Bản mẫu:Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947 là một Nhà giáo ưu tú của Việt Nam viết bằng chân. Với đôi chân của mình ông đã viết sách, làm thơ, dạy học, tư vấn để vẽ lên một huyền thoại, một tấm gương vượt khó như biểu tượng cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam noi theo.

Tiểu sử sửa

Nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28-6-1947 tại Hải Thanh (Hải Hậu, Nam Định). Năm 1951, khi lên 4 tuổi, sau một cơn sốt, ông bị liệt hẳn 2 tay. Từ đó, ngày nào cậu bé Ký cũng nhìn đôi tay mềm nhũn của mình mà khóc. Bố, mẹ nhìn thấy cũng nghẹn ngào khóc theo và nói: "Mai sau bố mẹ chết đi, con biết làm gì mà sống". Năm lên 7 tuổi thấy các bạn đến trường, ông cũng lân la nhìn vào lớp học. Thấy vậy, cô giáo cho cho học một buổi, rồi dẫn ông về nhà nói với bố mẹ ông: "Em nó bị liệt 2 tay làm sao viết được mà học, hai bác giữ em ở nhà để các bạn trong lớp tập trung học".

Bố mẹ và các chị ông lúc đó chỉ biết an ủi ông. Thời đó, cả nhà ông không ai biết chữ nên chẳng ai dạy cho ông. Ở nhà, ông cứ lang thang ra vườn, thấy chim tha mồi bằng mỏ, ông bèn bắt chước tập viết bằng miệng, nhưng không được. Thấy gà bới rác ở vườn, ông lấy chân quặp viên gạch tập viết. Nhiều lần mẹ ông ứa nước mắt khi nhìn thấy con mình mồ hôi nhễ nhại đánh vật với các chữ viết đầy sân. ông bắt đầu tập viết chữ O, chữ V, rồi ông tiếp tục kẹp bút viết lên tập. Thế là một hôm, vì nể gia đình nên cô giáo cho ông vào lớp học, nhưng cô không tin rằng ông viết được. Khó khăn thế, nhưng ông miệt mài tập viết ngày đêm. Cuối cùng ông cũng kẹp thước, compa vẽ hình tròn, hình vuông. Việc gì trong nhà ông cũng đều làm bằng đôi chân kỳ diệu của mình và bên cạnh ông bao giờ cũng có mẹ an ủi, động viên. Từ chỗ là một đứa trẻ tật nguyền bị từ chối không được đến trường học chung với các bạn khác, thấy ông cố gắng “vượt khó vươn lên”, cuối cùng cô giáo đã chấp nhận cho ông vào lớp học. Nhà cách trường tới 8 cây số, dù cho ngày mưa hay ngày nắng, cậu học trò tật nguyền vẫn không bỏ bất kỳ buổi học nào. Tấm gương của ông khiến cho bạn bè cảm phục, thầy cô cảm mến. Dần dần ông đã trở thành học trò viết chữ đẹp bằng đôi bàn chân nổi tiếng của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 1962, ông được Bác Hồ tặng huy hiệu cao quý của Người. Năm 1963, ông được tỉnh Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Nam Định) cử đi dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc. Năm ấy, ông xuất sắc đứng thứ 5 và một lần nữa được Bác Hồ tặng huy hiệu cao quý lần hai.

