Vệ Giới (chữ Hán: 卫玠, 286 – 312), tự Thúc Bảo, người huyện An Ấp, quận Hà Đông [1], danh sĩ, mỹ nam cuối đời Tây Tấn.

Vệ Giới
Thông tin cá nhân
Giới tínhnam
Quốc tịchnhà Tấn

Thân thế và gia đình sửa

Ông cụ nội là Vệ Ký, làm đến Thượng thư nhà Tào Ngụy. Ông nội là Vệ Quán, làm đến Thái úy, ông ngoại là Vương Hồn, làm đến Tư đồ [2]. Cha là Vệ Hằng, làm đến Thượng thư lang. Sở vương Tư Mã Vĩ sát hại Vệ Quán cùng các con trai Hằng, Nhạc, Duệ và các cháu trai, cả thảy 10 người nhà họ Vệ; Giới và anh trai Tảo ở nhà thầy thuốc nên tránh được vạ. Vệ Tảo được kế tự nhà họ Vệ, làm đến Tán kỵ thị lang, mất trong loạn Vĩnh Gia.[3]

Vợ trước của Giới là con gái của danh sĩ Nhạc Quảng, vợ sau là con gái của Chinh nam tướng quân Sơn Giản. [TT 1]

Tiểu sử sửa

Giới sớm tỏ ra đặc biệt hơn người, [TT 2] đến khi trưởng thành thì ưa chuộng Huyền học [6], nhưng ông có sức khỏe kém [7], nên thường bị mẹ ngăn cấm tham gia Thanh đàm. Dù vậy, Giới vẫn trở thành nhà Thanh đàm nổi tiếng đương thời. [TT 3]

Giới được nhiều nơi vời gọi, đều không nhận lời, về sau đáp ứng phù tá Thái tử Tư Mã Duật, làm Thái phó Tây các tế tửu, bái Thái tử tẩy mã. Loạn bát vương nổ ra, tình hình ngày một xấu đi, Giới đưa cả nhà về nam tránh nạn, riêng anh trai Vệ Tảo đang phụng sự kề cận Tấn Hoài đế nên không thể đi cùng. Ban đầu, mẹ Giới không muốn bỏ Tảo ở lại một mình, ông lấy tương lai gia đình để thuyết phục, bà mới đồng ý. Vì thế Giới từ biệt anh trai, đưa cả nhà xuôi nam đến Giang Hạ. [TT 4]

Giới đến Dự Chương, cho rằng tướng giữ nơi ấy là Vương Đôn không phải trung thần nghĩa sĩ, bèn tiếp tục đi Kiến Nghiệp. Người Kiến Nghiệp hâm mộ danh vọng của Giới, kéo nhau đến xem mặt ông. Giới có thể chất không tốt, lại trải qua một hành trình dài, nên phát bệnh nặng, ít lâu thì mất. Đó là năm Vĩnh Gia thứ 6 (312). Giới hưởng dương 27 tuổi; ngươi đương thời nói là ông bị nhìn mà chết; được chôn cất ở Nam Xương, trong niên hiệu Hàm Hòa (326 – 334), cải táng ở Giang Ninh. [TT 5] [TTTN 1]

Tính cách sửa

Giới tính khoan dung, vui giận không biểu hiện ra mặt. [TT 6] Từ nhỏ Giới đã say mê tìm hiểu huyền lý [12], không được không thôi. [TTTN 2] Sau khi trưởng thành, Giới tham gia Thanh đàm, bất chấp tình trạng sức khỏe yếu kém. Vào lúc mới đến Dự Chương, Giới gặp Tạ Côn, cùng ông ta thanh đàm thâu đêm, khiến cho bệnh tình trở nặng, gượng đến Kiến Nghiệp thì không qua khỏi. [TT 7] [TTTN 3] [16]

Đánh giá sửa

Từ nhỏ Giới có ngoại hình nổi bật, [TT 8] tết tóc trái đào, cưỡi xe dê vào chợ, người kinh đô kéo nhau đến xem, khen là người ngọc. [TT 9] [17] Cậu của Giới là Vương Tế ca ngợi: "Châu ngọc ở bên cạnh, nhận ra hình dáng mình xấu xí." [TT 10] [TTTN 4]

Danh vọng của Giới trong giới Thanh đàm cực cao, người đương thời xếp ông vượt trên các danh sĩ Vương Trừng, Vương Huyền [19] và Vương Tế, sánh với Nhạc Quảng; [TT 11] [21] Vương Đôn thậm chí còn sánh ông với Hà Yến, Vương Bật. [TT 12]

