Trận Soor[14], còn gọi là Trận Trautenau lần thứ hai[15] hoặc Trận Burkersdorf[7], là một trận đánh trong cuộc Chiến tranh Bảy tuần, đã diễn ra vào ngày 28 tháng 6 năm 1866.[3] Trong cuộc giao chiến này, mặc dù lực lượng pháo binh Áo dã gây khó khăn cho bước tiến của quân đội Phổ,[16] lực lượng Vệ binh Phổ của Hoàng thân August của Württemberg thuộc Binh đoàn thứ hai dưới quyền chỉ huy của Thái tử Friedrich Wilhelm đã giành chiến thắng vang dội trước Quân đoàn X của Đế quốc Áo dưới sự chỉ huy của Trung tướng Ludwig von Gablenz[7][17][18]. Thắng lợi của đội hình trung tâm của Binh đoàn thứ hai tại Soor đã buộc quân của Gablenz phải tiến hành triệt thoái về Königinhof, đồng thời cũng hoàn toàn khôi phục đường liên lạc giữa đội hình này với đội hình bên phải của Binh đoàn thứ hai – vốn đã bị cắt đứt sau khi đội hình trung tâm bị đẩy lùi trong trận Trautenau vào ngày hôm trước.[19][20] Cũng như nhiều trận đánh khác trong cuộc chiến tranh, trận chiến Burkersdorf cho thấy thiệt hại của quân đội Áo nặng nề hơn nhiều so với đối phương[21], và điều này đã góp phần thể hiện ưu thế của súng trường nạp hậu Dreyse của quân đội Phổ.[5]

Trận chiến Burkersdorf
Một phần của cuộc Chiến tranh Áo-Phổ
Thời gian28 tháng 6 năm 1866[1]
Địa điểm
Soor[2], hướng tây Burkersdorf [3]
Kết quả Quân đội Phổ giành chiến thắng hoàn toàn[4], quân đội Áo chịu thiệt hại nặng nề.[5]
Tham chiến
Vương quốc Phổ Vương quốc Phổ Đế quốc Áo (1804–1867) Đế quốc Áo
Chỉ huy và lãnh đạo
Vương quốc Phổ Thái tử Friedrich Wilhelm[6]
Vương quốc Phổ August, Hoàng thân xứ Württemberg[7]
Đế quốc Áo (1804–1867) Ludwig von Gablenz [8]
Lực lượng
Vương quốc Phổ Quân đoàn Vệ binh [9] 22.000 quân [10]
Thương vong và tổn thất
Nguồn 1: 28 sĩ quan và 685 binh lính thương vong [11]
Nguồn 2: 693 quân tử trận và bị thương [12]
123 sĩ quan và 3.696 binh lính thương vong (207 tử trận, 311 bị thương, 2.908 bị bắt, 393 mất tích),[11] 1 cờ hiệu và 10 khẩu pháo bị mất [13]

Vào năm 1866, Thái tử Friedrich Wilhelm của Phổ cùng với tướng Adolf von Bonin đã tiến công vùng Böhmen thông qua Trautenau (Trutnov ngày nay), cách Königgratz về hướng đông bắc.[22] Trong trận Trautenau vào ngày 27 tháng 6, Quân đoàn X của Áo dưới quyền Gablenz đã đánh bại Quân đoàn I của Phổ dưới quyền Bonin, nhưng bị thiệt hại rất nặng.[7] Tuy nhiên[16], sau thất bại của Bonin, các lực lượng của Hoàng thân xứ Württemberg, mà dẫn đầu là quân Vệ binh – đã tiến đánh Eippel.[23] Sự chủ động của Gablenz đã khiến cho quân của ông dễ bị người Phổ đánh vào cánh phải. Do đó, ông được lệnh triệt binh về Josephstadt trong ngày hôm sau. Để xoay chuyển thế trận, viên tướng Áo đã dàn toàn bộ lực lượng pháo binh của mình – được lữ đoàn của Knobel yểm trợ – trên các ngọn đồi giữa Neu-Rogniz và Burgersdorf. Ngoài ra, ông còn trải rộng cánh phải của ông tới Prausnitz – nơi Gablenz giao cho một lữ đoàn thuộc Quân đoàn XIV trấn giữ. Tuy nhiên, bước tiến của 2 tiểu đoàn phóng lựu của Phổ về Alt-Rognitz đã đe dọa cắt liên lạc giữa Gablenz với tiểu đoàn mà ông đặt tại Trautenau. Cuộc giao chiến đã bùng nổ trước khi người Áo hoàn thành việc bố trí pháo binh của mình, và quân bộ binh Phổ đã đẩy lùi đối phương về phía tây Standentz. Sau đó, người Áo hoàn tất việc bố trí đại bác của mình. Trước hỏa lực mạnh mẽ của quân Áo, quân Phổ đã đứng vững. Các lực lượng khác của Phổ đã đến ứng chiến, trong đó có một khẩu đội pháo yểm trợ cho khẩu đội pháo duy nhất của người Phổ trên chiến trường.[20] Quân Phổ chiếm được Burgersdorf,[23] sau đó giao tranh lan rộng. Trong cuộc giao chiến quyết liệt, quân bộ binh Phổ đã đánh thiệt hại nặng các tiểu đoàn Áo trên khu vực cao, buộc họ phải rút lui. Trước sức tiến công dữ dội của quân Phổ, mọi tiểu đoàn Áo tháo chạy đều bị đập tan.[20]

