Võ Hồng (5 tháng 5 năm 192131 tháng 3 năm 2013), các bút danh khác: Ngân Sơn, Võ An Thạch, là một nhà văn Việt Nam.

Võ Hồng
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
5 tháng 5, 1921
Nơi sinh
Phú Yên
Mất
Ngày mất
31 tháng 3, 2013
Nơi mất
Nha Trang
Giới tínhnam
Quốc tịchViệt Nam
Nghề nghiệpnhà văn, giáo viên
Sự nghiệp nghệ thuật
Bút danhNgân Sơn, Võ An Thạch
Năm hoạt động1939 – 2005
Thể loạitruyện ngắn, tiểu thuyết, tuỳ bút, thơ

Sự nghiệp sửa

Võ Hồng sinh ngày 5 tháng 5 năm 1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Truyện ngắn đầu tay của ông Mùa gặt đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy vào năm 1939 với bút danh Ngân Sơn. Đến năm 1959, ông gia nhập làng văn với tập truyện ngắn Hoài cố nhân[1].

Là nhà văn nhưng Võ Hồng có nhiều năm gắn bó với sự nghiệp dạy học. Ông theo học tú tài ở Hà Nội, chưa tròn năm thì chiến tranh nổ ra, ông lên tàu về quê (năm 1943) và dạy học. Ông từng giữ các chức vụ Trưởng ty Bình dân học vụ tỉnh Phú Yên (1949) và là hiệu trưởng một số trường trung học tại Phú Yên, Nha Trang cho đến khi về hưu năm 1978[2].

Văn của ông chứa đựng sự gắn bó yêu thương con người, yêu thương quê hương, dân tộc một cách tự nhiên. Dưới ngòi bút Võ Hồng, hình ảnh quê hương, con người Việt Nam được ghi lại như những bức tranh sinh động, trung thực và đầy rung cảm. Tác phẩm của ông ghi lại khá chân thực và tinh tế cuộc sống, sinh hoạt của người dân vùng Nam Trung Bộ. Nhiều tác phẩm của Võ Hồng đã được trích giảng trong sách giáo khoa văn cho chương trình trung học trước năm 1975. Sau năm 1975, văn nghiệp của ông là đề tài cho nhiều luận án tiến sĩ, thạc sĩ văn chương[3].

Ông được đánh giá là một trong những nhà văn lớn của Việt Nam.

Từ năm 1956 ông sống tại Nha Trang cho đến lúc qua đời[4]. Từ năm 2006, do tuổi cao, ông mắc bệnh nặng, phải nằm một chỗ. Đến 31 tháng 3 năm 2013, ông qua đời tại nhà riêng ở Nha Trang[1].

Gia đình sửa

Võ Hồng lập gia đình, đến năm 1957 thì vợ ông qua đời, để lại ba con nhỏ: lớn nhất 9 tuổi và nhỏ nhất 3 tuổi. Từ ngày vợ mất, ông không lấy người khác, vì ông sợ lấy vợ lần nữa sẽ làm khổ các con. Sau này, các con đều lớn, ông vẫn sống một mình tại nhà riêng ở 53 đường Hồng Bàng, Nha Trang[4].

Tác phẩm sửa

Tác phẩm văn chương của ông gồm 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, truyện viết cho thiếu nhi; hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình văn học. Đến trước khi mất ông, Võ Hồng đã in 30 cuốn sách thuộc nhiều thể loại. Tác phẩm Tiếng chuông chiêu mộ (in 2005) được xem như cuốn sách cuối cùng của Võ Hồng[4]. Dưới đây là một số tác phẩm chính.

Tiểu thuyết, truyện dài sửa

  • Hoa bươm bướm (1966)
  • Gió cuốn (1969)
  • Thiên đường ở trên cao (1978)
  • Trong vùng rêu im lặng (1988)

Truyện ngắn sửa

  • Mùa gặt (1939)
  • Hoài cố nhân (1959)
  • Lá vẫn xanh (1962)
  • Vết hằn năm tháng (1965)
  • Con suối mùa xuân (1966)
  • Vẫy tay ngậm ngùi (1992)
  • Vùng trời thơ ấu (1995)

Tùy bút sửa

  • Một bông hồng cho Cha (1994)
  • Trầm tư (đoản văn, 1995)

Thơ sửa

  • Hồn nhiên tuổi ngọc (1993)

Tham khảo sửa

  • Hữu Nhuận (chủ biên). Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1887–2000, Tập III, Quyển 1. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2006.

Chú thích sửa

  1. ^ a b K.Nam, V.Tạo (31 tháng 3 năm 2013). “Nhà văn Võ Hồng qua đời”. Báo Người lao động Điện tử. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2016.
  2. ^ Hữu Nhuận, Sđd, tr 199.
  3. ^ V.T., Phan Sông Ngân (31 tháng 3 năm 2013). “Nhà văn Võ Hồng đã qua đời”. Báo Tuổi trẻ online. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2016.
  4. ^ a b c Đoàn Việt Hùng, Thanh Kiều (2 tháng 4 năm 2013). “Nhớ nhà văn Võ Hồng: Người của thời "Tiểu thuyết thứ Bảy". Báo Thể thao & Văn hóa online. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2016.