Sau khi Giới mất, Tạ Côn thương khóc thảm thiết. Nhiều năm sau, Vương Đạo đề nghị cải táng cho Giới, nhằm lấy lòng các danh sĩ chạy nạn sang miền nam. [TT 13] [TTTN 5] Danh sĩ đời Đông Tấn là bọn Lưu Đàm, Tạ Thượng cho rằng Giới ở tầm quá cao so với Đỗ Nghệ (cháu nội Đỗ Dự, cha của Thành Cung hoàng hậu Đỗ Lăng Dương). Sử cũ nhận định: trong lứa danh sĩ chạy nạn, ông cùng Vương Thừa (ông nội của Vương Thản Chi) đứng đầu. [TT 14]

Thành ngữ liên quan sửa

  • Khán sát Vệ Giới (tạm dịch: nhìn chết Vệ Giới)

Tham khảo sửa

  1. ^ Tấn thư, tlđd: Cha vợ Giới là Nhạc Quảng,... Vợ Giới mất sớm. Chinh nam tướng quân Sơn Giản gặp ông, rất đỗi khâm trọng. Giản nói: "Xưa Đái Thú Loan (tức Đái Lương) gả con, chỉ hiền là được, không hỏi sang hèn, huống hồ họ Vệ là người có lệnh vọng [4] trong môn hộ quyền quý!"
  2. ^ Tấn thư, tlđd: Giới tự Thúc Bảo, lên 5 tuổi, phong thần tú dị [5].
  3. ^ Tấn thư, tlđd: Đến khi trưởng thành, hay nói huyền lý. Về sau nhiều bệnh nên cơ thể gầy yếu, mẹ thường cấm nói chuyện. Vào một ngày nọ, thân hữu khi ấy mời nói một lời, không ai không than thở, cho là nhập vi [8].
  4. ^ Tấn thư, tlđd: Mệnh vời nhiều lần đến, đều không nhận. Lâu sau, làm Thái phó Tây các tế tửu, bái Thái tử tẩy mã. Tảo làm Tán kỵ thị lang, nội thị Hoài đế. Giới cho rằng thiên hạ đại loạn, muốn dời nhà về nam. Mẹ nói: "Ta không thể bỏ Trọng Bảo mà đi." Giới giãi bày rất mực, làm đại kế của môn hộ, mẹ chảy nước mắt mà nghe theo. Lâm biệt, Giới nói với anh rằng: "Cái nghĩa tam cương, là điều hệ trọng của con người [9]. Nay có thể nói là ngày xả thân, anh hãy gắng lên." Bèn cõng mẹ chuyển đến Giang Hạ.
  5. ^ Tấn thư, tlđd: Bèn tiến Dự Chương, bấy giờ Đại tướng quân Vương Đôn trấn Dự Chương,... Cho rằng Vương Đôn hào sảng bất quần [10], lại ưa đặt mình ở trên mọi thứ, sợ không phải là trung thần của nước, tìm đến Kiến Nghiệp. Nhân sĩ kinh sư nghe tư (dáng) dung (mặt) của ông, người đến xem đông nghịt [11]. Bệnh tật của Giới trở nặng, năm Vĩnh Gia thứ 6 tốt, khi ấy được 27 tuổi, người thời ấy nói là Giới bị nhìn mà chết. Táng ở Nam Xương... Trong niên hiệu Hàm Hòa, cải chôn ở Giang Ninh.
  6. ^ Tấn thư, tlđd: Giới từng cho rằng người ta có chỗ không hoàn hảo, có thể theo tình mà khoan thứ; chẳng phải ý muốn xâm phạm, có thể theo lý mà xét xử, nên chung thân không bày ra bộ mặt vui giận.
  7. ^ Tấn thư, tlđd: Bèn tiến Dự Chương,... trưởng sử Tạ Côn sớm nhã trọng Giới, gặp mặt thì hớn hở, trò chuyện trọn ngày.
  8. ^ Tấn thư, tlđd: Tổ phụ Quán nói: "Đứa nhỏ này có chỗ khác với mọi người, nhưng tôi đã già, không trông thấy nó trưởng thành vậy!"
  9. ^ Tấn thư, tlđd: Tết tóc trái đào, ngồi xe dê vào chợ, người trông thấy đều cho là người ngọc, người đến xem nghiêng ngửa kinh đô.
  10. ^ Tấn thư, tlđd: Phiếu kỵ tướng quân Vương Tế là cậu của Giới [18], tuấn sảng có phong tư, mỗi lần gặp Giới, liền than rằng: "Châu ngọc ở bên cạnh, nhận ra hình dáng mình xấu xí." Lại từng nói người ta rằng: "Cùng Giới đi chơi, tỏa sáng như minh châu ở bên cạnh, rạng ngời rọi người ta."