Trong khi đó, 2 tiểu đoàn Phổ tiến đánh Trautenau đã cầm cự mạnh mẽ trước cuộc tấn công của Lữ đoàn Grivicic của Áo tại đây, cho đến khi Sư đoàn Vệ binh số 2 đến tiếp viện.[20] Sư đoàn Vệ binh này đã tận diệt Lữ đoàn Grivicic,[11] và đánh chiếm được thị trấn Trautenau. Tiểu đoàn Áo thuộc Quân đoàn IV – được giao nhiệm vụ là hậu vệ cho đoàn quân bại trận – đã rút lui vào đầu ngày hôm sau.[20] Sau khi đã trả đũa cho thất bại ở Trautenau trước đó bằng chiến thắng toàn diện tại Soor, lực lượng Vệ binh Phổ tiến chiếm Königinhof vào ngày 29 tháng 6.[4][24]

Chú thích

sửa
  1. ^ Prussia (Kingdom). Armee. Grosser Generalstab. Kriegsgeschichtliche Abteilung II., Henry Montague Hozier, Great Britain. War Office, The campaign of 1866 in Germany, các trang 105-112.
  2. ^ "Journals of Field-Marshall Count von Blumenthal for 1866 and 1870-71;"
  3. ^ a b Tony Jaques, Dictionary of Battles and Sieges: P-Z, trang 961
  4. ^ a b Frederick Miller, Operations of the War in 1866, trang 11
  5. ^ a b Antulio Joseph Echevarria, After Clausewitz: German military thinkers before the Great War, trang 18
  6. ^ "The evening journal... almanac"
  7. ^ a b c d Geoffrey Wawro, The Austro-Prussian War: Austria's War with Prussia and Italy in 1866, các trang 147-163.
  8. ^ The Spectator, Tập 39, trang 705
  9. ^ "Tactics"
  10. ^ Gaston Bodart, Vernon Lyman Kellogg, Losses of life in modern wars, Austria-Hungary: France, trang 64
  11. ^ a b c Gordon Alexander Craig, The Battle of Königgrätz: Prussia's Victory Over Austria, 1866, các trang 69-70.
  12. ^ Michael Clodfelter, Warfare and armed conflicts: a statistical reference to casualty and other figures, 1500-2000, trang 207
  13. ^ "The dictionary of chronology, or historical and statistical register"
  14. ^ Margaret Leland Goldsmith, Frederick Voigt, Frederick M. Voigt, Hindenburg: the man and the legend, trang 43
  15. ^ Gladys Skelton, John Presland, Vae victis: the life of Ludwig von Benedek, 1804-1881, trang 241
  16. ^ a b Carl Cavanagh Hodge, Encyclopedia of the Age of Imperialism, 1800-1914, các trang 121-122.
  17. ^ "Germany, 1815-1890"
  18. ^ Karl Abel, Letters on international relations before and during the war of 1870, Tập 1, trang 147
  19. ^ Arthur William Alsager Pollock, The United service magazine, Tập 122, trang 237
  20. ^ a b c d e Henry Montague Hozier, The seven weeks' war: its antecedents and its incident
  21. ^ Antulio Joseph Echevarria, After Clausewitz: German military thinkers before the Great War, trang 236
  22. ^ Tony Jaques, Dictionary of Battles and Sieges: P-Z, trang 1032
  23. ^ a b "The Franco-Prussian war: its causes, incidents, and consequences"
  24. ^ Wolfgang Foerster, Moltke, trang 61