Lên cấp 3, theo lời động viên của bạn bè khắp cả nước gửi thư về, ông đã chọn ngành văn. Năm 1966, ông được ĐH Tổng hợp Hà Nội gửi giấy mời nhập học ngành Ngữ văn. Trong 4 năm học đại học, dù bệnh tật luôn đe dọa tính mạng, ông vẫn miệt mài đèn sách. Ông quan niệm: "Xa trường, xa lớp nhưng không xa sách vở". Vì thế, ngay cả trên giường bệnh, ông vẫn miệt mài học tập. Năm 1970, ông bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và cho ra đời tập truyện ký đầu tiên viết bằng chân ở Việt Nam, nhan đề: "Những năm tháng không quên". Ông kể: "Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn, theo lời khuyên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi trở về quê nhà Hải Hậu, Nam Định làm giáo viên. Tôi luôn suy nghĩ rằng, mình sẽ dạy cho học sinh bằng cách nào đây khi 2 tay vô dụng, không dùng phấn được. Thế là tôi mày mò phương pháp dạy chẳng giống ai". Ông tự thiết kế các mô hình, dàn bài trên bìa một tờ giấy cứng, bên ngoài có một tờ giấy trắng che lại. Ông vừa dạy vừa dùng chân kéo tờ giấy che ở ngoài từ từ xuống, thế là những con chữ xuất hiện. Cộng với giọng nói sinh động, truyền cảm, ông đã thuyết phục được học sinh. Trong bất cứ bài học nào, ông đều nghĩ những câu đố bằng thơ rất độc đáo. Chẳng hạn khi dạy tác phẩm của Nguyễn Trãi, để gây sự chú ý cho học sinh, vừa bước vào lớp, ông liền đọc 4 câu thơ: "Đức tài rực sáng sao khuê. Bút là gươm sắc phò Lê cứu đời. Lấy dân làm đạo, làm vui. Hùng văn thuở ấy đất trời còn vang". Đố các em đó là ai? Với lối dạy văn sinh động, sáng tạo, đưa cái hồn của văn học vào lớp học, ông đã làm cảm phục bao thế hệ học trò. Trong lần về thăm huyện Hải Hậu, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: "Thày giáo Nguyễn Ngọc Ký là đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kỳ diệu, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ hôm nay, nhất là những người khuyết tật noi theo". Ngày 20/11/1992, ông là nhà giáo viết bằng chân đầu tiên được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Cuộc đời của ông tưởng chừng như êm xuôi, nhưng bệnh tật vẫn luôn thách thức. Năm 1993, sau khi đến TP HCM chữa bệnh viêm cầu thận, sức khoẻ của ông suy giảm trầm trọng. Năm 1994, ông chuyển công tác từ Nam Định vào làm việc tại Phòng Giáo dục quận Gò Vấp với mong ước được ở gần các bệnh viện lớn để chữa bệnh.

Từ năm 1994-2005, ông được phân công nhiệm vụ dự giờ bài giảng của giáo viên, chép lại, tổng hợp, rút kinh nghiệm, rồi đóng góp ý kiến. Hằng ngày, ông đến các trường cấp 2 nghe giáo viên giảng bài, rồi ngồi cuối lớp chép lại những ý tưởng. Sau đó ông về ngồi bệt ra giữa nhà viết lại, nhiều ngày phải viết thâu đêm. Chuyên đề góp ý của ông trở thành những bài lý luận từ thực tiễn rất xuất sắc. Ông được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho nhiều thế hệ trẻ trong cả nước. 1.500 buổi nói chuyện tại các THCS, THPT, THCN, cao đẳng, đại học trong cả nước là một con số mà nhiều người thày "nằm mơ" cũng không thấy. Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: "Người thày đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết".

Gia đình sửa

Một buổi sáng mùa thu đẹp trời cách đây bốn mươi năm, người anh kết nghĩa của ông đã dẫn em gái vợ xuống nhà ông chơi. Một cô gái 20 tuổi mảnh mai, nhỏ nhắn. Như có linh cảm, ngay lần gặp đầu tiên đó, giữa hai người đã có cảm giác thân quen gần gũi. Thế là, chỉ hai tuần sau, cô gái có khuôn mặt phúc hậu, nhanh nhẹn kia đã trở lại thăm người bạn mới quen lần thứ hai. Cô đi xe đạp một mình suốt quãng đường dài 30 cây số từ nhà mình xuống nhà ông. Cô gái mạnh dạn đề nghị chở ông đi chơi. Ông ngập ngừng ngồi lên chiếc xe đạp để cô gái bé nhỏ này chở đi trên con đường, hai bên là cánh đồng lúa xanh ngát. Đường quê quanh co khiến cho câu chuyện của hai người ngập ngừng, đứt quãng.

