nhiều tác giả 2005, tr. 961.
  5. ^ a b Nguyễn Thị Nguyệt (ngày 10 tháng 10 năm 2014). “Sầu riêng Dona”. Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2023.
  6. ^ Nhiều tác giả 2005, tr. 960.
  7. ^ “Nhiều loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh đạt GAP”. Trang thông tin điện tử Ban tuyên giáo tỉnh ủy Tiền Giang. ngày 18 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2023.
  8. ^ a b c Nguyễn Lân Hùng (ngày 20 tháng 6 năm 2013). “Sầu riêng trồng một lần, thu hoạch được 60 năm”. báo Dân Việt. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2023.
  9. ^ a b c d “Xử lý ra hoa và biện pháp giữ trái sầu riêng”. Hội nông dân tỉnh Lâm Đồng. ngày 7 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2023.
  10. ^ a b c d e f Hoàng Phương (ngày 1 tháng 4 năm 2013). “Làm giàu từ sầu riêng nghịch vụ”. báo Thanh niên. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2023.
  11. ^ Trần Văn Hâu (ngày 10 tháng 12 năm 2015). “Hiện tượng "Sượng" cơm trái sầu riêng: Nguyên nhân và biện pháp khắc phục”. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2023.
  12. ^ Minh Trí (ngày 28 tháng 6 năm 2020). “Ông Nguyễn Văn Thắm: Điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi với mô hình chuyên canh sầu riêng”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2023.
  13. ^ Quốc Anh (ngày 29 tháng 6 năm 2004). “Sầu riêng Chín Hóa”. báo Tuổi trẻ. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2023.
  14. ^ Quốc Anh (ngày 29 tháng 5 năm 2006). “Cần Thơ: sầu riêng trúng mùa, xuống giá”. báo Tuổi trẻ. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2023.
  15. ^ a b Bảo Kỳ (ngày 20 tháng 2 năm 2023). “Trước khi có giá kỷ lục, cây sầu riêng từng thăng trầm ra sao?”. báo Dân trí. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2023.
  16. ^ a b Sĩ Nguyên (ngày 23 tháng 10 năm 2015). “Làm giàu nhờ trồng sầu riêng”. báo Ấp Bắc. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2023.
  17. ^ Minh Diệp (ngày 21 tháng 5 năm 2010). “Nông nghiệp Tiền Giang: Phát triển cây chủ lực”. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2023.

Tham khảo sửa

  • Nhiều tác giả (2005). Địa chí Tiền Giang, Tập 2. Ban tuyên giáo tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm Unesco thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Liên kết ngoài sửa