  11. ^ Tấn thư, tlđd: Người quận Lang Da là Vương Trừng có cao danh, ít chịu suy phục, mỗi khi nghe Giới nói chuyện, liền than thở tuyệt đảo [20], nên người đương thời có lời rằng: "Vệ Giới đàm đạo, Bình Tử tuyệt đảo." (tên tự của Trừng là Bình Tử) Trừng cùng Vương Huyền, Vương Tế cũng có thịnh danh, đều ở dưới Giới, đời nói: "3 con nhà họ Vương, không bằng một trẻ nhà họ Vệ." Cha vợ Giới là Nhạc Quảng, có trọng danh ở hải nội, người bàn luận cho là "cha vợ băng thanh, con rể ngọc nhuận."
  12. ^ Tấn thư, tlđd: Đôn nói với Côn rằng: "Xưa Vương Phục Tự (tức Vương Bật) phát ra ‘kim thanh’ ở trong triều. Anh này lại ‘ngọc chấn’ Giang biểu [22], đầu mối của vi ngôn, dứt rồi lại nối. Không ngờ cuối thời Vĩnh Gia, lại nghe tiếng thời Chánh Thủy, Hà Bình Thúc (tức Hà Yến) nếu còn sống, hẳn lại tuyệt đảo."
  13. ^ Tấn thư, tlđd: Tạ Côn khóc ông thảm thiết, người ta hỏi rằng: "Anh sao lại thương xót mà quá đau đớn như vậy?" Đáp rằng: "Đống lương gãy rồi, bảo sao không đau đớn." Thừa tướng Vương Đạo dạy rằng: "Vệ tẩy mã rõ ràng đáng được cải táng. Ông ta là phong lưu danh sĩ, hãy sửa soạn lễ tế đơn sơ, để thêm dày tình nghĩa cũ."
  14. ^ Tấn thư, tlđd: Về sau Lưu Đàm, Tạ Thượng cùng luận với nhân sĩ trong triều, có người hỏi: "Đỗ Nghệ (杜乂) có thể sánh với Vệ tẩy mã chăng?" Thượng nói: "Sao mà so được, khoảng cách giữa họ còn đủ chỗ cho vài người." Đàm lại nói: "Đỗ Nghệ thì ‘phu thanh’, Thúc Bảo thì ‘thần thanh’ [23]." Ông được người hiểu biết coi trọng như vậy đấy. Lúc bấy giờ danh sĩ thời Trung hưng, chỉ có Vương Thừa (王承) cùng Giới được người đương thời cho là đệ nhất.
  1. ^ Lưu Nghĩa Khánh, tlđd – Dung chỉ đệ thập tứ: Vệ Giới từ Dự Chương xuôi đến kinh đô, người ta nghe danh ông đã lâu, đến xem như đổ tường. Giới từ trước có bệnh tật, cơ thể không chịu nổi vất vả, nên thành bệnh àm chết. Người đương thời nói "nhìn chết Vệ Giới."
  2. ^ Lưu Nghĩa Khánh, tlđd – Văn học đệ tứ: Vệ Giới thời tết tóc trái đào hỏi Nhạc lệnh [13] về ‘mộng’, Nhạc đáp: "Là tưởng tượng." Vệ nói: "Hình (tức thân thể) và thần (tức tinh thần) không tiếp xúc, thì mộng là tưởng tượng làm sao?" Nhạc đáp: "Có nguyên nhân đấy. Người ta chưa từng mơ thấy ngồi xe đi vào hang chuột, giã thức ăn gặp phải chỗ cứng như sắt, đều là không tưởng tượng ra những việc không trải qua vậy." Vệ nghĩ về nguyên nhân, cả ngày không thông, bèn phát bệnh. Nhạc nghe tin, nên gọi xe đến phân tích cho ông. Vệ lập tức khá hơn. Nhạc than rằng: "Đứa nhỏ này trong lòng vướng mắc thì chẳng khác gì bệnh vào cao hoang."
  3. ^ Lưu Nghĩa Khánh, tlđd – Văn học đệ tứ: Vệ Giới mới độ giang, gặp Vương đại tướng quân. Nhân ‘dạ tọa’ [14], đại tướng quân mệnh cho Tạ Ấu Dư [15]. Giới gặp Tạ, rất đẹp lòng, đều không quay lại gặp Vương, bèn vi ngôn (lời lẽ vi diệu) đến sáng. Vương cả đêm không được tham dự. Cơ thể Giới vốn gầy yếu, luôn bị mẹ cấm đoán. Đêm ấy chợt vất vả, vì vậy bệnh trở nặng, nên không dậy nổi.
  4. ^ Lưu Nghĩa Khánh, tlđd – Dung chỉ đệ thập tứ: Phiếu kỵ Vương Vũ tử là cậu của Giới, tuấn sảng có phong tư, gặp Giới, liền than rằng: "Châu ngọc ở bên cạnh, nhận ra hình dáng mình xấu xí."
  5. ^ Lưu Nghĩa Khánh, tlđd – Thương thệ đệ thập thất: Vệ tẩy mã vào năm Vĩnh Gia thứ 6 thì mất, Tạ Côn khóc ông, cảm động người qua đường. Trong niên hiệu Hàm Hòa, thừa tướng Vương công dạy rằng: "Vệ tẩy mã rõ ràng đáng được cải táng. Ông ta là phong lưu danh sĩ, hãy sửa soạn lễ tế đơn sơ, để thêm dày tình nghĩa cũ."