- “Em có sợ người ta trêu khi đèo anh không?”. Ông hỏi.

- “Thế anh có ngượng khi bị em đèo không?”

– “Chắc em hiểu, chỉ có trai đèo gái, chứ chẳng bao giờ có chuyện gái lại đèo trai”.

Câu chuyện cứ dần trôi, thấm thoắt đã xế chiều, nghĩ tới việc người con gái này lại lủi thủi đi về trên quãng đường xa lắc lơ, ông xót xa lắm.

Thế là... ông tìm cách giữ chân cô ở lại. Lúc này tình cảm của hai người đã rõ ràng và mặn nồng hơn. Tối đó, bên thềm nhà, câu chuyện của đôi bạn trẻ cứ chốc chốc lại chùng xuống...

Khi nói chuyện cưới xin, hai bên gia đình của cả “cô dâu” lẫn "chú rể” chẳng ai đồng ý. Chỉ vì đôi tay của ông mà bố cô dâu không ưng, ghét lây sang cả con gái, cầm gậy đuổi đánh khiến cô phải chạy sang nhà bà con nương náu. Cả gia đình ông cũng không ai đồng ý việc hai người đến với nhau, chỉ vì cô gái kia là người quá mảnh mai, yếu ớt, vóc dáng nhỏ bé lại hay ốm đau, thì làm sao có thể là người vợ đảm lo cho chồng tật nguyền như ông?

Nhật ký ông viết năm nào, có đoạn: “Mình không ngờ N. lại có được những suy nghĩ sâu sắc và táo bạo như vậy. Đây thực sự là người bạn đời mình mơ rồi chăng?...Thế rồi... một nụ hôn đầu... Một vòng tay âu yếm từ N. Mình lặng đi trong giây phút hạnh phúc đầu tiên".

Sóng gió qua đi, mọi người cũng thuyết phục được hai bên gia đình đồng ý cho Ký - Nhiễu nên vợ nên chồng. Công lớn là công của nhà thơ Đoàn Văn Cừ - một người có họ hàng với nhà cô dâu. Và cô gái nhỏ nhắn đã trở thành vợ Nguyễn Ngọc ký đó là cô giáo Vũ Thị Nhiễu, người vợ đầu của ông Ký.

Ký không thể nào quên món quà cưới của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi tặng sau đám cưới của mình với lời nhắn: “Nhân dịp năm mới, đồng thời nhân dịp vui lớn của cháu, bác thân ái gửi đến cháu Ký và cháu Nhiễu những lời chúc tốt đẹp nhất của bác...”. Đặc biệt hơn trong gói quà cùng với bốn mét vải lụa trắng, bốn mét vải kaki màu ghi có chiếc khăn bằng loại vải trùng tên với Nhiễu.

Năm 1994, thầy vào TP HCM để chữa bệnh. cũng trong năm này vợ thầy bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người. Ngay từ hồi đó, biết mình sẽ chết sớm, cô dặn dò, gửi gắm em gái gắng thay chị lo cho chồng. Sáu năm sau, vợ thầy qua đời và họ đã làm theo lời trăng trối của người quá cố. Chị Đậu cũng từng sống trong cảnh 15 năm góa bụa nuôi 2 con khôn lớn. Bà Vũ Thị Đậu và em gái bà Vũ Thị Nhiễu và là vợ hiện tại của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.

Thầy Ký có ba người con và cả ba đều ham đọc sách. Ngày nhà thầy còn ở ngoài Bắc, các con thầy đi chăn trâu, cắt cỏ cũng mang sách đi theo để đọc. Cả ba con đều học giỏi và nay đều thành đạt. Đến nay, thầy lại dạy các cháu mình theo hướng : “Gieo vào lòng trẻ sự ham thích tư duy". Ngoài ra thầy còn có 2 con riêng của bà Đậu.

Liên kết ngoài sửa

  • [1] Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký: “vẽ” cuộc đời từ chính đôi bàn chân.

Manhtuana5 (thảo luận) 05:32, ngày 27 tháng 3 năm 2011 (UTC)Trả lời