Trần Diễn (Bắc Tống)

Trần Diễn (chữ Hán: 陈衍, ? – ?), người phủ Khai Phong (nay thuộc Hà Nam), hoạn quan nhà Bắc Tống, bị quy kết là thành viên của đảng Nguyên Hữu và chịu tội chết.

Trần Diễn
陈衍
Thông tin cá nhân
Sinh
Nơi sinh
Khai Phong
Quê quán
huyện Khai Phong
Giới tínhnam
Nghề nghiệpchính khách, hoạn giả
Quốc giaTống
Quốc tịchBắc Tống, nhà Tống
Thời kỳBắc Tống

Cuộc đời và sự nghiệp sửa

Diễn ban đầu làm Nội thị cấp sự điện đình, dần thăng đến Quan cung bị khố sứ. Diễn được Lương Duy Giản tiến cử với Cao thái hoàng thái hậu, nên được nhận chức trách coi sóc phần mộ của họ Cao,[1] lĩnh Ngự dược viện, Nội đông môn tư. Nhà họ Cao xây lăng mộ, Diễn được làm Án hành sứ. Ít lâu sau, Diễn đang ở chức Tả tàng khố sứ, Văn Châu thứ sử thì được ra làm Chân Định lộ đô giám.

Sau khi Tống Triết Tông thân chính, triều đình nổi lên phong trào đàn hặc những quan viên ủng hộ Cao thái hoàng thái hậu xóa bỏ biến pháp, liệt họ vào đảng Nguyên Hữu (niên hiệu của Triết Tông thời Cao thái hoàng thái hậu buông rèm nghe chính). Diễn bị bọn Lai Chi Thiệu, Trương Thương Anh tố cáo cậy sủng càn rỡ, gây dựng vây cánh,[2] chịu biếm chức làm Giám Sâm Châu tửu thuế vụ. Lương Duy Giản là người tiến cử Diễn, Trương Sĩ Lương, Lương Tri Tân là đồng sự với Diễn, đều bị kết tội. Diễn tiếp đó bị biên quản ở Bạch Châu, rồi đày đi Chu Nhai.

Chương Đôn vu cáo Cao thái hoàng thái hậu với thành viên đảng Nguyên Hữu từng tính kế phế trừ Tống Triết Tông, vì thế triệu Sĩ Lương từ Sâm Châu về, chịu tra hỏi việc ấy. Sĩ Lương chỉ nói rằng vào giai đoạn cuối đời của Cao thái hoàng thái hậu, Diễn có lẽ đã coi việc của 2 phủ (Trung thư tỉnh và Xu mật viện) và dùng ngự bảo (tức ngọc tỷ) giao phó mệnh lệnh ra ngoài. Vụ án trở nên bế tắc, An Đôn, Thái Kinh bèn dâng sớ tâu rằng Diễn chia rẽ 2 cung, đuổi hơn 10 nội thị mà Triết Tông (khi ấy còn là Thái tử) tin cậy ra ngoài, để cắt đứt tâm phúc và lông cánh của Thái tử, ý đồ quấy nhiễu, là tội đại nghịch bất đạo. Vì thế Triết Tông hạ chiếu xử tử Diễn, lệnh cho Quảng Tây chuyển vận sứ Trình Tiết thi hành án.

Tham khảo sửa

  • Tống sử quyển 468, liệt truyện 227 – Hoạn giả truyện 3: Trần Diễn

Chú thích sửa

  1. ^ Nguyên văn: chủ quản Cao Hàn vương trạch. "Trạch" ở đây là âm trạch, tức là mồ mả. Nhà họ Cao có 5 đời được truy tặng tước vương: Cao Quỳnh làm Vệ Vũ Liệt vương, con Quỳnh là Cao Kế Huân làm Khang vương, con Kế Huân là Cao Tuân Phủ (cũng là cha của Cao thái hoàng thái hậu) làm Sở vương, về sau còn có em Cao thái hoàng thái hậu là Cao Sĩ Lâm làm Phổ An quận vương, con Sĩ Lâm là Cao Công Kỷ làm Tân Hưng quận vương. Đời Tống chỉ có một công thần được truy tặng tước Hàn vương là Triệu Phổ, "Cao Hàn vương" có lẽ là nhầm lẫn
  2. ^ Nguyên văn: Ngự sử Lai Chi Thiệu đương ra sức vu cáo chánh sự Nguyên Hữu, nói rằng: "Diễn vào ngày còn buông rèm, cậy sủng kiêu tứ, giao kết ngoại thích, tiến thoái đại thần, lực dẫn đồng bọn, khiến chiếm nơi tai mắt." Trương Thương Anh cũng luận: "Diễn giao thông tể tướng, ngự phục vì họ cho châu, thắt chặt từ thần, Trữ Tường vì họ cho ăn." Hàm chỉ Lữ Đại Phòng, Tô Thức đấy. (Lưu ý rằng ngoài những lời tâu này, sử cũ không chép bất cứ một hoạt động cụ thể nào của Trần Diễn) Ngự phục là y phục của hoàng đế, sử cũ không chép sự kiện nào Lữ Đại Phòng, Tô Thức liên quan đến ngự phục cả; sự kiện nổi bật nhất đời Tống liên quan đến ngự phục là chuyện Khấu Chuẩn níu áo của Tống Thái Tông, ép hoàng đế trở về chỗ để tiếp tục giải quyết công việc, được khen là cương trực; chính Tống Triết Tông cũng từng khen Lữ Đại Phòng là cương trực, còn nói với anh trai của Đại Phòng là Đại Trung rằng sau đôi ba năm lưu đày sẽ gọi Đại Phòng trở về, khiến Chương Đôn lo sợ, kịch liệt tố cáo thành viên đảng Nguyên Hữu, gây ra vụ án này. Từ thần là bề tôi giỏi văn học và được tháp tùng hoàng đế. Thời Nguyên Hữu, Tô Thức từng làm văn bia cung Thượng Thanh Trữ Tường