Chú thích sửa

  1. ^ Nay là huyện Hạ, địa cấp thị Vận Thành, tỉnh Sơn Tây
  2. ^ Sử cũ không chép cụ thể chi tiết này, xem chú thích liên quan đến Vương Tế bên dưới
  3. ^ Lưu Hiếu Tiêu – Thế thuyết tân ngữ chú, dẫn Tấn chư công tán: "Vệ Giới tự Thúc Bảo, người An Ấp, Hà Đông. Tổ phụ Quán, thái úy. Phụ Hằng, Hoàng môn thị lang." Xem chi tiết hơn tại Tấn thư – Vệ Quán truyện
  4. ^ Nguyên văn: 令望, ý nói có tiếng tăm tốt đẹp, nguồn gốc từ kinh Thi – Đại Nhã: "如圭如璋, 令聞令望/Như khuê như chương, lệnh văn lệnh vọng." Khuê và chương là tên của hai loại ngọc, vì thế lệnh văn và lệnh vọng là đồng nghĩa
  5. ^ Nguyên văn: 风神秀异. 风神/phong thần tức là phong thái + thần tình. 秀异/tú dị tức là ưu tú và khác biệt
  6. ^ Huyền học (Metaphysics), là trào lưu triết học xuất hiện vào đời Ngụy Tấn, do Hà Yến (何晏), Vương Bật (王弼) khởi xướng, về mặt tư tưởng kết hợp đạo Hoàng Lão với đạo Nho, về mặt học thuyết lấy Chu Dịch làm gốc, kinh điển nhà Nho làm ngọn. Huyền học chính là cơ sở của Thanh đàm
  7. ^ Lưu Hiếu Tiêu – Thế thuyết tân ngữ chú, dẫn Giới biệt truyện: "Giới vốn ôm bệnh tật."
  8. ^ Nguyên văn: 入微, nghĩa là trình độ đạt đến mức vô cùng cao thâm, tinh tế
  9. ^ Nguyên văn: 在三之义, 人之所重/tại tam chi nghĩa, nhân chi sở trọng. "Tại tam" là điển cố ý nói tam cương, tức là lễ kính quân (vua), phụ (cha), sư (thầy). Nguồn gốc từ Quốc ngữ quyển 7 – Tấn ngữ 1: "Dân sanh ở ba (tam), phụng sự như một. Cha sanh ra, thầy dạy dỗ, vua cho ăn. Không cha chẳng sanh, không ăn chẳng lớn, không dạy chẳng biết, sanh ra dòng dõi, nên một lòng phụng sự, chỉ ở (tại) chỗ ấy, thời đến chết vậy."
  10. ^ Nguyên văn: 不群, ý nói kiêu ngạo và cô độc, không hòa hợp với mọi người
  11. ^ Nguyên văn: 如堵/như (bằng, cùng) đổ (tường dày một trượng gọi là bản, năm bản = 1 đổ), ý nói rất nhiều người, tạo thành một bức tường dày. Nguồn gốc từ Lễ ký – Xạ nghĩa: "孔子射于矍相之圃, 盖观者如堵墙./Khổng Tử xạ vu Quắc Tương chi phố, cái quan giả như đổ tường./Khổng Tử xạ ở vườn rau Quắc Tương, người đến xem như đổ – tường."
  12. ^ Nguyên văn: 玄理, nghĩa là đạo lý sâu xa kỳ diệu. 玄 trong 玄学/Huyền học
  13. ^ Nhạc lệnh tức là Nhạc Quảng. ‘Lệnh" trong ‘lệnh văn lệnh vọng’ (xem chú thích ở trên), vì Nhạc Quảng rất nổi tiếng, được xem là đệ nhất danh sĩ lúc bấy giờ, nên mới có biệt danh này
  14. ^ Nguyên văn: 夜坐. Chùa chiền của Phật giáo Thiền tông tổ chức đạo tràng vào lúc nửa đêm (tức là sau 9 hồi chuông), gọi là Dạ tọa
  15. ^ tức là Vương Đôn tham gia đạo tràng đêm, nên sai Tạ Côn thay mình tiếp đãi Vệ Giới
  16. ^ Lưu Hiếu Tiêu – Thế thuyết tân ngữ chú, dẫn Vĩnh Gia lưu nhân danh rằng: "Giới vào ngày 6 tháng 5 năm Vĩnh Gia thứ 6 đến Dự Chương, ngày 20 tháng 6 năm ấy, tốt.
  17. ^ Lưu Hiếu Tiêu – Thế thuyết tân ngữ chú, dẫn Giới biệt truyện: "Giới ở trong quần ngũ, thật có danh vọng của dị nhân. Thời còn răng sữa, cưỡi xe dê trắng vào chợ Lạc Dương, khắp nơi hỏi: "Bích nhân nhà ai?" Vì thế gia môn, châu đảng gọi là ‘bích nhân’."
  18. ^ Vương Tế là con thứ và là con kế tự của Vương Hồn. Chi tiết này cho biết Vệ Giới là cháu ngoại của Vương Hồn
  19. ^ Vương Trừng là em trai của danh thần Vương Diễn (王衍), Huyền là con trai của Diễn. Vương Diễn cùng Hà Yến, Vương Bật, Hạ Hầu Huyền, Quách Tượng là những người tiên phong của trào lưu Thanh đàm đời Ngụy Tấn
  20. ^ Nguyên văn: 绝倒, nghĩa đen là ngã nhào, ý nói vô cùng bội phục
  21. ^ Lưu Hiếu Tiêu – Thế thuyết tân ngữ chú, dẫn lời của Bùi Thúc Đạo trong Giới biệt truyện: "Cha vợ có phong tư băng thanh, con rể có danh vọng ngọc nhuận, có thể nói xứng đôi TầnTấn."
  22. ^ Nguyên văn: 金声/kim thanh (ý nói âm thanh của nhạc khí bằng kim loại,ở đây là tiếng chuông) và 玉振/ngọc chấn (ý nói âm thanh của nhạc khí bằng ngọc, ở đây là tiếng khánh). Nguồn gốc từ Mạnh tửVạn Chương hạ: "孔子之谓集大成. 集大成也者, 金声而玉振之也. 金声也者, 始条理也; 玉振之也者, 终条理也. 始 条理者, 智之事也; 终条理者, 圣之事也./Khổng Tử chi vị tập đại thành. Tập đại thành dã giả, kim thanh nhi ngọc chấn chi dã. Kim thanh dã giả, thủy điều lý dã. Ngọc chấn chi dã giả, chung điều lý dã. Thủy điều lý giả, trí chi sự dã. Chung điều lý giả, thánh chi sự dã./Khổng Tử được gọi là bậc kết hợp thành tựu lớn. Bậc kết hợp thành tựu lớn, đó là chiêng vang rồi khánh ngọc trỗi vậy. Tiếng chiêng vang là khởi đầu điều lý (dàn nhạc). Tiếng khánh ngọc trỗi là kết thúc điều lý (dàn nhạc). Khởi đầu điều lý là việc của bậc trí. Kết thúc điều lý là việc của bậc thánh." (bản dịch của Lý Minh Tuấn – Tứ thư bình giải, KHXB số 888-2010/CXB/45-139/TG, QĐXB số 864/QĐ-TG, Nhà xuất bản Tôn Giáo)
  23. ^ Nguyên văn: 肤清/phu (ngoài da) thanh (trong sáng) và 神清/thần (tinh thần) thanh